“Đức Jorge Bergoglio là giáo sư dạy văn của tôi”

259

“Đức Jorge Bergoglio là giáo sư dạy văn của tôi”

cath.ch, Arthur Herlin, I.MEDIA, 2019-09-19

Jorge Mario Bergoglio là một giáo sư ngoại hạng nhưng xa cách, trang trọng và lạnh lùng. Đó là kỷ niệm còn giữ lại của một trong các học sinh của ngài ở Buenos Aires, thủ đô Argentina. Từ khi ngài làm giáo hoàng, phong cách của ngài đã thay đổi. Bác sĩ Mario Paredes học sinh của ngài bây giờ là giám đốc tổ chức Phi Chính Phủ SOMOS, một mạng lưới gồm 600 bác sĩ và 2500 người được hưởng trợ cập trong các khu vực nghèo ở New York, nước Mỹ. Trước hôm tiếp kiến với Đức Phanxicô ngày 20 tháng 9 – 2019, bác sĩ Mario Paredes nói với hãng tin I.MEDIA kỷ niệm những năm học với giáo sư Bergoglio ở Argentina.

Xin ông cho biết, trong bối cảnh nào ông biết giáo hoàng tương lai?

Vào cuối những năm 1960, cha mẹ tôi gởi tôi đến trường Đại học Dòng Tên Đấng Cứu Chuộc Kitô ở Buenos Aires, Argentina để tôi có bằng đại học triết học. Giáo sư văn của tôi lúc đó không ai khác là giáo sư Jorge Mario Bergoglio. Đó là một giáo sư xuất chúng nhưng xa cách, trang trọng và lạnh lùng. Ngài rất lịch sự nhưng không bao giờ mỉm cười. Tuy nhiên các giờ học của ngài rất thú vị vì kiến thức sâu rộng của ngài. Ngài trích dẫn dễ dàng các nhà văn và rất hấp dẫn. Các bài giảng của ngài có nhiều tài liệu quy chiếu khác nhau trên nhiều lãnh vực, hội họa, âm nhạc..v.v. Đó là một người đa năng, đa diện. 

Làm thế nào để giải thích bây giờ ngài thân thiện, tình cảm và dễ gần, đó là các đặc tính của ngài hiện nay?

Tôi cũng tự đặt cho mình câu hỏi này nhiều lần. Ngày xưa ngài xa cách, giữ phép bề ngoài… Gần như có một bước ngoặt đã bắt

đầu khi ngài là giáo hoàng. Chắc chắn đây là công việc của Chúa Thánh Thần. Tôi đã gặp ngài nhiều lần ở Nhà Thánh Marta. Ngài luôn thân tình với tôi. Khi ngài còn là hồng y ở Buenos Aires, mỗi năm tôi thường hay mời ngài đến New York để dâng thánh lễ Đức Mẹ Lujan, bổn mạng nước Argentina. Nhưng ngài không bao giờ đi, ngài chỉ trả lời cám ơn lời mời của tôi. Ngài không bao giờ thích đi du lịch. Ngay cả bây giờ, tôi không biết ngài có thích đi máy bay không, nhưng ngài chu toàn bổn phận của mình.

Có phải ngài luôn quan tâm đến nước ngoài không?

Một tuần sau khi ngài được bầu chọn, tôi được mời đến Vatican gặp ngài cùng với các nhà lãnh đạo nói tiếng Tây Ban Nha đến từ Mỹ. Tôi đưa ngài quyển sách do chính ngài viết Đối thoại giữa Đức Gioan-Phaolô II và Fidel Castro (Dialogues entre Jean Paul II et Fidel Castro, 1998). Khi ngài nhìn quyển sách, ngài nói ngay: “Ồ, đây là tội của tuổi trẻ!” Thật thú vị khi ngài viết về Cuba trong khi nước đó thực sự không phải là một nước của Châu Mỹ La Tinh. Điều này cho thấy ngài có kiến thức sâu rộng và quan tâm đến nhiều bối cảnh trên thế giới.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch