Triết gia André Comte-Sponville: “Tận dụng cách ly để đọc và suy ngẫm”
la-croix.com, Marie Boëton, 2020-03-27
Mong muốn đặt triết học vào trọng tâm đô thị, triết gia André Comte-Sponville làm rõ ràng, dân chủ hóa một bộ môn đòi hỏi. Ông xem lại quá trình của mình, đảm nhận niềm tin của mình vượt qua búa rìu chỉ trích về xác quyết của mình.
Báo La Croix L’Hebdo: Ông giải thích việc dân chúng say sưa bộ môn triết lý trong những năm gần đây như thế nào? Thành công của các buổi cà-phê triết lý, các chương trình triết lý trên truyền hình, các tạp chí chuyên đề triết học không thể nào chối cãi. Tại sao?
André Comte-Sponville: Sự lâu dài của triết học tự nó luôn làm tôi ngạc nhiên! Bộ môn triết học không có hiệu quả nào về mặt kỹ thuật, lợi nhuận tài chính của nó gần như zero và nó vẫn còn đó… sau 25 thế kỷ kể từ ngày triết học bắt đầu. Theo tôi thành công gần đây của triết học nói chung, một phần là do các tác giả bắt đầu viết một cách đơn giản hơn. Chúng ta đi ra khỏi các năm tháng biệt ngữ với các triết gia tài năng như Deleuze, Foucault, Derrida, nhưng dù sao đối với một số người, các bài viết của họ như chỉ dành riêng cho các triết gia. Đó là về mặt hình thức. Về cơ bản, tôi nghĩ sự nhiệt tình này được giải thích cụ thể qua việc các tôn giáo và các hệ tư tưởng chính đã đi lui. Triết lý là đưa ra câu trả lời cho câu hỏi chưa được trả lời. Thành thật mà nói, tôi có khuynh hướng tương đối hóa sự nhiệt tình này xung quanh triết học trong các năm gần đây, vì theo tôi, gần như đây chỉ là thời trang của phong trào phát triển cá nhân.
Triết lý và sự phát triển cá nhân khác nhau như thế nào?
Tôi đã có dịp thảo luận về chuyện này trên truyền hình với bác sĩ tâm thần Christophe André, sau buổi thảo luận này hai chúng tôi là bạn của nhau. Là triết gia, theo tôi, tốt hơn nên có một nỗi buồn thật sự hơn là một niềm vui giả tạo. Bác sĩ Christophe thì ngược lại, ông tin nhiệm vụ của mình là giúp người bệnh khỏe hơn, ngay cả khi người bệnh không đối diện được với sự thật của họ. Tôi nghĩ điều này tóm được nhiều chuyện: triết gia không ở đó để làm điều tốt, ông ở đó để giúp suy nghĩ tốt hơn. Giữa sự thật và hạnh phúc, ông chọn sự thật, còn bác sĩ nhắm đến sức khỏe. Theo tôi, sự phát triển cá nhân rút tỉa từ sự mơ hồ và quyến rũ của nó, nó nằm ở giữa hai phía. Không hoàn toàn triết học cũng không hoàn toàn trị liệu.
Sáng suốt và hạnh phúc không nhất thiết phải hòa hợp với nhau.
Đúng. Hồi mới vào nghề, phản ứng của một học sinh đã làm tôi chấn động rất mạnh. Vào cuối năm học tú tài, một học sinh đến cám ơn lớp tôi dạy và nói, “tốt, như thế con hạnh phúc hơn trước rất nhiều!” Câu nói này chắc chắn đã làm cho tôi ấn tượng vô cùng. Tôi nghĩ thực sự, thiên chức của triết học là làm cho mình sáng suốt hơn, tự do hơn, có lẽ thông minh hơn, nhưng rốt cùng điều đó không đảm bảo mình sẽ hạnh phúc hơn. Vấn đề không phải là suy nghĩ điều gì làm cho chúng ta tốt, mà là suy nghĩ điều gì có vẻ đúng với chúng ta. Chúng ta phải biến sự thật này thành hạnh phúc.
Làm thế nào ông đến với bộ môn này?
Tôi xuất thân từ một gia đình đau lòng và khá chia xé. Cha tôi rất nghiêm. Không bạo lực, nhưng ông rất khó về mặt tâm lý. Còn mẹ tôi thì trầm cảm. Tôi lớn lên trong bất hạnh của mẹ, luôn sợ mẹ tự tử. Vì thế tôi là đứa trẻ có tính tình nghiêm túc. Năm cuối trung học, tôi khám phá môn triết học và tôi mê! Tôi, đứa trẻ buồn bã, ít yêu đời, tôi thấy mình mê triết học. Từ đó tôi chọn suy nghĩ làm điểm mạnh để bù cho điểm sống yếu của tôi. Trong sâu thẳm, tôi là triết gia vì tôi nghĩ tốt hơn là tôi sống. Và như thế là tốt, nó ‘chạy’ với tôi! (Cười.) Dĩ nhiên, tôi luôn là người thích lo lắng, nhưng người cha gia đình nào lại không lo? Ít nhất triết học giúp tôi tận hưởng những giây phút hạnh phúc và vượt lên các giây phút khó khăn tốt hơn một chút. Rốt cùng, khôn ngoan đích thực là yêu đời. Không tô điểm nó, không. Yêu đời nhưng vẫn thấy thực tế gay go.
Yêu đời nhưng không phủ nhận thực tế gay go, theo ông có nghĩa là gì?
Khôn ngoan đích thực không phải là yêu hạnh phúc. Bất cứ ai cũng có khả năng yêu hạnh phúc. Khôn ngoan đích thực cũng không phải là yêu khôn ngoan: bất cứ triết gia nào cũng làm được. Khôn ngoan đích thực là yêu đời. Hạnh phúc hay không hạnh phúc. Khôn ngoan hay không khôn ngoan. Về vấn đề này, tôi thấy mình kém khôn ngoan tuyệt đối của một Spinoza hay một Epicure – là lý tưởng thuần túy của họ – so với một Montaigne đã viết trong Khảo luận của ông: “Bản thân cuộc sống phải là mục tiêu của nó.” Với Montaigne, chúng tôi đến gần với khôn ngoan bằng cách từ bỏ nó. Và đó là đã rất nhiều rồi. Chữ khôn ngoan duy nhất là “vâng”. Khi bạn hạnh phúc, bạn nói “đúng, tôi hạnh phúc”, khi bạn không hạnh phúc, không có câu nào khác là “đúng, tôi không hạnh phúc.” Sau đó thì mỗi người làm những gì trong khả năng của mình.
Giống như người có thực chất khắc kỷ. Không phải lúc nào cũng thoải mái!
Tất nhiên. Một ngày nọ, sau một cuộc hội thảo tôi vừa tổ chức, một phụ nữ đến gặp tôi, bà nói: “Tôi thực sự rất thích những gì ông nói về thanh thản, hạnh phúc, khôn ngoan, v.v. Tôi đồng ý tất cả mọi chuyện, duy có một vấn đề, khi chúng ta có con, thì chuyện này không thể!”
Ông trả lời cho bà như thế nào?
Trước tiên, bà ấy có lý! (Cười.) Thứ hai, đó không phải là lý do để không triết lý. Tốt hơn thà có một tình thương lo lắng hơn là một xác quyết không có tình thương.
Ông đã mất một người con gái khi con còn nhỏ. Làm thế nào ông vượt lên được thảm kịch này?
Chắc chắn điều này đi theo mình suốt đời. Nhưng không vì thế mà làm cho mình không lo với các đứa con sau. Tôi nghĩ sau một kinh nghiệm như vậy, mình không còn có thể thấy cuộc sống là tuyệt vời hay hân hoan. Chắc chắn nó không ngăn mình có những giây phút ân sủng, nhưng những câu nói quá ngây ngô thì không còn có thể. Có câu này của văn hào Victor Hugo nói rất đúng: “Có con là giao các con tin cho số phận.” Trở thành cha mẹ là thấy mình không thể hạnh phúc nếu con cái không hạnh phúc. Là chấp nhận hạnh phúc của chúng ta không còn phụ thuộc vào chúng ta. Điều này làm cho chúng ta nên có hạnh phúc khiêm tốn và bất hạnh thanh thản, vì, thực chất hạnh phúc hay không hạnh phúc mình không làm gì để đáng công có. Khi bạn hạnh phúc, hãy tận hưởng, ngừng lên mặt đạo đức với mọi người! Bạn hãy hạnh phúc với lòng khiêm nhường! Khi bạn không hạnh phúc, không có lý do gì để tự trách mình, lại càng không nên có mặc cảm tội lỗi!
Ông luôn chủ trương một “đạo đức nhân văn” như triết gia Montaigne thường nói.
Có hai cách nhân văn. Cách đầu tiên là biến con người thành một loại thần và dựng chủ nghĩa nhân đạo lên thành tôn giáo. Nó hoàn toàn không phải là cái nhìn của tôi. Nếu con người là thần của chúng ta, thì đó là điều tồi tệ nhất mà loài người phát minh ra! Vị thần này thật sự có khả năng làm điều tệ nhất hơn làm điều tốt không? Không. Theo tôi, trở thành người theo chủ nghĩa nhân văn không phải là tôn vinh tầm cao cả con người cho bằng tha thứ các yếu kém của con người. Con người không phải là chúa của chúng ta, con người là người anh em của chúng ta. Tôi gọi đây là chủ nghĩa nhân văn của lòng thương xót. Đó là chúng ta tha thứ cho nhau yếu đuối của mình. Khi đó, chủ nghĩa nhân văn không là tôn giáo của chúng ta, nhưng là đạo đức của chúng ta. Sự mong manh của người khác làm cho chúng ta thấy trách nhiệm của mình đối với họ.
Ông chủ trương một “linh đạo không có Chúa”. Ông định nghĩa điều này như thế nào?
Tôi xác định mình là người vô thần, không giáo điều và trung thành. Để có thể hiểu, phải hội đủ cả ba cùng một lúc. Trước hết là “vô thần”, vì tôi không tin vào một Chúa nào. Kế đó, “không giáo điều” vì tôi nhận ra, chủ nghĩa vô thần của tôi không phải là kiến thức. Ai nói, “Tôi biết Chúa không tồn tại” thì họ không phải là người vô thần nhưng là người xuẩn ngốc! Nhầm lẫn tin và biết là một nhầm lẫn triết học lớn. Và “trung thành” vì dù là người vô thần, tôi vẫn gắn bó toàn thân với một số giá trị đạo đức, văn hóa, thiêng liêng xuất xứ từ các tôn giáo đơn thần lớn. Tôi vô thần nhưng không bao giờ tôi khinh khi các Tin mừng. Các Tin Mừng đã vạch một ánh sáng trong lịch sử nhân loại. Đó là một di sản mà tôi thừa hưởng rất nhiều vì tôi được lớn lên trong tinh thần kitô giáo và tôi chỉ giữ các kỷ niệm đẹp về nó!
Các kỷ niệm nào?
Cho tới khi tôi bước vào năm cuối tú tài, tôi có được một giáo sư triết đặc biệt – trong đời tôi gặp được hai người thực sự tôi ngưỡng mộ: cả hai đều là linh mục công giáo. Một cha tuyên úy của trường trung học, một cha tuyên úy của trường đại học. Hai tấm gương của một lòng nhân đạo phi thường. Một tầm nhìn cao, một tinh thần cởi mở, và một tấm lòng luôn sẵn sàng không thể tưởng tượng được.
Làm thế nào ông lại là người vô thần?
Tôi mất đức tin năm tôi 16 tuổi, tháng 5 năm 1968. Tôi ở lớp đệ nhị, và như hàng trăm ngàn học sinh trẻ, tôi mê say chính trị. Đầu tiên tôi là người cánh tả, sau đó là người vô chính phủ trong vòng hai tuần và người theo chủ nghĩa trotsky trong vòng ba tuần. (Cười.) A, cuộc nổi loạn năm sáu mươi tám! Tất cả đam mê đều là ‘độc cuồng’, chúng ta không thể nào có hai cái cuồng cùng một lúc: cách mạng làm cho tôi mê và tôi không còn quan tâm đến Chúa nữa. Thờ ơ đã đến đâu đó trước khi tôi mất đức tin. Tôi đã có đức tin vì tình cờ, vì tôi lớn lên trong gia đình kitô giáo và sau đó tôi đánh mất nó vì các tình cờ của lịch sử.
Ông nói ông vô thần nhưng ông lại rất gắn bó với “tinh thần của Chúa Kitô”
Kitô giáo chắc chắn là dòng suy nghĩ đặt tình yêu lên cao nhất. Nói “Thiên Chúa là vĩ đại” là một câu nói hằng đề, nhưng nói Thiên Chúa là tình yêu thì hay hơn. Trong quyển sách “Khảo luận nhỏ về các đức hạnh lớn”, tôi có nói về bài ngợi ca đức ái của Thánh Phaolô, một bài tuyệt vời. Thêm nữa tôi được biết tác phẩm của tôi được dạy trong một vài chủng viện. Điều này làm cho tôi rất cảm động vì những gì làm chúng ta gần nhau – một cách nào đó là yêu tình yêu – thì quan trọng hơn là những gì làm chúng ta xa nhau. Thực chất, người vô thần hay người có lòng tin, chúng ta chỉ bị ngăn cách bởi những gì chúng ta không biết, vì cả người này và người kia đều không biết liệu Chúa có tồn tại hay không. Như thế sẽ không hợp lý nếu đặt tầm quan trọng nhiều hơn cho những gì ngăn cách chúng ta và những gì chúng ta không biết, hơn là những gì hợp nhất chúng ta. Rõ ràng có một cuộc đối thoại có thể. Hơn nữa tôi thích ba đứa con trai của tôi đi học giáo lý.
Vì sao?
Vì tôi muốn chúng hoàn toàn tự do phát triển quan điểm của chúng, tôi biết tôi sẽ không thể nói chuyện với các con về tôn giáo một cách thuyết phục được. Đúng, tôi đã không thành công. Giáo lý là ngày tư, và bóng đá cũng là ngày thứ tư!
Thần bóng đá đã thắng phải không?
Đúng! (Cười.) Dù sao đi nữa, tôi nghĩ chúng ta phải trung thành với di sản kitô giáo này. Một cách sâu xa, tôi mong muốn Giáo hội sẽ tìm một cách nào đó hiện đại để nói với mọi người. Giáo hội bị vướng vào các cuộc thảo luận hoàn toàn không đáng kể.
Các cuộc thảo luận nào?
Các cuộc thảo luận chống lại bao cao su, chống viên thuốc ngừa thai, chống tình dục ngoài hôn nhân… Khi chúng ta đặt tất cả những chuyện này vào bối cảnh, nó làm cho chúng ta nghĩ Chúa chỉ có một mục đích: áp chế tình dục của chúng ta. Thật phi lý. Bên cạnh đó, khi tôi hỏi những người thân có đức tin: “Bạn thực sự muốn con mình kết hôn với các cô còn trinh không?”, chín trên mười trả lời: “Dứt khoát không!” Vậy là đi ngược với giáo huấn của Giáo hội. Không, thêm một lần nữa, nó phải mang bản chất của sứ điệp Tin mừng, nói nhiều hơn về công lý và bác ái.
Theo ông, hai giá trị này có vị trí xứng đáng trong xã hội chúng ta không?
Đây là một câu hỏi lớn. Hệ thống tư bản tạo ra các bất bình đẳng. Tiền đi đến tiền và cách tốt nhất để chết giàu trong hệ thống này là sinh ra đã là giàu có. Các tác phẩm của Thomas Piketty xác nhận điều này một cách phong phú và xuất sắc. Cách đây vài năm tôi để ý đến nhận xét của một nhà kinh tế, ông khẳng định: “Ở một đất nước cực kỳ tự do, nơi Nhà nước không can thiệp vào kinh tế, công ăn việc làm đầy đủ đảm bảo cho tất cả mọi người sống sót”. Đối với những người sống sót… Đảm bảo, được. Và chúng ta làm gì với những người khác? Theo tôi, đây là cả một thách thức, nhắm làm cân bằng các bất bình đẳng nội tại của hệ thống này thông qua chính trị, thông qua luật pháp. Thông qua hai đòn bẩy thiết yếu: dịch vụ công cộng và thuế.
“Chúng ta làm gì với những người khác?”, như ông nói, có phải đó là vấn đề ông cố gắng trả lời trong quyển khảo luận Chủ nghĩa tư bản có đạo đức không của ông không?
Tôi chủ yếu có ý định làm rõ mọi chuyện. Chủ nghĩa tư bản không có tâm hồn, nó là một hệ thống phi cá nhân. Nó không đạo đức cũng không vô đạo đức. Chỉ chúng ta, và duy chỉ chúng ta mới quay về với đạo đức. Tôi không nói rằng đạo đức không có chỗ đứng trong kinh doanh. Tôi nói, trong thực tế, vị trí của nó là vị trí của chúng ta. Của các bạn. Vị trí của nó ở trong trái tim và hành động của con người. Về cơ bản, chỉ có đạo đức ở nhân vị đầu tiên.
Trên quan điểm của một triết gia, ông có cái nhìn nào về cuộc khủng hoảng này?
Điều tác động đến tôi là chúng ta bị trừng phạt ở nơi mà chúng ta không phạm tội. Tôi xin giải thích. Hiện nay chúng ta có rất nhiều người trên trái đất, hơn 7 tỷ so với 1 tỷ vào đầu thế kỷ 20 và tiêu thụ gấp hai mươi lần so với ba thế kỷ trước. Điều này rõ ràng là không sống được trong dài hạn. Nhưng khi chúng ta nghĩ về điều này, chúng ta không đổ lỗi cho ai được. Dân số thế giới tăng không phải vì chúng ta sinh sản theo một cách vô trách nhiệm: tỷ lệ sinh sản của chúng ta là hai trẻ em cho một phụ nữ. Dĩ nhiên không giống như ngày hôm qua, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm rất nhiều. Còn ai có thể phàn nàn? Đối với mức sống, chúng ta chỉ đơn giản mong muốn cho con cái một mức sống như mình. Ở đây, thêm một lần nữa, có gì tự nhiên hơn? Vấn đề là sự kết hợp của cả hai dẫn đến thảm họa khí hậu.
Làm thế nào để đáp ứng?
Chúng ta có hai giải pháp: giảm tăng trưởng hoặc phát triển bền vững. Giảm tăng trưởng bao gồm sản xuất ngày càng ít, đó là chọn lựa duy nhất theo quan điểm sinh thái. Nhưng về mặt kinh tế thì nó phá hủy, về mặt xã hội thì độc hại, về mặt chính trị thì tự sát, vì thế nó sẽ không diễn ra. Dù sao vẫn là không thể khi dân số thế giới tiếp tục tăng. Như vậy, tất cả những gì còn lại là phát triển bền vững, tiếp tục phát triển, nhưng theo một cách khác. Trong bối cảnh này, bắt buộc phải tìm các phương tiện để định hướng lại các chính sách của chúng ta, ở cấp độ Quốc gia Pháp, nhưng cũng ở trên bình diện Âu châu và toàn thế giới. Từ bỏ toàn cầu hóa, như một số người tuyên bố, sẽ dẫn đến ngõ cụt.
Từ nhiều ngày qua, trường học đã đóng cửa, kinh tế chậm lại. Ông nghĩ gì về phản ứng của xã hội Pháp khi đối diện với đại dịch coronavirus?
Một chút bối rối. Tôi cẩn thận không phán xét các biện pháp được các nhà khoa học ủng hộ và được chính phủ áp dụng. Nhưng chúng ta hãy đặt mọi thứ vào viễn cảnh: chúng ta tất cả sẽ chết và đại đa số chúng ta sẽ chết vì một lý do nào khác không phải là Covid-19! Dĩ nhiên chúng ta phải cẩn thận và đoàn kết, nhưng không hoảng loạn. Rửa tay là chuyện tốt, nhưng nó không thay thế được khôn ngoan. Chúng ta tận dụng thời gian cách ly này để đọc và suy ngẫm, lùi lại một bước và chiêm niệm, để quý mến mình may mắn còn sống, được chăm sóc người thân yêu và chính mình…
Theo ông, các đức tính nào cần có trong giai đoạn rất đặc biệt này?
Tất nhiên đầu tiên hết vẫn là thận trọng. Không chỉ theo nghĩa hiện đại (hạn chế các rủi ro), mà theo nghĩa cổ của sự khôn ngoan thực tế, như triết gia Epicure nói, “so sánh cái lợi và cái bất lợi”. Chẳng hạn tạm thời bỏ giao thông công cộng để giảm nguy cơ lây nhiễm… nhưng cũng sẽ có các bất tiện. Nó không đủ để giảm các rủi ro, và cuộc sống vẫn phải tiếp tục tốt nhất có thể. Hai đức tính khác đến trong tâm trí tôi bây giờ là: trắc ẩn cho người bệnh và biết ơn với người chăm sóc. Cuối cùng, thêm một chút sáng suốt và hài hước là tố
Triết gia André Comte-Sponville
- Sinh ra ở Paris.
- Có bằng thạc sĩ triết học.
- Giảng viên Đại học Panthéon-Sorbonne.
- Xuất bản Khảo luận nhỏ về các đức hạnh lớn, được dịch ra trên hai mươi thứ tiếng.
- Được bổ nhiệm thành viên của Ủy ban đạo đức quốc gia (cho đến năm 2016).
- Nhà xuất bản Herne xuất bản một số đặc biệt dành cho triết gia.
Một nơi
Saint-Malo, tôi thực sự có những kỷ niệm hạnh phúc ở đây. Ánh sáng, biển khơi, chân trời, mọi thứ đan xen để trao tặng, một vẻ đẹp siêu phàm.
Một điệu nhạc
Bài Quintette en ut song tấu với hai đàn cellô của Schubert, nó luôn làm tôi xúc động. Hơi buồn một chút, nhưng có thể đó là lý do vì sao nó làm tôi xúc động đến như vậy.
Một rèn luyện
Thiền
Tôi ngồi thiền mỗi sáng mười lăm phút. Hoàn toàn không làm gì, thật sâu đậm. (Cười.) Nó trái ngược với hướng nội. Không phải trở về với chính mình nhưng ngược lại, cứ để tự nhiên. Đó là cuộc gặp với cơ thể còn hơn với bản ngã.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: André Comte-Sponville: “Xin quý vị để chúng tôi chết như chúng tôi muốn!”