Joe Biden có thể cứu công giáo Hoa Kỳ khỏi phái cực hữu không?
newyorker.com, Paul Elie, 2021-01-22
Chủ nghĩa công giáo phi giáo điều của tổng thống Biden khiến người ta so sánh ông với Đức Phanxicô, người đã làm các giám mục truyền thống Mỹ phật ý như Biden đã làm. Ảnh của Mindy Schauer / Digital First Media / Getty.
Một vài giờ sau khi những kẻ kích động do tổng thống Donald Trump xúi giục xông vào Điện Capitol, bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện đã phát biểu trước các đại diện được triệu tập, cũng như trước một số lượng lớn khán giả trên truyền hình. Bà tố cáo “cuộc tấn công đáng xấu hổ vào nền dân chủ Mỹ”, và Hạ viện sẽ kết thúc việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden với đại cử tri đoàn. Bà Pelosi vốn là người công giáo, bà chuyển sang nói về tôn giáo. Bà nhắn nhủ,“Hôm nay, ngày 6 tháng 1, ngày lễ Hiển Linh. Vào ngày mặc khải này, chúng ta cầu nguyện để việc kích động bạo lực sẽ mang lại mặc khải cho đất nước cần được chữa lành của chúng ta”. Bà trích dẫn lời cầu nguyện thường được cho là của Thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa, xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù; đem trông cậy vào nơi thất vọng”, ông Biden cũng thường trích lời cầu nguyện này. Trước đó ba tuần, khi phiếu đại cử tri đoàn được chứng nhận lần đầu, ông cũng đã dâng lời cầu nguyện: “Xin đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem tin kính vào nơi nghi nan; đem ánh sáng vào nơi tối tăm” – lời này như lời tuyên bố cho sứ mệnh nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Những lời kinh này nói lên một sự thay đổi đáng kinh ngạc. Trong bốn năm qua, hàng triệu người công giáo theo chủ nghĩa truyền thống đã biến Donald Trump, người nổi tiếng xấu xa, ly dị hai lần, không màng gì đến tôn giáo, làm đại diện cầm cờ cho họ. Bây giờ những người công giáo tiến bộ đang đặt hy vọng vào ông Biden, tổng thống công giáo thứ nhì sau tổng thống John F. Kennedy. Việc đều đặn đi dự thánh lễ ngày chúa nhật, những chuyến thăm mộ người vợ đầu tiên và con gái (thiệt mạng trong vụ tai nạn xe năm 1972), và thói quen mang tràng chuỗi trong mình được xem là biểu tượng cho đức tin sâu đậm của ông. Việc tranh cử lúc đã cao niên, tính cách ôn hòa và cách cư xử đúng đắn của ông đã làm nhiều người so sánh ông với Đức Phanxicô – ngay cả khi tân tổng thống ủng hộ quyền phá thai và hôn nhân đồng tính đã làm cho giám mục chủ tịch hội đồng giám mục Mỹ thành lập một “nhóm làm việc” để xem xét các quan điểm của ông, một số giám mục tuyên bố ông phải bị từ chối rước lễ. (Trong chiến dịch tranh cử, Biden đã quay lại chống Tu chính án Hyde, cấm sử dụng quỹ liên bang để hỗ trợ việc phá thai, sau nhiều thập kỷ ngầm ủng hộ.)
Không nói đến tràng hạt, một Joe Biden trường phái cũ là kiểu người công giáo linh hoạt, có tư tưởng công giáo độc lập, mà nhiều giám mục đã dành cả sự nghiệp của họ để chỉ mặt đặt tên – và nhiều người Công giáo tiến bộ xem là một người tương đồng với mình. Trong một quyển sách mới, tác giả Massimo Faggioli Joe Biden và công giáo ở Hoa Kỳ (Joe Biden and Catholicism in the United States)., giáo sư thần học người Ý ở Đại học Villanova gần Philadelphia, nhận xét: “Nhiệm kỳ tổng thống của Biden không chỉ tạo những kỳ vọng về chính trị mà còn cả tôn giáo, thậm chí còn có tính cách cứu vớt. Bây giờ tổng thống người công giáo này còn được kêu gọi giải quyết những thiệt hại về mặt đạo đức mà ông Trump, đại dịch và toàn cầu hóa đã gây ra cho đất nước.”
Các sự kiện xảy ra vào ngày 6 tháng 1 đã nâng tầm cho sự cứu vớt và nhiệm vụ của Biden trở thành “người hòa giải chính.” Với cuộc bầu cử vào Thượng viện của mục sư Raphael Warnock, mục sư giáo phái Baptist ở Georgia, một số người xem đây là chủ nghĩa tiến bộ tôn giáo đã định hình cho phong trào dân quyền. Người công giáo hy vọng Giáo hội, với thẩm quyền đạo đức dù bị mất uy tín trong các vụ lạm dụng tình dục, một lần nữa có thể trở thành một nhân tố đáng tin cậy trong các vấn đề quốc gia – rằng Giáo hội có thể chống lại những “tư tưởng thây ma” (danh từ tác giả Faggioli gọi chúng ) của chủ nghĩa Dân tộc kitô. Hy vọng chính quyền Biden sẽ phục hưng công giáo Hoa Kỳ, và ngược lại.
Người công giáo trước đây đã tìm kiếm sự hội tụ chính trị giữa Rôma và Hoa Kỳ, và văn hóa chính trị hiện tại một phần được định hình bởi những khát vọng như vậy. Năm 1987, mục sư Richard John Neuhaus (1936-2009), giáo phái Luther (sau đó trở lại công giáo) tuyên bố, “thời điểm công giáo” trong đời sống công chúng Mỹ gần kề. Chính quyền Reagan đã thống nhất chủ nghĩa bảo thủ chống cộng sản của tổng thống với chủ nghĩa bảo thủ của Đức Gioan-Phaolô II, người sau chuyến tông du tại 9 thành phố ở Mỹ đã ở trên tầm cao ảnh hưởng của ngài lúc đó. Tổng giám mục giáo phận New York, hồng y John O’Connor, uy tín như bất kỳ thượng nghị sĩ hay thống đốc nào. Antonin Scalia (1936-2016) đã ngồi ở ghế Thẩm phán Tối cao. Nhờ các nỗ lực của Đức Gioan-Phaolô II, công giáo được đồng nhất mạnh mẽ với cuộc đấu tranh cho tự do chính trị và nhân quyền ở Ba Lan bị Liên Xô kiểm soát. Linh mục Neuhaus xem thời điểm này là một trong những thời điểm mà Giáo hội công giáo La Mã ở Hoa Kỳ sẽ đảm nhận “vai trò chính đáng của mình”. Mang đến “một triết lý tôn giáo chung nắm được tình trạng” cho cái mà ngài xem là một xã hội dân sự không nhất quán, suy đồi và xã hội dân sự trong những năm sáu mươi.
Từ đó, chủ nghĩa chính trị thần quyền bảo thủ (theoconservative) đã định hình đường lối chính trị của Đảng Cộng hòa nhờ mạng lưới rộng lớn bao gồm các nhân vật chính trị, các nhà hoạch định quan điểm, các học giả và các nhà từ thiện. Nó đã tự chống lại việc xem tôn giáo là vấn đề riêng tư, được thấy trong bài phát biểu của thống đốc Mario Cuomo đọc năm 1984, khi ông là thống đốc bang New York, trong đó ông giải thích, là người công giáo, ông nghĩ phá thai là sai nhưng ông không thể áp đặt niềm tin của mình trên cử tri.
Những người theo chủ nghĩa chính trị thần quyền bảo thủ xem thường quan điểm này. Theo họ, một người công giáo khi có đời sống trước công chúng phải công khai khẳng định đức tin của mình, cố gắng tuân thủ chính sách công với giáo lý Giáo hội, và bác bỏ quan điểm cho rằng sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước buộc các công chức phải gác lại đức tin khi đi làm.
Ngày nay, các biểu hiện bên ngoài cho thấy một thời khắc công giáo khác đang ở trong tầm tay. Sáu trong số chín Thẩm phán Tòa án Tối cao là người Công giáo. Bà chủ tịch Hạ viện Pelosi cũng vậy. Ít nhất tám người được đề cử trong Nội các của Biden cũng công giáo. Nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez cũng vậy. Tuy nhiên, các điều kiện gắn kết thì đã thay đổi đáng kể. Giáo hội mà tất cả những người này thuộc về đều bị chia rẽ như chính đất nước của họ và nền chính trị Hoa Kỳ hiện đang tràn ngập triết lý “tôn giáo là vấn đề công”, bất chấp chủ nghĩa chính trị thần quyền bảo thủ lên án (theo lời cựu Tổng chưởng lý William Barr, một người công giáo đã nói năm 2019) “sự phá hoại có tổ chức” của cánh tả đối với tôn giáo truyền thống.
