“Đức tin giúp tôi sống bình an nội tâm dù bên ngoài không có hòa bình”
fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2021-03-04
Cô Anan Alkass Yousif (mặc áo màu trắng, hàng trước bên phải) và các bạn trẻ ở Baghdad đang chờ Đức Phanxicô @ Facebook / AAY
Anan Alkass Yousif: “Tôi quyết định ở lại Iraq”
“Tôi quyết định ở lại Iraq, nơi, sứ mệnh của tôi là ưu tiên hàng đầu của tôi”, Anan Alkass Yousif, giáo sư văn chương Anh tại Đại học Bagdad và là giáo dân Dòng Trinh nữ thánh hiến, Ordo virginum của giáo phận la-tinh Bagdad. Cô nói về sự dấn thân của cô và của gia đình, và cách làm thế nào để cô vẫn ở lại Iraq dù có những biến động lịch sử đau đớn và bạo lực.
Cuộc phỏng vấn độc quyền với trang Zenit.
Zenit: Anan Alkass Yousif, Giáo hội công giáo la-tinh này chỉ là một “nhóm nhỏ” ở Iraq…
Cô Anan Alkass Yousif: Giáo hội công giáo la mã ở Iraq theo nghi thức la-tinh, là một trong những nhóm kitô giáo nhỏ nhất ở Iraq. Đây là cộng đồng công giáo duy nhất ở Iraq cử hành nghi thức phụng vụ bằng ngôn ngữ chính thức của đất nước, đó là tiếng Ả rập. Ngôn ngữ Ả rập cổ điển thực sự đã được dùng trong thánh lễ la-tinh, trong khi các Giáo hội Đông phương dùng ngôn ngữ phụng vụ cổ của họ, tiếng Can-đê và tiếng Syria. Chỉ có hai giáo xứ công giáo trong cả nước, ở Bagdad và ở Erbil. Chúng tôi được sự hỗ trợ của Dòng Truyền giáo Ngôi Lời Nhập Thể, các nữ tu Dòng Mẹ Têrêxa, các Tiểu muội Chúa Giêsu – Charles de Foucauld -, Dòng Cát Minh, nam nữ tu sĩ Dòng Đa Minh và cả các trinh nữ thánh hiến trên thế giới. Nhóm nghi thức la-tinh không có chương trình đặc biệt trong chuyến thăm của Đức Phanxicô nhưng chúng tôi sẽ có mặt trong các cuộc gặp với ngài và dĩ nhiên chúng tôi háo hức được chào đón ngài.
Cô mong chờ gì trong chuyến đi lịch sử của Đức Phanxicô đến Iraq?
Đối với tôi, cũng như với các tín hữu kitô ở đây, chuyến đi của ngài là một hồng ân. Chúng tôi chờ chuyến đi lịch sử này đã 20 năm: chúng tôi không còn cảm thấy mình bị quên lãng vì đất nước chúng tôi đã được Đức Thánh Cha và cả thế giới công nhận. Nhờ chuyến thăm của ngài, cá nhân tôi cảm nhận có thêm động lực để tiến về phía trước với tất cả những gì tôi làm cho đất nước và cộng đồng nhỏ của tôi. Ngài đến, sứ điệp yêu thương, hòa bình, và tình huynh đệ của Chúa Giêsu sẽ được thực hiện. Bằng cánh tay đưa ra cho toàn dân Iraq, ngài sẽ cho thấy ý nghĩa của việc có một Giáo hội “đi ra ngoài”, ý nghĩa của việc đi đến “vùng ngoại vi”. Đối với tôi, dường như chuyến thăm này giống chuyến thăm của Mẹ Maria với bà Isave. Vị mục tử lớn tuổi áo trắng này, qua từng bước suy nghĩ chín chắn đã đến gặp chúng tôi như người hành hương đến vùng đất đau thương của các người tử đạo, của tổ phụ Áp-ra-ham, để cho chúng tôi thấy ngài là một người trong số chúng tôi, là thành phần của chúng tôi. Sự hiện diện của ngài là sự hiện diện của lòng trắc ẩn, của tình âu yếm và dịu dàng của Chúa. Ngài sẽ giúp chúng tôi đổi mới đức tin, để chúng tôi tiếp tục là chứng nhân của Chúa Giêsu trên đất nước này, nơi chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ nhưng rất phong phú cho nhiều người.
