Hội nghị COP26: Sự hiện diện của Đức Phanxicô sẽ có tác động rất lớn
Trong một phỏng vấn với hãng tin Ý I. Media, bà Franca Giansoldati, nhà vatican học xác định, Đức Phanxicô có một quyền lực mềm “to lớn” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bà lấy làm tiếc ngài vắng mặt tại Hội nghị Khí hậu Liên hợp quốc COP26, sẽ khai mạc tại Glasgow ngày 31 tháng 10 năm 2021.
cath.ch, I. Media, 2021-10-28
Bà Franca Giansoldati xuất bản một quyển sách về Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti’ *. Bà nhấn mạnh trong thời điểm này, Đức Phanxicô đưa ra một “nền tảng” cho Giáo hội và còn hơn thế nữa.
Vì sao giáo hoàng rất được mong chờ ở Glasgow, cuối cùng lại không đến đó?
Bà Franca Giansoldati: Tôi ngạc nhiên về quyết định này. Chúng tôi biết ngài đã phải đi, đó là chuyến đi trong ngày để khai mạc sự kiện. Sau đó, chúng tôi được biết phái đoàn sẽ do hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin dẫn đầu. Nhưng vẫn chưa có lời giải thích chính thức nào. Tôi đã cố gắng tìm hiểu, nhưng không nhận được câu trả lời nào có thể thuyết phục. Tôi được biết ngài quyết định không đi vì lễ Các Thánh đòi hỏi ngài có mặt ở Rôma. Nhưng lý do này có vẻ vô lý với tôi. Người ta cũng nói cho tôi biết, đó là vấn đề tổ chức. Tôi còn nghe một giả thuyết thứ ba, mà tôi không thể xác nhận: giáo hoàng không đi vì ngài chỉ có vai trò bên lề. Nếu như thế, tôi nghĩ đây là một quyết định sai lầm, vì sự hiện diện của ngài ở Glasgow sẽ có tác động rất lớn, tác động mang tính quyết định. Sự vắng mặt của ngài vẫn là một bí ẩn lớn, đó là bí ẩn khó hiểu nhất trong năm. Tôi hy vọng Vatican sẽ làm sáng tỏ điều này.
Theo bà, lời của Đức Phanxicô ở Glasgow có được đón nhận không?
Chính tự hình ảnh của giáo hoàng – có thể là Đức Phanxicô hoặc một giáo hoàng khác – mang tính biểu tượng mà không thể thay thế bằng một phái đoàn, ngay cả ở cấp cao. Giáo hoàng có tác động chính trị vì Giáo hội vẫn là một sức mạnh, một động lực của thế giới. Chúng ta nhận nơi ngài một “quyền lực mềm”, một khả năng có ảnh hưởng đến việc khơi dậy lương tâm, đặc biệt chúng ta đã thấy trong những tháng gần gần đây. Đúng vậy, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Thủ tướng Pháp, Thủ tướng Đức, Tổng thống Ai-len, Thủ tướng Ý đã đã đón nhận cam kết của ngài.
Chúng ta nhớ năm 2015, bà Ségolène Royal, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Sinh thái của Pháp đã xin ngài xuất bản sớm Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’ cho kịp Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu được tổ chức ở Paris vài tháng sau đó. “Quyền lực mềm” của giáo hoàng đã được công nhận.
“Các thông điệp xã hội này đã phát động một công việc nền tảng vô cùng to lớn”
Sáu năm sau khi xuất bản Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’, điều gì đã thay đổi?
Giống như một động cơ diesel cần phải làm nóng trước khi sang số, cỗ máy Giáo hội khởi động rất chậm. Nhưng khi Giáo hội bắt đầu lên đường thì Giáo hội đi tới đàng trước và không bao giờ đi lui. Tác động của Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’ có thể so sánh với thông điệp xã hội đầu tiên Tân Sự, Rerum Novarum của giáo hoàng Lêô XIII được công bố năm 1891. Vào thời điểm mà châu Âu đang gặp khó khăn với những vấn đề xã hội to lớn, thông điệp này đã đặt con người vào trọng tâm. Các nguyên tắc của nó từ từ thấm nhuần: sau một vài năm, các ngân hàng bình dân, các hợp tác xã để bảo đảm quyền lao động bắt đầu ra đời, và tất cả những điều này đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của các nước châu Âu.
Cũng vậy, Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’ đã gây tiếng vang khi mới được xuất bản. Bây giờ có vẻ như chúng ta không còn nghe nói nhiều về thông điệp này, nhưng thực tế mọi thứ đang dần thay đổi trong các giáo phận. Ngày càng có nhiều giáo xứ ở Ý và Đức có được nguồn năng lượng bền vững. Con đường này không được đăng lên trang đầu của các báo, nhưng nó ở đó. Những thông điệp xã hội này đã phát động một nền tảng to lớn, ý thức tiến bộ, dựa trên sự chuyển động từ hạ tầng để thách thức và thay đổi các chính sách thượng tầng.
Đôi khi Đức Phanxicô được xem là “giáo hoàng xanh”. Cuộc đấu tranh này có mới trong Giáo hội không?
Đức Phanxicô là giáo hoàng của Laudato si’, nhưng khi ngài đến Vatican năm 2013, các giáo hoàng tiền nhiệm của ngài đã làm việc về vấn đề này. Đức Phaolô VI, vào cuối những năm 1960 là giáo hoàng đầu tiên nói về môi sinh. Tiếp đó Đức Gioan-Phaolô II cũng có nhiều bài phát biểu về sinh thái học. Trong vòng 26 năm triều giáo hoàng của ngài, trong những chuyến tông du của ngài, ngài đã chứng kiến tận mắt biến động của các hệ sinh thái, đặc biệt là nạn phá rừng. Ngài muốn làm một tài liệu về chủ đề này, nhưng các nhà khoa học vẫn còn chia rẽ về nguyên nhân con người gây ra biến đổi khí hậu.
Đức Bênêđictô XVI có hai bài phát biểu quan trọng ở Brazil và ở châu Phi, nhưng ngài có những ưu tiên khác, môi sinh không phải là trọng tâm chính của ngài. Đức Phanxicô nắm chủ đề này trong tay. Ngài tập hợp các chuyên gia lại và viết thông điệp của ngài, một thông điệp sẽ còn nói trong 200 năm nữa, bởi vì nó đề cập một cách hữu cơ đến vấn đề chính của chúng ta: sự sống còn của con người.
* Những người canh giữ Tạo dựng. Cứu trái đất với Laudato si’ (Custodi del createo. Salvare la Terra con la Laudato si’, Franca Giansoldati, nxb. San Paolo)
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch