Đến thăm Albano, Đức Phanxicô xin giáo dân hãy để sự dịu dàng của Chúa đánh động mình
vaticannews.va, 2019-09-21
Mặc dù có nhiều căng thẳng và rạn nứt gây tổn hại cho Giáo hội, nhưng qua bài giảng này khi Đức Phanxicô nhắc lại cuộc gặp gỡ của ông Gia-kêu với Chúa Giêsu, chúng ta thấy bài giảng mang đậm nét do chính tay Đức Bergoglio viết, qua đó chúng ta thấy sự nhạy bén, nhất quán và tinh thần của ngài. (Trên trang Facebook của ký giả Cyprien Viet Vatican News).
Một vài trích đoạn của bài giảng:
Đức Phanxicô nhận xét: “Dưới mắt người dân, người đàn ông này không thể cứu nhưng Chúa Giêsu đã dám đi gặp ông, các giới hạn, tội lỗi, sự xấu hổ, sự vu khống và các thành kiến: không một trở ngại nào để Chúa Giêsu quên điều thiết yếu, đó là yêu thương và cứu rỗi”. Vì thế, Giáo hội tồn tại để nói với mọi người, ngay cả những người ở xa nhất: “Chúng ta được yêu và được gọi nhân danh Chúa Giêsu; Chúa không quên chúng ta, Chúa luôn giữ chúng ta trong lòng Ngài”.
Ngài giải thích: “Nếu, giống như Gia-kêu, chúng ta đang đi tìm một ý nghĩa cho đời mình nhưng chưa tìm ra, chúng ta như rơi vào dòng nước với các thế phẩm của tình yêu, như giàu có, sự nghiệp, niềm vui và một số điều lệ thuộc khác, nhưng chúng ta hãy để Chúa Giêsu nhìn mình. Chỉ với Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy chúng ta là người được mãi mãi yêu thương và từ đó sẽ thấy được đời sống của mình. Chúng ta sẽ được chạm đến từ bên trong tâm hồn bởi sự dịu dàng bất khả chiến bại của Chúa, sự dịu dàng làm đảo lộn trái tim và làm cho trái tim làm việc”.
Chúng ta phải luôn khởi đi từ “ánh nhìn thương xót của Chúa Giêsu” để đừng “toàn cầu hóa đức tin” hoặc làm “rắc rối đức tin” với các lập luận mang tính bè phái, ý thức hệ hoặc dựa trên lô-gích duy nhất về hiệu năng để cuối cùng trục xuất Chúa ra ngoài chính căn nhà của Ngài. Vì vậy, một chút giống như ông Gia-kêu, người mà với trí tưởng tượng và táo bạo của một đứa trẻ, đã dám trèo lên cây để ráng thấy cho được Chúa Giêsu, “điều quan trọng đối với chúng ta là trở nên đơn sơ, cởi mở” như đứa bé, thay vì kiệt sức như các “tín hữu kitô rắc rối dựng lên cả ngàn lý thuyết”. Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Chúng ta đừng để mình lâm vào cảnh tự đủ, chúng ta cần phải vạch mặt sự tự đủ của mình, vượt lên sự khép kín, trở nên nhỏ bé bên trong, đơn giản và nhiệt tình, tràn đầy nhiệt huyết với Chúa, với tình yêu dành cho người anh em”.
Khi sự cám dỗ ưu tú đang rình rập nhiều tín hữu, chúng ta phải mở lòng, mở cửa nhà thờ của mình. Đức Phanxicô nhắc lại: “Có nhiều anh chị em hoài niệm về căn nhà của mình, nhưng không có can đảm để đến gần hơn, có thể họ cảm thấy mình không được đón nhận. Chúa mong rằng Giáo hội của Ngài là một ngôi nhà giữa các ngôi nhà, một chiếc lều hiếu khách, trong đó mỗi người, là lữ hành của cuộc hiện sinh sẽ đến gặp Ngài, Đấng sống giữa chúng ta”.
“Chúng ta không phải là người thanh tra sự sống người khác, nhưng là những người cổ động điều tốt đẹp cho người khác”.
Trong dịp này giáo phận và cộng đoàn Albano cùng hợp tác để thực hiện một bức tranh tường do nghệ sĩ MauPal (Mauro Pallotta) cảm hứng từ Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’. Bức tranh này sẽ được ông thị trưởng Albano, Nicola Marini giới thiệu với Đức Phanxicô.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Một số hình ảnh trong chuyến thăm mục vụ thành phố nhỏ Albano chiều thứ bảy 21 tháng 9 – 2019
Video chuyến thăm mục vụ thành phố nhỏ Albano chiều thứ bảy 21 tháng 9 – 2019
Xin đọc thêm: Bức tranh tường lấy cảm hứng từ Thông điệp Chúc tụng Chúa
Linh mục Lombardi: Đức Phanxicô có ơn sủng của lòng dịu dàng trìu mến.
Dịu dàng, ngôn ngữ duy nhất cần thiết để truyền giáo trên Internet
“Âu yếm dịu dàng, đó là sự trưởng thành tối thượng của con người.”
Đừng sợ dịu dàng, đó là sức mạnh của bạn
Linh mục Ludovic Frère: “Tình dịu dàng là mức độ trưởng thành tối thượng của loài người”