Đức Bênêđictô đã đúng

516

Denver Catholic Register | George Weigel

Đêm ngày 12 tháng 9 năm 2006, tôi và vợ đang ăn tối tại Cracow với những người bạn Ba Lan, thì một viên chức Vatican người Ý đang kích động, gọi đến và muốn biết tôi nghĩ gi về ‘bài diễn văn điên rồ của giáo hoàng về những người Hồi giáo.’ Đó là dấu chỉ đầu tiên cho tôi thấy rằng nhóm tư tưởng độc lập trong báo giới đang nhắm vào bài diễn văn Regensburg của giáo hoàng Benedicto XVI: họ xem đó là một ‘lời hớ hênh’, và là thứ mà truyền thông tiếp tục bâu vào cấu xé cho đến tận cuối triều giáo hoàng của ngài.

Tám năm sau, diễn văn Regensburg đã được nhìn nhận khác hẳn. Thật vậy, những ai thực sự đọc bài diễn văn này hồi năm 2006, hiểu rằng, nó rất khác xa với ‘một lời hớ hênh’, Đức Benedicto XVI, với sự chính xác hàn lâm, đã đưa ra hai vấn đề mấu chốt, và những lời giải có tác động sâu sắc đến cuộc chiến nội bộ của người Hồi giáo, một cuộc chiến sẽ quyết định liệu Hồi giáo thế kỷ XXI có an toàn cho chính các tín hữu Hồi giáo và cho thế giới hay không.

Vấn đề thứ nhất là về tự do tôn giáo: Liệu người Hồi giáo có tìm thấy trong các nguồn tri thức và thiêng liêng của mình, những lập luận Hồi giáo hướng đến sự bao dung tôn giáo (bao gồm sự bao dung với những người cải sang những đức tin khác), hay không? Giáo hoàng cho rằng, bước tiến đáng mong ước này, qua thời gian sẽ dẫn đến một luận thuyết Hồi giáo trọn vẹn hơn về tự do tôn giáo.

Vấn đề thứ hai là về cấu trúc của các xã hội Hồi giáo: Liệu một lần nữa từ trong những nguồn cội thiêng liêng và tri thức của mình, người Hồi giáo có thấy các lập luận Hồi giáo về việc phân biệt giữa uy quyền tôn giáo và uy quyền chính trị là chính đáng hay không? Một sự phát triển cân bằng đáng khao khát này có lẽ khiến cho các xã hội Hồi giáo trở nên nhân bản hơn đối với chính mình và ít nguy hiểm hơn với đồng loại, đặc biệt nếu điều này gắn kết với sự bao dung tôn giáo thăng tiến trong Hồi giáo.

Giáo hoàng Benedicto tiếp tục đưa ra rằng đối thoại liên tôn giáo giữa người Công giáo và Hồi giáo có lẽ nên tập trung vào hai vấn đề gắn kết này. Giáo hoàng thoải mái nhìn nhận rằng, Giáo hội Công giáo đã có những nỗ lực về phần mình phát triển tự do tôn giáo trong một thể chế quản trị hợp hiến, trong đó giáo hội đóng vai trò then chốt trong xã hội dân sự, nhưng không trực tiếp điều hành. Nhưng cuối cùng, Công giáo đã làm được như thế: không phải bằng cách quy phục triết lý chính trị thế tục, nhưng bằng cách dùng những gì đã học được từ chính trị hiện đại để áp dụng vào truyền thống của mìn, tái khám phá các yếu tố trong suy tư về đức tin, tôn giáo và xã hội đã mai một qua thời gian,và đồng thời phát triển giáo huấn về công bằng xã hội cho tương lai.

Liệu có thể có một tiến trình phục hồi-phát triển như thế trong Hồi giáo hay không? Đó là Vấn đề Lớn mà Đức Benedicto XVI đã đặt ra trong diễn văn Regensburg. Và bi kịch lịch sử là, vấn đề này, đã bị người ta, trước hết là hiểu lầm, và rồi bác bỏ. Kết quả của sự hiểu lầm và bác bỏ đó, cũng như của nhiều hiểu lầm và bác bỏ khác, chính là những cảnh ghê rợn đang diễn ra khắp Trung Đông bây giờ: trong cuộc thảm sát các cộng đoàn Kitô giáo lâu đời, trong sự man rợ, như đóng đinh và chặt đầu các Kitô hữu, đã chấn động một phương Tây dường như không biết sốc là gì, trong những hi vọng bị dập tắt khi nghĩ rằng Trung Đông thế kỷ XXI sẽ phục hồi khỏi những căn bệnh văn hóa và chính trị nhằm tìm được một lối đi hướng đến tương lai nhân văn hơn.

Tôi chắc rằng, Đức Benedicto XVI chẳng vui gì khi lịch sử chứng minh cho diễn văn Regensburg của ngài. Nhưng những người chỉ trích ngài hồi năm 2006, hẳn phải xem lại lương tâm của mình khi đã lớn tiếng sỉ nhục ngài tám năm về trước. Thừa nhận rằng lúc đó họ đã sai, sẽ là một bước hữu ích đầu tiên để nhìn nhận sự ngu ngơ của họ về cuộc chiến nội bộ Hồi giáo, thứ đang thực sự đe dọa đến hòa bình thế giới thế kỷ XXI.

Những mong muốn suy tư của Đức Benedicto XVI về tương lai Hồi giáo, đến bây giờ có vẻ khá là không được đúng lắm. Nhưng nếu xảy ra như thế, thì các lãnh đạo Kitô giáo phải dọn đường, bằng cách thẳng thắn xác định những căn bệnh của Hồi giáo và chủ nghĩa chiến tranh Hồi giáo, bằng cách đặt dấu chấm hết cho những biện luận phi lịch sử của họ cho chủ nghĩa thực dân thế kỷ XX (một sự bắt chước khập khiễng những lời bốc phét hàn lâm của phương Tây về thế giới Hồi giáo Ả Rập), và bằng cách công cáo rằng, khi đối mặt với những người cuồng tín khát máu, như những kẻ chịu trách nhiệm cho chế độ khủng bố đang ngập tràn Syria và Irắc trong những năm vừa qua, thì những lực lượng vũ trang được điều động một cách thận trọng và có chủ đích bởi những người mong muốn và có tiềm lực để bảo vệ những người vô tội, là điều chính đáng về mặt đạo đức.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch