Về trời (1-2) Thánh Antôn Pađua
Trích sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua, Françoise Bouchard, nxb. Salvator
Tuyệt vời của hương nguyện
Trên đường từ Rôma về Pađua, Antôn dừng chân ở Apennins vùng Toscan. Antôn nóng lòng muốn nghỉ một thời gian ở núi Alverne. Quyết định này thỏa nguyện hai ước mong:
– để phù hợp với lý tưởng của các tu sĩ Dòng Phanxicô mà Antôn là hình ảnh thuần túy nhất sau Thánh Phanxicô: nghỉ ngơi trong các chuyến đi tông đồ. Sự cô đơn giữa trời và đất, giữa chiêm niệm và hành động, đây là giai đoạn cần thiết để tìm lại nguồn sinh lực;
– đến những nơi mà Thánh Phanxicô đã kết hợp mật thiết với Chúa, người đã nhận dấu thánh sáu năm trước đây vào ngày 14 tháng 9 năm 1224, nhân ngày lễ Suy tôn Thánh giá!
Đối với Antôn, người luôn rao giảng thánh giá và Sự Thương Khó của Chúa Kitô thì việc mình ở đây vào ngày này không phải là chuyện tình cờ.
Vì ở đây Antôn đã đạt đến đỉnh cao nhất của hương nguyện. Antôn đã hiểu, đã sống mầu nhiệm huyền bí nhất được thầy của mình là Denys l’Aréopagite định nghĩa: “Hương nguyện là chuỗi dây treo từ trời xuống đất; khi chúng ta nắm lấy chuỗi dây này, nó giúp chúng ta leo lên đỉnh cao ánh sáng rực rỡ của hương nguyện. Với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, Antôn cảm thấy mình càng ngày càng được nâng cao về mặt thiêng liêng. Chúng ta không biết gì về các trao đổi của Antôn với Chúa Kitô, ngoài trừ việc Chúa tiết lộ cho Antôn biết Antôn sắp chết và Ngài chờ Antôn ở Pađua để Antôn được người dân tỏ lòng yêu mến trước khi về với Chúa.
Phòng Antôn ở không phải là tịnh phòng của Thánh Phanxicô. Các tu sĩ của ẩn thất Alverne vinh dự và vui vẻ đón tiếp Antôn, họ đề nghị Antôn ở tịnh phòng này nhưng Antôn cảm thấy mình không xứng đáng. Antôn chọn một phòng khác ở bên dưới, Antôn chỉ ra khỏi phòng để dự giờ kinh phụng vụ và thỉnh thoảng chia sẻ bữa ăn với các anh em.
Đi qua ngã Arezzo
Mùa thu năm 1230, Antôn lên đường về Pađua, chặng cuối cuộc đời của ngài. Thầy Luc và Roger luôn đi theo nâng đỡ Antôn trong chuyến đi. Antôn đi qua thành phố Arezzo, và đây là một đặc ân cho thành phố. Ở đây có một lãnh chúa rất tàn bạo, ông thường hay đánh vợ. Một ngày nọ trong một cơn giận vợ, ông kéo tóc bà lôi ra ban-công rồi ông ném bà xuống sân. Bỗng dưng ông hối hận, ông ba chân bốn cẳng chạy xuống sân: bà vợ bất hạnh là cái xác không hồn nằm trên phiến đá.
Các người hầu chạy đến đưa thi thể của bà lên đặt trên giường. Lãnh chúa nghe một trong các người này nói Antôn đang đến thành phố. Ngay lập tức ông chạy đi hỏi người này người kia xem Thánh Antôn bây giờ ở đâu và cuối cùng ông tìm ra được. Ông quỳ dưới chân ngài, khóc lóc kể cho ngài nghe tội ác mình vừa phạm và xin ngài đem vợ ông về lại với sự sống. Antôn đau lòng đến bên giường người quá cố, và Antôn xin những người có mặt ở đây cùng cầu nguyện. Antôn định tâm một lát, làm dấu thánh giá trên trán bà và nói: “Bà đứng dậy và đi!” Bà đứng dậy trước sự ngạc nhiên của mọi người và trong niềm vui của ông chồng ăn năn, bà bắt đầu bước đi.
Trên mọi vùng đất
Khi Antôn về Pađua, dân chúng vui mừng được gặp lại ngài. Nhưng những người hạnh phúc nhất là các tu sĩ Dòng Phanxicô ở đan viện Mẹ Maria, nơi Antôn xin được ở lại.
Một trong các công việc đầu tiên của Antôn là viết các Bài giảng về các thánh mà Antôn đạt tên là Les Panégyriques. Theo một số người, Antôn đã phác thảo công việc này ở Alverne. Giai đoạn dành cho công việc viết lách giúp cho Antôn được nghỉ ngơi khỏi các cơn mệt dai dẳng.
Nhưng ảnh hưởng của vua Frêđêricô II được các sĩ quan địa phương cảm tình viên với người Gibelin tiếp sức, được người dị giáo cathar hỗ trợ, họ tiếp tục gieo rắc rối cho người dân và làm suy yếu đức tin. Để chấn chỉnh tình trạng này, Antôn quyết định lên một số chương trình:
– dạy các khóa thần học cho anh em để họ có nền tảng vững chắc giúp họ trong công việc tông đồ, nhất là để chống người dị giáo cathar;
– giảng cho người dân trong thành phố và các địa phương lân cận, tổ chức các buổi gặp gỡ để lương tâm họ được bình an và bình an với nhau.
Hoa trái của các can thiệp này luôn bất ngờ.
Như chúng ta biết, ở Ý hòa bình là chuyện bấp bênh giữa các thành phố, giữa các phe phái, giữa các gia đình đối thủ nhau. Ở Pađua, ảnh hưởng của người Gibelin đồng minh với ông Ezzelino trở nên đáng ngại sau mùa giảng Chay 1228 của Antôn. Mặt khác bạo chúa còn còn bắt con tin giam tù ở Vérone. Theo lời yêu cầu của các quan tòa, Antôn chấp nhận gặp lại bạo chúa Ezzelino thêm một lần nữa để đưa ông về lẽ phải. Nhưng lần này ông không nghe lời. Antôn về lại Pađua, kiệt sức cả tinh thần lẫn thể xác, Antôn bắt đầu viết.
Mùa Chay cuối cùng
Đức Giám mục địa phận Jacques Conrad rất thích lần Antôn giảng Mùa Chay năm 1228. Ngài xin Antôn giảng cho năm 1231. Antôn nhận lời. Nếu Antôn sẽ phải sắp chết thì Antôn có được niềm an ủi là mang nhiều linh hồn mới về với Chúa. Các nhà viết tiểu sử đầu tiên cho giai đoạn này là giai đoạn cuộc tấn công thứ nhì của quỷ để bắt nạt Antôn vào đầu Mùa Chay này. Như ở Brive, Antôn bị bóp nghẹt bởi một “hình thức hữu hình” mà Antôn được giải thoát khi cầu bàu với Đức Mẹ: “O gloriosa Domina”, bài hát thân thuộc của ngài.
Ôi người Phụ nữ vẻ vang,
Người vượt các tầng sao,
Đấng đã tạo dựng và đã định trước cho Mẹ,
Thì Mẹ lại nuôi dưỡng Người bằng sữa thiêng của mình.
Nguyền rủa những người cho vay nặng lãi
Mùa Chay này Antôn giảng chủ đề nào? Antôn giảng lại chủ đề của năm 1228, công kích chủ nghĩa nhục dục dẫn đến sự đồi trụy và không còn phong tục tập quán, công kích thói hám quyền lực kéo theo sự hận thù giữa các sắc dân, làm mất hòa khí gia đình và xã hội. Antôn đặc biệt tấn công vết thương gặm nhắm giai cấp trưởng giả và người bình dân: nạn cho vay nặng lãi. Thời đó các chủ ngân hàng là giai cấp đặc biệt, họ tạo ra một tổ chức mà không có một cơ quan nào kiểm soát họ. Họ cho vay với tiền lời cao, từ 10 đến 50%, có khi đến 60% một năm. Và nếu con nợ của họ không trả tiền, họ nhốt tù mặc cho các bà vợ chạy vạy làm các việc nhỏ lương thấp để nuôi con cái. Các bài giảng với chủ đề này cho thấy sức mạnh dấn thân của Antôn: “Ngày nay nạn cho vay cắt cổ đang tràn ngập, bọn cho vay nặng lãi đáng nguyền rủa! Họ nuốt chửng của cải của người nghèo, của trẻ mồ côi, của bà góa, họ vét túi nhà thờ, các tu viện, họ mặc cho nạn nhân sống trong cảnh đói nghèo tột cùng […] Họ sẽ bị cái chết đời đời […]. Các cây gai của sự giàu có và vàng bạc đã dập tắt hạt giống cảm xúc tốt đẹp trong lòng họ.”
Chưa bao giờ Antôn tấn công mãnh liệt như vậy với loại tội phạm này! Nhưng Antôn không phải chỉ kết án, ngài đề nghị phương thuốc chữa trị cho kẻ phạm tội và biện pháp can thiệp với chính quyền.
Các phương thuốc nào để chữa trị?
– đối với kẻ cắp, họ phải trả lại những gì đã chiếm bất hợp pháp;
– đối với nạn nhân, phải can thiệp riêng với tổng trấn để bảo vệ cho họ. Điều này dẫn đến đạo luật ngày 12 tháng 3 năm 1231 giải thoát cho người mang nợ không thể trả, để họ không còn bị tù chung thân hoặc phải bị đày biệt xứ. Luật này chỉ là bước đầu tiến đến việc cải thiện các điều kiện cho vay vì nó bắt “người đi vay phải giao hết tất cả tài sản của mình cho chủ nợ.” Nhưng dù sao luật này cũng trả tự do ngay lập tức cho người bị tù để họ về xây dựng lại đời sống gia đình, xã hội và kinh tế dù đã trễ.
Tất cả hãy đến cùng Ngài!
Về các bài giảng của Antôn giảng cho những người có tội, sau khi nêu ra lỗi lầm của họ, Antôn đề nghị họ quay về với Chúa, trước hết là quay về với chính mình.
“Hỡi người có tội, vì sao quý vị tuyệt vọng cho phần rỗi của mình trong khi ở đồi Can-vê, Chúa đã nói lên tất cả lòng thương xót và tình yêu của Ngài cho chúng ta!… Hãy đến với Ngài! Hỡi đàn chiên, Ngài là Mục tử của chúng ta. Hỡi người con hoang đàng, Ngài là cha của chúng ta. Ngài là Đấng tha thứ, Ngài không từ bỏ một trái tim ăn năn, sỉ nhục nào. Hỡi kẻ có tội! Dù khi quý vị đắm mình trong tội ác, quý vị cũng đừng bao giờ tuyệt vọng. Miễn là tự đáy lòng quý vị, quý vị nấc lên một tiếng nấc ăn năn, thế là đủ. Một ngày trước mặt Chúa là cả ngàn năm. Sau đó Chúa sẽ tha thứ cho quý vị, sự tha thứ này Chúa ban cho quý vị như thử quý vị đã giữ đức hạnh này cả ngàn năm.”
Với lời giảng tha thiết sâu sắc, các lời mời gọi ăn năn và các ẩn dụ nói về lòng tha thứ, Antôn đã làm cho nhiều người trở lại và đi xưng tội, và lần nào cũng cần các linh mục các vùng lân cận đến giúp đỡ. Một vài người cho biết họ nghe những lời này trong giấc mơ: “Đi tìm thầy Antôn và nghe theo lời khuyên của thầy.” Một số người đến gặp Antôn sau khi họ biết có một phép lạ mới xảy ra nhờ lời cầu nguyện của Antôn. Sự ăn năn chân thành và các lời khuyên luôn phù hợp với từng người, từng hoàn cảnh và đã tạo kết quả: “Hận thù lắng xuống, gia đình giải hòa công khai; các người bị tù vì mắc nợ được thả ra; các người cho vay nặng lãi và những người ăn cắp ăn năn trở lại; người phạm tội trọng khóc lóc hối cải; người có hạnh kiểm xấu ra khỏi con đường tội lỗi…”
Ở đây có một chút trật khớp về ngày tháng các sự kiện ghi trong sắc chỉ của giáo hoàng Grêgôriô IX công bố một ít thời gian sau khi Antôn qua đời. Ngài ca tụng “đức hạnh của người dân Pađua, đức tin thuần khiết, lòng nhiệt thành chống dị giáo, nghiêm chỉnh giữ kỷ luật kitô giáo”. Một vinh danh gián tiếp của Đức Thánh Cha cho công việc tông đồ của Antôn, người tu sĩ khiêm tốn Dòng Phanxicô.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua