Cuộc gặp lịch sử giữa Đức Phanxicô và Đại Giáo Trưởng Al-Sistani
parismatch.com, Ban biên tập cùng với AFP, 2021-03-06
Ngày thứ bảy 6 tháng 3, Đức Phanxicô có cuộc gặp lịch sử với Đại Giáo Trưởng Al-Sistani. Ngài nói ngài đến Iraq như “người hành hương vì hòa bình”. Về phần Đại Giáo Trưởng Al-Sistani, ngài nói cam kết của ngài để tạo “hòa bình” và “an ninh” cho tín hữu kitô ở Iraq.
Sau cuộc gặp với Đại Giáo Trưởng ở thành phố Najaf thiêng liêng của người shi’a. Đức Phanxicô tiếp tục cuộc hành trình: ngài đến hành hương ở vùng đồng bằng Ur, quê hương Tổ phụ Abraham ở miền nam Iraq, tại đây cùng với các lãnh đạo các tôn giáo khác, ngài cầu nguyện cho “tự do” và “hiệp nhất” để chấm dứt chiến tranh và “khủng bố”.
Và Đức Phanxicô đã đến đồng bằng sa mạc, nôi sinh của ba tôn giáo đơn thần mà năm 2000 Đức Gioan-Phaolô II đã rất mong muốn đến nhưng đã bị chính phủ của Tổng thống Saddam Hussein ngăn cản.
Đức Phanxicô, người luôn giang tay ra với các tôn giáo khác đã mang đến đây nét riêng của ngài: trong buổi cầu nguyện liên tôn giáo, ngài đã cầu nguyện với các nhà lãnh đạo người yazidi (một dân tộc thiểu số nhỏ ở Iraq bị ISIS tàn sát dữ dội), với cả người sabêen, người thờ thần hỏa zoroastria, các cộng đồng công giáo đã có từ hàng bao nhiêu thế kỷ trước, cũng như với người hồi giáo shi’a và sunni.
Đại Giáo Trưởng Al-Sistani cam kết vì hòa bình và an ninh cho tín hữu kitô ở Iraq
Trước đó, nhà lãnh đạo của 1,3 tỷ tín hữu công giáo trên thế giới đã nói chuyện trong gần một giờ với Đại Giáo Trưởng Al-Sistani, biểu tượng của gần 200 triệu người shi’a ở Iraq và các nơi khác trên thế giới.
Cuối cuộc họp kín, đây là một trong những cuộc họp tôn giáo quan trọng nhất lịch sử, Đại Giáo Trưởng Al-Sistani đã nói với Đức Phanxicô, ngài cam kết đảm bảo “hòa bình, an ninh và tất cả các quyền hợp hiến” cho tín hữu kitô ở Iraq.
Cộng đồng kitô hữu của Iraq là một trong những cộng đồng lâu đời nhất thế giới, cộng đồng này đã bị thu nhỏ lại từ 20 năm nay, đã từ 1,5 triệu tín hữu xuống còn khoảng 400.000 người, do tác động của bạo lực, nghèo đói và bệnh dịch địa phương của đất nước.
Tín hữu kitô thường phàn nàn vì họ không được Nhà nước hỗ trợ khi họ phải đương đầu với các dân quân, các chính trị gia chiếm nhà hoặc đất đai của họ và họ ít có khả năng tìm được việc làm như những người khác.
Ngoài trường hợp của các tín hữu kitô, vào ngày thứ nhì của chuyến lịch sử lần đầu tiên đến Iraq, Đức Phanxicô đã nói chuyện lâu dài về các cuộc chiến tranh đã không ngừng chia cắt đất nước và Trung Đông trong 40 năm qua.
Đức Phanxicô tố cáo chủ nghĩa cực đoan. Ngài nói: “Sự thù nghịch, chủ nghĩa cực đoan và bạo lực (…) là những điều phản tôn giáo. Và tín hữu kitô chúng ta, chúng ta không thể im lặng khi khủng bố lạm dụng tôn giáo”, năm 2014 nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng (ISIS) đã chiếm 1/3 đất nước Iraq.
Ngay ngày đầu tiên khi đến Iraq, thứ sáu 5 tháng 3, Đức Phanxicô đã nhắc, hành động tàn bạo xấu xa nhất đã giáng xuống trên người yaziđi. Quân khủng bố đã giết hàng ngàn đàn ông yazidi, cưỡng bức trẻ em đi lính và bắt hàng ngàn phụ nữ làm nô lệ tình dục. Liên Hiệp Quốc đã lên án đây là “tội ác diệt chủng”
Ngoài ra, có hơn 6.400 người yaziđi đã bị ISIS bắt cóc, một nửa số này vẫn còn bị mất tích. Tại Ur, Đức Phanxicô cho biết, ngài đã cầu nguyện “để họ nhanh chóng được trở về”.
ISIS cũng đã tàn phá đất nước Syria láng giềng, điều mà Đức Phanxicô đã đề cập nhiều lần trong các bài phát biểu của ngài kể từ hôm thứ sáu.
“Tiến trình đi từ xung đột đến hiệp nhất”
Chúng ta phải “đi từ xung đột đến hiệp nhất“ ở “toàn bộ Trung Đông”, đặc biệt là ở Syria, “đất nước bị tử vì đạo”, và thêm một lần nữa, ngày thứ bảy, ngài đã xin mọi người cầu nguyện cho Syria.
Một ngày trước đó, trong bài phát biểu trước nhà chức trách ở Bagdad, ngài đã đề cập đến Syria, nơi mười năm trước, một cuộc nổi dậy của dân chúng đã biến thành thành chiến tranh toàn bộ trên đất nước. Dù có hơn 387.000 người thiệt mạng, các cuộc đàm phán được tiến hành dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một tiến triển nào.
Và, như ngài đã yêu cầu ở Maroc, một quốc gia hồi giáo khác ngài đã quyết tâm đến thăm, ngài đã biện hộ để có được “tự do lương tâm và tự do tôn giáo”.
Ngài nói: “Các quyền này phải được tôn trọng và công nhận ở mọi nơi vì đó là những quyền cơ bản”.
Tự do lương tâm là quyền tin hoặc không tin, nhưng cũng là quyền có tự do được trở lại đạo mình muốn. Tự do tôn giáo, một thuật ngữ tổng quát hơn, đặc biệt là quyền tuyệt đối thờ phụng của một người mà họ không bị cản trở.
Sau đó, ngài rời đồng bằng Ur để về lại thủ đô Bagdad, tại đây lần đầu tiên ngài cử hành thánh lễ bằng nghi thức phụng vụ Can-đê ở nhà thờ Thánh Giuse thủ đô Bagdad, cuộc gặp đầu tiên của ngài với các tín hữu công giáo ở Iraq.
Ở quận trung tâm của Karrada, nơi có nhà thờ Thánh Giuse, các khối bê-tông chận đường và lực lượng an ninh được tăng cường.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Những rủi ro của một chuyến đi và “nghĩa vụ” của sự hiện diện
Quyết tâm đi Irak của Đức Phanxicô
Đức Phanxicô trao đổi với Đại Giáo Trưởng Al-Sistani trong năm mươi phút
Đức Phanxicô, cha xứ một buổi chiều ở nhà thờ chính tòa Can-đê, Bagdad
Hình ảnh buổi gặp giữa Đức Phanxicô và Đại Giáo Trưởng Al-Sistani ngày thứ bảy 6 tháng 3
Bức hình lịch sử trong buổi gặp liên tôn giáo ở vùng đất Ur ngày thứ bảy 6 tháng 3, Đức Phanxicô chào từng đại diện các tôn giáo một.