Việc bổ nhiệm bà Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao đã làm thay đổi rõ rệt. Bà Barrett là người công giáo lớn lên ở Louisiana, tốt nghiệp trường trung học công giáo dành cho nữ sinh và Trường L uật ở đại học Notre Dame, sau này bà là giáo sư luật ở đây. Từ khi còn nhỏ, bà ở trong hội Giáo dân Cầu nguyện (People of Praise), một phong trào công giáo với cơ cấu đặt thành viên nữ dưới quyền của nam giới. Một người theo chủ nghĩa truyền thống – được Tổng giám mục giáo phận New York Scalia đỡ đầu, bà công khai phản đối việc phá thai hợp pháp – bà là ứng cử viên trong mơ của chủ nghĩa chính trị thần quyền bảo thủ tại Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, tại các phiên điều trần xác nhận của bà cả ở Tòa án phúc thẩm Hoa Kỳ, vào năm 2017 và Tòa án tối cao, vào tháng 10 vừa qua, bà đã giữ lập trường như Andrew Mark Cuomo mà những người theo chủ nghĩa chính trị thần quyền công giáo bảo thủ đã chế giễu từ lâu: bà nhấn mạnh đến “xác tín cá nhân” và “đường lối chính trị” của bà sẽ không ảnh hưởng đến các phán quyết của bà. (Nhưng thứ ba tuần trước, bà đã cùng với năm Thẩm phán bảo thủ khác – ba trong số họ là người công giáo – bác bỏ lập luận theo đó Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm quy định phụ nữ muốn mua cái gọi là thuốc phá thai phải trực tiếp đến cơ sở y tế – nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc thay vì qua đường bưu điện, đặt một gánh quá nặng trên các phụ nữ này trong thời kỳ đại dịch, vì khó đến được các phòng khám.)
Quan điểm của tổng thống Biden thì ngược lại với bà Barrett: khi tầm mức nổi tiếng của ông tăng lên, ông càng biểu lộ đức tin công giáo của mình. Năm 2007, trong quyển hồi ký “Những lời hứa phải giữ” (“Promises to Keep”), ông nhắc lại, mười lăm năm trước, khi được yêu cầu nói về đức tin và phục vụ công chúng ở Đại học Georgetown, nơi con trai Hunter của ông đang học ở đây, ông đã ngập ngừng: “Đó là chủ đề tôi luôn tránh, việc mang tôn giáo vào chính trị làm tôi không thoải mái”. Ông nói tiếp: “Nhưng kinh nghiệm cho thấy rõ, thông điệp công giáo về những nguy hiểm lạm dụng quyền của người có quyền “luôn là sức mạnh hướng dẫn trong sự nghiệp chính trị của tôi”. Đức tin của ông nổi bật trong chính quyển hồi ký, năm 2016, khi ông nhận Huân chương Laetare của Nhà thờ Đức Bà, được trao cho những người công giáo mà qua công việc của họ, đã “làm giàu cho di sản nhân loại”, ông gọi đó là “giải thưởng ý nghĩa nhất tôi nhận được trong cuộc đời của tôi.” Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, ông đã đưa quan điểm của mình về vấn đề nhập cư với “lựa chọn ưu tiên cho người nghèo” của Giáo hội – một biểu hiện được cánh tả công giáo ủng hộ. Tháng 6 năm ngoái, trong bài điếu văn dành cho George Floyd, người Da đen bị cảnh sát dí chết, ông đã trích dẫn “Học thuyết xã hội công giáo dạy tôi, đức tin không hành động là đức tin chết” và trích dẫn bài thánh ca công giáo Trên cánh Đại bàng “On Eagle’s Wings”.
