Giáo hoàng và cuộc chiến ở Ukraine, một chính sách ngoại giao đầy rủi ro
Tin tức về Vatican dưới cái nhìn của bà Marie Lucile Kubacki, phóng viên báo La Vie tại Rôma. Cách Tòa thánh cố gắng định vị trí của mình trong cuộc chiến ở Ukraine.
lavie.fr, Marie Lucile Kubacki, 2022-03-09
“Cuối cùng!”, tháng 2 năm 2016, giáo hoàng đã thốt lên khi ngài gặp thượng phụ Mátxcơva Kyrill ở Cuba. Thượng phụ nói lại: “Từ bây giờ mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.” Bức hình hai nhà lãnh đạo tôn giáo, “như anh em” sau một ngàn năm ly giáo đã đi khắp thế giới.
Bài đọc thêm: Cuộc gặp gỡ mắc bẫy của Đức Giáo hoàng với Thượng phụ Matxcơva
Ngoài hình ảnh đẹp, cái gì còn lại của cuộc gặp này? Cuộc chiến ở Ukraine dường như đã xóa bỏ mọi sáo ngữ về một “cái kết có hậu”, trong khi chỉ cách đây vài tuần, mọi người đã bàn tán sẽ có cuộc gặp lần thứ nhì giữa hai người.
Sự khoan hồng của giáo hoàng với Mátxcơva đã có từ năm 2016
Có lẽ cũng cần nhắc lại, ngay từ đầu đã có một bóng đen trên bàn cờ. Nhưng mong muốn cá cược vào hy vọng – đó là sự tiến bộ đáng kể hướng đến sự hiệp nhất kitô giáo – đã thúc đẩy chúng tôi nhìn vấn đề một cách lạc quan.
Có nguy cơ quên hơi nhanh khía cạnh bi quan của nó. Vào thời điểm tuyên bố Havana được hai nhà lãnh đạo tôn giáo ký kết thì chiến tranh đã bắt đầu. Hai năm trước đó, năm 2014, Crimea sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi ở Ukraine và một phần cộng đồng quốc tế; Nga đã bị cáo buộc tiếp sức cho cuộc nổi dậy ở Donbass bằng cách cung cấp vũ khí cho phe ly khai.
Bài đọc thêm: Linh mục Cyril Hovorun nhìn lại chính thống giáo ngày nay
Bằng cách ký vào văn bản Havana, một văn bản không chỉ định kẻ xâm lược, do đó, Đức Phanxicô đã từ chối chấp nhận lập trường của người Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu, trước sự phẫn nộ của một số người cảm thấy ngài đã nhượng bộ Mátxcơva quá nhiều. Người công giáo hy lạp đặc biệt cảm thấy mình bị hy sinh trên bàn thờ của mối quan hệ hợp tác với Mátxcơva.
Trong số những người lên tiếng chỉ trích, nổi bật là tổng giám mục trưởng Giáo hội công giáo hy-lạp (Thống nhất) Ukraine, Sviatoslav Shevchuk. Ngài lấy làm tiếc, Ukraine là sân khấu của một “cuộc xung đột dân sự” chứ “không phải xâm lược của quốc gia láng giềng”, văn bản dùng từ “đối đầu” đã gây tốn kém nhiều về nhân mạng. Kể từ đó, tổng giám mục trưởng không ngừng lên tiếng kêu gọi.
Bằng mọi giá, người công giáo hy lạp đã bị “hy sinh” trên bàn thờ đối thoại
Trong lịch sử đương đại, Ukraine luôn là địa hình nhạy cảm với Vatican. “Năm 2015, cũng như năm 1989, bà Constance Colonna-Césari đã viết trong quyển sách Trong bí mật của Ngoại giao Vatican (Dans les secret de la Diplomatie vaticane, nxb. Seuil, 2016), vẫn cần phải đối thoại khẩn cấp với Mátxcơva. Từ quan điểm này, Kiev có vẻ không xứng đáng cho một cân nhắc lớn có nguy cơ xúc phạm đến sự nhạy cảm của chính thống giáo Nga”.
Tháng 2 năm 2015, các giám mục công giáo hy lạp Ukraine trong chuyến đi ngũ niên ad lumina đã được giáo hoàng đưa ra chỉ dẫn: “Ở cấp độ quốc gia, các cha có quyền bày tỏ suy nghĩ của mình về vận mệnh đất nước. Không phải để thúc đẩy hành động chính trị cụ thể, nhưng để tái khẳng định các giá trị tạo thành yếu tố thống nhất của xã hội Ukraine.”
Trong buổi tiếp kiến chung của ngài cũng trong tháng 2 năm 2015, ngài đưa ra lời kêu gọi hòa bình cho Ukraine bằng cách tố cáo tai tiếng chiến tranh “giữa các kitô hữu” và xin chấm dứt “huynh đệ tương tàn khủng khiếp” ở Ukraine. Lời nói hết sức thận trọng, ngài không nêu tên kẻ xâm lược và không nêu đặc điểm của vụ tấn công.
Chúng ta có thể xem đây là chiến lược ngoại giao tránh căng thẳng leo thang. Như gần đây, theo một cách nào đó, hồng y Quốc vụ khanh nhắc, phải luôn thận trọng, luôn bắt đầu bằng những lời nói có thể thổi bùng tâm trí mọi người. Ở Ukraine, vì thế từng lời nói phải được cân nhắc.
Đức Phanxicô thay đổi tông giọng
Ngày chúa nhật 6 tháng 3 vừa qua, trong buổi Kinh Truyền Tin, Đức Phanxicô dường như đã bước thêm một bước khi ngài tuyên bố: “Tại Ukraine, dòng sông máu và nước mắt đã chảy. Đây không chỉ là một hành động quân sự, nhưng là một cuộc chiến gieo rắc chết chóc, tàn phá và khốn khổ.”
Dù ngài không nói đến từ “Liên bang Nga”, nhưng từ “hành động quân sự”, một thuật ngữ được Nga dùng và từ “chiến tranh”, tự nó nói lên một lập trường.
Những dấu hiệu hỗ trợ nhỏ của Vatican cho Ukraine
Cụ thể, Vatican có thể làm gì cho Ukraine? Trong một phỏng vấn dành cho kênh TV2000 ở Ý, hồng y Pietro Parolin nhắc lại “can thiệp của Tòa Thánh diễn ra ở nhiều cấp độ”. Về mặt thiêng liêng là liên tiếp kêu gọi cầu nguyện cho Ukraine.
Về cấp độ nhân đạo, qua việc cứu trợ của cơ quan Caritas và qua các giáo phận “cam kết tiếp nhận người tị nạn, giống như rất nhiều tổ chức khác”. Và hai hồng y, trong số những người thân cận nhất của giáo hoàng, hồng y Kondrad Krajewski người Ba Lan, trưởng Ban Từ thiện của Giáo hoàng và hồng y Michael Czerny người Canada, tổng trưởng lâm thời Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, chuyên gia về người di cư, đã lần lượt đến biên giới Ukraine-Ba Lan và đến Hungary, để thể hiện sự gần gũi của giáo hoàng với người tị nạn.
Bài đọc thêm: Các Giáo hội kitô giáo bị vướng vào cuộc xung đột ở Ukraine
Ngày thứ ba 8 tháng 3, tại Lviv, hồng y Krajewski đã gặp tổng giám mục trưởng Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo hội công giáo hy-lạp ở Liviv. Giáo hoàng cũng gọi điện thoại cho tổng giám mục Shevchuk cho biết ngài “sẽ làm tất cả những gì có thể.”
Một dấu hiệu quan trọng khác là sự cam kết của nhật báo L’Osservatore Romano chính thức của Vatican. Sự phát triển trong tông giọng của báo đáng được để ý. Kể từ cuối tháng hai, tờ báo đã đưa lên trang bìa những hình ảnh mạnh mẽ. Ngày thứ hai 7 tháng 3 là hình bàn tay đẫm máu ló ra từ tấm chăn đắp tạm, và tiêu đề bằng chữ in hoa, vang lên như tiếng khóc, cảm nhận từ lời kêu gọi của giáo hoàng: “Cơn lốc của máu và nước mắt, XIN QUÝ VỊ DỪNG LẠI!”
“Luân vũ ngoại giao” trên ngọn sóng
Cuối cùng là mức độ trong hành động của Tòa thánh, một đòn bẩy ngoại giao. Hồng y Pietro Parolin “sẵn sàng” với các dịch vụ ngoại giao của Vatican, trong số các nỗ lực khác nhau đang được triển khai trên khắp thế giới. Ngày 8 tháng 3, văn phòng báo chí Tòa thánh cho biết, ngài đã gọi điện cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, Sergei Lavrov, để chuyển đến ông “mối quan tâm sâu sắc của Đức Phanxicô liên quan đến cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, để chấm dứt các cuộc tấn công vũ trang, thiết lập các hành lang nhân đạo cho dân thường và nhân viên cứu trợ, và để thay thế bạo lực vũ khí bằng thương lượng”. Trước đó vài ngày, ngài đã đến sứ quán Nga tại Vatican, một bước đi chưa từng có.
Nhưng địa hình có nhiều rủi ro với Vatican. Vì như giáo sư Yves Hamant, giáo sư danh dự các trường đại học văn minh Nga và Liên Xô, đã trả lời phỏng vấn trên báo La Vie, ông chỉ ra rằng: “Putin chỉ hiểu về cán cân quyền lực. Đặt ông trên một bình diện tinh thần, với ông sẽ không có ý nghĩa. Tha thứ, thương xót… Đó là ngôn ngữ mà ông đùa cợt”. Chúng ta không thể không nghĩ đến câu nói xấc xược của Stalin phát biểu trước nhiều người đối thoại để có được sự thoa dịu về vấn đề tự do tôn giáo ở Liên Xô. Châm biếm về lực lượng quân sự của Vatican, ông hỏi: “Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn?”
Bài đọc thêm: Putin ở đàng sau cuộc gặp của Đức Giáo hoàng và Đức Thượng Phụ Matxcơva không?
Và cuối cùng, như nhà Vatican học Bernard Lecomte đã chỉ ra, về phía Nga, “giáo hoàng, bất kể vị trí cá nhân của mình về chủ đề này, đều bị phán xét và đánh giá, vì nhất thiết ngài được xem là “lãnh đạo” người công giáo hy lạp, thống nhất ở Rôma (Uniates ), và là một trong những người dũng cảm nhất trong việc cự lại sự xâm lược của Nga”. Người công giáo hy lạp đi ra từ những hầm mộ năm 1989, bốn mươi bốn năm sau khi bị Stalin cấm.
Thượng phụ Kyrill hòa nhịp với Điện Kremlin
Thẩm quyền tôn giáo duy nhất đáng kể dưới mắt tổng thống Putin là thượng phụ Kyrill. Tuy nhiên, thay vì tố cáo chính sách của Điện Kremlin, thượng phụ lại kích động, hòa nhịp với tổng thống Putin xem phương Tây là những nước suy đồi. Ông hỗ trợ cho sự xâm lăng của Putin. Trong bài giảng ngày 6 tháng 3, khi bắt đầu Mùa Chay, thượng phụ đã đưa ra lập trường của mình, ông giải thích rằng trong tám năm, chúng ta đã chứng kiến “những nỗ lực hủy diệt” ở Donbass, miền đông đất nước.
Ông nói, trong khu vực gần Nga nhất này, chúng ta sẽ bác bỏ các giá trị được các “cường quốc thế giới” ủng hộ, loại “chính phủ lớn” mà mũi nhọn của họ là cổ vũ đồng tính. Vì vậy, tiêu chuẩn, để bước vào thế giới “quyền lực, hạnh phúc, một thế giới tiêu thụ quá đà, một thế giới tự do hữu hình này” sẽ là thử nghiệm cho lòng trung thành: chấp nhận hay không tổ chức các cuộc diễn hành tự hào là người đồng tính. “Chúng ta biết, nếu ai hoặc quốc gia nào từ chối những yêu cầu này, thì họ sẽ không bước vào thế giới này, họ sẽ trở thành những người xa lạ với nó,” ông khẳng định trong lời nói bay bổng đáng ngờ.
Vào cuối bài phát biểu, thượng phụ kết luận những gì đang xảy ra ở Donbass là “cuộc đấu tranh không mang ý nghĩa vật lý, mà là cuộc đấu tranh siêu hình. Một cuộc thánh chiến? Lời nói không phải là vô hại. Thậm chí lời nói này còn lạnh xương sống khi đây là cuộc chiến trên mặt đất đẫm máu, đang xảy ra chống lại người Ukraine, kể cả con chiên của ông. Nhánh Ukraine của Tòa Thượng phụ Mátxcơva – Giáo hội chính thống Ukraine – đã đưa ra lời kêu gọi khác với lời kêu gọi của giáo chủ của họ trong những ngày gần đây.
Không tố cáo chiến tranh, Thượng phụ Cyril của Mátxcơva xin mọi người cầu nguyện cho hòa bình
Thực sự cắt đứt hay một chiến lược? Còn quá sớm để đánh giá. Hiện tại, có một sự thống nhất đang xuất hiện trong các Giáo hội chính thống ở Ukraine khi đối diện với chiến tranh. Trưởng giáo chủ Onuphre, đại diện cho Giáo hội chính thống Ukraine đã không ngần ngại xem “các hành động quân sự” của Nga trên đất Ukraine là một “bất hạnh lớn”, ông không nói lên tình yêu với tổ quốc Ukraine, ông đi xa hơn khi so sánh chiến tranh với việc Aben bị Ca-in giết. Dù sao phép loại suy là đúng vì huynh đệ tương tàn tác động quá nhiều trong những năm gần đây, đã làm chúng ta quên một thực tế làm lòa mắt: trong huynh đệ tương tàn, phải có người anh em này giết người anh em kia.
Tại Pháp, chủng viện chính thống Nga Épinay-sous-Sénart, một trong hai chủng viện hải ngoại của Tòa Thượng phụ Mátxcơva ở phương Tây – chủng viện còn lại ở Hoa Kỳ – đã có một quan điểm quan trọng trong cuộc chiến Ukraina. Trong một tuyên bố có tựa đề “Chúng tôi không có một phe nào khác ngoài phe của nạn nhân vô tội” được đăng trên trang web của họ, các nhà lãnh đạo chủng viện lên án chủ nghĩa dân tộc là loại hình thức thờ thần tượng. “Chủng viện chính thống Sainte-Geneviève ở Epinay-sous-Sénart, nơi người Nga và người Ukraine đã chung sống hòa thuận trong hơn một thập kỷ, chúng tôi không có phe nào khác trong cuộc chiến này ngoài phe của những nạn nhân vô tội. Chúng tôi tin rằng hòa bình thiết lập công lý, chứ không phải chiến tranh. Và ngược lại, chúng tôi thấy trong bất kỳ lời tuyên chiến nào đều là sự bất công đã tiến bộ. Chúng tôi tin tưởng hoàn toàn vào một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, và vì điều này, chúng tôi tuyên bố không tin vào bất kỳ đế chế nào của loài người, cũng như bác bỏ bất kỳ hình thức chủ nghĩa đế quốc nào.”
“Chúng tôi chỉ thừa nhận sự tồn tại của các quốc gia vì hòa bình và an ninh mà họ mang lại cho người dân mà quyền công dân đích thực theo chúng tôi là trên trời. Vì lý do này, chúng tôi thấy trong tất cả chủ nghĩa dân tộc là một loại hình thức thờ thần tượng. Chúng tôi cầu nguyện để cuộc chiến với những giao tranh, dội bom và hủy diệt này sẽ chấm dứt. Và chúng tôi cầu nguyện để sự tha thứ sẽ khôi phục hòa bình giữa hai dân tộc anh em. Chúng tôi cầu nguyện để tiếng nói của những người xây dựng hòa bình sẽ được các nhà chức trách Liên bang Nga lắng nghe và họ sẽ chấm dứt cuộc tấn công đẫm máu này. Chúng tôi cầu nguyện cho những người đã chết, và chúng tôi sẵn sàng đón nhận, an ủi, động viên những người còn sống”. Cuối cùng, họ kết luận: “Chúng tôi thề sẽ tiếp tục, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi tiếp tục gần gũi trong tình anh em với các dân tộc Nga, Ukraine và Pháp.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: “Thần học chính thống giáo phải được khử-putin hóa và phải loại bỏ những lệch lạc thiên-phát xít”