Tâm lý bất ổn, đại dịch làm thuyết âm mưu mạnh thêm

119

“Tâm lý bất ổn, đại dịch làm thuyết âm mưu mạnh thêm”

lemonde.fr, Elisabeth Berthou, 2021-02-06

Một đầu óc sống theo trực giác, ít quan tâm đến phân tích, tuân theo những niềm tin vô căn cứ vốn là nền tảng cho các thuyết âm mưu. Giáo sư Thierry Ripoll, nhà nghiên cứu tâm lý học nhận thức mổ xẻ cơ chế này trong quyển sách “Tại sao chúng ta tin?”.

 

Giáo sư tâm lý học nhận thức tại Đại học Aix-Marseille, thành viên Phòng thí nghiệm tâm lý học nhận thức và giám đốc Trung tâm đào tạo các nhà tâm lý học của giáo dục quốc gia, Thierry Ripoll là tác giả của quyển sách Tại sao chúng ta tin? xuất bản vào tháng 10 năm 2020 (Pourquoi croit-on? nxb. Sciences humaines).

Le Monde: Giáo sư đã phân biệt niềm tin và niềm tin vô căn cứ. Đâu là sự khác biệt?

Giáo sư Thierry Ripoll: Từ “niềm tin” có nhiều nghĩa. Trong câu “Tôi tin rằng trời sẽ mưa,” hoặc “Tôi tin vào sự bất tử của linh hồn,” từ “tin” ở đây mang một nghĩa khác. Những niềm tin không có cơ sở, khi niềm tin này là đối tượng của sự tuân thủ nghiêm ngặt, dù không có dữ liệu thực nghiệm hoặc lập luận lý thuyết nào để dựa lên. Trường hợp về niềm tin tôn giáo thì rất đáng lưu ý: niềm tin này đã cấu trúc lên tất cả các nền văn hóa, mặc dù không có dữ liệu thực nghiệm để xác nhận. Các niềm tin không có cơ sở thường là nguyên nhân của sự xuyên tạc thế giới dẫn đến sự xuyên tạc thực tế. Từ đó, các quyết định, lựa chọn, hành vi xuất phát từ những niềm tin này có nguy cơ làm tổn hại con người và xã hội.

Nhưng, một niềm tin vô căn cứ có thể mang đến lợi ích. Đó là trường hợp các nghi lễ. Khi bị stress, nhiều người nghĩ rằng nghi lễ giúp được họ hơn. Chúng ta thấy điều này trong các sân vận động: một số vận động viên làm dấu thánh giá, người khác chắp tay, v.v. Nghi thức không có tác dụng, nhưng niềm tin vào sức mạnh thì có, vì nó giúp điều chỉnh một cách tích cực trạng thái não bộ của người tin, làm cho họ tin tưởng hơn, vì thế hiệu năng hơn. Đây thực sự là hiệu ứng của giả dược.

Những yếu tố nào thúc đẩy niềm tin vô căn cứ?

Tôi có thể thấy ba yếu tố. Thứ nhất là văn hóa và xã hội học: có nhiều khả năng đây là trường hợp của một xã hội toàn những người tin, hơn là xã hội toàn những người hoài nghi. Thứ hai là liên hệ đến mức độ tín ngưỡng của gia đình. Thứ ba là tình trạng tâm lý tình cảm của đương sự: các đặc điểm nhân cách và bệnh lý góp phần vào sự phát triển niềm tin. Yếu tố cuối cùng này tự nó phụ thuộc vào môi trường: một tình huống căng thẳng, cảm giác mất kiểm soát hoặc không còn hiểu về vũ trụ của mình, có xu hướng tạo ra niềm tin vô căn cứ. Cuối cùng, cách xử lý thông tin mang tính quyết định: đó là chiều hướng nhận thức phụ thuộc vào những thông tin được nêu ra trước đó. Để đưa ra một ví dụ, người ta chứng minh cho thấy, một sự thay đổi trạng thái tinh thần có thể làm đương sự có một lối xử lý thông tin làm cho người đó phát triển những niềm tin vô căn cứ.

Cách bộ não của chúng ta xử lý thông tin nhận được là quyết định…

Mỗi con người có hai hệ thống xử lý thông tin: trực quan và phân tích. Trực quan là nhanh, ít cần đến nguồn lực nhận thức, và nó áp đặt một cách tự nhiên. Nó là cơ sở cho hầu hết các thiên kiến lý luận. Lý luận, gần hơn với quan điểm tiến hóa, được viện đến khi chúng ta cố gắng hiểu vũ trụ của mình: nó là cơ sở của khoa học và triết học. Nó khó khăn, đòi hỏi cố gắng nhận thức và tương xứng với trình độ đào tạo mà một người đã nhận được. Càng có nhiều người sử dụng hệ thống trực quan, càng có nhiều khả năng phát triển niềm tin vô căn cứ.

