Tân hồng y Kambanda của dân tộc diệt chủng Rwanda

230

Tân hồng y Kambanda của dân tộc diệt chủng Rwanda

cath.ch, I. Media, 2020-11-26

Đức Giám mục Antoine Kambanda, Tổng Giám mục Kigali, Rwanda | © Grégory Roth

Người sống sót sau thảm họa diệt chủng ở Rwanda, Đức Tổng Giám mục Antoine Kambanda, Tổng Giám mục giáo phận Kigali là nhân vật chủ yếu trong công cuộc hòa giải ở một quốc gia tử vì đạo. Qua ngài, Đức Phanxicô muốn đề cao lòng tha thứ là đức tính thiết yếu để có được hòa giải.

Ngày 25 tháng 10, Đức Giám mục Kambanda vui mừng nói với Vatican News khi biết tin mình được phong hồng y: “Tôi chưa bao giờ mơ sẽ là hồng y. Chính Chúa muốn điều này.” Ngài ý thức một địa vị như vậy sẽ giúp ngài có “dịp để làm việc nhiều hơn cho Chúa và chia sẻ kinh nghiệm của mình với các cộng đồng khác đang chịu xung đột bạo lực.”

Đức Tổng Giám mục giáo phận Kigali, là người đầu tiên trong lịch sử Rwanda được nhận mũ đỏ hồng y, ngài mang trên vai một di sản rất nặng. Vào hồng y đoàn là dịp để ngài đưa đất nước mình ra ánh sáng, một đất nước bị tàn phá bởi một trong những cuộc diệt chủng vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Hơn 800.000 người, chủ yếu là người dân tộc Tutsi đã bị giết, ngài cũng là người Tutsi.

Tha thứ là một ân sủng

Tân hồng y là người sống cuộc thảm sát này trong da thịt của mình, ngoại trừ người anh của ngài đang cư trú ở Ý là còn sống, cả gia đình ngài đã bị ám sát năm 1994. Vết thương vẫn còn mở này càng làm ngài đau lòng hơn khi nó làm chia rẽ gia đình Giáo hội: nhiều tín hữu kitô đã tham gia trong các cuộc thảm sát này.

Năm 2019, đất nước tưởng niệm 25 năm ngày diệt chủng, Đức Tổng Giám mục giáo phận Kigali cho biết ngài đang nỗ lực để hòa giải. Thông qua một thượng hội đồng địa phương, ngài đặc biệt khuyến khích đối thoại giữa các gia đình bị bức hại và những kẻ hành quyết họ; một công việc dài lâu đòi hỏi hai bên lắng nghe nhau. Tháng 1 năm 2020, ngài nói với đài truyền hình công giáo KTO: “Mỗi người đều có câu chuyện đau khổ của mình. Nhưng khi mình lắng nghe nỗi đau của người khác, đặt mình vào địa vị của họ, khi đó mình sẽ bắt đầu có lòng trắc ẩn”.

Ngài nói tiếp: “Quá trình chậm chạp để tái thiết đất nước cần trải qua nhiều giai đoạn: trước tiên là giúp người sống sót, chôn cất những người không có thân nhân đàng hoàng trong nhân phẩm, và chăm sóc trẻ em mồ côi”. Tha thứ là “từ chính yếu của Rwanda”, theo ngài trên hết là nhờ ơn Chúa. Khi chọn giám mục Kambanda làm hồng y, Đức Phanxicô đã chọn con đường của lòng trắc ẩn vào trọng tâm của Giáo hội.

Được Đức Gioan-Phaolô II phong chức

Sinh năm 1958, từ khi còn nhỏ, Antoine Kambanda đã nhạy cảm với các vụ xung đột sắc tộc vì sau khi ngài chào đời một năm, gia đình buộc phải lưu vong. Ngài học ở Burundi và Kenya, sau đó ngài trở về nước và vào chủng viện Rutongo năm 1984, ngài tiếp tục học thần học luân lý ở Rôma.

Năm 1990, Đức Gioan-Phaolô II đi thăm Rwanda, và ngài đã phong linh mục cho chủng sinh Kambanda. Được phong Giám mục Giáo phận Kibungo năm 2013, ngài được Đức Phanxicô nâng lên làm Tổng Giám mục giáo phận Kigali năm 2018. Ngài được Hội đồng Giám mục quốc gia chọn để tham gia Thượng hội đồng Gia đình năm 2015.

Trọng tâm các mối quan tâm của tân hồng y vẫn là giáo dục thanh thiếu niên và cuộc chiến chống lại bất công và nghèo đói. Ngài muốn mời gọi người trẻ của đất nước mình “nhìn về phía trước” mà không bị vướng vào các vấn đề dân tộc. Sự kiên định của ngài trong việc giáo dục thanh thiếu niên được giải thích qua việc đất nước nhỏ bé này bị ảnh hưởng bởi các tà phái tin lành.

Một bổ nhiệm có tính cách ngoại giao?

Việc bổ nhiệm ngài làm hồng y chắc chắn có tiếng vang ngoại giao, vì quan hệ giữa Vatican và Rwanda không phải lúc nào cũng tốt. Từ lâu nhà nước châu Phi này đã yêu cầu Rôma “chính thức xin lỗi” vì đã gần gũi với chính quyền cũ. Tình huống có vẻ đã hồi phục với chuyến thăm của tổng thống Paul Kagame đến Vatican năm 2017 – trong dịp này, Đức Phanxicô đã xin “Chúa tha thứ” cho những tội ác đã gây ra – nhưng Giáo hội công giáo chưa bao giờ liên quan đến trách nhiệm của Vatican trong thảm kịch này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Tân hồng y Mario Grech, ngôi sao đang lên

Tân hồng y Sim người tiên phong truyền bá Tin Mừng ở Brunei

Linh mục Gambetti, hồng y trong áo nâu dòng