Tín hữu hồi giáo và kitô giáo họp nhau nhân ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời

441

Tín hữu hành hương ở đền thánh Béchouate.

la-croix.com, Emmanuel Haddad, Béchouate (Liban), 2017-08-15

Một mẫu dây cột ở cổ tay. Vòng tay đơn sơ này là dấu hiệu để nhận biết những “người được phép lạ” ở nhà thờ Đức Mẹ Béchouate, một ngôi làng kitô giáo ở thung lũng Bekaa, Liban, bao chung quanh một chuỗi làng hồi giáo. Nhân ngày lễ Đức Mẹ Lên trời, các thánh lễ được dâng mỗi một giờ rưỡi trong hai ngày 14 và 15. Các tín hữu hồi giáo, kitô giáo liên tục thay phiên nhau đến đền thánh có tượng Đức Mẹ. Bởi vì ở đây, mọi người đều nói và đều tin: Đức Mẹ hiện ra và chữa lành không phân biệt tín hữu của hai tôn giáo.

Khi ba của em kéo vòng tay của em Anas, một em bé tị nạn người Syria 9 tuổi thì em đưa ánh mắt đen nháy nhìn ông, ra dấu cho ông phải ngừng kéo. Em giữ vẻ thanh thản và trang nghiêm của những người đến từ xa. Cách đây hai tháng, em thức dậy bị câm và khuyết tật sau 22 ngày hôn mê vì bị tai nạn xe hơi.

Ông Abou Ibrahim, người hồi giáo sunnit ở Alep kể: “Một buổi chiều, tôi mơ thấy Anas nói “ba” trước tượng Đức Mẹ Béchouate. Ngày hôm sau tôi mang cháu đến đây và bỗng nhiên cháu nói: “Con đau bụng’!” Đứa bé kể, tượng Đức Mẹ hỏi em thế nào,  rồi cười với em. Tuần sau, Đức Mẹ nói em đứng dậy đi. “Cháu rời khỏi ghế lăn và bước qua bước về!”, người cha hạnh phúc kể dưới tấm lều gia đình đã sống từ hai năm nay. Từ tháng 8 năm 2004, sau khi Đức Mẹ hiện ra với một em bé hồi giáo người thì đã có một triệu người hành hương đổ dồn về Béchouate trong năm 2004 đến năm 2006.

Một đền thánh được tôn kính từ 300 năm nay

Linh mục Philémon Selwan là cha quản nhiệm đền thánh, cha đã làm hồ sơ cho hơn hai mươi vụ “cầu bàu” cùng Mẹ Maria, trong số này có bốn vụ trong năm 2017, ngồi trước màn hình, cha cho biết: “Tôi quay phim các chứng từ của mọi người và nhờ máy camera đặt trong đền thánh, tôi giữ bằng chứng hình ảnh các lần Đức Mẹ hiện ra. Như thế chúng ta có thể thấy dầu chảy trên tượng Đức Mẹ trong tháng năm vừa qua, thấy em Anas nói và đi hai tháng sau đó”.

Trên màn hình, chúng tôi thấy một người đàn bà mù tìm lại thị giác và con gái của bà bị ung thư vú được lành. Từng vụ cầu bàu xin Đức Mẹ đều khác nhau mỗi lần: một vài người lấy dầu thoa khối ung bướu của mình, người khác thì cảm thấy sự hiện diện đằng sau các bức tượng trong nhà thờ hay các tượng ở ngoài đền thánh. Theo Linh mục Philémon thì dù sao cũng là điều chắc chắn: “Đức Mẹ đã hiện diện ở Béchouate, các phép lạ của Đức Mẹ đã được chứng nhận từ hàng trăm năm nay”.

Đức Giám mục Hanna Rahmé, Tổng Giám mục giáo phận Deir el-Ahmar nhắc lại: “Tất cả bắt đầu với phép lạ của cái cột. Một chức sắc cao cấp hồi giáo ở Nebek đã ăn cắp để trang hoang cho cung điện của ông. Trong đêm, cái cột biến mất và sáng hôm sau, nhân viên của ông tìm lại cái cột tại nơi bị lấy và vẫn còn nguyên. Từ đó Đức Mẹ Béchouate được người hồi giáo cũng như kitô giáo tôn kính”. 

“Tất cả tôn giáo đều nói cùng một Chúa”

Khi vào đền thánh, trước khi quỳ trước tượng Đức Mẹ, các tín hữu hành hương đến chạm vào viên đá cẩm thạch hồng, vết tích của cái cột phép lạ. Vào đầu thế kỷ 20, khi nhà nguyện bị cháy, một linh mục ở Béchouate đã cho sao lại một ấn bản tượng Đức Mẹ Pontmain, tượng Đức Mẹ hiện ra với năm em bé làng Mayenne của người Pháp trong thời chiến tranh chống người Thổ. Với áo choàng ngôi sao màu xanh và triều thiên, Đức Mẹ che chở các tín hữu Liban cũng như Mẹ đã che chở tín hữu Pháp, người dân ở đây rất tin chuyện này.

Ông Zakhia, cùng với gia đình từ làng Bcharré đến, một làng kitô hữu ở phía bên kia Núi-Liban, ông cười nói: “Trong thời kỳ chiến tranh, Đức Mẹ hiện ra với các dân quân thù địch và tạo ra một cơn bão để che chở tín hữu kitô trong vùng. Các người hồi giáo cũng cảm động vì sự hiện diện của Đức Mẹ, ông chỉ cần hỏi Cha Charbel là biết”.

Giữa hai lần giải tội, Cha Charbel hiền lành kể: “Cho đến khi tôi 20 tuổi, tôi tên là Ali Kheir el-Din, tôi là người chiit của làng Majdaloun. Từ khi tôi là linh mục, người thủ lãnh hồi giáo địa phương dọa giết tôi”. Cha Philémon ghi nhận: “Rất nhiều người hồi giáo không dám làm chứng là đã được Đức Mẹ Béchouate chữa lành”. Còn thân phụ của em Anas thì không sợ, ông nói: “Tất cả tôn giáo đều nói cùng một Chúa. Tôi hạnh phúc được Chúa chữa lành cho con tôi”.

Ở Béchouate,  “Đức Mẹ là của tất cả mọi người”

Nước Liban có rất nhiều đền thánh Đức Mẹ. Các câu chuyện Đức Mẹ hiện ra và các chuyện Đức Mẹ thể hiện nơi các tượng nhỏ trong nhà thờ hay các tượng lớn bên ngoài thì rất nhiều.

Ngày 21 tháng 8 năm 2004, ở Béchouate, Đức Mẹ hiện ra với một em bé hồi giáo người sunnit có quóc tịch Giócđani.

Giữa tháng 8 năm 2004 và tháng 7 năm 2006, có một triệu người hành hương đến đền thánh. Các nhóm hồi giáo-kitô được phát triển. Theo nữ nghiên cứu gia Emma Aubin-Boltanski, “một trong các chìa khóa thành công của các vụ Đức Mẹ hiện ra trong những năm 2000 là ở sự phát triển quan trọng mà tại Liban người ta gọi là “đối thoại” (hiwâr). Chữ này là chữ dùng để nói về các sinh hoạt nhằm để tín hữu hồi giáo và kitô giáo xích lại gần nhau. Các nhà cầm quyền đã nhanh chóng lấy tên tổ chức này trong việc tổ chức hành hương ở Béchouate”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Tín hữu hồi giáo và kitô giáo chuẩn bị nhân ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời ở làng Béchouate, Liban, nơi các tín hữu của hai tôn giáo cho biết, họ được Đức Mẹ chữa lành.