Phi hành gia Jean-François Clervoy: “Nhân loại một ngày nào đó sẽ phải học cách sống ở nơi khác”

146

Phi hành gia Jean-François Clervoy: “Nhân loại một ngày nào đó sẽ phải học cách sống ở nơi khác”

Trong khi phi hành gia Pháp Thomas Pesquet sẽ bay lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) ngày thứ sáu 23 tháng 4, phi hành gia Pháp Jean-François Clervoy nhớ lại ba chuyến bay ngoài không gian mà ông đã thực hiện từ năm 1994 đến 1999. Một trải nghiệm phi thường, đã mở ra trong ông những suy ngẫm sâu sắc về Tạo dựng, thần thánh hay tương lai của con người trong Vũ trụ.

la-croix.com, Malo Tresca, 2021-04-22

Con của một phi công chiến đấu, khi còn nhỏ, phi hành gia Jean-François Clervoy đã mơ “đi vào không gian để thấy Trái đất từ xa.” Manuel Pédoussaut / ESA

Báo La Croix: Từ nước Pháp, ông đã tháp tùng  phi hành gia Thomas Pesquet trong chuyến đi đầu tiên của phi hành gia này lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) giữa năm 2016 đến tháng 5 năm 2017. Ông trải nghiệm như thế nào khi tháp tùng từ xa trong một chuyến phiêu lưu như vậy?

Phi hành gia Jean-François Clervoy: Ngay trước khi lên không gian, phi hành gia Thomas Pesquet đã bị cách ly và ông rất tập trung. Khi khởi hành, nhà du hành vũ trụ đã làm những gì ông đã chuẩn bị hàng tháng, thậm chí cả hàng nhiều năm: ông biết ngày đó, giờ đó, ông sẽ mặc bộ đồ của mình, kiểm tra khả năng thông tin, làm lại các cử chỉ đã lặp đi lặp lại trong quy trình mô phỏng.

Trong tận thâm tâm, ông rất phấn khích, nhưng nhất là phải tập trung, vì khi bay lên không trung, ông không thể phạm sai lầm. Khi đó rất năng động. Nếu có thể chuyển đổi năng lượng cơ học do các động cơ của tên lửa phát triển thành năng lượng điện, chúng ta có thể cung cấp điện cho gần như toàn bộ nước Pháp. Tôi đã từng chứng kiến tám lần bay lên của các đồng nghiệp, nhưng lần nào tôi cũng rơm rớm nước mắt. Vì thế tôi chẳng có thể làm gì khác hơn là để xúc cảm dâng trào trước cảnh tượng rực rỡ, ồn ào, sôi động này.

Chúng ta có nên sợ cho những người bay lên không gian không?

Chúng tôi ý thức có rủi ro, khoảng 1% xác suất mất mạng sống trong các chuyến đi vào không gian. Trong các nghề của những phạm vi khó khăn khủng khiếp như không gian, cần có các chuyên gia biết chính xác những gì họ đang gánh chịu. Chập mạch, rò rỉ nhiên liệu, cần điều khiển không phản hồi… Trong quá trình đào tạo, chúng tôi được đào tạo để giải quyết các vấn đề: 70% thời gian huấn luyện là để giải quyết các sự cố, một cách vô thức, xây dựng một xác tín, dù có gì xảy ra chúng tôi cũng có thể giải quyết được.

Bản thân ông đã hoàn thành ba nhiệm vụ trong không gian. Làm thế nào ông chấp nhận tách rời khỏi trái đất?

Là con của một phi công chiến đấu, khi còn nhỏ, tôi đã mơ được vào không gian không trọng lực để có thể nhìn Trái đất từ xa. Khi tôi lên11 tuổi là bắt đầu các chuyến đi đầu tiên của phi thuyền Apollo lên mặt trăng. Trong những năm học kỹ sư, tôi bị cuốn hút bởi khả năng phát minh, thiết kế và chế tạo những bộ máy được gởi đi đôi khi cả hàng tỷ cây số.

Tôi nghĩ, cách nào đó, các phi hành gia là những nhà thám hiểm. Như Thuyền trưởng Kirk của bộ phim nổi tiếng Star Trek – người hùng vĩ đại của tôi! – đã nói, nhiệm vụ của chúng ta là đi đến nơi mà chúng ta chưa từng đến. Khám phá không gian đáp ứng bản năng hiếu kỳ, một ý chí của con người muốn nâng cao kiến thức của mình. Phi hành gia là người muốn đóng góp vào một trong những nhiệm vụ cao quý nhất của nhân loại: đó là kiến thức. Họ biết những gì họ sắp sống trong không gian, những khoảnh khắc ảo giác của cảm giác và cảm xúc.

Ông cảm thấy gì khi bay lên? Có đáng sợ không, có sảng khoái không?

Nó ít có tính cách thể lý nhiều như chúng ta tưởng tượng. Cánh tay của chúng tôi rất nặng, rất khó để điều khiển các công tắc, nhưng tất cả mọi người đều có thể chịu đựng được. Ngược lại, về mặt tâm lý, chúng tôi biết mình sẽ làm một điều gì đó rất điên rồ, rất nhanh với tốc độ 28.000 cây số / giờ. Giây phút khi bắt đầu bay lên thì cực kỳ mạnh. Sau hai phút, là đã ở trên bầu khí quyển. Bầu trời đen kịt, ngay cả giữa ban ngày. Sau tám phút rưỡi, là đã thường xuyên ở trong quỹ đạo. Và ở đó, chúng tôi nhìn ra cửa sổ: Trái đất thật huy hoàng, đẹp đến khóc được.

Và khi hạ cánh, khi cơ thể về với trọng lực thì sao?

Khi đi về thì tương đối khó nhọc vì tai trong bị mất định hướng. Tôi cảm thấy rất nặng, như cân nặng gấp trăm lần trọng lượng của mình. Trong không gian, chúng ta quên mình có một cơ thể. Chúng tôi là một ý thức trôi nổi. Khi trở về, chúng tôi cảm thấy rất lóng ngóng, vụng về, buồn nôn. Bạn sẽ chưa muốn quay trở lại ngay và thấy mình mất thói quen sống trên Trái đất. Nhưng áp suất cuối cùng cũng bay, và khi đó là nhẹ nhàng. Một cảm xúc tự hào tràn ngập tâm hồn vì mình đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ.

Ông trải nghiệm sự cô đơn trong quỹ đạo như thế nào?

Chúng tôi ở trong một môi trường kín, không rò rỉ. Bên ngoài là trống rỗng. Không ai có thể giúp đỡ chúng tôi ngay lập tức về mặt thể lý. Nhưng chúng tôi thường xuyên liên lạc qua radio với các chuyên gia ở mặt đất, và chúng tôi có thể gọi cho gia đình. Cảm giác cô đơn sẽ nhiều hơn nếu con tàu ở xa Trái đất, như ở trên sao Hỏa chẳng hạn.

Ông nói, “nếu tất cả mọi người đều có thể lên vũ trụ, thì họ sẽ chăm sóc hành tinh của mình”…

Trên đó, cái nhìn sẽ khoảng 2500 cây số xung quanh. Mỗi ngày có 16 chuyến bay vòng quanh thế giới. Cứ mỗi 45 phút, là thay đổi ánh sáng theo ngày/đêm và theo mùa. Nó rất đẹp, năng động, trên nền đen của vũ trụ. Khi đó chúng tôi rất xúc động. Và tiếp đó, chúng tôi không thể không so sánh hành tinh với con tàu vũ trụ, hữu hạn, với sự hạn chế về nguồn hỗ trợ…

Những kinh nghiệm này có làm cho ông phát triển về mặt thiêng liêng không?

Trước cảnh tượng như vậy, câu hỏi về Sáng tạo nảy sinh rất mạnh. Chúng tôi có cảm tưởng đứng trước một bức tranh đẹp nhất trong các bức tranh được các họa sĩ vĩ đại nhất vẽ… Trái đất đầy tương phản, đầy màu sắc. Tầm nhìn của bầu khí quyển ở bên rìa của nó, cực kỳ mỏng, làm cho chúng tôi nhận thức được sự mong manh của đời sống. Những chuyến bay này đã làm cho tôi đặt nhiều câu hỏi về điều thiêng liêng, về vai trò và sứ mệnh của con người. Tôi không cảm nhận mình là người có lòng tin, nhưng tôi xác tín trong tận tâm hồn, có một cái gì cao cả hơn, rằng chúng ta không chỉ giới hạn trong xác thịt, trong vật chất, theo các luật của vật lý.

Năm 2011 và năm 2017, Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô đã từ Vatican nói chuyện với các phi hành gia ở Trạm Không gian Quốc tế để thảo luận về tương lai của con người trong không gian. Ông cảm hứng gì về điều này?

Trong lịch sử, khoa học thường tiến bộ nhờ tôn giáo. Một tu sĩ người Bỉ đã triển khai lý thuyết Big Bang, vụ nổ lớn. Chúng ta cũng có thể nhớ lại giai thoại của nhà vật lý thiên văn vĩ đại Stephen Hawking, ông đã nói với Đức Gioan-Phaolô II: “Sau vụ nổ lớn, tôi muốn ngài là người có câu trả lời, nhưng trước hết, đó là việc của chúng tôi!” Tôi nghĩ chúng ta không nên tách biệt khoa học, nghệ thuật và tôn giáo. Không dẫm chân lên địa hạt của người khác, nhưng quan trọng là phải cởi mở với các cuộc thảo luận và suy luận của nhau.

Xã hội đã sẵn sàng để dự trù việc sống và chết trên một hành tinh khác chưa?

Tôi nghĩ, một ngày nào đó, số phận của nhân loại phải học cách sống ở một nơi khác. Bắt đầu với sao Hỏa, dù sẽ ở trong một bầu khí quyển nhân tạo. Trong gần bốn tỷ năm nữa, Trái đất sẽ trở nên không thể ở được. Chúng ta may mắn có một trí thông minh có thể giúp chúng ta đi đến những nơi khác. Phải làm chủ các góc cạnh của không gian-thời gian để du hành đến đó mà không cần phải lạm dụng năng lượng quá nhiều. Chúng ta vẫn còn ở xa điều này. Tuy nhiên, giữa trí tưởng tượng và các quy luật vật lý, chúng ta có thể nghĩ đến việc du hành giữa các vì sao. Không phải ngày mai, cũng không phải ngày kia. Ngay cả trong thế kỷ này, nhưng không có lý do gì để cấm chúng ta không hình dung nó trong lịch sử của nhân loại…

Phi hành gia Jean-François Clervoy, cựu chiến binh của ba nhiệm vụ trong không gian, sinh năm 1958 tại Moselle, có tước vị kỹ sư tại trường Cao đẳng Kỹ thuật năm 1981, tốt nghiệp trường Cao đẳng Không gian. Năm 1985, ông được chọn làm phi hành gia và được đào tạo tại Star City ở Nga, năm 1992 ông gia nhập đội phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA).

Các chuyến du hành vũ trụ. Năm 1994 và 1997, ông tham gia hai chuyến bay trên tàu con thoi Atlantis, và chuyến thứ ba năm 1999 để sửa chữa Kính viễn vọng Hubble trên quỹ đạo của tàu con thoi Discovery. Tổng cộng, ông có 675 giờ trong không gian.

Năm 2018, ông không còn ở trong đội phi hành gia Châu Âu , ông là chủ tịch danh dự của công ty Novespace, diễn giả và chuyên gia tư vấn.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Phi hành gia Philippe Perrin: “Tôi đi vào vũ trụ với tượng Đức Mẹ trong túi”

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận: “Chúng ta là hạt bụi của các vì sao”

“Tôi hoàn toàn tin chắc có một dạng sự sống sống khác ở một nơi khác”