Con la, con cá và con ếch (5-5)
Trích sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua, Françoise Bouchard, nxb. Salvator
Một tình huống mơ hồ
Nếu ở Montpellier, Antôn không có dịp để chiến đấu chống người dị giáo cathar, gần như họ không có ở đó, thì Antôn cũng đã có tiếng là người rao giảng hùng hồn và là người làm phép lạ được mọi người ngưỡng mộ. Vì tin tức được lan truyền nhanh chóng ở Languedoc, nên khi đến Toulouse, công việc của Antôn đã được mọi người biết đến.
Còn về phần bá tước Raymond VII ở Toulouse, sau khi thân phụ của ông nhúng tay vào các vụ tống tiền người công giáo và Vatican đã phải can thiệp, ông cam kết không ủng hộ người Albi, để người công giáo tự do giữ đạo và hoàn trả của cải cho họ. Đổi lại, ông đã nhận được quận mà những người thập tự quân đã giao cho Amaury. Bá tước Raymond VII không tôn trọng các cam kết; nhưng ông để cho người công giáo và giám mục Foulque của họ được tự do thờ phượng. Tuy nhiên ông kín đáo tiếp tục hỗ trợ người dị giáo cathar, họ biến thành phố Toulouse là cứ điểm của họ. Khi đến Toulouse, Antôn đến đan viện Dòng Phanxicô mới xây, thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của mình là thầy đọc sách. Nếu Antôn được tự do rao giảng trong các nhà thờ thì Antôn phải dùng tất cả sức mạnh của mình để thuyết phục người Albi vì họ không bỏ dịp nào mà không gây mâu thuẫn với Antôn.
Sự hiện diện thực tế được xác nhận
Chúng ta biết Antôn dùng tất cả năng lực của mình để bảo vệ đức tin người công giáo qua sự hiện diện thực tế của Chúa Giêsu trong bánh thánh. Ở Toulouse cũng như ở các nơi khác – và có lẽ còn hơn bất cứ đâu – người dị giáo cathar vẫn kiên quyết từ chối sự hiện diện này. Đúng là các tác giả đã không chép lại phép lạ Thánh Thể thứ nhì của Antôn làm ở Toulouse. Đó là phủ nhận quyền năng của Chúa, Đấng cho phép lặp lại sự thật kỳ diệu trong mục đích chuộc lại các sai lầm của con người mà Ngài yêu thương. Và ở đây chúng ta chứng kiến “phép lạ con la thứ nhì”, trong bối cảnh không cần phải nhắc lại. Thêm nữa chúng ta biết tên của người dị giáo cathar bất đắc dĩ, ông tự gọi mình là “Guialdo.” Và chúng ta biết, không những ông kéo cả gia đình trở lại mà ông còn bỏ tiền ra xây một nhà thờ dâng hiến Thánh Phêrô để xác nhận mình tuân thủ tôn giáo của Chúa Kitô và sự tuân phục của ông với người kế vị Ngài.
Đức Mẹ Lên Trời được chứng nhận
Một bài viết khác về đức tin công giáo, đó là Đức Mẹ lên trời, theo đó, cái chết không làm hư hỏng thể xác Đức Mẹ và Đức Mẹ được thiên thần đưa lên trời. Vào thời Antôn, Giáo hội xem việc Đức Mẹ lên trời là một quan điểm thần học như các quan điểm khác. Thánh Bernard (thế kỷ thứ 12) và trước ngài, Thánh Gioan Damas (thế kỷ thứ 8) đã hỗ trợ quan điểm này. Thánh Âugutinô đã viết: “Chúng ta thấy dấu tích của niềm tin này xưa đến mức chúng ta có thể xem đây như tông truyền”. Tuy nhiên Giáo hội phải chờ đến năm 1950, dưới triều giáo hoàng Piô XII mới đưa quan điểm này thành tín điều. Các tu sĩ Dòng Phanxicô mà sự kính mến Đức Mẹ ăn sâu đã xem mầu nhiệm Đức Mẹ lên trời là một xác quyết. Chính vì vậy mà Thánh Phanxicô đặt tên cho nhà nguyện ở Portioncule là nhà nguyện “Maria của các thiên thần”. Về phần mình, Antôn tin chắc đến mức ngài không chịu đựng được khi nghe chuyện này bị phủ nhận. Dù vậy, đó là chuyện xém xảy ra cho Antôn. Hôm trước ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, ca đoàn đọc một bài về tử đạo mà tác giả viết về đề tài này như sau: “Trong khôn ngoan dè dặt của mình, Giáo hội thích lòng mộ đạo vô minh với lời giảng dạy hơn là một lòng tin hão huyền và giả tạo.” Antôn, người đã trải qua thời thơ ấu của mình ở nhà thờ chính tòa Lisbon đặc biệt dâng kính Đức Mẹ Lên Trời và thường ở trước bức tranh của một nghệ sĩ vẽ Đức Mẹ, không bao giờ muốn nghe một nghi hoặc gì về Đức Mẹ, đối với Antôn và đối với Dòng của Antôn, đây là một xác quyết! Vậy thì Antôn còn phải làm gì nữa! Không tham dự buổi lễ, thì sẽ bị kỷ luật? Hay thêm một lần nữa xin Chúa cứu? Và Antôn chọn giải pháp xin Chúa can thiệp.
Chúa sẽ trả lời Antôn như thế nào? Không phải cho Antôn hiện diện hai nơi thêm một lần mà – Ngài không cho ơn mà không có kết quả hiển nhiên! – nhưng Chúa gởi thân mẫu mình đến giúp trong tận sâu thẳm tâm hồn Antôn. Vậy khi người bạn đồng hữu bắt đầu đọc bài mà Antôn sợ phải nghe, Mẹ Maria hiện ra với Antôn, tươi cười trong ánh sáng huy hoàng. Bằng một giọng nhẹ nhàng, Mẹ xác nhận Mẹ không bị một hủy hoại nào, “Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác, được các đôi cánh của thiên thần đưa lên”. Trong suốt thời gian này, Antôn không nghe gì, không thấy gì ngoài Mẹ Maria. Antôn ở trong trạng thái có thể gọi là xuất thần, giúp cho Antôn không nghe chữ nào của bài đọc vi phạm này. Chỉ khi bài đọc kết thúc, Antôn mới tỉnh trí lại. Sự kiện này làm cho Antôn càng kính mến Đức Mẹ hơn.
Thách thức các giáo sĩ
Chúng ta có thể nói gì thêm về việc tông đồ của Antôn ở Toulouse? Không có gì mới, cũng không có gì chính xác: Antôn giảng cho anh em mình và đào tạo các thầy đọc. Antôn đã thách thức các giáo sĩ, mời gọi họ từ bỏ lối sống quá vật chất, trở lại với tinh thần cầu nguyện và suy gẫm, học hỏi nhiều hơn để giảng dạy cho giáo dân… Antôn thuyết phục họ, chính qua gương mẫu của mình mà hoán cải được các tâm hồn…
Còn về người dị giáo cathar, sau một vài cố gắng đe dọa, họ không còn đấu trí với Antôn, vì họ đã trở lại hàng loạt hay họ đầu hàng.
Trên đường đến Puy
Được thông báo cho biết Antôn đã thành công lớn ở Toulouse, Thánh Phanxicô quyết định đưa Antôn đến Puy làm bề trên. Và thế là tháng 9 năm 1225, Antôn lên đường đi Velay. Các nhà biên sử cho biết, trong suốt chuyến đi của mình, nhiều thành phố biết đến Chúa Kitô nhờ các bài giảng của Antôn. Như ở Lunel, đám đông quá lớn, Antôn phải giảng ở ngoài cánh đồng… không xa hồ ếch. Các con ếch kêu đinh tai nhức óc như ở thành phố Montpellier. Antôn làm dấu thánh giá về hướng các con ếch đã làm cho chúng im lặng trong thời gian ngài giảng. Chúng ta không biết gì về các can thiệp của Antôn trong suốt chuyến đi này. Và chúng ta đi theo Antôn đến Puy.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua
Con la, con cá và con ếch (1-5)
Con la, con cá và con ếch (2-5)