Một năng lực phi thường, một Thiên Chúa cao cả!
Trích sách Xơ Emmanuelle – các bí mật của cuộc đời – Pierre Lunel
Nhà xuất bản Anne Carrière, Paris, 2000
Xơ ngồi thẳng trước một cái bàn đầy cả giấy tờ và bưu phẩm.
– Con giúp xơ, Pierre. Mở mấy cái thơ này, sắp lại và trả lời.
Xơ có cái giọng của cô giáo. Tôi ngồi bên cạnh. Đống thư từ thật đồ sộ. Một trong các bức thư viết: “Trọng kính gởi xơ Emmanuelle”. Xơ phá lên cười:
– Trọng kính! Xơ thì viết cho các giám mục: “Thân gởi giám mục” chứ không viết “Ngài” vì xơ thấy chữ ngài huênh hoang quá. Bức thư này có vẻ hay đấy, tiếp.
– Còn tạp chí Đời Sống và Thập Giá, con nghĩ xơ sẽ đọc sau phải không?
– Đưa xơ ngay, xơ liếc qua một chút, xơ mua báo tháng đấy.
Liếc qua xong, xơ gấp lại ngay và xơ cầm lên hai bức thư có tuồng chữ quen với xơ.
– Đây là thư của cháu Sonia, con biết rồi đó.
– Dạ, Sonia có kể cho con nghe các kỷ niệm của cô với xơ.
– Sonia rất dễ thương. Sonia là phật tử, nhưng mỗi người có một con đường! A, có một thư của Bistar. Đây là chủ tịch hội các bạn của xơ ở Thụy Sĩ, một người đáng kính, xơ sẽ đọc sau. Lạ không, hôm nay không có thư nào xin giúp đỡ!
– Xơ nhận nhiều lắm sao?
– Ồ, con không thể tưởng tượng đâu! Không ngừng. À, đứng vứt bì thư có tem ngoại quốc, xơ giữ cho xơ Myriane, con cắt cẩn thận nhé.
– Con có mở mấy gói bưu phẩm không?
– Dạ có.
– Có sô-cô-la và mì gói.
– Ân nhân quá quảng đại. Chẳng hạn bà Isabelle Juppé (vợ của cựu thủ tướng Pháp). Bà lo cho Hội Tuổi thơ Khốn khổ. Khi biết xơ ở Paris, bà từ Bordeaux vội đến đây để gặp xơ chỉ một tiếng đồng hồ. Bà mời xơ đến nhà bà. Bà nói với xơ: «Xơ, con sẽ nấu cho xơ ăn, con không còn đầu bếp nhà nước.» Thật là dễ thương. Con để mì gói một chỗ riêng, đừng để chung với kẹo bánh. Cái gì vậy kìa?
– Một cây viết của một bà gởi để xơ trả lời thư cho bà, nhưng lại không có ruột viết..
– Thật là cảm động! Thôi, bây giờ mình đi dạo một chút. Xơ phải mang vớ bó chặt chân, nhưng trước hết, con sắp mọi thứ trên bàn cho xơ.
Tôi có cảm tưởng mình đang ở trong trại huấn luyện lính. Một sức sống lạ thường, Thiên Chúa cao cả quá, một sức sống ngoại hạng!
Khi trở lại, chúng tôi không nói chuyện về thư từ nữa mà thảo luận về những chuyện khác. Tôi trích một câu của Talleyrand: «Tất cả những gì quá độ đều không đáng kể.»
– Chờ xơ một giây!
Xơ chép câu này vào sổ tay, xơ có một tuồng chữ rất đàn bà, nghiêng về tay mặt, nét đậm nét nhạt. Đó là cách xơ chép lại các ghi chú để viết quyển sách xơ đang chuẩn bị: Sự phong phú của nghèo khó.
– Talleyrand có lý. Khi mọi chuyện không còn giữ một tỷ lệ thăng bằng thì nó không còn quan trọng. Xơ phải trích câu này trong sách của xơ.
– Xơ dám trích một câu của một người bị truất chức thánh! Xơ không nghĩ đến điều đó sao? Nếu xơ cầm đầu một cuộc thánh chiến chống chủ nghĩa tự do, chống toàn cầu hóa, chống ăn uống tạp nhạp và chống McDonald’s thì quyển sách của xơ sẽ hợp thời.