Thật không may, sức mạnh của trực giác có thể dẫn đến những giải pháp và kết luận xấu nhất. Đó là trường hợp của tháng 3 năm 2020, khi ông Donald Trump tranh cãi về tỷ lệ tử vong của Covid-19 do Tổ chức Y tế Thế giới, WHO, đưa ra dựa trên “trực giác” của ông: một tổng thống viện đến quá nhiều vào hệ thống trực quan của mình là mối nguy hiểm thực sự cho toàn cầu.

Làm thế nào mà những thiên kiến lý luận củng cố niềm tin?

Trong số rất nhiều thiên kiến, cái được gọi là “nhảy đến kết luận” là việc xác nhận một giả thuyết khi có quá ít dữ liệu thực nghiệm. Các thử nghiệm cho thấy những người tin thường là nạn nhân của thiên kiến này hơn là những người hoài nghi. Ngoài ra, những cá nhân kết luận quá vội vàng cũng gặp khó khăn khi bỏ một niềm tin mà họ đã dựng lên, khi người ta cho họ thấy có các thông tin trái ngược khác. Khi đó, họ có thể kiên trì với niềm tin đã được duy trì dù đã có những phản bác rõ ràng, sự kiên trì này càng được tăng khi thông tin trên mạng xã hội được truy cập quá dễ dàng.

Một thiên kiến khác, đó là “tính đồng bộ” liên hệ đến việc tìm các giải thích nhân quả, mà chức năng chính và thiết yếu của bộ não Tinh khôn (Sapiens) là hiểu thế giới. Khi hai sự kiện độc lập được xem là hiếm lại cùng lúc xảy ra, chúng ta có xu hướng thiết lập mối quan hệ nhân quả. Ngoài ra, con người rất khó hiểu chuyện tình cờ, họ thường giải thích các hiện tượng ngẫu nhiên như nó không ngẫu nhiên. Thiên kiến này là nguồn gốc của nhiều niềm tin. “Như thể tình cờ” là điệp khúc của người theo thuyết âm mưu muốn nói đến liên hệ nhân quả ẩn giấu hoặc che giấu.

Giáo sư cũng nghiên cứu đến sự gắn kết vào các “tín ngưỡng ma thuật”…

Chúng phát sinh từ sự nhầm lẫn giữa những gì thuộc về thể chất và những gì thuộc về tinh thần. Trong quá trình phát triển, một đứa bé học cách phân biệt giữa các vật thể vô tri và các hình ảnh động – những sinh vật sống, là sinh vật có tiềm năng có trạng thái tinh thần và ý định. Trong khuôn khổ của niềm tin, có một kiểu thụt lùi về giai đoạn sơ sinh, nơi kết hợp sai lầm các phạm trù thể chất và tinh thần. Sự nhầm lẫn thể loại này là trọng tâm của nhiều tín ngưỡng. Vì vậy, trong số những lời giải thích về nguyên nhân đại dịch, chúng ta đã nghe những câu “Trái đất đang trả thù con người bằng cách áp đặt Covid lên con người.” Đó là tiêu biểu của niềm tin ma thuật. Các nhầm lẫn thể loại giải thích xu hướng tự nhiên của chúng ta là phóng chiếu tinh thần vào những gì tinh thần không có.

Các tín ngưỡng bắt nguồn từ bệnh lý không?

Tín ngưỡng là tự nhiên, và tất cả tín ngưỡng đều can thiệp cùng các quá trình giống nhau, nhưng đôi khi ranh giới giữa bình thường và bệnh lý rất tinh vi. Chúng ta lấy ví dụ một tu sĩ và một người bị tâm thần phân liệt, cả hai đều nghe những tiếng nói: trong trường hợp đầu tiên, chúng ta sẽ thấy đó là bình thường, nhưng trong trường hợp thứ nhì, chúng ta sẽ cho đó là bệnh lý. Trong cả hai trường hợp, đó là ảo giác. Người ta cũng cho thấy khi một tu sĩ hay người tâm thần phân liệt nghe tiếng nói, những tiếng nói này được tạo ra bởi một phần não liên quan đến ngôn ngữ. Do đó, sản xuất bên trong do hoạt động của não được bên ngoài nhận ra, cho thấy sự không có khả năng phân biệt những kích thích do nó tạo ra với những kích thích mà nó cảm nhận được. Ngoài ra, các dấu hiệu sinh học của rối loạn chức năng cũng đã được xác định, chẳng hạn chất dopamin: dopamin hoạt động quá mức sẽ kích hoạt việc xuất hiện các niềm tin.

Từ đâu có một số loại tính cách dễ tin theo thuyết âm mưu?

Chắc chắn yếu tố hoang tưởng đóng một vai trò: thuyết âm mưu luôn là một ngụy-thực tế tiêu cực và nguy hiểm. Nhưng để kích hoạt nó, nó phải bị môi trường làm xáo trộn. Thuyết âm mưu và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo dẫn đến các hành vi bù đắp nghiêm trọng. Nếu đối tượng thấy mình gặp khó khăn về tâm lý, không thể hòa nhập với xã hội hoặc đau khổ vì vị trí xã hội của mình, họ sẽ phát triển một thế giới quan để giải thích cho căn bệnh của mình: vì thế đau khổ nội tâm mang một ý nghĩa. Ngoài ra, điều này làm cho người theo thuyết âm mưu hài lòng khi nghĩ mình hiểu những gì người khác không hiểu. Vì vậy, người theo thuyết âm mưu rất tích cực trên mạng xã hội, họ cho rằng nếu những gì họ kể bị cho là lầm lạc là vì người khác bị “mụ.” Chúng ta đừng quên những người theo thuyết âm mưu là những người tự hào mình là người khai sáng. Do đó, họ thỏa mãn lòng tính tự mê bao la của mình và thấy mình được bù đắp.

Như thế thuyết âm mưu đóng vai trò điều chỉnh trong hệ tâm lý?

Chắc chắn rồi. Chúng ta lấy trường hợp đại dịch tạo căng thẳng và cảm giác mất kiểm soát, được mạnh thêm vì bị hạn chế tự do. Đó là tâm lý làm mất thăng bằng rất nặng. Hiện tượng khổng lồ hàng loạt này củng cố cho bầu khí vây quanh thuyết âm mưu, vì nó là cách để bù đắp cho sự xáo trộn đã gây ra. Kẻ chủ trương thuyết âm mưu ở vị thế giải thích những gì đang xảy ra, lý do của đại dịch này. Và điều này giúp cho một loại cân bằng tâm hệ mà chúng ta cần trong một thời kỳ như vậy.

Giáo sư đưa ra một sự việc gần đây: khoa học đã trở thành mục tiêu…

Tôi rất lo lắng cho sự ngờ vực, được các người lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy ngày nay khai thác và chắt lọc một cách thông minh nhắm vào khoa học. Vào đầu thế kỷ XX, nhà bác học Einstein là anh hùng của toàn thế giới. Ngày nay, không có nhà khoa học nào được xác nhận như vậy. Trên mạng xã hội, tính hợp lý của khoa học bị nhiều người đặt vấn đề vì khoa học bị cho như một phần của “hệ thống”. Vì luận điệu của chủ nghĩa dân túy để bài-hệ thống là xác định một sức mạnh mà  khoa học chiếm một vị trí quan trọng, nhiều người trong số họ bác bỏ khoa học, vì thế có nguy cơ dẫn đến thuyết tương đối, vừa có tác động làm mất thăng bằng vừa rất nguy hiểm.

Chúng ta có thể làm giảm những niềm tin vô căn cứ xuống thành thuyết âm mưu không?

Điều này rất khó vì chúng tạo ra những nội dung có các chức năng tâm lý được xác định rõ ràng; đó là những chiếc nạng tuyệt vời. Đối đầu trực diện dẫn đến việc củng cố họ! Nếu tôi tấn công vào niềm tin, tôi đang lạm dụng thiết bị mà đương sự dựng lên để sống còn về mặt tâm lý, và điều này lại còn có thể dẫn đến cực đoan hóa hơn nữa. Ngay cả một khái niệm hoang tưởng như chủ nghĩa phẳng (tin rằng trái đất là phẳng) cũng không thể bị mất ổn định một cách hiệu quả khi đối diện với bằng chứng thực nghiệm. Khả năng duy nhất là làm sao để người tin tự hỏi về các quy trình được đặt ra để tin. Đặt câu hỏi về nguồn gốc của một niềm tin sẽ hiệu quả hơn là đặt câu hỏi về giá trị của nó.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Truyền thông và những âm mưu: “Có một sự xuống tinh thần thực sự đằng sau những lý thuyết gây lo lắng này”

Thuyết âm mưu: “Đức tin của chúng ta không bao gồm các điều ẩn giấu”