Trích sách: Niềm vui, 60 lời hứa cho cuộc sống. Michel Cool, Nxb. Salvator
Đi ra khỏi chính mình để kết hiệp với người khác làm cho mình vui khỏe. Phanxicô, Niềm vui Tin Mừng
Niềm vui được mình chính là mình
15 lời khuyên để tìm hài hòa với chính mình và với người khác. Các lời khuyên này được cảm hứng từ bài diễn văn của Đức Phanxicô đọc trước Giáo triều La Mã ngày 22 tháng 12-2014.
- Tự xét mình
Kiêu ngạo thúc đẩy tự xem mình là “bất tử”, là “miễn nhiễm”, là “cần thiết”. Vậy, nếu một người, một cộng đoàn, một thể chế từ chối không cải thiện thì giống như một thân thể bị bệnh: nó không thể nào lớn lên, tiến bộ, cũng không thể có hạnh phúc được.
- Biết dừng lại
Stress là căn bệnh của thế kỷ. Người ta cũng nói, nó cũng là nguồn của sáng tạo, của những chuyện bổ ích. Nhưng nó cũng tạo ra các vấn đề cho sức khỏe. Hoạt động quá độ chỉ là lối thoát hão. Chỉ có một đời sống nội tâm được trau dồi mới là thuốc giải độc cho sự phân tán của bản thân.
- Có tấm lòng
Nơi một số người, kiêu ngạo là do thiếu tấm lòng. Đối với họ, luật và quản lý luật là trên hết, trên cả đồng loại. Vậy mà Chúa muốn biến đổi tâm hồn chai đá của chúng ta thành tâm hồn bằng da bằng thịt. Chúng ta hãy để cho ngài biến đổi tâm hồn mình.
- Sẵn sàng với chuyện bất ngờ
Tất cả mọi sự được chuẩn bị kỹ là điều cần thiết. Nhưng đi đến thái cực thì sự cẩn thận này có thể trệch qua ám ảnh phải dự trù, việc phải chạy trơn tru một cách quá độ. Bỗng nhiên, chúng ta bị kẹt lại, bị đóng khép thay vì để cho tự do của Thần Khí hướng dẫn chúng ta.
- Tạo các liên hệ hài hòa
Khi cái chân nói với cánh tay: “Tôi không cần bạn”, hay cái tay nói với cái đầu: “Chính tôi mới là người điều khiển” thì khi đó mọi chuyện sẽ thành rối bời, thành lắm chuyện. Tinh thần đồng đội, hiệp thông là các điều kiện tiên quyết cho công việc của tất cả mọi thể chế.
- Nhớ mình là ai
Sự cố ý quên làm cho người thì xây lên các hệ thống, các phản xạ để bảo vệ và họ trở thành nô lệ; người thì quên mình từ đâu đến, mình là ai, ngay cả quên lần đầu mình gặp Chúa như thế nào.
- Phân định đâu là điều thiết yếu đâu là chuyện phụ
Khi bề ngoài, khi màu sắc quần áo, khi các dấu chỉ tỏ ra mình danh dự trở nên các mục đích đầu tiên của cuộc sống thì người ta không còn biết phân biệt đâu là đúng đâu là sai. Người ta để cho vinh quang hão thắng thế. Người ta sống xa người khác và xa… chính mình!
- Đích thực và nhất quán
Chứng tâm thần phân liệt hiện sinh tác động trên những người sống hai mặt; nó là dấu chỉ cho thấy đàng sau các chức vị, bằng cấp là một sự tầm thường và trống rỗng về mặt thiêng liêng. Sự đạo đức giả này hại cho tâm hồn và cho uy tín cá nhân.
- Có can đảm để nói lên cái thực
Khi người ta sợ, người ta ngồi lê đôi mách và nói xấu sau lưng người khác. Ban đầu là chỉ có hai người nói tầm phào với nhau, từ đó là tin đồn lan ra ngoài công chúng. Gieo lung tung không bao giờ gieo được niềm vui. Nói sự thật là giải phóng và mang lại niềm vui đích thực.
- Cẩn thận không thờ ngẫu tượng
Thần thánh hóa cấp trên là sự yếu đuối của những người xu nịnh, những kẻ kiếm chác, những người cơ hội. Nó cũng tác động trên các cấp trên khi họ xu nịnh các cộng sự của mình để có được sự tuân phục. Thói thờ ngẫu tượng ngăn không cho chúng ta thờ Chúa với một tâm hồn trong trắng.
- Lo cho người khác
Chúa không dửng dưng với chúng ta, nhưng chúng ta lại dửng dưng với người khác, nhất là khi những người này là người khách lạ, người mong manh, người khác chúng ta. Sự toàn cầu hóa dửng dưng bắt đầu khi chúng ta mất đi tính đơn sơ và tình nồng ấm của quan hệ giữa con người với nhau.
- Vun trồng tính vui vẻ và hài hước
Bao nhiêu là người có khuôn mặt đưa đám giữa chúng ta! Ở trong xe điện ngầm cũng như ở nhà thờ. Nét nghiêm trang của đức tin không vì thế mà ngăn không cho chúng ta có một tinh thần hài hước lành mạnh. Một tâm hồn tràn ngập Chúa tỏa lan niềm vui và hiệp thông với tất cả những ai ở chung quanh mình.
- Chuộng tinh thần hơn là vật chất
Sự tích trử của cải vật chất một cách rối loạn thường là dấu hiệu cho thấy một sự trống rỗng cần lấp đầy, một sự đi tìm an toàn. Để tìm được nội tâm sâu thẳm của mình, thì cần phải giải thoát các xiềng xích hão này và lấp đầy tâm hồn mình bằng của cải thiêng liêng và lòng bác ái.
- Tránh tạo phe nhóm
Thuộc về một câu lạc bộ, một phe nhóm, một hội tuyển riêng lúc nào cũng là một chuyện hấp dẫn cả ở ngoài xã hội cũng như ở trong Giáo hội. Nhưng cách thành lập băng nhóm riêng này làm hại cho mọi người khi nó vượt lên lợi ích chung.
- Cự với sự mê hoặc của quyền lực
Để đạt tới quyền lực mà chúng ta không thể làm gì sao? Vênh vang, vu khống, hạ uy tín, âm mưu, vv. Làm thế nào để cự lại được sự mê hoặc này? Thì đừng cự lại với năng lực hoán cải của Thần Khí.
Thánh Pierre Favre
Lễ kính ngày 1 tháng 8
Tiểu sử Thánh Pierre Favre
Thánh Pierre Favre sinh tại Savoie năm 1506. Ngài chăn các đàn súc vật của cha mẹ. Năm 1525, ngài lên Paris học, bạn cùng phòng của ngài là Phanxicô Xaviê và Ignaxiô Lôyôla; Ignxiô chọn ngài là người đầu tiên trong các bạn đồng môn của mình. Thụ phong linh mục năm 1534, ngài là linh mục đầu tiên của Dòng Tên. Vâng lời Đức Giáo hoàng, ngài đi hành hương các nước chính của Âu châu để rao giảng và làm linh hướng, ngài rất được mến chuộng. Ngài qua đời ở Rôma ngày 1 tháng 8 năm 1546. Được Đức Piô IX phong chân phước năm 1872, và được Đức Phanxicô phong thánh tháng 12 năm 2013.
Linh đạo của ngài
Tính dịu dàng, cách ngài yêu thương và nhìn khía cạnh tích cực của từng người đã giúp cho Thánh Pierre Favre đưa những người được ngài hoán cải về với Chúa. Ngài trau dồi tính dịu dàng này trong đời sống cầu nguyện liên lỉ, một đời sống trở thành bạn với Chúa trong hành động: trong tất cả những gì ngài sống, ngài quan tâm đến các chuyển động nội tâm và như thế, cuộc đời ngài là một sự hoán cải liên tục với Chúa. Người ta nói, ngoài các điểm giống nhau về cá tính, Đức Phanxicô có những mối quan hệ chặt chẽ với Thánh Favre: Thánh Favre là gương mẫu cho đời sống mục vụ và tu sĩ Dòng Tên của ngài.
Tấm gương của ngài
“Ngài khiêm tốn và mẫn cảm, có đời sống nội tâm sâu đậm, được phú có khả năng kết tình bạn với nhiều người rất khác biệt nhau. Tuy vậy ngài cũng là người lo lắng, do dự và không hài lòng. Dưới sự hướng dẫn của Thánh I-Nhã, ngài đã học để phối hợp tính mẫn cảm của mình với khả năng lấy quyết định. Ngài lên chương trình hoạt động sau khi nhận biết các nhiệt tình của mình, ngài đã thể hiện rõ tinh thần hoạt động của mình qua các khó khăn…” Đức Phanxicô, Thánh lễ Tạ ơn ở Rôma ngày 3 tháng 1 năm 2014
Sách: Thánh Pierre Favre, Angelo Amato, Nxb. Lời và Thinh Lặng (Parole et Silence), 2016
Marta An Nguyễn chuyển dịch