Đức Phanxicô xin người công giáo ”mơ cao”

216

Đức Phanxicô xin người công giáo ”mơ cao”

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2019-05-08

Rút tỉa từ chuyến đi hai nước vùng vịnh Balkans, dù nước Bulgari lạnh lùng tiếp đón ngài nhưng Đức Phanxicô thấy đây là một “bước đi tới” với người chính thống giáo.

Không mệt mỏi, sáng thứ tư 8 tháng 5 Đức Phanxicô vẫn duy trì buổi tiếp kiến chung ở quảng trường Thánh Phêrô, dù tối hôm trước ngài từ Skopje, Macedoina về trễ sau chuyến đi ba ngày ở Bulgari và Bắc Macedoina. Chuyến tông du thứ 29 dù ngắn ngày nhưng người kế vị Thánh Phêrô năm nay đã 82 tuổi cho thấy ngài có một sức khỏe bằng đồng.

Thật sự là phải thấm một nửa thất bại, hoặc cũng có thể gọi một nửa thành công khi đưa bàn tay đưa ra cho Giáo hội chính thống giáo. Đức Phanxicô được đón tiếp nồng nhiệt ở Bắc Macedoina, một Giáo hội chính thống bị “chị em mình” cách ly, họ cần sự giúp đỡ của Đức Giáo hoàng để đi ra khỏi sự cô lập của mình, trong khi cuộc gặp của Đức Phanxicô với Giáo hội chính thống Bulgari bị ghi vào lịch sử của những chuyến đi bị tiếp đón lạnh lùng. Dù vậy, Đức Phanxicô đã làm tất cả để mọi khía cạnh được vuông tròn. Sáng thứ tư 8-5, ngài rút tỉa từ chuyến đi này: “Chúng ta đã làm một bước trước”.

Một sự lạnh lùng không nhất thiết được người dân Bulgari cùng chia sẻ, dù đa số người dân Bulgari đã xa Giáo hội nhưng họ cũng bị sốc bởi thái độ của các cấp lãnh đạo chính thống, cô Tsvetelina Sokolova, một phụ nữ Bulgari chia sẻ: “Chúng tôi không thể hiểu Giáo hội chính thống của chúng tôi, sự tiếp đón lạnh lùng và xa cách làm chúng tôi rất ngạc nhiên, dù chúng tôi không phải là những người mộ đạo cho lắm”.

Tuy nhiên chiều thứ ba trên chuyến bay từ Bắc Macedoina về Rôma, Đức Phanxicô không thất vọng về tín hữu kitô chính thống, ngài nói: “Nói chung các mối quan hệ là tốt và có thiện chí. Chân thành mà nói, tôi đã gặp các thượng phụ, họ là những người của Chúa”.

Đức Phanxicô áp dụng tinh thần đại kết của Đức Gioan XXIII trước đây đã làm sứ thần ở thủ đô Sofia: “Tin vào Chúa Quan Phòng, dù giữa nghịch cảnh, Ngài vẫn tiếp tục đồng hành cùng chúng ta để chúng ta có thể thực hiện các dự án vượt trội và bất ngờ”.

Vinh danh Mẹ Têrêxa

Đức Phanxicô ý thức rõ người công giáo ở cả hai nước Bulgari và Bắc Macedoina là một thiểu số rất nhỏ, không đến 1% dân số. Trong chuyến đi đến Bắc Macedoina, ngài khuyến khích người công giáo ở đây đừng mang “mặc cảm tự ti” nhưng phải có “giấc mơ cao!” Ở thủ đô Skopje của Bắc Macedoina, thành phố quê hương của Mẹ Têrêxa, ngài khuyến khích giáo dân buông bỏ các “thất vọng tế nhị” của một công giáo “mạnh mẽ, quyền lực và có ảnh hưởng”. Bởi vì chúng ta là một ”Giáo hội khất thực” phải “bỏ tất cả các gánh nặng làm chúng ta chia rẽ nhau trong sứ mạng, ngăn hương hoa của lòng thương xót chạm đến khuôn mặt của anh em chúng ta”.

Chính xác là theo gương Mẹ Têrêxa, ngài vinh danh Mẹ Têrêxa: dù tình trạng “bấp bênh” của mình, Mẹ Têrêxa đã “tỏa hương thơm của các mối phúc thật” trên nhân loại. Một nhân loại mà Đức Phanxicô không quên – mục đích thứ ba chuyến đi của ngài – với chủ đề di dân. Nếu ngài chỉ trích nước Bulgari về sự thiếu mở lòng thì ngài khen nước Bắc Macedoina “rộng lòng” trong thời khủng hoảng năm 2015 và 2016: “Dù người di dân tạo vấn đề cho họ, nhưng họ tiếp đón, yêu thương và giải quyết vấn đề cho người di dân”. 

Giáo hội chưa chín muồi trong việc phong chức nữ phó tế

Chiều thứ ba 8 tháng 5 trên chuyến bay từ Bắc Macedoina về Rôma, Đức Phanxicô được hỏi về tiến trình trong việc phong chức nữ phó tế, theo hình ảnh của các nam phó tế đang giúp các linh mục trong các giáo xứ công giáo. Vào ngày thứ sáu 10 tháng 5 này, Đức Phanxicô sẽ gặp Hiệp hội các bề trên Dòng Nữ, gồm tất cả các Dòng nữ trên thế giới sẽ về họp tại Rôma. Hiệp hội các nữ tu cũng đã đặt câu hỏi này với ngài cách đây hai năm. Khi đó Đức Phanxicô đã quyết định lập một ủy ban để nghiên cứu về vấn đề phong chức nữ phó tế. Trong cuộc họp báo trên máy bay, ngài cho biết công việc của ủy ban này bị bế tắc vì “không có thỏa thuận giữa các thành viên” và về “bản chất” của việc phong phó tế này. Một cuộc nghiên cứu về lịch sử đã được ủy ban thực hiện để phân tích xem Giáo hội ngày xưa có phong chức phó tế cho nữ giới không, nhưng ủy ban chưa tìm được bằng chứng xác thực. Đối với một số người, ngày nay việc phong chứ nữ phó tế “giống như phong mẹ bề trên đan viện trưởng của một đan viện”.

Đức Phanxicô kết luận: “Về cơ bản, thì không có gì chắc chắn cho một phong chức như vậy, dù hình thức và mục đích phong phó tế cho đàn ông đã tồn tại”. Nhưng “phải tiếp tục nghiên cứu”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Họp báo trên máy bay: Sức mạnh của giáo hoàng, các thượng phụ chính thống giáo, nữ phó tế, Mẹ Têrêxa, Jean Vanier