“Sự gần gũi của Đức Phanxicô với văn hóa bình dân là dịp may phải nắm”
la-croix.com, Marie Malzac, 2018-11-30
Đức Giám mục Hubert Herbreteau, giám mục giáo phận Agen và chủ tịch Đài Đức tin và Văn hóa (Observatoire foi et culture, OFC) đề cập đến chủ đề của cuộc họp hàng năm ngày thứ bảy 1 tháng 12 tại trụ sở Hội đồng giám mục Pháp ở Paris: “Kitô giáo và văn hóa, thời khắc Phanxicô”
Đức Giám mục Hubert Herbreteau
La Croix: Làm thế nào cha nảy sinh ra ý của chủ đề cho lần họp thứ 9 của Đài Đức tin và Văn hóa này?
Đức Giám mục Hubert Herbreteau: Chúng tôi nhận thấy đôi khi có các căng thẳng giữa kitô giáo và văn hóa đương thời, nhưng cũng có đối thoại có thể được thiết lập. Trên thực tế, chúng ta có thể nói đến “văn hóa” ở số nhiều. Ngoài văn chương và nghệ thuật, các hình thức văn hóa bình dân được diễn tả qua nhiều cách như qua cách sống, cách ăn uống, cách ăn mặc, cách nói chuyện với người khác.
Thế mà từ đầu triều giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô cho thấy ngài gần với văn hóa bình dân này. Chính vì vậy chúng tôi quyết định lấy đề tài này cho cuộc họp hàng năm của chúng tôi năm 2018: “Kitô giáo và văn hóa, thời khắc Phanxicô”. Theo tôi, Giáo hội đứng trước thời điểm thuận lợi để truyền tải sứ điệp Phúc Âm. Như nhà xã hội học François Jullien nêu lên, Giáo hội còn rất nhiều nguồn lực chưa được khai thác đủ. Ngay cả ngoài lãnh vực đức tin, Giáo hội có trọn tính thích đáng của mình.
Đôi khi chúng ta thấy, ngược với Đức Bênêđictô XVI là nhà trí thức, Đức Phanxicô nghiêng về văn hóa bình dân. Như thế có quá đơn giản hóa quá không?
Chắc chắn đây là một kết luận quá nhanh, nhưng cũng đúng trong tiếp cận này. Đức Phanxicô, trong các bản văn và các bài can thiệp của ngài, thường nói đến lòng mộ đạo bình dân. Nhưng ngài cũng nói đến các các sản phẩm văn hóa, nên tiếp cận đối với văn hóa của ngài là đặc biệt. Vì thế năm 2017 nhân dịp lần họp Quốc tế về nhạc thiêng liêng, ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chú trọng đến cảm xúc mà ngài xem như một phương tiện để dẫn đến đức tin.
Như thế Giáo hội công giáo phải lợi dụng sự gần gũi này của Đức Phanxicô với văn hóa bình dân?
Tuyệt đối đúng, đây là dịp may chúng ta phải nắm. Là dịp để nhắc lại sứ điệp của kitô giáo, vì Phúc Âm là để cho tất cả các văn hóa, ai cũng có thể hiểu dù đôi khi nó đặt lại vấn đề của một vài khía cạnh văn hóa của chúng ta… Chẳng hạn đó là trường hợp khi chúng ta đi quá xa trong văn hóa kỹ thuật, văn hóa tiêu thụ hay văn hóa kỹ thuật số. Chúng ta không giới hạn chỉ thuần trong văn hóa, như thế sẽ quá giảm thiểu. Khi nới rộng tầm nhìn văn hóa của mình, chúng ta có thể đi đến các vùng ngoại vi, như Đức Phanxicô thường yêu cầu.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Đức Phanxicô, cổ động viên niềm vui của lòng tin