Làm sao để tất cả được chung cục hạnh phúc?

451

Làm sao để tất cả được chung cục hạnh phúc?

Ronald Rolheiser, 2018-01-08

Julian thành Norwich, nhà thần nghiệm thế kỷ XIV, và có lẽ là thần học gia nói tiếng Anh đầu tiên, có một dòng nổi tiếng, và được vô vàn bậc giảng thuyết, nhà thơ và nhà văn trích lại. Nhưng tất cả sẽ tốt đẹp, và tất cả sẽ tốt đẹp, và mọi đường lối vạn vật sẽ tốt đẹp. Đây là giáo lý đặc trưng của thánh nữ. 

Chúng ta đều có những hiểu biết trực giác về ý nghĩa của câu này. Chúng ta thấy đây là căn cứ cho niềm hy vọng. Đến cuối cùng, sự thiện sẽ chiến thắng. Nhưng ta sẽ hiểu thêm ý nghĩa câu này khi nhìn nó trong bối cảnh gốc. Thánh Julian cố nói gì khi viết ra câu này?

Thánh nữ đã đấu tranh với các nan đề về sự dữ, tội lỗi và đau khổ. Tại sao Thiên Chúa cho phép chúng xảy ra? Nếu Thiên Chúa là trọn vẹn yêu thương và toàn năng, thì làm sao có thể giải thích cho việc Thiên Chúa để chúng ta chịu đau khổ, để chúng ta tội lỗi, để sự dữ hiện diện khắp nơi trên thế giới? Tại sao Thiên Chúa không tạo ra một thế giới không có sự tội, nơi chúng ta sống hoàn hảo từ lúc lọt lòng đến tận giờ phút cuối?

Thánh Julian đã nghe đủ các bài giảng trong nhà thờ để hiểu về lời giải đáp theo biện giáo chuẩn mực cho vấn đề này, nói cụ thể là, Thiên Chúa cho phép chuyện đó xảy ra vì Thiên Chúa đã cho chúng ta ơn trọng là sự tự do. Và đi kèm với nó là không thể tránh khỏi sự tội và những hậu quả đáng buồn của nó. Đây là một câu trả lời có căn cứ, dù cho thường quá trừu tượng để xoa dịu chúng ta khi chịu đau khổ. Nhưng thánh Julian, dù cho là người con gái trung thành của Giáo hội và đã được dạy về câu trả lời, lại không tìm đáp án trong lời giải này. Thánh nữ đưa ra một ý tưởng khác.

Với thánh nữ, Thiên Chúa cho phép có sự dữ, tội lỗi và đau khổ, là bởi Thiên Chúa sẽ dùng nó để đến cuối cùng tạo cho tất cả mọi người một dạng hạnh phúc sâu sắc hơn nữa, sâu sắc hơn một hạnh phúc không phải trải qua sự dữ, tội lỗi và đau khổ. Đến tận cùng, những điều tiêu cực đó sẽ vận hành hướng đến tạo ra một điều tích cực sâu sắc hơn nữa.

Cho phép tôi trích lại nguyên văn của thánh Julian: Chúa Giêsu, trong thị kiến này đã cho tôi biết về tất cả những gì tôi cần được giải đáp. Ngài nói: Nhưng tất cả sẽ tốt đẹp, và tất cả sẽ tốt đẹp, và mọi đường lối vạn vật sẽ tốt đẹp (‘Sinne is behovely, but alle shalle be wele, and alle shalle be wele, and all manner of thing shalle be wele.’)

Thánh nữ nói rằng tội lỗi là “behovely.” Trong tiếng Anh thời Trung cổ, behovely có ba nghĩa: “hữu dụng,” “có lợi,” và “cần thiết.” Trong thị kiến của thánh nữ, tội lỗi, sự dữ và đau khổ, đến tận cùng là những điều có lợi và cần thiết để đưa chúng ta đến với ý nghĩa thâm sâu hơn và hạnh phúc lớn lao hơn. (Điều này không khác chi câu hát trong bài Trỗi vang lên vào Đêm Phục Sinh: Ôi tội vinh phúc, tội cần thiết của Ađam.)

Điều mà thánh Julian muốn chúng ta rút ra từ câu này, không phải là ý tưởng rằng tội lỗi và sự dữ không gây hậu quả là mấy, nhưng là việc Thiên Chúa, với lòng yêu thương và quyền năng vô hạn, có thể rút lấy sự thiện từ sự dữ, rút ra hạnh phúc từ đau khổ, và ơn cứu độ từ tội lỗi, theo những cách mà chúng ta không thể hiểu nổi. Đây chính là câu trả lời của thánh Julian cho câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa cho phép có sự dữ? Thánh nữ trả lời bằng cách không trả lời, bởi về căn bản, không thể tưởng tượng ra được câu trả lời nào thỏa đáng cả. Đúng ra, thánh nữ đưa câu hỏi này vào thần học về Thiên Chúa, và trong đó vượt ngoài những gì chúng ta có thể hình dung và vượt ngoài những gì thần học có thể giải thích trọn vẹn, quyền năng và tình thương của Thiên Chúa cuối cùng sẽ làm cho mọi sự tốt đẹp, lau khô mọi giọt lệ, cứu chuộc mọi sự dữ, xóa sạch mọi chuyện xấu, làm ấm lại những tâm hồn băng giá, và biến mọi đường lối đau khổ thành hạnh phúc. Trong nhận thức này còn ngụ ý rằng chiến thắng tận cùng của Thiên Chúa sẽ là xóa sạch địa ngục, để cho tất cả mọi đường lối hiện hữu đều sẽ tốt đẹp.

Trong một thị kiến sau đó, thánh Julian đã nhận được một lời cam đoan năm điểm từ Thiên Chúa rằng Thiên Chúa có lẽ, có thể, sẽ, và phải làm cho mọi sự tốt đẹp và chúng ta sẽ được thấy ngày đó.

Tất cả những điều này tất nhiên là dựa vào một khái niệm cụ thể về Thiên Chúa. Thiên Chúa mà thánh Julian thành Norwich mời gọi chúng ta tin, là một Thiên Chúa vượt ngoài trí tưởng tượng của chúng ta, cả về tình yêu thương và quyền năng. Bất kỳ Thiên Chúa nào chúng ta có thể hình dung được đều không thể biến mọi đường lối hiện hữu trở nên tốt đẹp (như nhiều lời phê phán vô thần đã chỉ ra như thế.) Và điều này không chỉ đúng khi chúng ta cố hình dung quyền năng Thiên Chúa, mà còn đúng khi chúng ta cố hình dung tình yêu Thiên Chúa.

Với điều kiện loài người chúng ta, không thể tưởng tượng nổi có thể hình dung bất kỳ ai, dù là Thiên Chúa hay con người, lại không bị xúc phạm, không rơi vào giận giữ, không hờn oán ai dù cho người đó đã chịu đựng sự dữ nặng nề đến thế nào, cũng không hình dung nổi có ai lại hoàn toàn thư thái và dung nhan hòa hợp đến tuyệt diệu (như cách thánh Julian mô tả về Thiên Chúa.) Thiên Chúa trong tưởng tượng của chúng ta, được cấu thành từ những diễn giải kinh thánh sai lầm nhât định, là Đấng có bị xúc phạm, có giận dữ, có báo oán, và đáp trả tội lỗi bằng cơn thịnh nộ. Một Thiên Chúa như thế không thể nào biến mọi đường lối vạn vật trở nên tốt đẹp. Một Thiên Chúa như thế cũng không phải Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mặc khải.

Thánh Julian nói rằng, nếu chúng ta nhìn vào mắt Chúa, thì điều chúng ta sẽ thấy “sẽ làm tan chảy trái tim chúng ta bằng tình yêu, và vỡ tan ra trong xuất thần say đắm.”

J.B. Thái Hòa dịch