ISIS biến cô thành nô lệ tình dục, tự do biến cô thành nhà hoạt động xã hội

660

Aleteia | J-P Mauro

Nadia Murad thúc giục cộng đồng quốc tế giúp đỡ người Yazidi.

Nadia Murad mới 21 tuổi khi bị ISIS bắt và giam giữ như nô lệ tình dục.

Reuters cho biết: Cô bị bắt ở Kocho gần Sinjar, một khu vực với khoảng 400.000 người Yazidi, và bị ISIS giam giữ ở Mosul, nơi cô bị tra tấn và cưỡng hiếp nhiều lần. Ba tháng sau, cô trốn thoát được, đến một trại tị nạn, rồi tìm được đường sang Đức.

Tuần trước, cô đã có cuộc trở về đẫm nước mắt, tìm được về đến nhà sau ba tháng bị bắt và ba năm xa xứ.  Trong thời gian đó, cô đã trở thành nhà hoạt động xã hội, kêu gọi các giới chức lắng nghe để giúp cứu cộng đồng thiểu số của cô, người Yazidi, khỏi tay ISIS.

Người Yazidi là cộng đồng tôn giáo người Kurd. Tôn giáo Yazidi của họ có liên quan đến các tôn giáo cổ vùng Lưỡng Hà, một số lại tin họ có quan hệ với các Đạo sĩ đã đến viếng Chúa Giáng Sinh. Tôn giáo Yazidi kết hợp nhiều khía cạnh của Bái hỏa giáo, Hồi giáo, Kitô giáo, và Do Thái giáo. Vì sự kết hợp này, mà Nhà nước Hồi giáo Tự xưng xem họ là những người thờ bái ma quỷ, và tìm cách triệt tận gốc họ.

Tháng 8 năm 2014, người Yazidi trở thành mục tiêu của ISIS trong nỗ lực “thanh tẩy” những vùng đất trong tay chúng. Việc này khiến hàng ngàn gia đình mất nhà cửa, các cô gái bị bắt làm nô lệ, thanh niên bị gởi đến các trại đào tạo làm khủng bố, còn những người già thi bị giết.

Cô Murad đã chỉ cho các viên chức, ba ngôi mộ tập thể, và cô mong họ “Mở bản án để giúp cho những người đã mất tất cả mọi thứ, mất thân nhân, những người không thể trở về quê hương mình để tìm kiếm thi hài người thân yêu.”

Cô Murad trở về quê nhà cùng với chị gái mình, cũng từng bị bắt làm nô lệ và trốn thoát được. Cả hai cô đều từng nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ được thấy lại quê hương.

Hai người đã mất tổng cộng 18 người thân trong vụ tấn công của ISIS. Thị trấn đã thay đổi rất nhiều, nơi từng có 2000 người Yazidi, giờ chỉ còn một nửa.

Murad muốn các giới chức chính thức xem vụ tàn sát này là hành động diệt chủng. Cô cũng nói rằng cộng đồng quốc tế đã khiến dân tộc cô thất vọng: “Cộng đồng quốc tế đã không có phản ứng. Tôi xin nói với tất cả mọi người, các bạn đã hành xử bất công khi không giúp đỡ cho một nhóm thiểu số như người Yazidi.”

Có hơn 3500 cô gái bị ISIS bắt làm nô lệ.

Năm 2015, Murad đã có bài nói chuyện với Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và các chính phủ trên toàn thế giới. Vì những nỗ lực của mình, cô đã được đề cử Giải Nobel Hòa bình, và làm Đại sứ Thiện chí của Liên hiệp quốc.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch