Vì sao việc từ chức của các giám mục là bước ngoặt đôi, vừa cho Giáo hội, vừa cho giáo hoàng
Ngày 17 tháng 5, Đức Phanxicô gặp các giám mục Chi-lê tại Rôma. © VaticanMedia-Foto/CPP/CIRIC
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2018-05-19
Do việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên có vấn đề, ngày thứ sáu 18 tháng 5, 34 giám mục Chi-lê đệ đơn lên Đức Giáo hoàng xin từ chức. Một sự kiện chưa từng có, làm đảo lộn cuộc chiến chống các lạm dụng trong Giáo hội, nhưng cũng đảo lộn cho giai đoạn kế của triều giáo hoàng Đức Phanxicô.
“Vu khống”. Câu trả lời như tát nước của Đức Phanxicô với các nhà báo Chi-lê trong chuyến tông du tháng 1-2018 vừa qua, khi họ hỏi ngài về Giám mục Barros, một giám mục bị nghi che giấu các thủ đoạn của linh mục ấu dâm Fernando Karadima, câu này đã bị các nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục trên thế giới xem như một cái tát. Hiện nay, dù Đức Phanxicô đã xin lỗi, và tất cả các giám mục đã từ chức tập thể, chữ “vu khống” đã rạch một vết trên khuôn mặt của triều giáo hoàng. Vụ Barros là vụ khủng hoảng chưa từng có trong Giáo hội Chi-lê nói riêng và Giáo hội hoàn vũ nói chung. Phải trở lại những năm 2000, khi vụ tai tiếng bùng nổ ở giáo phận Boston và sau cuộc điều tra của báo Boston Globe, đánh dấu bởi vụ từ chức của Đức Tổng Giám mục Bernard Law và việc Đức Giám mục kế nhiệm Sean O’Malley công bố tên các linh mục phạm tội trên trang mạng của giáo phận, để so sánh một sự việc đã xảy ra trước. Nhưng vụ Chi-lê cũng đánh dấu một bước ngoặt cho Đức Phanxicô trong việc chống các vụ lạm dụng tình dục.
Bước ngoặt đối với Đức Phanxicô vì từ đầu triều giáo hoàng của mình, ngài luôn không ngừng cho mình là người cải cách và ở ngoài hệ thống, công kích những người canh giữ đền thờ, chủ nghĩa giáo quyền, thói tự quy của thể chế. Ngài được bầu chọn để có một chương trình cải cách, cải cách để phục vụ sứ mạng, với chủ đích làm chứng, và bây giờ Giáo hội công giáo không được làm chứng-dối nữa. Và để mang lại uy tín cho lời nói về xã hội và đạo đức của mình, Giáo hội phải không thể bị chê trách về vấn đề tình dục và tiền bạc. Vì thế để chấm dứt các hành động sai quấy trong hai lãnh vực này, Giáo hội một mặt phải chiến đấu chống việc rửa tiền trong hệ thống tài chánh của Vatican, một mặt phải áp dụng luật zero bao dung cho các vụ lạm dụng tình dục, theo danh từ do Đức Joseph Ratzinger dùng vào thời ngài là bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin.
“Chúng ta tất cả đều can dự vào, và tôi là người đầu tiên.”
Sự mến chuộng Đức Phanxicô được xây dựng trên khả năng lay động này, ngài là mục tử, các cú trong nội bộ được xem như huân chương ngài nhận trên chiến trường danh dự của sự thật và của nhất quán. Nhưng khi tuyên bố chữ “vu khống” vì bị thông tin sai, ngoài ý muốn của mình và trớ trêu cho lịch sử, ngài bị cho là người của một thể chế, một thể chế nghĩ trước hết bảo vệ cho mình, tin vào chứng cớ của người lái xe ẩu thay vì chứng cớ của người bộ hành bị tông. Ngài làm cho những người nghi ngờ ngài chưa làm đủ trong việc xử lý vụ khủng hoảng ấu dâm suy nghĩ. Thêm nữa một cựu nạn nhân của linh mục Karadima xác nhận vào tháng 2 vừa qua, ông đã viết thư cho giáo hoàng từ năm 2015 để tố cáo sự im lặng của giám mục Juan Barros. Lại còn việc từ chức ồn ào của hai cựu thành viên Hội đồng Giáo hoàng bảo vệ trẻ vị thành niên, bà Marie Collins và ông Peter Saunders, một Hội đồng được thành lập để cố vấn cho giáo hoàng về nạn ấu dâm.
Vì tất cả các lý do này, Đức Phanxicô bị yếu đi trước cơn cuồng phong Chi-lê, trước vụ hai hồng y thuộc hội đồng các hồng y cố vấn (C9), một hội đồng gồm những người thân cận ngài giúp ngài cải cách lại ở trong cơn xoáy của các vụ lạm dụng tình dục. Hồng y George Pell, bộ trưởng Kinh tế Vatican chính thức bị buộc tội tấn công tình dục trong những năm 1970 và 1990 ở Úc, sự việc mà hồng y hoàn toàn phủ nhận. Ngài phải về Úc để ra tòa. Ngoài ra, một trong các nạn nhân của linh mục Karadima cho biết hồng y Errázuriz Ossa, cựu Tổng Giám mục giáo phận Santiago ở Chi-lê và cũng là thành viên của Hội đồng C9, là một trong những người có trách nhiệm trong việc bưng bít chung quanh linh mục ấu dâm này. Các sự việc này làm cho những người chống tiến trình cải cách trong nội bộ suy nghĩ.
Nhưng vụ Chi-lê cũng là một bước ngoặt vì chưa bao giờ một giáo hoàng xin lỗi như thế này. Trên thực tế, Đức Phanxicô không ngừng ở việc xin lỗi, ngài còn đi xa hơn. Trong một tài liệu mười trang ngài đưa cho các giám mục Chi-lê được ngài triệu về Rôma một tuần, ngài thừa nhận trách nhiệm riêng của mình. Ngài viết: “Chúng ta tất cả đều can dự vào, và tôi là người đầu tiên.” Khi nói như vậy, ngài nhất quán với những gì ngài chứng tỏ cho thấy ngay từ những phút đầu tiên khi được bầu chọn, ngài nghiêng mình xin giáo dân cầu nguyện cho mình, trước khi tự cho mình là “kẻ có tội” vài ngày sau đó. Vì thế không ai biết ngài sẽ chấp nhận để 34 giám mục Chi-lê từ chức hay không, nhưng việc xét mình của trách nhiệm tập thể của Giáo hội, mà Đức Phanxicô không tránh né, ngài đảm nhận phần trách nhiệm của mình là sự việc đáng kể nhất trong câu chuyện này.
“Đau đớn và xấu hổ”
Chúng ta cần nhìn lại quá trình của sự việc này. Năm 2011, hơn 20 năm sau các lời cáo buộc đầu tiên, Bộ Giáo lý Đức tin nhìn nhận linh mục Fernando Karadima phạm tội lạm dụng tình dục trên trẻ em vị thành niên. Linh mục này từ lâu cực kỳ nổi tiếng và có ảnh hưởng ở Chi-lê, người lo cho ơn gọi, bây giờ ở tuổi 84, linh mục bị sống cuộc sống trong nhà tu để “ăn năn và cầu nguyện”. Giám mục Juan Barros được Đức Gioan-Phaolô II phong giám mục năm 1995, là một trong các linh mục trẻ được linh mục Karadima đào tạo, các nạn nhân cho biết, giám mục barros rất thân cận với linh mục Karadima đến mức còn làm chứng cho cách đối xử của ân nhân của mình. Giám mục Barros không phải là giám mục duy nhất chung quanh việc bưng bít cho linh mục Karadima. Trong kỳ mật nghị năm 2013, một trong các nạn nhân của linh mục Karadima cho rằng thật chướng tai gai mắt khi thấy hồng y Errazuriz có thể đi bầu, chỗ của ngài là phải ở “trong tù”.
Năm 2015, vụ Giám mục Barros bùng ra lại khi Đức Phanxicô bổ nhiệm giám mục Barros về giáo phận Osorno làm cho có các vụ biểu tình ở giáo phận trong buổi lễ nhậm chức. Tháng 5 năm 2015, một du khách Argentina quay một video tài tử ở quảng trường Thánh Phêrô, cho thấy Đức Phanxicô bảo vệ giám mục Barros và tố cáo những người gièm pha là “ngốc nghếch”, tố cáo mà không có “bằng chứng”, ngài nói: “Anh chị em đừng bị những người cánh tả xỏ mũi, họ dựng lên tất cả những chuyện này!” Được đài truyền hình quốc gia Chi-lê phát hình, đoạn video làm náo động. Chữ “cánh tả” đáng chú ý vì cho thấy các người cố vấn không tốt đã có ảnh hưởng trên giáo hoàng, khi cho rằng Giáo hội Chi-lê là nạn nhân của một tấn công về mặt chính trị.
Các căng thẳng lên cực điểm trong chuyến tông du tháng 1 – 2018 của Đức Phanxicô, tạo nên câu trả lời nổi tiếng của ngài với các nhà báo. Hồng y Sean O’Malley, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng bảo vệ trẻ vị thành niên công khai chỉ trích lời của giáo hoàng. Cuối tháng 1, Đức Phanxicô quyết định gởi điều tra viên đặc biệt đi Chi-lê, Đức Giám mục Charles Scicluna thuộc Bộ Giáo lý Đức tin. Ngài là chuyên gia về các vấn đề ấu dâm, năm 2005 ngài được Đức Bênêđictô XVI cử đi điều tra vụ Marcial Maciel và các Huynh đoàn Kitô, một vụ làm cho ngài nổi tiếng là người không thể mua chuộc. Xứng với tầm cao của danh tiếng này, sau khi điều tra ở Chi-lê, một bản báo cáo 2300 trang được đưa lên Đức Giáo hoàng: một bản báo cáo không chối cãi được mà sau khi đọc, Đức Phanxicô đã gởi cho các giám mục Chi-lê một bức thư nói lên sự “đau đớn và nhục nhã” của mình và cho biết ngài mong muốn có một tiến trình nhận định tập thể.
Loại tâm lý theo chủ nghĩa ưu tú cuối cùng gây nên chia rẽ, chia cắt, tạo những “vòng khép kín” dẫn đến loại linh đạo tự mê và độc tài.
Giáo hoàng Phanxicô
Sau kỳ họp kín ở Rôma từ 13 đến 17 thánh 5 mà 34 giám mục Chi-lê cùng đệ đơn từ chức. Trước đó Đức Phanxicô đã gởi cho các giám mục bức thư dài 10 trang tố cáo “có những khinh suất trầm trọng trong việc bảo vệ trẻ em yếu đuối của các giám mục và các bề trên dòng”. Thêm nữa có các vụ thuyên chuyển những người lạm dụng từ địa phận này qua địa phận khác, xếp các đơn khiếu nại qua một bên mà không hề có cuộc điều tra… Tài liệu mật này bị đài truyền hình Chi-lê T13 đưa ra, mở một trang mới trong lịch sử Giáo hội. Với một tinh thần sáng suốt, Đức Phanxicô viết trong bức thư, việc thải hồi các giám mục có trách nhiệm trong các vụ này là cần thiết nhưng “chưa đủ”. Điều quan trọng là phải thấy sự liên kết giữa lạm dụng quyền lực và lạm dụng tình dục, khẳng định khởi đầu của vụ tai tiếng là có khuynh hướng nghĩ rằng thể chế của mình tốt hơn các thể chế khác, ngài viết: “Loại tâm lý theo chủ nghĩa ưu tú cuối cùng gây nên chia rẽ, chia cắt, tạo những vòng khép kín dẫn đến loại linh đạo tự mê và độc tài thay vì phải rao giảng phúc âm, họ thấy quan trọng là mình phải đặc biệt, khác với người khác, như thử Chúa Giêsu Kitô cũng như những người khác là thật sự không đáng kể”. Ngài viết thêm: “Chủ nghĩa mình cho là thiên sai, ưu tú, giáo quyền tất cả đều đồng nghĩa là đồi trụy trong bản thể giáo sĩ”.
Điều này có nghĩa từ nay, việc nêu lên người có trách nhiệm và phạm tội là không còn đủ nữa. Cả một hệ thống phải chấm dứt. Sự từ chức tập thể của hội đồng giám mục Chi-lê là dấu hiệu đầu tiên của cái có thể gọi là kỷ nguyên mới. Không có gì là đạt được, vì theo một số nạn nhân, giáo hoàng không phải chỉ bằng lòng chấp nhận từ chức nhưng ngài phải áp dụng các biện pháp trừng phạt đã dự trù trong tự sắc ‘Như người mẹ yêu thương’ – có nghĩa là các giám mục trách nhiệm phải từ chức sau khi có các thủ tục hình sự cá nhân. Nếu không, tòa án do Đức Phanxicô tuyên bố năm 2015 có nhiệm vụ xét các giám mục yếu kém vẫn là một tòa án chết. Sự trì trệ này là một trong các lý do làm cho bà Marie Collins thuộc Hội đồng Giáo hoàng bảo vệ trẻ vị thành niên từ chức. Và nghịch lý thay, vụ tai tiếng mới này tuy làm cho việc cải cách của Đức Phanxicô bị suy yếu nhưng chắc chắn lại cho ngài động lực lớn nhất để đi đến cùng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch