Nếu Thiên Chúa có thể khóc, thì tôi cũng có thể khóc

889

Vatican Insider | Domenico Agasso Jr | 05-05-2016

 Lau khô nước mắt  20160506

‘Thiên Chúa Toàn năng và Bất diệt, xin Chúa hành động trong tâm hồn mọi người, chấm dứt chiến tranh, đổi những tâm hồn bạo lực, và ban cho thế giới hòa bình của Chúa.’ Đây là một phần trong ‘lời cầu nguyện chung’ của Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, trong buổi canh thức ‘lau khô nước mắt’ cầu cho những ai đang cần được an ủi.

Đức Giáo hoàng cầu nguyện cho những Kitô hữu bị bách hại, những người đang phải mạo hiểm mạng sống, những người bị tra tấn, những người bị nô lệ hóa và những người bị đem đi làm thí nghiệm, những nạn nhân của chiến tranh, chủ nghĩa khủng bố và bạo lực, những trẻ em bị xâm hại và những thanh niên bị mất tuổi thơ, những người đang đau đớn vì bệnh tật, người khuyết tật và gia đình họ, những người bị bỏ rơi và bị lãng quên, những người trầm cảm và tuyệt vọng, lo lắng và nản lòng, những người đau khổ vì lệ thuộc, những gia đình mất con cái, những ai phải xa rời gia đình và người thân yêu, những ai mất nhà cửa, mất công việc, mất quê hương.

Buổi canh thức bắt đầu với ba lời chứng, một của gia đình Pellegrino đau khổ vì một người con đã tự vẫn. Tiếp theo là câu chuyện của Felix, một nhà báo Công giáo người Pakistan tị nạn chính trị, ông đã trốn đến Ý để cho gia đình của ông được an toàn. Rồi đến Maurizio Fratamico và người anh song sinh Enzo, Maurizio trở lại đạo theo gương người anh, cả hai phải đấu tranh để tìm được ý nghĩa cuộc sống của một người trẻ. Nhiều đại diện cho những mảnh đời đau khổ hiện diện ở Vương cung Thánh đường thánh Phêrô. Mỗi người được tặng một hình ảnh Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei), biểu hiện cho lòng thương xót của Chúa Cha cho tất cả những tín hữu đang sống trong tình trạng đau khổ.

Và Đức Thánh Cha mở lời nhắn nhủ:

‘Trong những thời điểm buồn sầu, đau khổ và bệnh tật, giữa thống khổ của ngược đãi và tang thương, tất cả mọi người đều tìm một lời an ủi. Chúng ta nhận thức được một nhu cầu rất lớn mong muốn có ai đó gần gũi và đồng cảm với mình. Chúng ta có kinh nghiệm bị hoang mang, mơ hồ, đau lòng hơn cả những gì chúng ta tưởng. Chúng ta nhìn quanh một cách vô định, cố gắng xem thử liệu có tìm được ai thực sự hiểu được nỗi đau của chúng ta hay không.

Tâm trí chúng ta đầy những câu hỏi nhưng lại không có câu trả lời. Lý luận tự nó không thể giải nghĩa được những cảm giác sâu sắc nhất trong chúng ta, không thể hiểu thấu nỗi tang thương của chúng ta, và không thể cho chúng ta câu trả lời mà chúng ta đang tìm kiếm. Những lúc như thế này, hơn bao giờ hết, chúng ta cần lý lẽ của trái tim, chỉ có trái tim mới giúp chúng ta hiểu ra mầu nhiệm trong sự cô đơn của mình.

Chúng ta thấy đau buồn hằn lên gương mặt biết bao con người quanh mình. Biết bao nhiêu nước mắt đổ ra mỗi giây đồng hồ trên khắp thế giới, mỗi giọt nước mắt đều khác nhau, nhưng cùng chung lại trong một đại dương hiu quạnh đang kêu cầu lòng thương xót, cảm thông và an ủi.

Những giọt nước mắt cay đắng do sự dữ của con người, những giọt nước mắt của những người đã phải chứng kiến người thân yêu bị lôi đi, giọt nước mắt của những người ông bà, cha mẹ và con cái …

Có những người chỉ thấy toàn hoàng hôn khi mặt trời lặn tắt, và thấy thật khó để được đón bình minh của một ngày mới. Chúng ta cần lòng thương xót, cần an ủi từ Thiên Chúa.

Tất cả chúng ta đều cần. Đây là sự nghèo khốn của chúng ta, nhưng cũng là sự cao cả của chúng ta, nài xin Thiên Chúa an ủi, Đấng trìu mến lau khô những giọt nước mắt trên gương mặt chúng ta.

Chúng ta không đau đớn một mình. Chính Chúa Giêsu cũng biết nỗi đau khi khóc than vì mất người thân. Một trong những trang cảm động nhất Tin mừng, Chúa Giêsu thấy Maria khóc thương em trai Lazarô vừa chết của mình. Và Chúa Giêsu cũng không cầm được nước mắt. Ngài xúc động và bắt đầu khóc.

Khi mô tả điều này, thánh sử Gioan muốn cho chúng ta thấy Chúa Giêsu chia sẽ nỗi đau buồn và tang thương của bạn bè mình đến thế nào. Những giọt nước mắt của Chúa Giêsu đã khiến nhiều thần học gia phải suy ngẫm, nhưng hơn thế, những giọt nước mắt của Chúa Giêsu là nơi cho những tâm hồn được trầm mình, là hương thơm xoa dịu cho đau đớn. Chúa Giêsu cũng đã tự mình trải qua nỗi sợ hãi trước đau khổ và cái chết, trải qua sự thất vọng và nản lòng khi bị Giuđa và Phêrô phản bội, cũng như biết nỗi tang thương trước cái chết của người bạn Lazarô. Chúa Giêsu không bỏ rơi những ai Ngài yêu thương.

Nếu Thiên Chúa có thể khóc, thì tôi cũng có thể khóc, biết rằng Ngài hiểu tôi. Những giọt nước mắt của Chúa Giêsu là thuốc giải độc cho sự lãnh đạm của tôi trước đau khổ của anh chị em mình. Những giọt nước mắt của Ngài dạy tôi biết xem nỗi đau của người khác là của mình, biết chia sẻ những nản lòng và đau đớn của những người đang đau khổ. Những giọt nước mắt của Chúa Giêsu cho tôi nhận ra sự đau buồn và tuyệt vọng của những người phải chứng kiến người thân yêu của mình bị bắt đi, những người không biết tìm đâu sự an ủi. Những giọt nước mắt của Chúa Giêsu cần lời đáp của những người tin nơi Ngài. Như Ngài hằng an ủi, thì chúng ta cũng được kêu gọi hãy an ủi.

Cầu nguyện là liều thuốc thực sự cho đau khổ của chúng ta. Trong cầu nguyện, chúng ta cũng có thể cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự trìu mến trong cái nhìn của Ngài cho chúng ta khuây khỏa, quyền năng Lời Ngài nâng đỡ và cho chúng ta hi vọng. Chúng ta cũng cần chắc chắn rằng Chúa Cha lắng nghe chúng ta và đến cứu giúp chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa đổ đầy trong lòng chúng ta, cho chúng ta nói rằng khi yêu thương, thì không sự gì và không một ai có thể chia lìa chúng ta khỏi những gì chúng ta yêu thương.

Sức mạnh của tình yêu biến đau khổ thành vinh quang chiến thắng của Chúa Kitô, biến đau khổ của chúng ta hiệp nhất trong đau khổ của Ngài, biến đau khổ thành hi vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ được cùng nhau chiêm ngắm đời đời Nhan Thánh Chúa, suối nguồn bất diệt của sự sống và tình yêu.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch