Linh mục Keith Beaumont: “Newman chỉ tập trung vào Chúa, choáng ngợp vì Chúa”
famillechretienne.fr, Antoine Pasquier, 2019-10-07
Linh mục Keith Beaumont
Linh mục Keith Beaumont thuộc Hội Dòng Oratoire, chủ tịch Hội Ái hữu John Henry Newman tại Pháp, cha tóm tắt về Hồng y Newman như sau: “Ngài đã để lại một di sản đồ sộ các tác phẩm thiêng liêng và đặc biệt là các bài giảng, ngài đưa ra cho chúng ta một linh đạo nhân văn và đích thực.”
Hồng y Newman thường lặp đi lặp lại: “Giáo hội là ‘kẻ thù của thế giới’”. Ngày nay khi chúng ta đọc các bài viết của ngài, chúng ta có cảm tưởng như chẳng có gì thay đổi từ hồi đó cho đến bây giờ.
Chủ đề “ngược với” thế giới đi suốt tất cả các bài giảng của Hồng y Newman, kể cả trong thời kỳ ngài ở Giáo hội Anh giáo cũng như khi ngài đã trở lại đạo Công giáo. Nhưng chúng ta cần hiểu, “thế giới” theo ngài là gì. Có một khác biệt cơ bản mà ngày nay người ta thường quên, như Thánh Gioan đã nói, “ở trong thế gian” nhưng không “thuộc về” thế gian. Người tín hữu được gọi để sống dấn thân trong thế gian cho sự biến đổi của nó: đó là thông điệp của một bài giảng có tên “Vinh danh Chúa trong các hoạt động của thế giới” của người mục sư anh giáo.
Nhưng có những thái độ và giá trị mà người tín hữu kitô không chấp nhận ở bất cứ thời buổi nào: ích kỷ, kiêu ngạo, hà tiện, chỉ nghĩ đến mình, dửng dưng với người khác..v.v. Chính trong nghĩa này mà Giáo hội nhất thiết phải là “kẻ thù của thế gian”. Trong các Bài giảng công giáo của ngài, Hồng y Newman đặc biệt nhắm đến sự thế tục hóa đang càng ngày càng thắng thế ở xã hội nước Anh, một xã hội loại bỏ hoặc xem như không có Chúa. Các bài giảng của ngài không mất tính thời sự một chút nào!
Ngài nhấn mạnh nhiều đến tầm quan trọng của tội, nhưng ngài cũng nhấn mạnh đến việc tích tụ các “tội nhẹ”. Vì sao ngài quan tâm đến điều này?
Chúng ta phải hiểu tội theo Newman là gì. Tội không đơn thuần là một lỗi về mặt đạo đức, dù ngài hiểu điều này; trước hết tội là từ chối Chúa, rõ ràng hay ẩn ngầm (đây là trường hợp thường xảy ra nhất). Cách đây đã lâu, một linh mục Ai Len nói với tôi, con người không còn tin ở Chúa nữa vì họ đã đánh mất ý thức về tội, và nói ngược lại cũng là đúng! Một trong các bài giảng công giáo của ngài, ngài nói: “Chúng ta không biết tội là gì vì chúng ta không biết Chúa là gì; chúng ta không có một tiêu chuẩn nào để so sánh cho đến khi chúng ta biết Chúa là gì. Chỉ có vinh quang của Chúa, sự trọn hảo, sự thánh thiện, sự uy nghi, sự đẹp đẽ có thể dạy chúng ta qua các điều ngược lại để hiểu thế nào là tội”.
Newman chỉ trích nặng người tin lành, đặc biệt trong sự “thiếu đức tin” của họ. “Có đức tin” theo Newman là gì?
Trước hết phải hiểu ý nghĩa chữ “protestant” (tin lành). Newman thường dùng chữ này để vừa chỉ người tin lành nói riêng và người anh giáo nói chung. Đối với việc buộc tội họ thiếu lòng tin, có một xu hướng mạnh mẽ trong số họ, họ xem tôn giáo của mình chỉ là một tập hợp các “ý kiến”mà ít nhiều là những điều “có thể có”. Newman bác bỏ hoàn toàn và một cách tận gốc chủ nghĩa giản lược này, ngài liên tục công kích những gì ngài cho là tội bẩm sinh của nó, “phán đoán cá nhân” được dựng lên một cách tuyệt đối, làm cho mỗi người phán đoán sự thật của đức tin theo tiêu chuẩn riêng của mình. theo ngài, đức tin – trong nghĩa tin tưởng vào Chúa – là tuyệt đối hoặc không! Đức tin cũng là “cửa vào” của Chúa Kitô trong tâm hồn chúng ta.
Theo cách của mình, Newman là nhà truyền giáo trong mảnh đất rất thù nghịch với đạo công giáo. Ngài làm thế nào với sứ mệnh của mình?
Mỗi người quan niệm “sứ mệnh” không phải chỉ dưới ánh sáng bối cảnh cụ thể của nó, nhưng theo những gì của chính bản thân mình. Bối cảnh xác định quyết tâm của Newman là đạo công giáo phải đi ra khỏi “khu biệt cư” trong đó họ đã sống hơn ba thế kỷ và quyết tâm chống lại sự thế tục hóa đang lớn dần của xã hội Anh. Ngài là nhà trí thức lớn, nhà thần học cao cả, ngài được xem là một trong các nhà văn lớn của nước Anh: vì thế dĩ nhiên đối với ngài, sứ mệnh riêng của ngài là viết và giảng (ngài là tác giả của hơn bốn mươi quyển sách).
Nhưng ngài cũng là người của Chúa, tập trung vào Chúa, choáng ngợp vì Chúa, yêu thương Chúa – không chỉ là ý tưởng của Chúa, nhưng thực tại sống động và sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn. Kinh nghiệm cá nhân này và các xác quyết từ đó nảy sinh, ngài muốn chia sẻ với những ai muốn nghe và muốn đọc. Nmời gọi chúng ta lên đường để có mối quan hệ sống động và ngày càng sâu đậm hơn với Chúa.
Newman liên tục công kích (…) “phán đoán cá nhân” được dựng lên một cách tuyệt đối, làm cho mỗi người phán đoán sự thật của đức tin theo tiêu chuẩn riêng của mình.
Đâu là chỗ đứng của các thánh và sự thánh thiện trong tư tưởng của ngài?
Chủ đề thánh thiện luôn hiện diện trong tư tưởng và tác phẩm của ngài từ đầu đến cuối. Ngay từ đầu, ngài đã có câu châm ngôn “sự thánh thiện trước bình an”. Bài giảng đầu tiên của ngài có tựa đề: “Sự thánh thiện là cần thiết cho mối phúc tương lai”. Và các bài giảng công giáo của ngài luôn tập trung vào chủ đề thánh thiện. Ngài thành lập chi nhánh Dòng Thánh Philip Nêri ở Anh thì một phần do ngài cảm mến sự thánh thiện của Thánh Philip Nêri. Tuy nhiên đây không phải là sự thánh thiện “tự nguyện” mà chúng ta sẽ có được nhờ nỗ lực riêng của mình; đây là để mình được thánh hóa bởi sự hiện diện và sức mạnh của Thần Khí trong chúng ta.
Nhưng chúng ta có công việc của mình phải làm: để được thánh hóa đòi hỏi một nỗ lực không ngừng, để mở lòng ra với sự hiện diện này và đón nhận nó vào lòng. Cuối cùng, theo Hồng y Newman, sự thánh thiện đòi hỏi một sức hút bí mật nhưng mạnh mẽ; ngài bị mê hoặc bởi một công thức ngài tìm thấy trong bản dịch Thánh Kinh tiếng Anh, “vẻ đẹp của sự thánh thiện” : đó là mục đích ngài mời gọi chúng ta hướng đến.
Có một linh đạo của Hồng y Newman không?
Linh đạo của ngài là linh đạo truyền thống kitô phong phú nhất và tinh tuyền nhất: “linh đạo” đến từ Đức Chúa Thánh Thần và dần dần nếu chúng ta để cho Ngài làm việc thì chúng ta sẽ được thánh hóa và “tâm linh hóa”.
Nhưng linh đạo này của Newman không ở ngoài: nó được sống trong tính nhân văn của chúng ta và trong trái tim thế giới. Trên thực tế, ngài đề nghị với chúng ta, cái mà tôi thích gọi đó là một linh đạo đích thực nhân văn: một linh đạo triển nở trọn vẹn, thấm nhập trọn sự phong phú món quà con người của chúng ta, đồng thời dần dần biến đổi chúng ta qua sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Linh mục Keith Beaumont: “Hồng y Newman hoàn toàn xứng đáng được công nhận là thánh”
Đức Hồng y Newman, “Giáo phụ của thế kỷ sắp đến!”
Newman, trí thông minh của đức tin
“Newman, bạn đồng hành suốt đời của Đức Bênêđictô XVI”
Hình ảnh Quảng trường Thánh Phêrô chuẩn bị lễ phong thánh cho năm vị thánh vào ngày chúa nhật 13 tháng 10 sắp tới. Trong số năm vị thánh chỉ có một giáo dân, đó là bà Marguerite Bays, người thợ may khiêm tốn của vùng Glâne, Thụy Sĩ. Bốn vị khác là Nữ tu người Ý Joséphine Vannini (1859-1911), Nữ tu người Ba Tây Irma Dulce (1914-1992), Nữ tu người Ấn Độ Thérèse Chiramel Mankidyan (1876-1926) và Hồng y người Anh John Henry Newman (1801-1890), thần học gia triết gia.