Làm thế nào để Đức Phanxicô cập nhật những gì đang xảy ra ở Ukraine? 

180

Làm thế nào để Đức Phanxicô cập nhật những gì đang xảy ra ở Ukraine?

 

Antoine Mekary | ALETEIA

fr.aleteia.org, Cyprien Viet, 2022-04-12

Kể từ ngày 24 tháng 2, cuộc tấn công của Nga ở Ukraine đã làm cho quốc gia Đông Âu này trở thành trọng tâm chú ý quốc tế, Đức Phanxicô tăng cường các biện pháp can thiệp ủng hộ hòa bình ở đất nước “tử đạo” này. Ngoài các kênh ngoại giao chính thức, mối quan hệ của Đức Phanxicô với Ukraine còn được kết tinh qua sự trung thành thân thiện và thiêng liêng mà đôi khi ít người được biết.

Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, dĩ nhiên Đức Phanxicô luôn được thông báo về tình hình gay cấn ở Ukraine. Ông Andrea Tornielli, tổng biên tập Vatican Media giải thích: “Các nguồn tin có nhiều loại khác nhau, các nguồn ngoại giao, các báo cáo có sẵn của Bộ Ngoại giao của các sứ quán cung cấp, và thông tin do sứ thần gởi đến”.

Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine, giám mục Visvaldas Kulbokas, 47 tuổi là sứ thần trẻ nhất đang tại chức. Sứ thần Kulbokas sinh năm 1974 tại Lithuania dưới thời xô viết, ngài có tuổi thơ ảnh hưởng của Mátxcơva nên hiểu rõ tâm lý người sla-vơ. Trong khi đa số các sứ quán Tây phương rời thủ đô vì Kyiv bị đe dọa đánh bom trong những ngày đầu tiên thì sứ thần Kulbokas vẫn ở lại Kyiv, như truyền thống với các cơ quan đại diện Tòa thánh, kể cả trong thời chiến tranh.

Sứ thần Kulbokas ở Ukraine, “cuộc chiến tranh này có một cái gì đó của Sự dữ”

Nguồn tin của giáo hội và cá nhân

Các nguồn tin cần thiết khác của giáo hoàng là “các nguồn của giáo hội, liên kết với Giáo hội la tinh và Giáo hội công giáo hy-lạp”. Trong số này có các chi nhánh Caritas địa phương. Gần đây một trụ sở Caritas ở Mariupol đã là nạn nhân trực tiếp của cuộc xung đột: 7 người thiệt mạng ngày 15 tháng 3 trong một cuộc tấn công vào văn phòng Caritas ở Mariupol, cảng lớn ở phía đông nam đất nước bị tàn phá nặng.

Bài đọc thêm: Lời kêu gọi của hồng y Tagle sau vụ tấn công vào một trung tâm Caritas ở Mariupol

Và sau đó là “nguồn tin cá nhân” của Đức Phanxicô. Ông Andrea Tornielli giải thích: “Chúng ta đừng quên ngài cử hai hồng y đến Ukraine, hồng y Czerny và hồng y Krajewski. Hồng y Krajewski thêm một lần nữa có mặt tại Ukraine để mang xe cứu thương của giáo hoàng đến. Họ cũng là nguồn tin của giáo hoàng.”

Bài đọc thêm: Hồng y Konrad Krajewski và hồng y Michael Czerny lên đường đi Ukraine

Hồng y Konrad Krajewski và hồng y Michael Czerny lên đường đi Ukraine

Ukraine và Argentina, một gần gũi ít ai biết

Trên máy bay từ Malta về Rôma, Đức Phanxicô cho biết ngài thường xuyên trao đổi điện thoại với người bạn Argentina, nhà báo Elisabetta Piqué, đặc phái viên báo Argentina La Nacion tại Âu châu. Các tin tức của bà từ Lviv, Odessa hoặc Kyiv tường thuật về cuộc chiến được độc giả Argentina rất chú ý, do sự hiện diện mạnh mẽ của cộng đồng người gốc Ukraine ở Argentina: ước tính Argentina có hơn 300.000 người gốc Ukraine, trong đó 100.000 người ở vùng đô thị Buenos Aires.

Do đó, sự hiện diện của người Ukraine lưu vong là gốc rễ  mối liên hệ cá nhân của ngài với Ukraine. Jorge Mario Bergoglio từng giúp lễ theo nghi thức công giáo hy-lạp cho linh mục Stefan Czmil, người Ukraine lưu vong ở Argentina, như ngài tâm sự ngày 6 tháng 7 năm 2019 khi ngài tiếp các thành viên của Giáo hội công giáo hy-lạp: “Tôi mang quý bạn trong lòng (…) qua những lời cầu nguyện tôi đã học và còn nhớ của giám mục Stefan Czmil khi ngài còn là linh mục dòng Salê, ngài dạy tôi khi tôi 12 tuổi, năm 1949, tôi học phụng vụ thánh với ngài ba lần một tuần,” Đức Phanxicô nhắc lại thời kỳ này sau 70 năm, một giai đoạn ít người biết.

Tôi có thể nói, tôi bắt đầu và kết thúc ngày “bằng tiếng Ukraine” khi nhìn Đức Mẹ.

Hiện nay Đức Phanxicô thường xuyên liên lạc với tổng giám mục trưởng Giáo hội công giáo hy-lạp Ukraine, Sviatoslav Schevchuk, người đứng đầu cộng đồng giáo dân có từ bốn đến năm triệu tín hữu. Ông Tornielle kể: “Hai người biết nhau từ những ngày giám mục Schevchuk còn là người công giáo gốc hy lạp gốc Ukraine ở Buenos Aires. Vì thế cả hai có mối quan hệ cá nhân trong một thời gian dài. Tổng giám mục Schevchuk khi đó mới 38 tuổi, được phong giám mục năm 2009 cho cộng đồng người gốc Ukraine ở Argentina, ngài tiếp tục ở đây truyền giáo thêm hai năm trước khi về lại Ukraine và được bầu làm người đứng đầu Giáo hội ở đây.

Mối quan hệ cá nhân của hai người cũng được kết tinh qua việc chiêm ngắm một biểu tượng, Đức Phanxicô nhắc lại trong bài phát biểu ngày 6 tháng 7 năm 2019: “Mỗi sáng, mỗi chiều tôi nhìn tượng Đức Mẹ mà giám mục cho tôi khi ngài rời Buenos Aires để đảm nhận chức vụ tổng giám mục trưởng mà Giáo hội đã giao phó cho ngài. Chính trước bức tượng này mà tôi bắt đầu và kết thúc ngày, giao phó ngài và Giáo hội của ngài cho sự dịu dàng của Đức Trinh Nữ, là Mẹ Maria của chúng tôi. Tôi có thể nói tôi bắt đầu và kết thúc ngày bằng tiếng Ukraine khi tôi nhìn Đức Mẹ.”

Vì thế chúng ta có thể nghĩ, trong nội tâm lời cầu nguyện này, Đức Phanxicô đã nhận thấy sự cần thiết của việc dâng hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria ngày lễ Truyền Tin 25 tháng 3. Một cử chỉ đã mang lại hy vọng cho một Giáo hội tử đạo, đã thoát ra khỏi hầm mộ tử đạo chỉ ba thập kỷ trước, và đã phải trả một giá rất đắt cho lòng trung thành của mình với người kế vị thánh Phêrô.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Dâng hiến nước Nga, thời sự và thần bí