Chủ nghĩa công giáo phi giáo điều của tổng thống Biden dẫn đến việc so sánh với học thuyết của Đức Phanxicô, người đã làm các giám mục truyền thống Mỹ phật ý như Biden đã làm. Năm 2013, ngay sau khi đắc cử, Đức Phanxicô nói, “chúng ta không thể chỉ nhấn mạnh vào các vấn đề liên quan đến phá thai, hôn nhân đồng tính và sử dụng các phương pháp ngừa thai,” cho thấy các chủ đề này đã “ám ảnh”. Năm 2019, ngài bày tỏ sự ủng hộ của mình cho các kết hiệp dân sự đồng tính. Tuần trước, ngài loan báo từ nay phụ nữ được phục vụ trên bàn thờ trong thánh lễ, như thế là bác bỏ chủ nghĩa truyền thống, theo quan điểm truyền thống, thẩm quyền bí tích thuộc về các linh mục, những người, theo giáo huấn của Giáo hội, phải là nam giới.
Không lâu sau ngày bầu cử, Đức Phanxicô gởi cho ông Biden quyển sách mới của ngài, “Chúng ta hãy mơ” Let Us Dream). Phía công giáo tiến bộ đã bừng lên với cách tân tổng thống có thể dựa trên các chủ đề chính của giáo hoàng – lòng thương xót, quan tâm đến người nghèo, quan tâm đến lợi ích chung – để hủy bỏ các chính sách vô nhân đạo của chính quyền Trump. Nhưng cần lưu ý về nhiều vấn đề, Đức Phanxicô tiến bộ nhiều hơn Biden. Trong Thông điệp Chúc Tụng Chúa “Laudato Si” năm 2015 của ngài, ngài đã dò lần dấu vết của sự hủy diệt hành tinh cho đến chủ nghĩa tư bản tự do toàn cầu hóa, trong đó các nước mạnh đặt “ích kỷ” thay cho lợi ích chung. Vào tháng 10, trong Thông điệp Tất cả anh em “Fratelli Tutti”, ngài trình bày quan điểm về sự đoàn kết toàn cầu của con người để mở rộng tầm nhìn của ngài về một xã hội đang cần sự sắp xếp lại. Các quan điểm của ngài nhắc lại các quan điểm của những người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ tự cho là những người chủ yếu của Thỏa thuận mới Xanh (Green New Deal) – mà Biden đã tách ra trong cuộc tranh luận với Trump, nói rằng “Thỏa thuận mới Xanh không phải là kế hoạch của tôi”.
Vậy làm thế nào để tổng thống Biden có thể dựa vào đức tin của ông khi ông nhậm chức và lãnh đạo quốc gia? Có hai lựa chọn rõ ràng. Thứ nhất là ông có thể hướng về trọng tâm, bằng cách viện đến nguồn gốc công giáo của mình. Ngày chúa nhật 10 tháng 1, sau vụ bạo động tại Điện Capitol, Đức Phanxicô đã khuyến khích các nhân vật công chúng “trấn an tâm hồn” và “thúc đẩy hòa giải dân tộc”. Ông Biden có thể sử dụng ngôn ngữ của đức tin – gia đình nhân loại, người canh giữ em trai tôi, một số phận chung – để đưa bàn tay ra với những người cộng hòa bất bình với phái cực hữu cứng rắn do Trump kích động, có được sự hợp tác của họ trong việc ngăn chận Covid-19 lan truyền, thực hiện công việc hòa giải trong quá trình này.
Ngoài ra, Biden có thể dựa trên sự phê phán của Đức Phanxicô đối với xã hội toàn cầu hóa để đưa đa số người theo đảng Dân chủ trong Quốc hội mạnh dạn dứt khoát đứng về phía tả. Ông có thể trích dẫn lời của giáo hoàng được dân chúng mến mộ để giúp giúp chương trình trả tiền thường xuyên cho các gia đình bị đại dịch (một dạng thu nhập cơ bản), cải cách thuế và ngân hàng, tăng lương tối thiểu quốc gia, xóa nợ và hành động tích cực cho biến đổi khí hậu. Một tiền lệ rõ ràng là Tổng thống Kennedy, người đã chuyển sang cánh tả sau cuộc bầu cử của mình, một phần, được củng cố qua giáo huấn tiến bộ của Đức Gioan XXIII.
Hoặc ông có thể kết hợp hai lựa chọn, vừa tiếp cận bám gốc từ triều giáo hoàng Đức Phanxicô và vừa vào chính sự nghiệp của ông. Nghịch lý thay, tính chất ôn hòa và thế giá của Đức Phanxicô đã giúp ngài đi tới trong các quan điểm tiến bộ của ngài. Cũng một cách này, tổng kết của Biden trong tư cách là người ở phái giữa và hát thánh ca ở nhà thờ có thể giúp ông qua cánh tả, như Đức Phanxicô đã làm, dùng ngôn ngữ vì lợi ích chung để thúc đẩy các chính sách – cơ sở hạ tầng được làm mới, chương trình việc làm xanh, chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người- điều này thực sự sẽ mang lại lợi ích cho những người Da trắng không hài lòng ở trung tâm, những người hiện đang say mê Trump. Công ăn việc làm vững chắc, xã hội ổn định, một chính phủ được xem là hành động cụ thể vì lợi ích chung sẽ giúp mang lại sự hòa giải cho dân tộc với dấu ấn Dòng Phanxicô. Như một tác dụng phụ, những nỗ lực chung giữa chính quyền Biden và Vatican – về khí hậu, nhập cư và nhân quyền – có thể thúc đẩy Vatican tiến bộ hơn trong cách tiếp cận với giáo dân, phụ nữ và người đồng tính trong số họ, ở các vị trí lãnh đạo.
Dĩ nhiên ông Biden vấp phải sự phản đối gay gắt không ít từ những người công giáo khác. Buổi sáng nhậm chức, khi Biden đến nhà thờ Thánh Matthêu Tông đồ, nhà thờ công giáo ở thủ đô để dự thánh lễ cùng với bà chủ tịch hạ viện Pelosi và các nhân vật khác trong chính phủ thì các giám mục công giáo đã đưa ra lời cảnh báo dài của Tổng giám mục Jose Gomez, giáo phận Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ bày tỏ mong muốn làm việc với tân tổng thống, nhưng trách cứ ông “trong các lĩnh vực phá thai, ngừa thai, hôn nhân và giới tính, sẽ làm tăng tệ nạn đạo đức và đe dọa cuộc sống và nhân phẩm con người”, ngụ ý cách tiếp cận của Biden với công giáo là mối đe dọa đối với tự do tôn giáo. Cũng chính những người theo chủ nghĩa truyền thống công giáo, những người ghét bỏ Đức Phanxicô, ghét bỏ tân tổng thống và sự phản kháng không thiện ý của cánh hữu có thể ngăn cản mọi sáng kiến tiến bộ từ Biden, như đã từng ngăn cản những sáng kiến của Đức Phanxicô ở Rôma.
Trong lúc này cũng kỳ lạ khi nghĩ về Joe Biden, nhà lập pháp làm việc cật lực lâu năm trong chiếc áo màu xanh lơ lại là nhân vật đứng ra cứu vớt. Cũng kỳ lạ những người tiến bộ, những người thường coi thường thẩm quyền của Vatican bây giờ lại thẳng thắn hy vọng đường lối chính trị Hoa Kỳ sẽ được truyền cảm hứng từ giáo hoàng – và hy vọng một giáo hoàng có thể đẩy một Tổng thống Dân chủ đi xa hơn về phía cánh tả. Thật là kỳ lạ khi một Giáo hội mà giáo dân của họ bị tổn thương và tức giận trong hàng chục năm về việc các vụ lạm dụng tình dục bị coi thường lại được xem như phương thuốc trong việc chữa lành dân sự. Và vì vậy, tổng thống công giáo thứ hai khó có thể không cậy vào tôn giáo của mình; trong một đất nước bị đại dịch, suy thoái và bạo lực chính trị tàn phá, ông cần tất cả mọi nguồn lực hòa giải và thẩm quyền đạo đức mà ông có trong tay.
Paul Elie, tác giả quyển sách “Cuộc sống mà bạn cứu có thể là cuộc sống của bạn” (The Life You Save May Be Your Own), tác giả là của riêng bạn”, là thành viên cấp cao tại Trung tâm Tôn giáo, Hòa bình và Các vấn đề Thế giới của Đại học Georgetown.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức tin công giáo của Joe Biden sẽ hình thành mối quan hệ của ông với giáo hoàng và các giám mục Hoa Kỳ như thế nào