– Xơ không chống chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tự do làø một chủ nghĩa tạo ra giàu có. Vấn đề duy nhất là phân chia của cải. Chủ nghĩa cộng sản đã thất bại nhưng người ta làm gì để thế nó? Con tưởng tượng xem, ở Rumani, còn có người nói với xơ: «Thời Ceausescu còn sướng hơn!»
– Nhưng đó là một nhà độc tài kinh khủng – một tên điên giết người làm hại cho xứ sở!
– Xơ biết. Nhưng điều đó không làm cho người dân không nói: mọi người đều có một công việc nhỏ, đều có an sinh xã hội trong khi bây giờ có những người không có gì cả, lại còn bị loại ra ngoài xã hội. Như vậy có thật là tốt hơn không?
– Xơ cẩn thận. Người ta đã trách xơ đã không tố cáo các nhà độc tài tàn phá một vài xứ sở xơ đã đến thăm. Xơ đến Xuđăng để bảo vệ trẻ em trong cuộc nội chiến, cho trẻ em ăn, mở trường học cho chúng, rồi xơ lại đến thăm ông Tourabi, một người hồi giáo cực đoan, có trách nhiệm trong cuộc nội chiến chống những người theo đạo ở miền Nam. Ra khỏi văn phòng ông, xơ nói trống không ông ấy rất thiện cảm. Xơ sẽ thấy, ai cũng ngạc nhiên!
Xơ giơ hai tay lên trời.
– Con muốn gì, xơ thấy ông đó thiện cảm thì xơ nói. Xơ là như vậy! Dù sao, xơ chẳng biết gì về chính trị! Mà xơ cũng không muốn người ta ngăn không cho xơ nuôi hàng ngàn em bé bị đói. Nói hớ một lời là các em phải sống ngoài đường, có nghĩa là sẽ chết.
Tôi thấy trên bàn đầu giường xơ có một quyển sách, tôi hỏi xơ:
– Xơ đang đọc sách gì vậy xơ?
– Ồ, một quyển sách tuyệt vời. Đạo lý hay Hổn mang – L’Éthique ou le Chaos của Jean-Loup Dhers. Rất đặc biệt, rất mạnh. Về cái nghèo và sống ngoài lề, ông nói những chuyện rất dữ dội. Chính xơ, xơ cũng không thể nào viết như vậy, nhưng xơ công nhận là đúng và thật.
Bỗng xơ nhìn chòng chọc vào mặt tôi.
– Cái gì vậy xơ?
– Con không nghĩ là con phải cắt cái đầu tóc rối bù của con sao?
– Nhưng con không thể.
– Tại sao?
– Vì mấy đứa sinh viên của con. Chúng sẽ xem con như một lão già và lớp học sẽ không được xuôi chảy.
– Vậy sao?
– Hơn nữa, con cũng không đẹp trai như Di Caprio.
Tối hôm qua, nhân khi xơ khen cuốn phim Titanic, một trong rất ít phim xơ coi gần đây, tôi nhắc lại chuyện khi xơ lên tàu đi qua Anh, có một hành khách nói với xơ: «Thưa cô, cô có cặp mắt đẹp quá mà cô đi tu sao?» Xơ nói «Hè, hè!» rồi quay qua chuyện khác.
– Xơ làm việc với những người được tiếp đón ở Fréjus.
– Những người được tiếp đón?
– Đúng, đó là những người mà người ta gọi là những người Vô Gia Cư. Họ cũng rất dễ thương.
Chúng tôi nói về sự nghèo khó ở Pháp mà xơ rất rành qua những gì xơ đã sống trong «hai cuộc đời» trước của xơ. Tôi nói với xơ về giáo sư Christian Hervé, bạn đồng nghiệp của tôi ở Necker, ông điều khiển một chương trình nghiên cứu về đạo đức y học ở bệnh viện Nanterre, điều khiển chương trình đón tiếp những người cùng khổ; và về ông Xavier Emmanuelli, sáng lập chương trình xã hội Samu, họ đã giúp tôi hiểu vấn đề một cách chính xác.
– Xơ ở đó một đêm. Ông Emmanuelli là một người đáng kính. Phải chi trên đời này có nhiều người như ông!
