Đời sống kín đáo của các bà mẹ công giáo Việt Nam 

321

Đời sống kín đáo của các bà mẹ công giáo Việt Nam

 la-croix.com, Thành phố Hồ Chí Minh, 2019-08-28

Cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ ở thành phố Hồ Chí Minh (hình của Mary Vo)

Theo truyền thống Việt Nam, tôn giáo của người chồng sẽ là tôn giáo mà con cái phải theo trong các cuộc hôn nhân hỗn hợp.

Cô Mary Nguyễn cẩn thận đóng cửa và đọc kinh tối với hai con trong phòng khi chồng đi làm về trễ.

Cô sống trong nhà cha mẹ chồng theo đạo Phật, cô lặng lẽ đưa con đi lễ cuối tuần, một hoặc hai lần mỗi tháng ở ngôi nhà thờ gần nhà cha mẹ ruột của mình ở phía nam thành phố Hồ Chí Minh.

Người mẹ thấp giọng nói trong lo lắng: “Tôi phái lấy cớ đưa các con về thăm ông bà ngoại để mẹ con chúng tôi có thì giờ đi lễ với nhau.”

Chồng và cha mẹ chồng không muốn trẻ con theo đạo công giáo trước khi chúng 18 tuổi, tuổi chúng có thể quyết định theo tôn giáo nào mình muốn. Gia đình chồng đe dọa sẽ đuổi cô ra khỏi nhà nếu cô đưa các con đi nhà thờ.

Cô cho biết, họ không biết các cháu của họ đã theo đạo công giáo vì cô đã rửa tội cho hai con của mình, một trai một gái, khi cô còn sống ở nhà cha mẹ ruột khi cô mới sinh con.

Cô cố gắng giúp con giữ đức tin công giáo, còn bà nội thì thường dắt cháu đi chùa.

Cô Mary Nguyễn làm việc cho một nhà in địa phương, cô cho biết chồng cô là đảng viên đảng cộng sản và đã rửa tội khi lập gia đình với cô. Tuy nhiên sau đó chồng cô bỏ đạo và thường kiểm tra xem các con có đi nhà thờ hay không.

Cô cho biết: “Tôi tha thứ cho anh và tôi cố gắng là người công giáo tốt để làm chứng cho Tin Mừng”, cô thường gặp các bạn công giáo và gia đình của họ để tham dự các buổi lễ và bữa tiệc ở nhà thờ.

“Dù tôi hơi căng thẳng khi đối xử với chồng và cha mẹ chồng, nhưng tôi nghĩ tôi có bổn phận phải nuôi dạy con lớn lên trong đức tin”.

Chế độ phụ hệ vẫn ưu thế

Linh mục James Hoang Quan (Giuse Hoàng Quốc?), cha xứ giáo xứ Triệu Sơn, Thừa Thiên Huế cho biết, đa số phụ nữ công giáo lập gia đình với người ngoài công giáo khi họ sống ở nhà chồng, họ gặp khó khăn khi giữ đạo và dạy đạo cho con.

Linh mục cho biết, chế độ phụ hệ vẫn nắm ưu thế trong nhiều gia đình, phụ nữ được coi là thuộc gia đình chồng và tuân theo các quy tắc của nhà chồng sau khi lập gia đình. Thường thường con cái của họ được dạy theo tôn giáo của người cha. Linh mục nói thêm, các phụ nữ này cần những người cùng đạo khuyến khích và nâng đỡ.

Linh mục Gioan Ba-tít Nguyễn Thế Tòng, giáo xứ Phường Tây cho biết, trong một vài trường hợp, các đảng viên lập gia đình với phụ nữ công giáo, họ cấm con cái theo đạo vì sợ bị ảnh hưởng xấu đến chức vụ của họ.

Linh mục Tòng cho biết, trong thánh lễ hàng ngày, người công giáo địa phương đọc ba kinh Kính Mừng cầu nguyện cho các gia đình gặp khó khăn trong năm Hành trình đặc biệt với các gia đình có vấn đề. Và giáo dân an ủi các người này những lúc gia đình có người bị bệnh hay qua đời.

Cô Anna Trần Thị Ngọc Duyên chở con đi xe gắn máy mười cây số để đi lễ hàng tuần. Chồng cô đã ly dị khi con gái cô lên bốn tuổi. Cô đưa con đi học giáo lý, tham dự các giờ chầu, đi cắm trại và làm các việc thiện nguyện.

Cô cười và nói: “Tôi hy vọng con gái tôi sẽ theo đạo công giáo khi cháu 18 tuổi và chồng tôi sẽ chấp nhận quyết định của con.”

Cô Duyên là nhà báo, cô cho biết chồng cô là người theo đạo Phật và đã trở lại đạo công giáo khi lấy cô, nhưng vài tháng sau khi lấy cô, anh bỏ đạo và bắt cô dẹp bàn thờ.

Cô nói: “Tôi đã sai khi kết hôn với người ngoài đạo. Anh theo đạo để lấy tôi chứ không phải vì đức tin”.

Người phụ nữ tự trách vì hôn nhân bị đổ vỡ và đã không tích cực đủ trong đời sống đạo của mình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch