Mùa Chay, máy bay, thú nhận

102

petitapetitour.com, 15-12-2014

Nhóm Từng Bước Một

Ngồi dưới đất ở Trạm cuối số 4, phi trường JFK, New York, 10h04.

Sau 11 giờ bay từ Santiago, chúng tôi đang ở New York để chờ chuyến bay tiếp. Chuyến bay sắp tới sẽ bay trong 13 giờ nữa. Hai biến cố chiếm hết tâm trí tôi. Mầu nhiệm Chúa Giêsu xuống thế và kết thúc một tháng truyền giáo với tổ chức Lòng thương xót, Misericordia. Tôi thường hình dung cảnh thiếu thốn mà Chúa Giêsu Hài Đồng sinh ra, mong manh yếu đuối trong máng cỏ với bò lừa chung quanh. Và tôi phải thú nhận ngày hôm nay, sau một tháng ở với tổ chức Lòng thương xót, Misericordia, sự kiện này đã có một sức vang động trong tôi. Nếu tôi chỉ giữ một kỷ niệm cho sứ vụ này thì đó là cảm nhận của cảm giác mong manh lúc lần đầu tôi phải đi gõ cửa từng nhà một để gặp và nói chuyện với người dân trong khu phố.

Khi đến Santiago, tôi bập bẹ vài tiếng Tây Ban Nha, các trao đổi đầu tiên với người dân của tôi là cả một công việc cần cù chăm chỉ. Khi anh Romain giải thích nguyên tắc của các chuyến viếng thăm buổi sáng – các thiện nguyện viên đi từng hai hoặc ba người một đến gặp người dân trong khu phố để nghe họ, để biết họ đang cần gì hoặc đơn giản bỏ chút thì giờ ngồi với họ –, tôi rất mê. Tôi gặp may vì các chuyến đi đầu tiên của tôi, tôi đi với các thiện nguyện viên đã có nhiều kinh nghiệm và nói rành tiếng Tây Ban Nha. Không có gì khó, tôi như có được hàng rào an toàn: tôi cứ kệ, tôi nghe nhưng tôi biết, không có gì đè nặng trên vai tôi. Nhưng rồi cũng đến ngày tôi phải tự bay bằng đôi cánh của mình. Trước đây tôi chưa bao giờ làm một mình, tôi chưa sẵn sàng và tôi cảm thấy mình yếu kém; dù tôi biết, tiên khởi là tôi không sợ gì, dù tôi không muốn nhưng tôi cũng sợ cái nguy hiểm trong khu phố này mà bất cứ đâu người dân cũng than là có quá nhiều bạo lực. Hôm đó, chúng tôi được gởi đi hai người, tôi với Jean. Dù tôi rất quý Jean, nhưng chúng tôi có một điểm yếu chung là trình độ ngoại ngữ Tây Ban Nha thấp kém, và Jean cũng không biết gì nhiều về người dân ở đây. Sự hiện diện của anh làm cho tôi vui nhưng không đủ để trấn an tôi. Lần này thì chúng tôi vô phương cứu chữa. Đã đến giờ lên đường, chúng tôi chưa biết đi đến nhà nào. Chúng tôi bắt đầu đi thăm và hy vọng chuyến đi không quá kéo dài. Kinh nghiệm cảm thấy mình yếu kém này không bị bắt buộc (chúng tôi có thể từ chối đi hai người), nhưng bây giờ nhìn lại thì đây là điều cần thiết đối với tôi. Tôi hiểu, Chúa đòi hỏi tôi phải chấp nhận mình yếu kém, phải dò dẫm đi, phải thấy mình trong những hoàn cảnh khó khăn để học đức khiêm tốn, để làm cho mình thấp bé. Dù Con Thiên Chúa cũng hạ mình xuống thế làm người. Và chính lễ Giáng Sinh đã nhắc tôi điều này.

