Tổng thống Emmanuel Macron sẽ tham dự hội thảo thường niên Vì hòa bình của cộng đồng Sant’Egidio. Điều gì đã đưa Tổng thống đến gần với cộng đồng này?
Phỏng vấn ông Andrea Riccardi, nhà sáng lập cộng đồng Sant’Egidio. STEFANO SPAZIANI / ZUMA PRESS / ZUMA
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2022-10-10
Ngày 24 tháng 10 tổng thống Emmanuel Macron sẽ đến gặp Đức Phanxicô lần thứ ba nhưng khía cạnh nổi bật nhất trong chuyến đi đến Rôma của ông là việc ông dự cuộc họp thường niên của cộng đồng Sant’Egidio về chủ đề hòa bình và đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo. Điều này ở trong đường hướng của một cộng đồng được gọi là “tổ chức Phi chính phủ của Trastevere”, ở mọi nơi trên thế giới, từ Âu châu đến châu Phi với các hoạt động, các hành lang nhân đạo, các hợp tác của cộng đồng Sant’Egidio trước tình hình quốc tế đã mang tính quyết định. Nhưng đó cũng là thành quả của cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp với ông Andrea Riccardi, sử gia và là nhà sáng lập cộng đồng Sant’Egidio, một trí thức công giáo có tầm ảnh hưởng rộng lớn, một người châu Âu dấn thân, người ngưỡng mộ các thần học gia Pháp của Công đồng mà tác phẩm Giáo hội bùng cháy (l’Église brûle, nxb. Cerf) vừa được xuất bản. Một phản ánh sâu sắc về cuộc khủng hoảng của kitô giáo ở Âu châu.
Ông Andrea Riccardi trả lời phỏng vấn của báo La Vie.
Mối quan hệ nào kết nối ông với Tổng thống Pháp, nối cộng đồng Sant’Egidio với ông?
Andrea Riccardi: Tôi xin nói về một cuộc đối thoại cởi mở bắt đầu từ cuộc gặp tại Palazzo Farnese với một phái đoàn của cộng đồng Sant’Egidio nhân chuyến đi đầu tiên của Tổng thống năm 2018 đến Rôma gặp Đức Phanxicô. Tiếp theo là một loạt cuộc gặp về các vấn đề thế giới, đặc biệt là vấn đề Âu châu ở Điện Élysée và một lần nữa ở Rôma. Tôi rất ấn tượng trước sự quan tâm sâu sắc của Tổng thống với các vấn đề thiêng liêng, nó có tác động không những đến đời sống cá nhân của người dân mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Vì xã hội chúng ta – tôi phải nói lên điều này – đang trải qua một khoảng trống lớn về tinh thần nên có khuynh hướng co mình lại và sợ cho tương lai.
Trong quyển sách của ông, ông dành nhiều trang viết về bài diễn văn của tổng thống Emmanuel Macron ở Viện Bernardins tháng 4 năm 2018, ông mô tả như “bàn tay giang rộng”. Nhưng đâu là bản chất của việc này?
Những ai biết một ít về lịch sử nước Pháp sẽ hiểu bài phát biểu của Tổng thống ở Viện Bernardins đánh dấu một bước ngoặt. Khi ông nói, trong chiến tranh, người công giáo chết vì đức tin của họ chứ không chỉ vì đất nước, điều đó chứng tỏ ông hiểu sâu đậm về những gì Giáo hội đại diện cho nước Pháp. Ông hiểu được tầm quan trọng của Giáo hội và kitô giáo với môi trường nhân văn và tâm linh của Pháp và Châu Âu. Một gốc rễ vững chắc không nên cố định trong các tài liệu, nhưng được sống. Điều này có ý nghĩa gì với châu Âu? Nó không có nghĩa là sống cho chính mình mà là sống cho Đấng đã chết và sống lại, và do đó sống cho người khác. Vì vậy, tôi tin rằng bài phát biểu ở Viện Bernardins là bài phát biểu rất quan trọng, không phải vì nó muốn tạo ra một trục giữa Giáo hội và nước Pháp, nhưng vì nó đề xuất một bầu khí cộng tác mới, một bầu khí văn hóa mới. Một cách nói, Nhà nước thế tục không sợ các giá trị tôn giáo, nhà thờ hay tôn giáo, nhưng chủ nghĩa thế tục có thể là nhà của mọi người. Vẫn còn phải xem bài phát biểu này đã được đón nhận như thế nào, và tôi không cảm thấy nó được đón nhận rộng rãi. Có lẽ khi đó Giáo hội bận rộn hơn với những vấn đề khác. Tuy nhiên, bài diễn văn này vẫn còn sinh hoa kết trái. Sự cám dỗ của tín hữu kitô trong Giáo hội châu Âu là lo lắng về các vấn đề nội bộ, như Đức Phanxicô nói, họ ít ra ngoài. Nhưng tương lai không ở việc tái cấu trúc ngôi nhà nhưng ở ngoài đường phố, nơi chúng ta phải đi. Tôi hiểu điều này nghe có vẻ phi lý, nhưng tôi tin như vậy, vì những kinh nghiệm đi ra đã chứng minh có hiệu quả.
