Các bài học của Sư huynh Antôn, ẩn tu từ 50 năm nay
vsd.fr, Luca Andreolli, 2015-12-30
Sư huynh Antôn đã ngoài 90, sống ở hang động Var với một vài người dân ở đây quen với nếp sống chiêm niệm và khổ hạnh của sư huynh. Sư huynh Antôn sống trong tinh thần huynh đệ và rất hài hước.
Tháng 4 năm 2015 trong vùng rừng Estérel cách vùng Roquebrune-sur-Argens (Var) vào khoảng mười lăm cây số, người ta tìm thấy xương cốt trong một hang sâu hai mét, mọi người nghĩ đến vụ án bí ẩn trọng tội: sự mất tích của ông Xavier Dupond-de-Ligonnès, người cha bị tình nghi giết cả gia đình ở Nantes năm 2011. Nhưng vùng núi xa xuôi này lại là nơi ẩn dật của Sư huynh Antôn, sư huynh đã ngoài 90 và sống trong hang động của vùng Roquebrune-sur-Argens từ năm 1966. Sư huynh bị cú sét mê hoặc của vùng núi huy hoàng này, thầy nói với nhà báo VSD: “Lúc đó tôi 43 tuổi, tôi có một xác quyết, rằng có một tình trạng hoàn toàn an bình tự tại ở đây và bây giờ, trong kitô giáo gọi là Nước Trời”. Năm 2016, sư huynh kỷ niệm 50 năm sống ẩn tu.
Nơi sân thượng che khuất sau làn cây có một tầm nhìn tuyệt đẹp, quanh năm sư huynh sống ở đây, nhưng sư huynh hiếm khi ở một mình. Luôn có những người leo núi ngủ trong các hang động bên cạnh: “Nhưng họ phải kín đáo và nhất là không được đốt lửa, sẽ thấy rõ cách đây cả vài cây số bán kính”. Vì ngủ trong khối rừng này là bất hợp pháp. Và sư huynh bỗng nhận ra: “Nếu ông viết một bài báo, các nhà báo sẽ đến đây. Năm 2000 tôi đã có một chương trình truyền hình với Jean-Luc Delarue với chủ đề “Những người Vui vẻ và Khổ hạnh”. Bên cạnh các trao đổi là thảo luận về sự cô tịch, suy niệm và cầu nguyện. Cười về tất cả mọi chuyện, sư huynh “bằng lòng” sau kinh nghiệm Paris này, thầy không nghĩ đến sẽ có những người tò mò sẽ đến thăm. Sư huynh kể: “Có những người đến hang động của tôi, chụp hình rồi đi”. Hang động của sư huynh thành nơi không sống được. Sư huynh rời nơi đó trong vòng ba năm để đến một tịnh cốc khác. Khi sư huynh trở về, các tấm kiếng đã bị bễ, sư huynh phải thay bằng thủy tinh plexi. Bây giờ ngay cổng vào sư huynh viết: “Hang động của Sư huynh Antôn không phải là nơi du lịch nhưng là nơi gặp gỡ của tình huynh đệ”.
Sư huynh Antôn sống nhờ của ăn người dân cho. Một vài người qua đường, một vài người đã quen từ cả chục năm nay. Hang động của sư huynh không có gì: vài tấm nệm, vài quyển sách, một rề-sô dầu khí, vài tấm chăn. Sư huynh sống không tiền, không tài khoản ngân hàng. Không có nước máy, sư huynh hứng nước mưa từ hai lỗ đục trên mái đá. Nhà vệ sinh ư? Sư huynh cười: “Không ai đến đây la tôi”. Một vài đèn cầy dùng để thắp sáng ban đêm nhưng sư huynh ít dùng, sư huynh sống theo nhịp mặt trời mọc, mặt trời lặn. Sư huynh không trả tiền thuê động vì chủ miếng đất tư này không bao giờ đòi tiền thuê! Trong rừng, chung quanh một tảng đá hình chữ nhật lớn, sư huynh để các hòn sỏi và trên đó là hàng chữ: “Nơi đây an nghỉ…” Và khi nâng hòn đá đầu tiên giấu hòn đá khác, người ta có thể đọc “một hòn sỏi to”. Tính hài hước của sư huynh An tôn thật đặc biệt.
Nếu có một vài tu sĩ xem Sư huynh Antôn như người dị giáo thì sư huynh trả lời họ “tôi sống không trung gian” với Chúa. Tên thật của sư huynh là Louis Chauvel, Sư huynh Antôn đã sống mười năm trong đan viện và đã khắc nhiều vật dụng tôn giáo bằng gỗ. Qua nghề khắc này, sư huynh gặp một nhà kỹ nghệ hảo tâm giàu có giúp đỡ. Sau đó là một loạt dài các chuyến đi Ấn Độ.
Sư huynh Antôn cho biết mình “không bao giờ chán”, thầy có một đời sống nội tâm sâu đậm. Nhưng ẩn tu có một niềm đam mê khác: “Tôi viết theo xung động. Một vài xung động mang tính học thuyết, tài chánh hay tính dục. Đời của tôi là viết”. Sư huynh đã xuất bản tám tác phẩm mà sư huynh viết tay bản thảo. Cô Rachel Guimbaud, người tỉnh Lyon, 32 tuổi là người liên lạc giữa sư huynh và nhà xuất bản. Cô viết lại bản thảo trên máy vi túnh, từ bốn năm nay, hàng tháng cô đến gặp sư huynh để lấy bản thảo. Cô vừa cười vừa nói: “Mỗi lần đến là một cuộc gặp. Sư huynh rất sáng suốt về thế giới chúng ta sống, đôi khi rất mới. Tôi đến tìm niềm vui ở Roquebrune-sur-Argens. Sư huynh Antôn chăm sóc chúng ta và chúng tôi săn sóc sư huynh”.
Chuyện của Sư huynh Antôn, Frère-antoineries, nxb. Unicité, tháng 7 – 2015.
Cám ơn cho tất cả Merci pour tout, nxb. Accarias, tháng 1 – 2015.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch