Hồng y Becciu: “Gặp chống đối, đó là phần số của tất cả giáo hoàng”

569
Hồng y Becciu: “Gặp chống đối, đó là phần số của tất cả giáo hoàng”
Đức Phaolô-VI quỳ gối bên cạnh khoa học gia Stephen Hawking © Facebook Fr Martin
Đức khiêm tốn của Đức Phaolô-VI
fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2018-10-11
“Đó là phần số của tất cả giáo hoàng” phải đương đầu bên mặt, bên trái như Đức Phaolô-VI đã đương đầu, hồng y Giovanni Angelo Becciu, bộ trưởng bộ Phong thánh nhận xét như trên trong buổi họp báo trình bày việc phong thánh của Đức Phaolô-VI và Giám mục Oscar Romero. Bên cạnh hồng y Becciu là hồng y người Salvador José Gregorio Rosa Chavez, Tổng Giám mục giáo phận San Salvador (Salvador).
Hồng y Becciu nêu lên sự “tự do mới” đã làm dễ dàng cho các chỉ trích loại này mà ngày xưa là chuyện không thể có được trong nội bộ Giáo hội.
Thập giá là bạn đồng hành
Ngài nói thêm: “Đó là phần số của một giáo hoàng, không được sự chấp nhận của tất cả” và khi một giáo hoàng được bầu chọn, “ngài chuẩn bị đi theo Chúa Kitô, với thập giá là bạn đồng hành”.
Hồng y Becciu nhấn mạnh, Đức Phaolô-VI có một khả năng chịu đựng đau khổ đặc biệt “để cho Giáo hội, cho Chúa Giêsu Kitô, cho thế giới”. Nhưng đồng thời ngài có được bình an nội tại sâu thẳm.
Trước khi vào mật nghị bầu chọn ngài, một chứng nhân quan sát thấy ngài có thể làm giáo hoàng, người đó nói vào tai Đức ông Pasquale Macchi, thư ký của ngài: “Ngài có thể làm giáo hoàng, anh khuyên ngài cười nhiều hơn một chút”. Hồng y Becciu nói tiếp: “Ngài biết là đau khổ nhưng ngài có bình an nội tại.”
Hồng y nhắc lại, khi còn trẻ Giovanni Battista Montini (1897-1978) đã sống dưới các chế độ toàn trị, phát xít và đức quốc xã. Khi làm giáo hoàng, ngài chịu đựng các cú nổi loạn của năm 1968 trong Giáo hội: một “tranh chấp công khai” với vụ “chiếm đóng Parme … bởi các người công giáo”. Ngài đã phải đương đấu với vụ “tranh chấp lớn bên trái, bên mặt”.
Hai ví dụ. Trong một trường hợp đặc biệt, Đức Phaolô-VI mời một hồng y đứng bên cạnh ngài trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật. Nhưng sau đó hồng y này công khai chỉ trích ngài: “Nhưng anh không đi tới đủ trong các cải cách”.
Khi ngài đưa ra tự sắc giới hạn tuổi hồng y vào mật nghị là 80, hồng y Eugène Tisserant công kích ngài dữ dội.
Vậy mà hồng y Tisserant đã tháp tùng Đức Phaolô-VI trong các chuyến tông du đi Đất Thánh (lần đầu tiên một giáo hoàng đi hành hương ở đây) và Ấn Độ: các chuyến đi gây ấn tượng vì đây là các chuyến đi mới của giáo hoàng.
Sau tự sắc Suburbicariis Sedibus công bố ngày 11 tháng 4 năm 1962 và tự sắc Ecclesiæ Sanctæ  ngày 6 tháng 8 năm 1966, hồng y Tisserant từ chức tại các guồng máy mục vụ các giáo phận chung quanh Rôma như Ostie, Porto và Santa Rufina.
Hồng y Becciu trích nhận xét của một hồng y giảng tĩnh tâm ở Vatican dưới thời Đức Phaolô-VI: đây là “một trong các giáo hoàng đau khổ nhất trong thế giới này”, các đau khổ thiêng liêng và tinh thần, chứ không phải chỉ cơ thể mà thôi.
Hồng y còn nhấn mạnh đến khả năng trao ban, hiến mình mà không nghĩ đến mình: hôm trước ngày ngài qua đời, thư ký của ngài đề nghị ngài cầu nguyện. Ngài trả lời: “Không phải cho tôi, nhưng cho Giáo hội”.
Nhà thần nghiệm đích thực
Hồng y Becciu nhắc lại, để công bố một người nào là thánh thì phải kiểm xem người đó có sống theo các “nhân đức” không. Việc kiểm các nhân đức của Đức Phaolô-VI gồm 5 tập: các chứng từ cho đến bây giờ chưa thể công bố vì quá gần.
Nhưng hồng y Becciu thấy nơi Đức Phaolô-VI là “nhà thần nghiệm đích thực dù không có hiện tượng nào phi thường” với “trọng tâm đời sống của ngài” là thánh thể và lần hạt mân côi mỗi ngày.
