“Người lang thang của Chúa”, một người vô gia cư Bỉ được chôn ở Vatican
Bức khắc “Giêsu, người vô gia cư” tại Washington
fr.aleteia.org, Louise Alméras, 2018-01-16
Ngày 11 tháng 1-2018, Đức ông Dirk Smet, viện trưởng trường Giáo hoàng Bỉ tại Rôma đã cử hành tang lễ cho ông, César Willy De Vroe, người vô gia cư Bỉ. Nhân dịp này, Đức ông đã có bài ca ngợi người lang thang can đảm mà Satan không thể nào quật ngã ông được.
Ông César Willy De Vroe qua đời ngày 4 tháng 1-2018, thọ 65 tuổi, an nghỉ ở nghĩa trang “Campo Santo dei Teutonici cum dei Fiamminghi”, một nghĩa trang lịch sử, dành cho người hành hương các nước Đức, Phần Lan, chỉ cách Đền thờ Thánh Phêrô vài chục mét, đàng sau các cột danh tiếng Bernin. Ông César là người thứ hai của nước này được chôn ở Vatican, trước đó là ông Willy Herteleer, qua đời năm 2015 sau 30 năm sống ngoài đường ở Rôma.
Nghĩa trang “Campo Santo dei Teutonici cum dei Fiamminghi”
Một danh dự cho ông César Willy De Vroe, người trong 20 năm trời được gọi là “người lang thang của Chúa” sau khi ông mất tất cả những gì mình có: gia đình, tài sản, sức khỏe. Ông sống ngoài đường trong những điều kiện rất khó khăn. Nhờ sự săn sóc của linh mục người Ý Daniele Bisato, cha xứ giáo xứ Thánh Âugutinô ở Vintimille mà năm 1999, ông lấy lại được can đảm. Từ tháng 9 vừa qua, ông ở với các người truyền giáo của cơ quan Từ thiện Rôma.
So sánh với ông Gióp
Ông sống trong cảnh trần trụi hoàn toàn, ông mất liên lạc với bốn anh chị em của ông, ông được biết đến như một người rất rộng lượng. Đến năm ông 47 tuổi, ông tìm lại con đường của Giáo hội. Trong bài giảng tang lễ, Đức ông Dirk Smet nói: “Ông César có một tâm hồn nhạy cảm, ông được trở lại lúc đã lớn tuổi sau một đời sống chai đá và khó khăn trên mọi khía cạnh”.
Đức ông so sánh ông César với hình ảnh của Thánh Gióp, một hình ảnh rất gần với hoàn cảnh sống của ông César: “Trong những hoàn cảnh sống gay go nhất, trong sự nghèo khổ tột độ, qua các thử thách khó khăn, hết thử thách này đến thử thách khác, nhưng ông luôn giữ một tinh thần sáng suốt, một tâm hồn trong trắng và nhân phẩm của mình”. Đức ông cũng nhấn mạnh đến điểm, “Satan không bao giờ quật ngã được người lang thang của Chúa. Sự dữ không bao giờ xâm chiếm được tâm hồn ông, tâm tư ông, con người nội tâm của ông. Ông luôn tin tưởng vào Chúa”.
“Ông cũng có thể là vua ‘đạo sĩ’ thứ tư”
Đức ông Smet nhìn trong cách ông César chống cự lại với các thử thách ‘luôn ngắm ngôi sao dẫn đường để đến với Chúa Giêsu Hài Đồng Bêlem’, như ba vua: “Những ngôi sao có thể cho chúng ta đủ ánh sáng để đi trên đường đời, để không đánh mất can đảm, để tiếp tục đi đến Bêlem”. Đức ông Dirk Smet kết thúc bài giảng của mình bằng lời cám ơn các người samaritanô nhân hậu, đã săn sóc ông César trong đời: “Ngày hôm nay, chúng ta có thể gặp Chúa Giêsu. Trong Phép Thánh Thể nhưng chúng ta cũng gặp Chúa Giêsu nơi các anh chị em của chúng ta, những người nhỏ bé, nghèo hèn. Nơi những người lang thang chỉ ở cách đây hai bước, gần Vatican”.
Tang lễ của “người lang thang của Chúa” là dịp để chúng ta hiểu ý nghĩa của khó nghèo và cách thể hiện hình ảnh của Chúa Kitô. Chúng ta không thể không nhắc ở đây hình ảnh bức khắc “Giêsu, người vô gia cư” của nhà điêu khắc Canada Timothy Schmalz, các bức khắc này đã được triển lãm vào tháng 11 ở một nhà thờ ở Michigan. Linh mục Tom Murphy của giáo xứ này ghi nhận, “điều này đã thay đổi thái độ của rất nhiều người đối với người vô gia cư”.
Marta An Nguyễn dịch
Đức Phanxicô làm phép cho bức khắc “Giêsu, người vô gia cư” ngày 20 tháng 11-2013 tại quảng trường Thánh Phêrô.