Cuộc gặp gỡ mắc bẫy của Đức Giáo hoàng với Thượng phụ Matxcơva
slate.fr, Henri Tincq, 2016-02-11
Cuộc gặp giữa Đức Phanxicô và Thượng phụ Kyrill ở Cuba ngày 12 tháng 2 là một điểm rất thuận lợi cho sự xích lại gần nhau giữa Công giáo và Chính thống giáo, nhưng lại tạo ra bất trắc cho Đức Giáo hoàng: ngài thế chấp cho sự thông đồng giữa Putin và Giáo hội quốc gia, cũng như nền chính trị Nga ở Ukraina và ở Trung Đông.
Đó là phong cách của Đức Phanxicô. “Tôi nói với Kyrill: tôi đến bất cứ đâu ngài muốn. Ngài gọi tôi và tôi đến”: Đức Phanxicô nói với một ký giả Nga trên chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ về Rôma vào tháng 11 năm 2014. Lịch bất ngờ, Thượng phụ Kyrill có mặt ở Cuba trong thời gian Đức Phanxicô đến Mêhicô, một trong những nước có nhiều giáo dân công giáo nhất thế giới. Chủ tịch Raul Castro mời Thượng phụ Kyrill đến Cuba vào tháng 2-2016. Phép lạ dưới các chí tuyến! Hai người sẽ gặp nhau ngày 12 tháng 2 ở La Havana.
Nhưng Thượng phụ Kyrill là ai? Là người “khổng lồ” của kitô giáo, bên cạnh Đức Giáo hoàng trên thế giới. Thượng phụ Maxtcơva và theo truyền thống cũ, là thượng phụ của “toàn Nga xô”, ngài đứng đầu 150 triệu giáo hữu chính thống giáo Nga, các giáo hội Nga ở nước ngoài và đại đa số người Ukraina theo chính thống. Vì từ khi được hoàng tử Vladimir thành lập vào năm 988 ở Kiev, Ukraina là chiếc nôi kitô giáo Nga và sự kiện lịch sử-tôn giáo này vẫn còn hiện diện trong cuộc xung đột giữa nước Nga và Ukraina.
Thêm một lần nữa, Đức Giáo hoàng Argentina Dòng Tên dời núi dời non. Từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ và từ khi giải tán Liên bang Xô viết năm 1991, cả Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, không ai làm cho Tòa Thượng Phụ Matxcơva vui lòng, từ đời Thượng phụ Alexis II đến người kế nhiệm năm 2008 là Thượng phụ Kyrill, dù Đức Gioan-Phaolô II là người Ba Lan đảm trách nước Nga, Đức Bênêđictô XVI là người say mê chính thống, bảo thủ về mặt phụng vụ. Tất cả các cuộc hẹn dù đã được khéo léo chuẩn bị, cố gắng tổ chức ở một nơi trung lập – Vienna hay Budapest – đều bị chận bởi sự không nhân nhượng của Matxcơva.
Và người ta đã chứng kiến nghịch lý lạ lùng này, Đức Gioan-Phaolô II, qua đời năm 2005, người mơ giải hòa “hai lá phổi” của kitô giáo, đông phương và tây phương, byzantin và latin, chưa bao giờ có thể gặp nhà lãnh đạo chính thống giáo Nga. Đức Gioan-Phaolô II lại là giáo hoàng đi rất nhiều nước, thăm rất nhiều nguyện đường do thái giáo, hồi giáo, nhưng chưa bao giờ đến một đất nước kitô giáo xưa cổ như nước Nga, nơi có các phong trào bài tây phương, bài công giáo rất mạnh.
Matxcơva đã đóng cửa. Luôn luôn có cùng lý do: tái phục hồi ở Ukraina một Giáo hội Công giáo theo nghi thức byzantin, biểu tượng của “đơn vị hiệp nhất” mà người Nga rất ghét, nhắc lại các cố gắng trong quá khứ của Tòa Thánh La Mã buộc những người chính thống đông phương đã tách ly từ cả ngàn năm “kết hiệp.” Từ đầu những năm 1990, một cuộc chiến tranh tôn giáo từ một thời khác đã bùng nổ ở Ukraina, trong các giáo hội ở Kiev và ở Lvov, giữa người chính thống của Tòa Thượng Phụ Matxcơva và các người công giáo “hiệp nhất”, những người đã bị Stalin bách hại và trung thành với Vatican. Một lời buộc tội khác của Matxcơva: cái gọi là “lôi kéo” của các cộng đoàn công giáo và tin lành ở vùng đất chính thống giáo, là muốn lập tân nước Nga để “tái kitô hóa” một đất nước vô thần vừa thoát khỏi chế độ cộng sản.