Hồng y còn nhấn mạnh đến đức khiêm tốn của Giáo hoàng Phaolô-VI: “Chỉ cần nhìn là thấy, đức khiêm tốn của ngài không giả tạo nhưng tự nhiên, như một thái độ có tự sâu thẳm trong tâm hồn”. Ngài sống đúng là tôi tớ của tôi tớ Chúa. Lòng khiêm tốn này được thấy qua các cử chỉ tự phát như bức hình ngài quỳ bên cạnh khoa học gia Stephen Hawking hay bức thư ngài gởi cho các Vệ binh Đỏ (Brigades Rouges) nhóm khủng bố cực tả trách nhiệm cái chết của chính trị gia công giáo Ý, Thủ tướng Aldo Moro. Ngài viết: “Tôi xin quỳ xuống van xin”. Lời van xin không được nhận lời.
Ngài không tạo ra các “thời điểm phi thường” nhưng sự thánh thiện của ngài tiến đi trong lòng trung thành, khi ngài là linh mục, rồi giám mục, rồi giáo hoàng: hồng y Becciu thấy đây là một “tiến trình trên con đường nhân đức một cách trường kỳ, trong sự trung thành với Tin Mừng” như “ánh sáng không bị lu mờ mặc cho thời gian soi mòn”.
Hồng y Becciu cũng nhắc lại, trong số các công đức của ngài, Đức Phaolô-VI đã đưa Công đồng Vatican II về đến bến: “Hướng dẫn 2000 giám mục không phải là chuyện dễ, nhưng ngài đã làm được”.
Và công đồng đã đem lại kết quả, đã “thay đổi cách nhìn về Giáo hội”, trong đó có các thay đổi lớn: các ban bộ mới, cải cách Phủ Quốc Vụ Khanh. Hồng y Becciu nhận xét, người ta nhấn mạnh nhiều đến “tổ chức” và giáo luật, nhưng Giáo hội là Giáo hội của “dân của Chúa”, của “hiệp thông”, của “thay đổi viễn cảnh”.
Theo ước nguyện của ngài, Đức Phaolô-VI muốn chôn ngoài “đất trần” như Thánh Phanxicô Axixi, nhưng ngôi mộ của ngài vẫn ở trong hầm mộ Đền thờ Thánh Phêrô.
Hồng y Becciu nói lên sự xúc động của mình: “Chúa nhật chúng ta sẽ xúc động và lòng tràn đầy đức tin khi kính nhớ vị thánh lớn Phaolô VI. Và niềm vui khi thấy giáo hoàng của tuổi trẻ chúng ta được phong thánh”, ngay từ năm đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã cho biết, ngài sẽ hân hạnh được phong thánh cho Đức Phaolô-VI”.
Sáu thánh khác
Sáu thánh khác cũng sẽ được phong thánh vào ngày chúa nhật 14 tháng 10 sắp tới tại quảng trường Thánh Phêrô, trong thời điểm họp thượng hội đồng giới trẻ, đức tin và phân định ơn gọi.
Ba trong số các thánh được Đức Phaolô-VI phong chân phước, 2 được Đức Gioan-Phaolô II phong và 2 được Đức Phanxicô phong (Giám mục Romero được phong năm 2015, Đức Phaolô-VI được phong năm 2014).
Giám mục Oscar Arnulfo Romero (Salvador), bị ám sát chết khi ngài đang dâng thánh lễ, được Đức Phanxicô phong năm 2015
Linh mục người Ý Francesco Spinelli (1853-1913), người dấn thân làm việc từ thiện và sống ở thành phố Milan, được Đức Gioan-Phaolô II phong chân phước năm 1992.
Linh mục người Ý Vincenzo Romano ở Torre del Greco (1751-1831) gần Napoli là “nhà vô địch từ thiện” được Đức Phaolô-VI phong chân phước năm 1963.
Nữ tu người Đức, Mẹ Maria Katarina Kasper (1820-1898), nhà sáng lập Dòng giúp đỡ người nghèo,  được Đức Phaolô-VI phong chân phước năm 1978.
Nữ tu người Tây Ban Nha, Mẹ Nazaria March Mesa (1889-1943) nhà truyền giáo ở Bô-li-vi-a, sau đó  ở Argentina,  qua đời ở Buenos Aires. Nữ tu mở một cộng đoàn để phục vụ người nghèo. Nữ tu được Đức Gioan-Phaolô II phong chân phước năm 1992.
Cuối cùng là thanh niên trẻ người Ý Nunzio Sulprizio (1817-1836): anh là “gương mẫu của sức mạnh, của can đảm trong sự chấp nhận đau khổ mình phải chịu”. Anh được Đức Phaolô-VI phong chân phước năm 1963.
Hồng y Becciu dè dặt cho biết, với số lượng đông đảo giáo dân về Rôma trong dịp này, dự trù sẽ có khoảng 60 000 người, nhưng các biện pháp an ninh có thể làm giảm số lượng người đến đây.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: Sự trở lại huy hoàng của Đức Phaolô-VI
Đức Phanxicô sẽ phong thánh cho Nunzio Sulprizio, một công nhân trẻ người Ý
Người được nhận phép lạ do cầu bàu với chân phước Oscar Romero sẽ có mặt trong lễ phong thánh ngài
Chuẩn bị cho ngày phong các thánh chúa nhật 14 tháng 10 tại quảng trường Thánh Phêrô