Từ Velay đến Limousin (4-5)

179

Từ Velay đến Limousin (4-5)

Trích sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua, Françoise Bouchard, nxb. Salvator

Tu sĩ thay thế bề trên tỉnh ở Limousin

Sau tổng tu nghị ở Arles, dường như Antôn không quay về Puy vì chúng ta không tìm một dấu vết công việc tông đồ nào của Antôn trong thời gian này. Tuy nhiên có thể Antôn trực tiếp đến đan viện Limoges vì các nghị phụ công đồng ở Arles đã đề cử Antôn làm tu sĩ thay thế bề trên tỉnh, người có trách nhiệm các tu viện thuộc quyền. Với Antôn, chuyến đi không dễ vì thời gian gần đây, Antôn bị chứng phù làm cho người phình ra, vì phải đi bộ nên việc đi đứng thành khó khăn. Nhưng chúng ta sẽ thấy, không vì thế mà Antôn giam mình trong đan viện ở Limoges, nơi Antôn được rọi sáng.

Một lời nói vừa lòng mọi người

Khi đến Limoges, Antôn đã được mọi người biết đến qua các việc ngài làm ở Velay và Berry. Người dân sốt ruột muốn được nghe giảng nên họ đi rất đông! Ở Limoges, Antôn không bao giờ giảng trong nhà thờ hay ở các nơi công cộng mà luôn ở ngoài cánh đồng. Khi nào cũng có hàng giáo sĩ địa phương đi theo và có một nhóm bảo vệ Antôn để tránh bị xô lấn làm Antôn bị thương và lấy các vật dụng từ chiếc áo nâu sòng của ngài… Vì ai cũng muốn đến gần ngài, chạm vào ngài như để thấm vào hào quang thánh thiện toát ra từ ngài.

Người công giáo trung thành thích nghe Antôn giảng, họ dựa theo bài đọc để củng cố đức tin; người nguội lạnh nhất cũng được thuyết phục, do sự kiên định nhưng nhẹ nhàng Antôn đã thức tỉnh lương tâm của họ; những người dị giáo cathar hay những người không tin khác thấy học thuyết của mình bị sụp đổ trước các lập luận đơn giản, đầy hình ảnh được trình bày đúng và nhắm mục tiêu tốt.

Nếu mọi người thích nghe giảng là vì các bài giảng giúp họ nhìn lại đức tin của mình và giữ đạo dưới ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa.

Người gieo niềm vui

Điều Antôn thích nhất vẫn là nhắc đến Sự Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu để người nghe ý thức ân sủng bao la của Chúa mang đến cho Giáo hội cũng như cho mọi người, cũng như nhắc đến sự Sống Lại của Chúa là nguồn cho sự sống lại của chúng ta. Trích đoạn bài giảng đầu tiên của Antôn ở nghĩa trang Thánh Phaolô nói lên ý nghĩa này. Antôn trích đoạn thánh vịnh của vị vua tiên tri: “Vào buổi tối là nỗi buồn; vào buổi sáng là niềm vui.” Một phản đề như Antôn thường hay làm, từ đó ngài đưa ra các hình ảnh gợi hình mà bây giờ chúng ta không còn dấu vết, ngoại trừ một ghi chú ngài dùng ở một trong các bài loại suy: “Có ba buổi chiều và ba buổi sáng; có ba tang chế và ba hân hoan; ba buổi chiều: sự sụp đổ của các cha mẹ đầu tiên của chính chúng ta, cái chết của Chúa Kitô và cái chết của chính chúng ta; ba buổi sáng: sự ra đời của Đấng Thiên Sai, sự sống lại của Ngài và của chúng ta.”

Một nghệ nhân của hòa bình

Ngày hôm sau, đáp lời mời của các tu sĩ Biển Đức, Antôn đến giảng ở đan viện Thánh Martinô. Chủ đề của Antôn là tính ưu việt của đời sống tu trì, ngài triển khai chung quanh lời thánh vịnh: “Ai sẽ cho tôi đôi cánh như chim bồ câu, tôi sẽ bay đến nơi ẩn náu và tôi sẽ được yên nghỉ.” 

Sốt sắng theo Luật

Trong thời gian ở Limoges, Antôn đã cứu hai tu sĩ khỏi chước cám dỗ. Một trong hai là tập sinh Pierre, anh nghi ngờ về ơn gọi của mình; người kia là tu sĩ ở đan viện Solignac, anh cảm thấy mình bị các xung năng tình dục hành hạ. Antôn làm cho họ dịu lại, người đầu tiên Antôn thổi trên trán và nói: “Hãy lãnh nhận Thần Khí”; người kia Antôn mặc cho họ “áo chùng của mình”. Từ đó cả hai không ai còn cảm thấy bị vướng vào các rắc rối loại này.

Tại Limoges, Antôn ở tu viện các anh em hèn mọn và cùng tham dự giờ kinh phụng vụ với họ ngoại trừ những lúc phải đi giảng bên ngoài. Một ngày trong Tuần Thánh nọ, khi Antôn đang giảng ở nhà thờ Thánh Phêrô Queyroix thì nhớ ra mình phải “xướng kinh sáng” với anh em. Và cũng như lần ở Montpellier, Antôn quên nhờ người thay thế và cũng giống lần trước, Antôn ngừng giảng một lúc, định trí… và xuất hiện giữa anh em kịp xướng “kinh sáng.” Sau đó Antôn biến mất và… giảng tiếp.

Thuốc giải độc cho nỗi sợ hãi

Antôn được mời đến giảng ở Saint-Junien, Antôn có trực giác bục mình đứng giảng sẽ bị sụp và không gây thiệt hại cho ai, “giáo sĩ, các quan tòa, những người vị vọng ở địa phương” đang ở chung quanh Antôn. Do đó trước khi bắt đầu, Antôn báo trước cho cử tọa sẽ có sự cố xảy ra nhưng không ai bị gì. Antôn đang giảng phần đầu thì thình lình bục giảng sụp đổ trong tiếng kêu đinh tai nhức óc, Antôn biến mất giữa đống đổ nát. Nhưng như Antôn dự đoán, không một ai bị sây sát dù một vết xước nhỏ. Và khi Antôn đứng dậy từ bụi bặm do các tấm ván rơi xuống, bình tĩnh và mỉm cười, mọi người im lặng, một im lặng toàn diện của lòng kính phục. Sự kính phục này lan ra khắp thành phố và làm cho uy tín của Antôn ngày càng tăng. Ở cấp độ địa phương, người dân biết được Antôn, họ cam kết xây một tu viện cho anh em hèn mọn trong thành phố của họ. Vì có ơn gọi rất nhiều, cùng với một nhóm tập sinh được hai hoặc ba tu sĩ ở Limoges hướng dẫn, Antôn đã dựng lên được một nền tảng ở đây.

Bạn của các bà mẹ và trẻ em

Chúng ta cùng trở về Limoges nơi Antôn gắn kết với một số người tạo một nhóm cử tọa trung thành nhất: các bà mẹ gia đình. Họ đi theo Antôn từ nơi này qua nơi khác, bảo vệ Antôn chống các lời vu khống của nhóm người ở Albi, nuôi ăn, nuôi ở nếu cần. Antôn rất biết ơn, nghe lời tâm sự của họ, an ủi họ lúc họ đau buồn, khuyên bảo và khuyến khích họ. Một ngày nọ, Antôn còn xin Chúa cho một bà nọ được mọc tóc sau khi bị chồng giựt tóc để phạt vì đi nghe Antôn giảng. Và tóc của bà đã mọc lại. Từ đó ông chồng trở lại.

Antôn cũng rất trìu mến với trẻ con, ngài thích nói chuyện và ban phép lành cho các em. Antôn thấy nơi các em hình ảnh gương mẫu của người tín hữu kitô, tuân phục và vâng lời cha mẹ, ngài có một lòng tin tưởng vào các em không giới hạn. Antôn cũng đã làm cho hai em bé sống lại khi các bà mẹ khóc lóc đến báo tin con mình bị chết (một rơi vào nồi nước sôi, một bị ngộp trong nôi vì lên cơn động kinh). 

Một đặc ân dịu hiền

Người tu sĩ Dòng Phanxicô khiêm hèn yêu trẻ em này được một người giàu có ở Châteauneuf-la-Forêt đối xử đặc biệt, ông dành cho Antôn một căn phòng yên tĩnh để cầu nguyện. Khi ông đi ngủ, ông thấy căn phòng của Antôn rực sáng. Sợ bị hỏa hoạn, ông đi nhẹ đến phòng nhìn qua khung cửa, nhưng căn phòng rực sáng không phải do lửa mà từ bức tranh trước mặt Antôn: Antôn quỳ gối, ôm trong tay Chúa Giêsu Hài đồng và Chúa Giêsu dịu dàng hôn Antôn. Khi thị kiến chấm dứt, Antôn đi ngủ, một giấc ngủ nhẹ nhàng.

Sáng hôm sau vị chủ nhân muốn biết thêm chi tiết về cảnh hôm qua, khơi chuyện về các đặc ân mà Chúa ưu ái dành cho một số tâm hồn. Nhưng bằng trực giác, biết ông này tò mò nên Antôn trả lời: “Tôi biết về những gì ông thấy; nhưng cho đến khi tôi còn sống, tôi giữ im lặng… Chúa hứa với tôi sự thịnh vượng cho căn nhà của ông cho đến lúc nào ông trung thành với đạo công giáo; nếu không nó sẽ tàn rụi và gặp nhiều bất hạnh.”

Một số người cho thị kiến này là khó có thể. Nhưng câu chuyện này đã được vị chủ nhân Châteauneuf kể, như Antôn yêu cầu, ông đã chờ cho đến khi Antôn qua đời mới kể lại. Ông đã thề trên Phúc Âm câu chuyện này có thật.

Ở nhà thờ Châteauneuf có trưng bày một bức tranh của việc này.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua 

Từ Velay đến Limousin (1-5)

Từ Velay đến Limousin (2-5)

Từ Velay đến Limousin (3-5)