Đức Giáo Hoàng sẽ thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ
cath.ch, I.Media, 2022-03-16
Đức Phanxicô không phải là giáo hoàng đầu tiên thánh hiến nước Nga cho Đức Mẹ
Khi chiến tranh đang tiếp tục ở Ukraine, Đức Phanxicô sẽ thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ trong thánh lễ sám hối ngày 25 tháng 3 năm 2022 tại Đền thờ Thánh Phêrô. Cùng ngày hồng y Konrad Krajewski sẽ cử hành thánh lễ này tại đền thánh Đức Mẹ Fatima.
Kể từ cuộc xâm lược của quân đội Nga ở Ukraine ngày thứ năm 25 tháng 2, Đức Phanxicô đã có nhiều lời kêu gọi chấm dứt “cuộc chiến tàn khốc và những dòng sông máu và nước mắt” đã chảy này. Cho đến lúc này, ngài vẫn chưa nhắc đến tên nước Nga – một thiếu sót có lẽ đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí. Vì thế ngài phá vỡ sự im lặng này bằng một cử chỉ có giá trị thiêng liêng rất mạnh: trong một buổi lễ sám hối Mùa Chay, ngài kết hiệp hai quốc gia phương Đông này, thánh hiến hai nước này cho Đức Trinh Nữ Maria.
Bí mật thứ hai của Fatima
Hành vi này nằm trong truyền thông tiên tri, thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ, đây là một trong ba “bí mật” mà Đức Mẹ nói với các em được thấy Đức Mẹ hiện ra, Lucia dos Santos, Jacinta và Francisco Marto ở vùng đất Cova da Iria năm 1917.
Trong “bí mật” thứ hai, mô tả một cuộc chiến mới còn lớn hơn Thế chiến thứ nhất, Đức Mẹ xin dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ để đất nước này không lan các “lỗi lầm của họ ra khắp thế giới” làm hủy diệt các quốc gia. Đức Mẹ nói: “Nếu yêu cầu của tôi được chấp nhận, nước Nga sẽ trở lại và thế giới sẽ có hòa bình.”
Khi khám phá ra những lời này, Đức Piô XII là giáo hoàng đầu tiên thánh hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ ngày 8 tháng 12 năm 1942 giữa Thế Chiến thứ hai. Tuy nhiên, ngài không đề cập đến nước Nga bằng tên. Mười năm sau, ngày 7 tháng 7 năm 1952, ngài tái thánh hiến trong một tông thư, lần này ngài đề cập đến “tất cả các dân tộc của Nga”.
Trong những thập kỷ tiếp theo, các bí mật nổi tiếng của Fatima tiếp tục khơi dậy niềm nhiệt thành trong Giáo hội. Ngay khi vừa được bầu chọn, các giám mục đã xin Đức Phaolô VI thánh hiến nước Nga cho Đức Mẹ trong thời Chiến tranh Lạnh và ngài đã thực hiện ngày 21 tháng 11 năm 1964. Sau đó, Đức Gioan-Phaolô II thánh hiến thế giới ngày 7 tháng 6 năm 1981 tại Rôma, và ngài sẽ làm lại thêm một lần nữa ngày 13 tháng 5 năm 1982 tại Fatima, ngày 25 tháng 3 năm 1984 tại Quảng trường Thánh Phêrô, cùng với tất cả các giám mục trên thế giới.
Tuy nhiên, những tiếng nói vẫn tiếp tục đặt câu hỏi về những lời cầu nguyện này của giáo hoàng Ba Lan, vì ngài không đề cập rõ đến nước Nga mà chỉ đề cập đến “những người và những quốc gia đặc biệt cần đến sự thánh hiến này”. Năm 2000, khi bí mật thứ ba của Fatima được tiết lộ công khai, hồng y Tarcisio Bertone, lúc đó là thư ký của Bộ Giáo lý Đức tin, đã phản ứng lại những tranh cãi. Trích dẫn một thư năm 1989 của Sơ Lucia, người duy nhất còn sống trong ba em được thấy Đức Mẹ hiện ra, ngài khẳng định mong muốn của Đức Mẹ đã được tôn trọng trong ngày thánh hiến 25 tháng 3 năm 1984.
Thánh hiến hai quốc gia
Như thế sau 38 kể từ lần cuối Đức Gioan-Phaolô II thánh hiến, Đức Phanxicô sẽ thánh hiến lại, theo Vatican loan báo, ngài sẽ nêu tên nước Nga và Ukraine.
Theo linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, người thân cận với giáo hoàng, lựa chọn thánh hiến hai quốc gia này “phủ nhận bất kỳ hình thức nào của Chúa ở cùng chúng ta (‘Gott mit uns’) bằng cách nhắc lại tầm nhìn phi dân tộc chủ nghĩa của đức tin kitô giáo” . Linh mục Spadaro, giám đốc tạp chí Văn minh Công giáo phản ứng trên Twitter: “Mọi một thánh hiến của một quân đội chống quân đội khác là sai trái và báng bổ.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Mẹ Fatima có liên quan gì với nước Nga và Ukraine?