Nhưng những người Công giáo ở Pháp và ở châu Âu có cảm giác bị loại ra ngoài, không chỉ vì họ ngày càng nhận ra mình là thiểu số, mà vì họ còn cảm thấy tầm nhìn nhân học của họ đã trở nên bên lề xã hội và lời nói của họ không còn sức mạnh trong các cuộc tranh luận…
Tôi nghĩ rằng người công giáo không nên chịu sự xuống dốc này. Chúng ta phải phân biệt giữa xuống dốc và khủng hoảng. Người công giáo đang trải qua khủng hoảng nhưng đây cũng là cơ hội để tái sinh. Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ. Người công giáo và Giáo hội ở châu Âu và ở Pháp đã quá ngấm tinh thần xuống dốc của toàn xã hội châu Âu nói chung. Nhưng sứ mệnh của Giáo hội không phải người đồng hành của một châu Âu đang suy tàn. Sứ mệnh Giáo hội là sứ mệnh ngôn sứ. Là nhìn vào tương lai với ánh sáng của lời, nghĩa là của ngôn sứ. Điều đó không có nghĩa là hét to lên khi nghĩ ra một tương lai khác với sự tầm thường hiện tại, với chủ nghĩa ích kỷ và cam chịu mà chúng ta đang sống. Một Giáo hội như vậy sẽ hấp dẫn.
Có lẽ chúng ta cũng cần phải suy nghĩ lại về tình trạng thiểu số, vì ở châu Âu, thực tế thiểu số người công giáo đang gánh chịu là kết quả của sự suy tàn trong khi ở dưới các vĩ độ khác, nó giống như sự khởi đầu của một cuộc phiêu lưu mới, nơi mọi thứ vẫn đang được xây dựng!
Tôi tin rằng, trước hết, không nên bao giờ tạo ra một huyền thoại khác như người Âu châu đã làm với các Giáo hội Châu Mỹ Latinh, châu Phi và bây giờ với châu Á. Tình huống ở Âu châu chắc chắn bị đánh dấu qua việc các nhà thờ bị giảm, nhưng chúng ta phải ngừng sống trong tinh thần của một thiểu số suy tàn. Không có bức tường ngăn cách giữa người công giáo và người không công giáo. Một kitô giáo lan tỏa vẫn còn, mà có lẽ chúng ta không hoặc không còn nắm bắt được khi chúng ta không tham gia đối thoại. Chính xác đó là vấn đề. Chúng tôi đã thấy điều này trong đại dịch với các sáng kiến của các tín hữu kitô, chúng tôi thấy điều này khi người Ba Lan tiếp nhận người Ukraine, nhưng chúng ta chỉ nghĩ đến đàn chiên nhỏ bé của chúng ta. Ở Pháp, tôi đã thấy nó nhiều lần.
60 năm Công đồng Vatican II Giáo hội tiếp tục cập nhật như thế nào
Tất nhiên, tôi không ngây thơ về thực tế là các thế hệ lớn lên đã xa Giáo hội. Tuy nhiên, vẫn có một mối quan tâm lớn đến các giá trị tôn giáo, giá trị linh đạo, tình đoàn kết trong Giáo hội… Tôi bắt đầu quyển sách với ngọn lửa bùng cháy ở Nhà thờ Đức Bà Paris: niềm thương cảm lúc đó không phải là thương cảm cho biểu tượng của một tòa nhà. Nó mang một câu hỏi: Giáo hội có cháy không? Và đó là cảm giác toàn xã hội đã trải qua. Và đó là điểm quan trọng với tôi. Nói cách khác, người công giáo Pháp có thể là thiểu số, nhưng thiểu số này không có bức tường bao quanh. Họ là một dân tộc nhỏ, không phải là một khu biệt cư.
Công đồng Vatican II còn lại gì?
Nhưng làm thế nào để ông ra khỏi tinh thần xuống dốc? Có nhiều cách để tồn tại.
Trên tất cả, chúng ta cần nhiệt huyết cho tương lai. Trong một Giáo hội có ít người, nhưng phần lớn là người lớn, người già, ít có người trẻ, nhưng nhiệt thành không phải là chữ bề ngoài, trong tiếng Hy Lạp nó có nghĩa “Chúa ở trong chúng ta.” Chúng ta cùng suy nghĩ về điều này. Ở đây, tôi nghĩ một nhiệt thành mới với Phúc âm là động lực.
Chắc chắn, cấu trúc là quan trọng, nhưng chúng ta không thể chỉ nghĩ đến cấu trúc. Theo nghĩa này, một Giáo hội lôi cuốn hơn, ít cơ cấu hơn phải được tái sinh, một Giáo hội cũng được thành lập trên sáng kiến truyền bá Phúc âm của mỗi cá nhân, một Giáo hội trong Lịch sử. Tôi không muốn nói Giáo hội phải giống như các phong trào lôi cuốn. Họ cũng vậy, sau một thời gian, đôi khi họ cũng bị cám dỗ co mình lại. Nhưng khi chúng ta kỷ niệm 60 năm Công đồng, chúng ta nên trở lại với tinh thần Công đồng. Công đồng là những tài liệu, là sự kiện, nhưng cũng là một tinh thần: tinh thần của một Giáo hội nói cách thẳng thắn hơn và thông cảm hơn với thế giới.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Tổng thống Emmanuel Macron và cộng đồng Sant’Egidio, câu chuyện của một sức hấp dẫn qua về
Cộng đồng Sant’Egidio: những người công giáo này đối thoại với các chúa tể chiến tranh và các nguyên thủ quốc gia
Emmanuel Macron, Đức Phanxicô, Riccardi và các nhà trí thức công giáo
Tổng thống Emmanuel Macron trong buổi khai mạc Diễn đàn Sant’Egidio về hòa bình.