Thật sự, chúng tôi cám ơn Đức Phanxicô hết lòng, vì cả trước khi ngài đến, ngài đã thúc đẩy đức tin chúng tôi, đã làm cho chúng tôi cảm nhận chúng tôi được yêu thương nhiều hơn, đã cho chúng tôi can đảm để làm chứng cho Giáo hội nhỏ bé của chúng tôi ở Iraq, một Giáo hội luôn sống động.
Cha mẹ của cô vừa kỷ niệm 53 năm ngày cưới: cô và gia đình đã trải qua những giai đoạn đau thương như thế nào trong lịch sử Iraq?
Các tín hữu kitô của Iraq là những người dân đầu tiên của đất nước. Vì thế ngay từ khi sinh ra, chúng tôi đã nhận được ơn đức tin. Gia đình đã gieo tình yêu Chúa Giêsu sâu đậm vào lòng tôi, ý thức về sự hiện diện của Chúa giữa chúng tôi và tầm quan trọng của việc đặt mọi sự trong tay Chúa. Điều làm cho chúng tôi có được bình an nội tâm khi bên ngoài không có hòa bình, đó là đức tin của chúng tôi vào Chúa. Với phần thừa kế quý giá mà chúng tôi đã nhận từ cha mẹ, chúng tôi đã sống cả đời trong niềm tin chúng tôi không cô đơn một mình. Sinh ra trong một đất nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh từ năm 1980 đã giúp chúng tôi sống hòa bình nội tâm, dù khi bên ngoài không có hòa bình, đó là nhờ đức tin vào Chúa. Nhờ thừa kế quý giá mà chúng tôi nhận được từ cha mẹ, chúng tôi đã sống cả đời với niềm tin chúng tôi không cô đơn. Trong tất cả những lúc khó khăn của chiến tranh, khủng bố, xung đột chính trị và tôn giáo chúng tôi đã trải qua, chúng tôi đã có lòng dũng cảm nội tâm bất chấp nỗi sợ hãi xung quanh. Nhưng tôi không phủ nhận, chúng tôi vẫn còn sợ vì không có gì là ổn định ở đây. Chúng tôi chưa bao giờ có kinh nghiệm sống trong hòa bình hoàn toàn là như thế nào. Vì thế cha mẹ tôi dù đã rất lớn tuổi, cuối cùng cũng phải rời đất nước để sống với chị em tôi ở Canada. Còn tôi, tôi quyết định ở lại Iraq, sống sứ mệnh của một trinh nữ thánh hiến, và giáo sư đại học, đó là ưu tiên của tôi. Đối với tôi, ở lại đây mà không có gia đình là làm theo ý Chúa dành cho tôi, dù là người Iraq hay là kitô hữu, cuộc sống ở đây vẫn gặp nguy hiểm. Thánh Phaolô đã nói: sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi.
Sự dấn thân của cô vào Giáo hội Bagdad ngày nay là gì?
Là trinh nữ thánh hiến, tôi được gọi để phục vụ Giáo hội của tôi, tôi cố gắng dùng tài năng Chúa ban để phục vụ Ngài. Vì thế tôi nhận trách nhiệm ca đoàn của nhà thờ chính tòa, phòng thánh, tôi là giáo lý viên và tôi đồng hành với các bạn trẻ trong tiến trình đào tạo tâm linh của họ. Tôi ở trong khuôn viên nhà thờ, tôi có một căn hộ nhỏ ở đây. Vì thế tôi đơn giản sống kinh nghiệm ở nhà thờ để sống trong căn nhà của Chúa Giêsu. Theo tôi, đáp lại lời kêu gọi của Chúa có nghĩa là làm chứng cho tình yêu của Ngài. Ngài đón nhận tôi và Ngài là căn nhà của tôi. Vì vậy, việc phục vụ Giáo hội của tôi chỉ đơn giản là sống tình yêu hỗ tương giúp tôi có sức mạnh để tiến về phía trước và làm chứng cho đức tin và hy vọng của tôi vào Chúa Giêsu.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Iraq: Mỗi sáng, cô bé hồi giáo Sara đến cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức
Gặp linh mục người Anh Benedict Kiely có trái tim cho người Irak
Safa Al Alqoshy, thanh niên tuyến đầu chống Covid tại Irak chuẩn bị đón Đức Phanxicô