Ronald Rolheiser, 2018-11-12
Tôi sống ở cả hai bên biên giới. Không phải một biên giới địa lý, mà là một biên giới phân chia hai nhóm người.
Tôi lớn lên trong môi trường Công giáo La Mã bảo thủ, và hầu hết mọi chuyện khác tôi cũng bảo thủ. Dù cho bố tôi làm việc cho đảng Tự do, nhưng hầu hết mọi giáo dục trong nhà tôi đều là bảo thủ, nhất là về tôn giáo. Tôi là người công giáo La Mã kiên định. Tôi lớn lên trong thời giáo hoàng Piô XII, và nếu các bạn biết em út của tôi tên là Piô thì hiểu gia đình tôi trung thành thế nào với cái nhìn về thế giới của Đức Giáo hoàng này rồi đấy. Chúng tôi tin công giáo La Mã là đạo thật và người tin lành cần được hoán cải và trở về với đức tin đích thực. Tôi thuộc lòng giáo lý Công giáo La Mã và bảo vệ từng chữ trong đó. Hơn nữa, chúng tôi không chỉ đi nhà thờ, mà rất sốt sắng mộ đạo, ngày nào cả nhà cũng cầu nguyện chung, khắp nhà nơi đâu cũng thấy ảnh tượng thánh, chúng tôi đeo trên cổ tượng được làm phép, đọc kinh cầu Đức Mẹ, thánh Giuse, và Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng như có lòng sùng kính các thánh. Và thế là thật tuyệt. Tôi sẽ luôn mãi biết ơn nền tảng sống đạo tôi có được.
Đến năm 17 tuổi, tôi vào chủng viện và những năm đầu ở đó đã củng cố thêm những gì gia đình đã hình thành trong tôi. Việc học được phát triển và chúng tôi được khuyến khích đọc tác phẩm của các tư tưởng gia lớn thuộc mọi trường phái. Nhưng nền học thuật cao này vẫn nằm trong phạm vi các đặt nét của công giáo La Mã, đánh giá mọi thứ theo lòng sùng mến và tôn giáo như tôi đã được dạy. Đến lúc đó, học vấn của tôi đi song song với lòng sùng mến của tôi. Trí óc tôi được mở rộng, nhưng lòng sùng mến vẫn y nguyên.
Nhưng nhà là nơi ta khởi đầu. Dần dà qua năm tháng, thế giới của tôi thay đổi. Học tập và giảng dạy ở các ngôi trường khác nhau, liên tục tiếp xúc với những biểu hiện đức tin khác, đọc tác phẩm của các tiểu thuyết gia và tư tưởng gia đương thời, có các đồng nghiệp học thuật thân thiết, tất cả đã gây sức ép lên lòng mộ đạo thiếu thời của tôi. Rõ ràng là thế, chúng ta không còn lần hạt, không còn đọc kinh cầu Đức Mẹ hay cầu Thánh Tâm trong lớp học hay khi họp giảng viên.
Tuy nhiên, các lớp học và những buổi họp giảng viên lại đem đến một thứ khác, một thứ vô cùng cần thiết cho nhà thờ và những người sùng tín, cụ thể là một cái nhìn thần học rộng hơn và các nguyên tắc quan thiết để giữ cho lòng sùng tín cực độ, chủ nghĩa chính thống cực đoan ngây thơ và sự nhiệt thành tôn giáo lầm lạc trong giới hạn chừng mực. Điều tôi đã học được trong giới học thuật cũng tuyệt vời, và tôi luôn biết ơn vì mình đã được học cao.
Nhưng dĩ nhiên, những điều đó cũng dẫn đến căng thẳng, dù là căng thẳng lành mạnh. Tôi xin dùng lời một người khác để nói rõ điều này. Makoto Fujimura, một nghệ sĩ Mỹ gốc Nhật, trong quyển sách mới ra mắt gần đây, Thinh lặng và Vẻ đẹp (Silence and Beauty), đã chia sẻ một chuyện ông đã gặp. Một ngày Chúa nhật, từ nhà thờ đi ra, ông được mục sư mời điền tên vào danh sách đồng ý tẩy chay bộ phim Cơn Cám dỗ Cuối cùng của Chúa Giêsu. Ông thích mục sư này và muốn làm vui lòng ông ấy bằng cách ký tên vào danh sách, nhưng lại thấy chần chừ vì những lý do mà lúc đó ông không diễn tả rõ được. Nhưng vợ ông thì có. Khi ông chưa kịp ký, vợ ông đến và nói: “ “Các nghệ sĩ có lẽ có nhiều vai trò để đóng hơn là tẩy chay bộ phim này.” Ông hiểu ý vợ mình. Ông đã không ký tên.
Nhưng quyết định này làm cho ông ngẫm nghĩ về sự căng thẳng giữa việc tẩy chay một bộ phim như thế với vai trò nghệ sĩ và nhà phê bình của ông. Và đây là cách diễn giải của ông: “Một nghệ sĩ thường bị kéo theo hai hướng. Những người bảo thủ về tôn giáo có khuynh hướng nghi ngờ văn hóa, hoặc tệ hơn nữa, và khi có những biểu hiện văn hóa xâm phạm đến thực tế thông thường của họ, thì phản ứng mặc định của họ là phản đối và tẩy chay. Những người trong nhóm nghệ sĩ theo tư tưởng tự do hơn, thì thấy những việc làm có tính xâm phạm này là cần thiết cho “tự do thể hiện” của họ. Một nghệ sĩ như tôi, đánh giá cao cả tôn giáo và nghệ thuật, sẽ bị loại trừ khỏi cả hai điều này. Tôi cố giữ sự tận tâm với cả hai, nhưng đây đúng là việc khó khăn vất vả.”
Và tôi cũng thế. Lòng sùng mến thiếu thời, của bố mẹ tôi, của công giáo, là những điều chân thật và đem lại sự sống, nhưng cũng chủ trương đả phá dị đoan đầy phê phán; thần học của giới học thuật, cũng như vậy. Cả hai đều vô cùng cần lẫn nhau, nhưng những người cố trung thành với cả hai, như Fujimura, cuối cùng lại bị cả hai loại trừ. Các thần học gia cũng có vai khác để diễn hơn là đi tẩy chay các bộ phim.
Những người đã hướng dẫn tôi trong ngành thần học, theo tôi thấy, chính là những người trung thành với cả hai. Như Dorothy Day, có thể hoàn toàn thoải mái, vừa lần hạt vừa dẫn đầu đoàn biểu tình, như Jim Wallis, có thể hăng say lên tiếng cho những vấn đề xã hội triệt để cũng như cho sự thân thiết cá nhân với Chúa Giêsu, và như Tôma Aquinô, với tri thức át hẳn mọi nhà trí thức khác nhưng vẫn có thể cầu nguyện sùng mến như đứa trẻ con.
Vòng tròn của lòng mộ đạo và học thuật thần học không phải kẻ thù, chúng cần được gắn bó chặt chẽ với nhau.
J.B. Thái Hòa dịch