Tại A-ten, Đức Phanxicô đưa ra hai cây sào để hỗ trợ người chính thống giáo
cath.ch, I. Media, 2021-12-05
Tại Hy Lạp, Đức Phanxicô đưa ra hai cây sào để hòa giải với người chính thống giáo. Tổng Giám mục Jeronymus II tại A-ten ngày thứ bảy 4 tháng 12 năm 2021 | © Keystone
Trong lần Đức Phanxicô gặp Tổng giám mục Jeronymos II ngày thứ bảy 4 tháng 12 , ngài nói lên sự “xấu hổ” của Giáo hội công giáo và xin anh em chính thống của mình tha lỗi. Luật sư Carol Saba, luật sư tại Paris và là Trưởng ban Truyền thông của Hội đồng Giám mục Chính thống Pháp giải thích.
Lời xin tha thứ của Đức Phanxicô với Tổng Giám mục Athens Jeronymos II có mang tính lịch sử không?
Luật sư Carol Saba: Lời xin tha thứ này nằm trong quá trình lịch sử hòa giải giữa thế giới chính thống giáo và công giáo. Tôi nhận ra nơi Đức Phanxicô, ngài là người con thiêng liêng của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, “giáo hoàng nhân hậu”, người biết rất rõ về chính thống giáo, ngài là sứ thần Tòa Thánh ở Bulgaria. Ngài cũng biết Thượng phụ đại kết Athenagoras ở Constantinople. Sự thúc đẩy của Đức Gioan XXIII đã mở con đường dẫn đến cuộc gặp gỡ lịch sử giữa người kế vị ngài, Đức Phaolô VI với Đức Athenagoras tại Giêrusalem năm 1964.
Chúng ta vẫn đang ở trong dòng lịch sử này. Và chúng ta cũng có thể hiểu bối cảnh này theo trình tự lời xin tha thứ của Đức Gioan-Phaolô II năm 2001. Ngài đã long trọng ngỏ lời với Đức Christodule I trong chuyến đi lịch sử đến A-ten.
Luật sư thấy gì đặc biệt trong bài phát biểu của Đức Phanxicô?
Tôi thấy Đức Phanxicô dùng thuật ngữ “xấu hổ” rất hay. Đó là một từ rất mạnh nhắc lại rằng, những quyết định – hay những thiếu sót – của người công giáo trong quá khứ có thể đã đụng chạm và làm tổn thương sự hiệp thông giữa các Giáo hội.
Thêm nữa, tôi thấy Đức Phanxicô kết thúc bài phát biểu bằng cách nói về tính đồng nghị, ngài giải thích Giáo hội công giáo đang bắt đầu tiến trình đồng nghị và chính thống giáo có rất nhiều điều để dạy. Điều này muốn nói đến người chính thống giáo. Tóm lại, hôm nay ngài đã đưa ra hai cây sào lớn cho chính thống giáo.
Tổng Giám mục A-ten, trong bài phát biểu trước bài diễn văn của giáo hoàng, dường như yêu cầu Giáo hội công giáo xin lỗi về thái độ của họ trong cuộc chiến giành độc lập vào đầu thế kỷ 19 của Hy Lạp… Chuyện gì đã xảy ra? Đức Phanxicô có trả lời cho ngài không?
Hy Lạp và văn hóa Hy Lạp là nền tảng của văn hóa châu Âu. Nhưng nghịch lý thay, người Hy Lạp luôn có một e ngại nào đó với phương Tây, như thử có một oán giận nào đó. Đây không phải là câu chuyện mới xảy ra.
Vào năm 1453, khi Constantinople sụp đổ, người Hy Lạp chờ một sự giúp đỡ nào đó của phương Tây và của anh em kitô giáo để chống lại mối đe dọa của Đế chế Thổ. Đầu thế kỷ 19, khi phong trào kháng chiến và giải phóng dân tộc ở Hy Lạp bắt đầu nổi lên, họ cũng mong muốn nhận sự giúp đỡ của phương Tây để có thể kháng cự và ly khai khỏi Đế chế Thổ. Trong phong trào giải phóng này, Giáo hội công giáo không tham dự. Đó là điều mà Tổng giám mục A-ten muốn ám chỉ.
Đây không phải là một cái gì đó trung lập để có thể đề cập đến một cách rõ ràng. Chúng ta biết thế giới chính thống giáo đang bị căng thẳng, đang đi qua các trào lưu. Có nhiều chỉ trích về chuyến đi này của Đức Phanxicô trong nội bộ Giáo hội Hy Lạp.
Ngoài ra, chúng ta thấy trong bài phát biểu của tổng giám mục Jeronymos II, ngay từ đầu ngài đã nói rõ, chuyến đi của giáo hoàng là chuyến đi cấp Quốc Gia. Nước Cộng hòa Hy Lạp mời giáo hoàng chứ không phải Giáo hội chính thống mời. Bắt đầu bài phát biểu như thế này không phải là không quan trọng. Nó có thể đưa ra một số chứng cứ nào đó.
Hai nhà lãnh đạo tôn giáo đã nói về người di cư, nhưng quan điểm của họ dường như khác nhau. Tổng giám mục A-ten có hoài nghi về bài phát biểu của Đức Phanxicô về vấn đề di cư không?
Nhìn từ A-ten, tình huống không giống như nhìn từ Rôma. Tổng giám mục A-ten tập trung bài phát biểu của mình vào khía cạnh chính trị của vấn đề di cư. Dĩ nhiên sự đón nhận, tình huynh đệ và lòng bác ái là những điểm được cả hai Giáo hội tiếp nhận và chia sẻ. Điều này không có gì phải bàn cãi. Nhưng lời của Đức Jeronymos II nằm ở cấp độ chính trị. Ngài muốn nói về những rủi ro của việc công cụ hóa dòng người di cư, đặc biệt ngài nêu lên thái độ của người Thổ Nhĩ Kỳ.
Tôi nghĩ ngài muốn nói sự thật. Vấn đề di cư không chỉ là vấn đề nhân đạo mà nó còn là vấn đề chính trị. Chính thống giáo Hy Lạp đã nhận thức được chiều kích này, vì họ sống thực tế hàng ngày với dòng người di cư. Vì thế chúng ta thấy nó hiện diện nhiều hơn trong bài phát biểu của ngài hơn là bài của Đức Phanxicô.
Có nên xem đây là lời chỉ trích ẩn giấu bài phát biểu của Đức Phanxicô không?
Tôi nghĩ vậy. Vì một bên là có lý tưởng, bên kia là phải trách nhiệm và đối diện với thực tế của dòng người di cư. Đức Tổng Giám mục nhắc lại, phải tính đến tất cả các thách thức của vấn đề di cư – chẳng hạn trên lãnh vực địa chính trị và địa chiến lược. Câu hỏi về “bom người” và ván bài của Thổ Nhĩ Kỳ trước Liên minh châu Âu về người di cư đáng được phân tích.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Ở Hy Lạp, chuyến đi rất chính trị của Đức Phanxicô
Đức Tổng Giám mục Jéronymos II cám ơn “Người Anh Em Giáo hoàng Rôma”