Tôi nhắc đến kỷ niệm với cha Joseph Wrezynski, vị linh mục phi thường đã muốn đem vấn đề nghèo khó và sống ngoài lề vào trong khuôn khổ gia đình. Cha không tin vào việc cứu những người quá gãy đổ, giống như công việc ráp lại từng mảnh đã bị vỡ. Tôi nhắc đến những đụng chạm đôi khi rất mạnh với cha Pierre, mà cha Joseph xem là quá lãng mạn, không chữa trị được. Có vẻ như xơ Emmanuelle không biết gì đến cuộc tranh luận giữa hai người này. Tôi nhắc cho xơ nhớ, ông Joseph là người khởi hứng cho chương trình ATD Quart Monde của bà Geneviève de Gaulle.
– A! Geneviève de Gaulle, đó là một người đàn bà tuyệt vời! Xơ có gặp ở Pierrelaye.
– Đúng rồi, còn ở Emmaüs nữa. Xơ phải biết nhiều hơn con.
– Các cộng đoàn của họ giúp xơ rất nhiều. Có lúc, ông giám đốc Hervé Theule của xơ cũng là thư ký bên Emmaüs. Lần cuối cùng gặp cha Pierre, xơ chống ông. Xơ vui vì được ngồi cùng bàn và nói chuyện với ông! Nhưng, xơ chẳng trao đổi được một ý kiến nào. Cha không nghe xơ nói gì hết. Cha có bị điếc không?
– Theo chỗ con biết thì không. Có thể vì ồn áo quá chăng? Khi con ngồi đối diện với cha thì cha nghe rõ lắm.
– Vậy thì xơ yên tâm. Nhưng vì sao con nói ông lãng mạn?
– Vì đối tượng người nghèo của cha. Cha thích giúp những kẻ lang thang đó đây, phải chọn đối tượng vì mình không thể nào giúp hết tất cả mọi người cùng một lúc. Chọn lựa là do tính tình.
– Có thể, nhưng phải giúp tất cả mọi người nghèo. Nhưng không được ngây thơ và để tình cảm uỷ mị dẫn dắt. Xơ nhớ lời dạy của mẹ Marie Alphonse, mẹ nhà tập của xơ: «Cảm nhận không phải là đồng ý. Đừng khi nào cũng hỏi mình thích hay không thích. Các con phải hành động, phải là những người phụ nữ mạnh!»
Có một bữa, trên truyền hình, tâm lý gia nói với xơ nếu nói yêu tất cả mọi người thì đúng là không yêu một ai thật sự.
Tôi nhắc xơ câu nói của Miller: «Tất cả mọi người không phải ai cũng bằng ai, không đúng. Tôi, 99% gia đình tôi chết trong trại tập trung. Vì vậy, tôi không nghĩ là tôi yêu mọi người bằng nhau.»
– Đúng, xơ phải suy nghĩ thêm về những gì ông ấy nói, có một phần sự thật trong đó.
– Ấy mà có một phóng viên tố cáo xơ đã xưng hô «thân mật với bọn khủng bố».
– Xơ thật sự không nói như vậy.
– Ông Gérard Miller đã lưu ý xơ về sự hiện hữu của cái ác, cái ác tuyệt đối mà ông là chứng nhân trong các trại tập trung của Đức. Đối với nhiều người, cái ác này chứng tỏ không có Chúa.
– Xơ đã trả lời cho ông khi xơ nói đến cái ác khủng khiếp xơ chứng kiến trong thời chiến tranh ở Beyrouth. Một em bé mồ côi được một gia đình nhận nuôi, em đang ngồi chơi ngoài sân, một tay súng đã nhắm và bắn em chết. Em tên là Leileh, mới 5 tuổi. Cái điều quá quắc là họ nói em bị chết vì vũ khí của Pháp. Một người đã bắn em, chứ không phải Chúa! Một người có tự do chọn lựa giữa thù hằn và tình yêu. Họ chọn thù hằn. Đó là những gì đã xảy ra với những người nazi. Đừng kết án Chúa, trong khi mình dùng sai tự do của mình.
– Miller cũng nói mình không thể nào yêu một cách trừu tượng.