Chúa Giêsu giáng sinh trong những điều kiện cũng gian nan như chuyến đi đầu tiên của chúng tôi. Phải tưởng tượng là Mẹ Maria và Thánh Giuse đang đi trốn: thánh Giuse thì cuống cuồng lo vì Mẹ Maria sắp sinh, ngài tuyệt vọng tìm chỗ ở qua đêm. Họ đi tới đâu hay tới đó, cửa nào cũng gõ và cửa nào cũng từ chối, cuối cùng phải đến hang bò lừa. Con Thiên Chúa xuống thế trần ai khổ cực, sống trong cảnh bấp bênh làm chưng hửng, thiều điều như chuyện khôi hài (giống tình trạng của tôi trong những chuyến đi thăm này). Chúa Giêsu sinh ra trong hang súc vật giữa bò lừa (hôi thì phải biết), nằm trên đống rơm (êm ái thì phải biết), trong bí mật tuyệt đối và trong tính mong manh lạnh xương sống (dù ở trong hang bò lừa cũng không vì thế mà ấm hơn). Con Thiên Chúa xuống làm người trong hình hài nhỏ bé nhất trong các hình hài, trong điều kiện mong manh nhất.

Sự mong manh này Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải nếm qua và chính Người đã chọn cách này thì đây không phải là chuyện tình cờ, cũng không phải là kết quả của sự thiếu chuẩn bị. Khi đọc lại hoàn cảnh lúc Chúa Giêsu sinh ra đời, sẽ có cha mẹ cho rằng để Chúa Giêsu sinh ra trong hang lừa như vậy là thiếu chu đáo, nhỡ mà em bé bị sưng phổi hay Đức Mẹ bị chết thì sao. Cũng như gởi hai người trẻ ngoại quốc đi ngờ ngờ ở khu vực có những chuyện thanh toán nội bộ như cơm bữa là một điều rất nguy hiểm. Thực tế sự nguy hiểm này không phải là chuyện liều mạng nhưng là một tình trạng cần thiết phải có để học đức tính khiêm tốn.

Trong một tháng ở Santiago, đã có lúc tôi cảm thấy bị sỉ nhục trong những chuyến viếng thăm này hoặc khi tôi gặp một nhóm trẻ ngoài đường chế nhạo chỉ vì sự hiện diện của tôi trong khu phố này. Nhưng trong những lúc đó, Chúa không bỏ chúng tôi. Chúa đã biến các sỉ nhục này thành con đường khiêm tốn.

Đó là điều Chúa Giêsu đã sống trong Tuần Thương Khó. Bị các tông đồ thân cận nhất phản bội, trong cục kỳ lo âu, Chúa Giêsu chấp nhận bị chế nhạo, bị nhiếc mắng, bị sỉ nhục. Ngài có thể kêu thiên thần xuống trị tội những người đã bắt ngài. Ngài cũng có thể làm một phép lạ nhỏ để mọi người cùng đồng ý. Nhưng Ngài không làm gì hết. Tình yêu mà Chúa đòi hỏi chúng ta để nhận và để trao là tiếp nhận và trao cho trong sự yếu đuối và thấp bé. Thiên Chúa gặp chúng ta nơi tính mong manh, nơi sự khốn cùng của chúng ta và làm cho chúng ta có thể làm những chuyện mà chúng ta sẽ không thể làm một mình được.

Chính vì vậy mà các chuyến viếng thăm buổi sáng đối với tôi là những giây phút mong manh yếu đuối, là dịp thuận tiện để Chúa tác động trên tôi. Tôi may mắn được sống kinh nghiệm này, cảm thấy mình không có gì nơi những người không có gì và không có chọn lựa nào khác ngoài chọn lựa hoàn toàn phó mình vào bàn tay Chúa. Một mình tôi không là gì. Mầu nhiệm Chúa giáng sinh, quá mong manh khi xuống thế, là một dịp hân hoan để nhắc lại, chính trong sự yếu đuối và thấp hèn mà Chúa đã làm cho Tình yêu chiến thắng trên quả đất này.

Quentin

Marta An Nguyễn dịch