Tân “Thánh-Nga”
Đức Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kyrill muốn lật qua một trang khác. Cuộc gặp của họ ở Cuba nằm trong ý muốn xích lại gần nhau giữa tín hữu công giáo và chính thống giáo, đã có từ Công đồng Vatican II cách đây năm mươi năm mà phía Nga, rất nhiều, luôn tỏ ra xa cách. Nhưng người ta không thể không thấy các bất trắc mà Đức Phanxicô có thể có khi ngài thế chấp sự thông đồng, qua năm tháng ngày càng đè nặng giữa chế độ của Vladimir Putin và Giáo hội chính thống ngày càng thần phục hơn.
Đặc biệt làm sao không chia sẻ được nỗi sợ của người Ukraina đang ở trong tình trạng chiến tranh, trước bối cảnh một liên minh “thất thế” giữa Vatican và Matxcơva, mà Đức Gioan-Phaolô II, người cực kỳ bảo vệ cho “hiệp nhất” rất gần với người công giáo Ba Lan, đã rất dè chừng? Làm sao không lo trước cử chỉ thân thiết của Đức Phanxicô đối với một đất nước hùng mạnh như nước Nga, tự hào mình đóng một vai trò lịch sử để “bảo vệ kitô hữu ở Đông phương”, nhưng lại có chính sách chính trị, gây cuộc chiến tranh vừa thiên vị, vừa gây tranh cãi ở Syria.
Vì Thượng phụ Kyrill, từ khi được bầu chọn năm 2009 được Tây phương xem như một nhân vật có tầm vóc, cởi mở và hiện đại, dưới thời Putin đã bước một bước ngoạn mục cho sự hợp tác giữa Nhà nước và Giáo hội Nhà nước của mình. Giáo hội chính thống đòi được đặc cách chuyên về đạo đức và tôn giáo trên tất cả mọi chủ đề, kể cả các chủ đề có tính cách chính trị nhất. Giáo hội đóng vai trò thiết yếu trong việc giáo dục giới trẻ, chống lại nạn ma túy và nghiện rượu, lo cho số phận của các tù nhân, lo việc gìn giữ di sản văn hóa. Giáo hội ban phép lành cho các nhóm đi Tchétchénie hồi đó, và bây giờ là Syria. Giáo hội chính thống cũng chiến đấu để củng cố ảnh hưởng của Nga trong các nước di dân và các vùng ảnh hưởng bên ngoài, chẳng hạn ở Paris, nước Nga vừa mua trụ sở cũ của Đài Khí tượng-Pháp (Météo-France) ở quận VII để xây một Nhà thờ Chính tòa, một chủng viện và một trung tâm văn hóa Nga.
Tầm mức của tôn giáo trong quốc gia được hỗ trợ bởi tinh thần bảo vệ cho sự “văn minh hóa Nga” hay nói theo chữ của họ là “thế giới của nước Nga”. Bài diễn văn của họ thường theo chủ nghĩa dân tộc và bài phương tây, góp phần vào vai trò khai hóa chính thống trong các nước như nước Nga, Ukraina, Biélorussia, dù trong lãnh vực thiêng liêng của Thánh-Nga ngày xưa, thoát thân từ cuộc “rửa tội” của Kiev. Đó là bài diễn văn vẫn còn tiếp tục bây giờ để biện minh cho vai trò lãnh đạo tôn giáo của Nga trên Ukraina, và đặt định một vai trò đặc biệt cho Giáo hội để bảo vệ cho các biên giới của Nga.
Năm 2013, một phát ngôn viên chính thức của Tòa Thượng Phụ, linh mục Tchapline đã tuyên bố như sau: tương lai của Âu Châu không còn tùy thuộc vào Luân Đôn, Paris hay Bỉ nhưng tùy thuộc vào Kiev, Minsk, Matxcơva, Athena hay Bucarest, “các thành phố chính thống giáo này là các trung tâm của đời sống kitô hữu phương đông”. Linh mục giải thích:
“Kiev, Minsk và Matxcơva thì lợi thế cho Âu Châu hơn là Phương Tây lợi thế cho châu lục chúng tôi. Phương Tây đã phản bội các lý tưởng của kitô giáo, đã phản bội Âu Châu, là châu lục được xây dựng trên các lý tưởng kitô giáo và quyền Rôma. Nền văn minh của chúng tôi không được đi theo Phương Tây, một Phương Tây yếu về ý chí, cũng không được đi theo Phương Đông, một Phương Đông yếu về mặt tri thức. Chúng tôi phải kết hiệp ý chí và tri thức, thiêng liêng và thế tục. Chúng tôi có bổn phận thay đổi thế giới này trong mười năm.”
Một diễn văn như vậy minh họa cho sự gãy đổ, trong nước Nga chính thống, giữa người “tự do” thiểu số mở ra với Tây phương, với đại kết (với người công giáo và tin lành) và những người bảo thủ, theo chủ nghĩa quốc gia co cụm, chiến đấu cho sự “tinh tuyền” của đức tin chính thống và tố cáo một Phương Tây “hư nát”, với các phong tục đồi bại (hôn nhân đồng tính). Những người này gạt hết tất cả các đối thoại với các Giáo hội tin lành, mà họ cho rằng quá phóng khoáng (trừ người theo phái Phúc Âm), nhưng họ mơ một ‘liên minh chiến lược” với Vatican, vì Vatican có đường hướng đạo đức thiết tha với xã hội, có đường hướng chống lại sự thế tục hóa của xã hội và chống lại sự buông thả các phong tục.
Putin-Kyrill: liên minh của ngai vàng và bàn thờ
Bài diễn văn của Thượng phụ Kyrill về việc bảo vệ “nền văn minh Nga” đi thẳng vào trọng tâm liên minh của mình với Vladimir Putin. Nhà lãnh đạo Giáo hội chính thống giải thích, khi Putin lên nắm quyền lực sau các năm cầm quyền của Eltsine, thì đất nước đang ở trong tình trạng đổ nát như trong thời kỳ tai biến nhất của lịch sử nước Nga ở thế kỷ thứ 17, cuộc xâm lấn của hoàng đế Napoléon và Chiến tranh Thế giới. Trong một buổi lễ ở Điện Cẩm Linh, Thượng phụ Kyrill đã nói với Vladimir Putin: “Ngài xứng đáng được vinh dự cá nhân là người đã vực được nước Nga một cách thần kỳ.” Và Tổng thống Putin, người siêng năng đi Nhà thờ Chính tòa Chúa Kitô Cứu Chuộc, đã mời Thượng phụ Kyrill ngồi gần ông trong những buổi lễ chính thức, ông giải thích hành động của mình là do món nợ lịch sử của nước Nga đối với Giáo hội, Giáo hội đã góp phần thống nhất quốc gia và cho nước Nga một phần lớn giá trị văn hóa của mình.
Năm 2012, sau vụ “phạm thượng” của nhóm Pussy Riot, các nữ ca sĩ hát nhạc rock đã làm mất trật tự, đã nhảy múa trong Nhà thờ Chính tòa và xin Đức Mẹ đuổi Putin thì Tòa Thượng Phụ phản ứng bằng cách gởi thỉnh nguyện thư cho viện kiểm sát để họ nghiêm phạt tội phạm thượng này. Kyrill đã cho dâng các nghi lễ tôn giáo trong tất cả các Nhà thờ Chính tòa Nga để chuộc lại sự tấn công này, để “bảo vệ đức tin và các điều thánh thiêng”. Nhưng sự thông đồng giữa Giáo hội và Nhà nước càng ngày càng mạnh này, tạo nên những chất vấn và chỉ trích trên các trang mạng trí thức chính thống, nơi một vài linh mục có ảnh hưởng ở Matxcơva và nơi các phong trào giáo dân.
Giáo hội đang mất sự mến chuộng mà họ đã có rất mạnh và rất ảnh hưởng. Từ sự kiện gần với quyền lực chính trị, Giáo hội chịu các hậu quả của sự tranh cãi (thiểu số) chống Putin. Các chỉ trích nhằm chống sự giàu có cá nhân, các tài sản của thượng phụ (thượng phụ xây nhà ở Peredielkino với vòm bằng sứ như nhà thờ Thánh Basile), một nơi ở khác ven bờ Biển Đen hay căn hộ ngài có ở khu vực trung tâm Matxcơva, sở thích xe hơi màu đen sang trọng to lớn Mercedes hay các đồng hồ đắt tiền.
Trên hệ thống truyền thông độc lập, như kênh Dojd hay đài Tiếng vang Matxcơva (Echo de Moscou), trên vài nhật báo hay trên Internet, khi nào cũng có câu hỏi: Giáo hội có bỏ mất cơ hội của mình không? Giáo hội có đang cắt đứt với giới trí thức như đã từng cắt đứt để gây tai họa cho mình vào thế kỷ 19 không? Thật ra, sau khi chịu các bách hại khủng khiếp dưới thời Stalin và dưới thời Khroutchev, Giáo hội cố gắng nép mình lại vào Nhà nước. Giáo hội tìm cách nối lại với một lịch sử huy hoàng và quyền lực.
Với đặc sủng riêng của mình, với tính khiêm tốn, với nguồn gốc ngoài Âu Châu, với lòng tôn trọng người nghèo, người yếu đuối, Đức Phanxicô sẽ nói gì với thượng phụ? Đức Phanxicô và Thượng phụ Kyrill, đó là cuộc gặp gỡ của hai “hành tinh” ở các chí tuyến. Giáo hội Rôma đang ở bước ngoặt và Giáo hội Matxcơva cũng vậy: hoặc họ tiếp tục và có nguy cơ bị ở bên lề, chơi lại bản “giao hưởng byzantin”, có nghĩa là liên minh với ngai vàng và quyền lực, của hoàng đế Putin và Đại Thượng Phụ, lười biếng phớt lờ đi việc đất nước đang xuống cấp. Hoặc họ giữ khoảng cách với một hệ thống tham nhũng: khi đó họ sẽ mất sự hỗ trợ của quyền lực và các ưu đãi về mặt vật chất rất dồi dào nhưng họ sẽ chiếm lại được sư tôn trọng và tin tưởng của quần chúng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch