Nhận nỗi đau bằng trái tim

240

Ronald Rolheiser, 2010-02-28

Vào thời gian đau buồn xé ruột, cha Henri Nouwwen đã viết những lời sau trong quyển nhật ký: Thách thức lớn nhất là sống thấu suốt nỗi đau của mình thay vì nghĩ thấu suốt những nỗi đau. Khóc tốt hơn là lo lắng, cảm nhận nỗi đau tốt hơn là tìm hiểu nỗi đau, để chúng bước vào trong thinh lặng của mình tốt hơn là nói về chúng. Lựa chọn mà anh liên tục đối diện là anh đang đưa nỗi đau của mình tới cái đầu hay tới trái tim.  

Một phần chúng ta hiểu chính xác điều cha nói, kể cả khi một phần khác của chúng ta tự nhiên sẽ kháng lại lời khuyên của cha: Trong chúng ta có phần không muốn khóc, không muốn cảm thấy nỗi đau, không muốn đưa nỗi đau của chúng ta tới chỗ thinh lặng, và không muốn đem nỗi đau tới trái tim. Và vậy là, thay vào đó, khi đau buồn, chúng ta lại càng lo lắng và ám ảnh hơn, chúng ta gắng gỗ để tìm hiểu, chúng ta nói liên tu bất tận với người khác, và chúng ta cố gắng giải quyết mọi chuyện bằng cái đầu chứ không để bản thân chúng ta đơn giản cảm nhận nỗi đau bằng trái tim.

Và đó không phải luôn luôn là chuyện không hay. Với tất cả minh triết của nó, lời khuyên của cha Nouwen cần có một vài dè dặt: Quan trọng là chúng ta cũng đưa nỗi đau của mình lên cái đầu. Trái tim và trí óc cần hài hòa với nhau. Nhưng điều cha Nouwen chỉ ra ở đây là điều mà cha, một con người được phú cho sự mẫn cảm phi thường đối với những gì thuộc về trái tim, đã nhận ra chỉ sau khi trải qua cơn buồn đau tan nát, nghĩa là, chúng ta thường dễ dàng đưa mọi chuyện tới cái đầu hơn là tới trái tim, kể cả khi chúng ta nghĩ rằng mình đâu có làm như vậy.

Chúng ta đưa nỗi đau tới cái đầu và chặn lại dòng nước mắt chữa lành trong tim bằng cách phủ nhận, lý luận giải thích, đổ lỗi, không thừa nhận một cách giản dị và trung thực, và không thừa nhận rằng chính mình đang đau đớn, chính mình bất lực, chính mình yếu đuối, chính mình không phù hợp.

Và tất cả chúng ta đều có rất nhiều dịp làm như vậy: Càng hiểu rõ ràng và nhạy cảm thì chúng ta lại càng bị các nỗi đau hành hạ. Càng trung thực bao nhiêu thì chúng ta càng nhận thức rõ bấy nhiêu về những giới hạn và tính chất không phù hợp của chính bản thân mình. Và càng hào hiệp và thanh khiết bao nhiêu thì chúng ta càng nhận thức rõ về tội lỗi và các phản bội của chúng ta.

Vì vậy lời khuyên của cha Nouwen chứa một thách thức lành mạnh: Khi chúng ta suy sụp vì đau buồn, chúng ta không nên phủ nhận nỗi đau đó, phủ nhận sức mạnh quái ác của nó, hay phủ nhận việc chúng ta bất lực trước nó. Làm như vậy là mạo hiểm biến mình thành chai cứng và cay đắng. Nhưng nếu chúng ta trao cho cơn đau đớn quặn thắt vị trí trung thực của nó, chúng sẽ khơi dòng nước mắt làm cho con tim mềm lại và giãn ra. Sẽ có ích nếu chúng ta nhớ rằng nước mắt là nước muối, cùng một chất với nước của đại dương ban sơ nơi chúng ta khởi thủy. Nước mắt kết nối chúng ta với nguồn gốc của mình và để cho dòng nước ban sơ của sự sống đó lại một lần nữa chảy trong huyết quản chúng ta.

Hơn nữa, khi đưa nỗi đau đến trái tim, khi trung thực thừa nhận sự yếu đuối và bất lực của mình, thì cuối cùng Chúa mới có thể bắt đầu truyền sức mạnh cho chúng ta. Tại sao? Bởi vì chỉ khi chúng ta đã bị suy sụp trong cảnh bất lực hoàn toàn, chỉ khi cuối cùng chúng ta đã ngã quỵ, thì Chúa mới có thể phái thiên thần xuống tiếp sức cho chúng ta, giống như Chúa đã phái thiên thần xuống tiếp sức cho Giê-su trong cơn thống khổ trong vườn Giết-sê-ma-ni.

Một đêm nọ, trước khi bị giết vài tháng, Martin Luther King nhận được một cú điện thoại đe dọa ám sát. Trước đó ông cũng đã từng bị điện thoại như vậy, nhưng vào đêm đó, nó khiến ông hoảng sợ và cảm thấy suy yếu tận xương tủy. Mọi nỗi hoảng sợ ập đến với ông cùng một lúc. Đây là những dòng ông đã viết kể lại chuyện diễn ra tiếp theo đó: 

Tôi ra khỏi giường và bắt đầu đi lại trong nhà. Cuối cùng tôi vào bếp hâm bình cà phê. Tôi đã sắp ngã quỵ. Đặt tách cà phê trước mặt mà không hề đụng vào, tôi cố gắng nghĩ tới cách làm sao thoát ra khỏi tình cảnh này mà không tỏ ra hèn nhát. Trong trạng thái kiệt sức này, khi tất cả dũng khí của tôi đã tan biến, tôi quyết định đem các vấn đề ra bày tỏ với Chúa. Tay ôm đầu, tôi quỳ xuống trước cái bàn trong bếp và cầu nguyện to lên. Những từ tôi nói với Chúa vào giữa đêm đó vẫn còn sống động trong tâm trí tôi: 

“Con ở đây với một lập trường mà con tin là đúng. Nhưng giờ đây con đang hoảng sợ. Mọi người đang trông chờ con lãnh đạo mà nếu đứng trước họ con  không còn sức mạnh và dũng cảm, thì họ cũng sẽ lung lay. Con nay đang kiệt cùng sức lực. Con không còn gì. Con đã tới lúc không thể nào một mình đối diện được nữa.” Vào giây phút đó, tôi trực nhận sự hiện diện của Đấng Thiêng Liêng như thể trước đó chưa bao giờ tôi từng trực nhận Người.

Trevor Herriot nói, chỉ sau khi hoang mạc đã tàn phá chúng ta, thì thiên thần mới đến và tiếp sức cho chúng ta. Đó là lý do tại sao tốt hơn chúng ta nên cảm nhận nỗi đau của mình hơn là tìm hiểu chúng, tốt hơn là khóc thay vì lo lắng.

J.B. Thái Hòa dịch