– Vậy thì ông ấy hoàn toàn lầm về xơ rồi. Xơ thương người nghèo, xơ không thương cái nghèo. Đức ái là một đức đối thần. Cái xơ quan tâm là công chính. Công chính đòi hỏi mình phải chia sẻ.
Tôi nói với xơ về một nhân vật ngoại hạng mà tôi có viết trong một quyển sách: Yvonne Bezerra de Mello, một nữ quý tộc đã cống hiến cuộc đời để chống với cái khốn cùng và chống những kẻ sát nhân đã giết các em bé ngoài đường ở Rio de Janeiro, Ba Tây. Tôi cũng nói thêm là đi đâu trên khắp thế giới cũng gặp những người giàu lòng quảng đại.
Xơ ngồi nghe tôi, cặp mắt mở lớn thích thú, thán phục.
– Đó là đức tính đẹp nhất, xơ thì thầm «Khi ta đói, con cho ăn; khi ta khát, con cho uống.» Và thường đó là một đức tính bẩm sinh. Con có hoặc con không có. Người nghèo họ chia sẻ với nhau.
Đối với xơ, nghèo khó là con đường cho phép mình với tới được chiều kích luân lý mà người giàu họ không với tới được. Hạnh phúc đích thực của con người là ở chỗ họ trút bỏ được vật chất của cải. Không có gì đáng kể, nếu không ở trong phương trình: nghèo khó = hạnh phúc.
– Nói cho cùng, tôi nói không mang một ác ý nào, là xơ đồng ý trên quả đất này, ít nhiều mình nên sống nghèo. Bởi vì câu hỏi cũng đã được đặt ra trong Phúc Âm: Người giàu có vào nước thiên đàng được không? Dụ ngôn con lạc đà và lỗ kim.
– Con lạc đà chỉ cần trút bỏ một phần gánh nặng của nó. Đó là vấn đề chừng mực. Jean-Loup Dhers là một nhân vật cao cấp trong Ngân Hàng Thế Giới, một người có lòng quảng đại cao cả và tận tâm với người khác. Đến một lúc trong cuộc đời, ông phân chia của cải, rời bỏ căn hộ sang trọng về ở với vợ trong căn hộ chỉ có hai phòng ở Clichy. Họ ở đó mười năm. Rốt cuộc là họ mất một số bạn vì những người này không thể đến Clichy thăm họ. Họ về lại chỗ cũ để gần người quen trong xã hội của họ, họ có lý.
Tôi kể cho xơ nghe đoạn fioretti của thánh Phan-xi-cô: «Huynh Junipère có lòng thương xót và trắc ẩn với người nghèo đến độ khi thấy ai không mặc đủ ấm hoặc không có áo, ông cổi ngay áo hoặc mũ măng-tô để cho người kia ngay lập tức; vì thế Cha Bề Trên ra lệnh, vì đức vâng lời, ông không được cho bất cứ ai trọn cả cái áo của ông.»
– Làm sao con thuộc lòng nhiều chuyện như vậy?
– Khi mình thích câu nào thì mình học thuộc câu đó. Tôi không dám thú nhận với xơ là tôi chuẩn bị cuộc phỏng vấn xơ cũng như chuẩn bị giáo án đi dạy.
– Đúng rồi, cha bề trên có lý hoàn toàn. Thánh Martin cũng cho một nữa cái áo của mình, không phải vì ông keo kiệt nhưng để nói là mỗi người làm theo khả năng của mình. Cô con gái người anh họ của xơ làm giáo sư ở một trường huấn nghệ cho các em mồ côi. Người anh họ của xơ bị xuất huyết não. Cô nói với cha: «Cha, bây giờ mình hạnh phúc hơn trước.» Cô không bị mất tất cả, nhưng so với trước thì cô chấp nhận hy sinh. Con thấy sao?
– Đúng vậy. Nhưng dù sao, trong xã hội hiện nay, nếu mình cho tất cả những gì mình có thì người ta xem mình là người điên và không ai bắt chước người điên. Nhưng, mình nên cho theo một tỷ lệ nào? Một nữa, một phần tư?
Xơ quá tế nhị để nói đến tỷ lệ, xơ chọn một câu chuyện để trả lời câu hỏi của tôi.
– Một ngày nọ, có một thương gia giàu có đã đã làm một công việc đáng kể có liên hệ với các hoạt động của xơ. Thật ra, dù không muốn, xơ đã tạo dịp cho ông kiếm thêm tiền. Để tỏ lòng biết ơn, ông ký một chi phiếu cho Hiệp Hội. Khi nhìn con số, xơ tưởng nằm mơ. Xơ cám ơn ông và nói: «Ông thật rộng lượng khi hy sinh một số tiền lớn như vậy.» Và con biết ông trả lời như thế nào không? «Nhưng thưa xơ, tôi có hy sinh gì đâu. Chi phiếu này không đủ lớn để tôi thấy chương mục bị suy suyển.» Ông nói rất dễ thương, nhưng với xơ là một cú sốc.
Tôi giả đò ngạc nhiên. Khi còn nhỏ, cha tôi gọi đây là cái mánh «điệu hổ ly sơn.»
– Tại sao? Cái quan trọng là ông ấy cho phải không?
– Đúng và không, bởi vì xét cho cùng, ông không cho cái gì hết. Ông cũng sẽ không qua được lỗ kim.
– Đó là người giàu đối diện với ông Ladarô. Phúc âm nói, giữa họ có một «cái hố sâu thăm thẳm». Françoise Dolto viết về người giàu, họ sống trong thảm kịch «lòng họ đóng lại, cảm xúc họ khô cằn. Họ không nói chuyện với người nào khác cũng không nói chuyện với chính họ, họ như người chết.»
– Đúng vậy, xơ Emmanuelle đồng ý, xơ nói với giọng điệu của cô giáo khen học trò. Bà Dolto đã hiểu hoàn toàn. Mình tiếp tục! Con thấy đó, xơ thích người ta viết cho xơ: «Xơ Emmanuelle, con sắp đi du thuyền nhưng con sẽ không đi hạng nhất dù con rất muốn. Con sẽ đi hạng nhì và đây là sồ tiền khác biệt, con xin gởi xơ.» Và xơ nghĩ, ai làm như vậy họ sẽ có được một chuyến đi thật thoải mái.
– Than ôi, chuyện này thì con không tin như xơ.
– Nhưng dù sao mình cũng ở trong một thế giới mà tin tức hàng ngày nói có nhiều người chết đói, hàng triệu trẻ con suy dinh dưỡng! Vậy những người tỉ phú họ làm gì? Họ không có quyền không giúp đỡ người khác. Sẽ không công bằng nếu họ giữ gia tài đó cho một mình họ.
– Xơ đừng quên là trong mọi gia sản đều có hai phần. Một phần là thừa kế, một phần là họ kiếm ra.
– Phần thừa kế, thật sự không phải là gia sản vì đó là của con cháu. Xơ từng nghe hàng trăm lần, các cha mẹ sống trong khó khăn nói: “Sống như vậy để sau này con tôi sẽ khá hơn.” Đó là một lời nói hoàn toàn đúng. Và ở đâu cũng có những người như vậy.
– Đúng là suy nghĩ của một người trưởng giả, tôi nói và biết là xơ Emmanuelle thích nghe những khiêu khích nho nhỏ. Con thấy là xơ cũng không thoát ra khỏi giai cấp!
– Vậy thì sao? Đừng nói xấu mấy người trưởng giả, chính họ là những người giúp xơ. Không phải ai cũng trưởng giả theo kiểu Flaubert tả. Nhờ họ mà xơ thành công ở Ai-Cập. Mấy người trưởng giả của xơ mở hầu bao cho xơ!
– Mẹ Têrêxa cũng chế giễu tiền. Mẹ nói: “Chúa chi cấp.”
– Xơ biết. Xơ có gặp mẹ ở tòa giám muc Alexandria. Mẹ nói mẹ không bao giờ cần gì hết. Xơ đến thăm các nữ tu truyền giáo ở cơ quan Bác Ái Ai-Cập trước khi mẹ đến. Các nữ tu ở đây buồn vì họ chỉ có một ít đồ đạc cũ kỹ. Các nữ tu nói: «Mẹ sẽ nói mình sống tiện nghi!» Còn xơ, xơ nói xơ cần tiền. Khi xơ nói chuyện với các người trưởng giả, chữ trưởng giả là con nói, xơ nói xong, họ rút chi phiếu ra ký.
– Xét cho cùng, xơ nghĩ nghèo thì sẽ tránh cho xơ một số lỗi lầm lớn của loài người.
Lần này, dưới khía cạnh nghịch lý của câu nói chính xác này, tôi cảm thấy có một cơ sở thật ở đây. Tuy nhiên, xơ bào chữa một cách hăng say để không nói lên điều đó.
– Không, không và không! Xơ chưa bao giờ nói người nghèo thì khá hơn các người khác. Điều xơ học được trên đời là khi một người không có gì, thì họ buộc lòng phải hướng về người khác. Buộc lòng, con nghe chứ? Mà hạnh phúc của con người lại tùy thuộc vào quan hệ với người khác chứ không tùy thuộc vào số tiền họ có. Xơ từng thấy những người rất giàu, họ đơn độc và khốn khổ như con chó trong khi những người nghèo ở các thành phố nghèo của xơ thì lại hạnh phúc. Ở Ai-Cập, họ cười đùa bất cứ cái gì có thể cười đùa được!
– Vậy thì đó là vấn đề tính khí, bản chất tự nhiên. Có những người lúc nào cũng buồn, cũng chán nản.
– Vậy đó, ở thành phố nghèo, xơ không có thuốc, xơ xin một cô bạn trẻ gởi thuốc cho xơ. Qua toà đại sứ Bỉ, cô gởi cho xơ một gói thật to. Xơ mở gói thuốc trước mặt vị bác sĩ vẫn đến giúp xơ. Toàn là thuốc an thần. Xơ còn nhớ, ông bác sĩ cười ngất: «Thuốc này dành cho các cô bệnh nhân ở khu phố lịch sự của tôi đấy xơ Emmanuelle ạ!»
– Hì, vậy mình phải sống trong lều tranh với chuột mới hạnh phúc sao? Đúng vậy không xơ?
Xơ lạnh như tiền trước lời mỉa mai của tôi.
– Không ai muốn tin khi xơ kể về niềm hạnh phúc khi xơ sống ở đó, trong một tình tương thân vững chắc. Trẻ con đi từ nhà này qua nhà kia, cửa không khóa. Ở các thành phố đó, mình không có gì nhưng có tất cả: quan hệ với người khác. Ở đây cũng có vậy. Chẳng hạn, giữa các người sống ngoài lề. Họ có một gói thuốc lá, một chai rượu, họ chia nhau. Họ không bao giờ uống một mình.
Chắc chắn tôi có thể diễn đạt nhãn quan này theo cái nhìn thực tế hơn là theo cái nhìn lý tưởng này. Tôi cũng biết, đôi khi họ cũng có những xung đột cũng dữ dội giữa họ với nhau và dĩ nhiên rất khó để quản lý một cộng đồng gồm những người sống ngoài lề. Nhưng xơ Emmanuelle chỉ thấy mặt tích cực của mọi chuyện. Tôi tiếp tục chọc xơ.
– Mình càng có ít, mình càng nên người phải không xơ?
– Từ từ nào! Xơ không đi xa như vậy đâu. Xơ nói trong cái nghèo khó, quan hệ giữa con người càng sâu đậm hơn. Ai cũng biết thế. Ở Âu châu, người ta chạy theo tiền; họ không thể nào sống hạnh phúc. Cuộc chạy đua này giết chết niềm vui sống và làm họ chán nản. Đó là điều đương nhiên! Ở các thành phố nghèo, người dân không cần đến thuốc an thần.
– Xơ, xơ phán đoán quá nhanh. Có rất nhiều người, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau bị suy thoái tinh thần. Xơ tin con đi, đó là một loại bệnh,
– Là bởi vì họ không đi lo cho người khác. Xơ, xơ không biết cái gọi là «khó chịu trong người». Xơ phản đối cái stress. Ngắn gọn, xơ đuổi nó đi. Stress là không-sống. Sống là đi đứng là ca hát! Con nhớ đọc quyển sách Khôn ngoan của một người nghèo của Eloi Leclerc.
Làm sao xơ hiểu được cái dằn vặt của buồn bã? Xơ quá mạnh, quá kiên cường, quá thăng bằng để không vướng vào đó.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: Đời sống khó khăn của phụ nữ
Giáo dục là giúp họ tự sinh đẻ lấy