80% những gì Đức Giáo hoàng nói là dựa trên kinh nghiệm cuộc sống thực

394

 

Vatican Insider | Andrea Tornielli | 16-02-2016

Cha Guillermo Ortiz là một linh mục dòng Tên làm việc ở Vatican Radio, cha nói về chuyến tông du Mễ Tây Cơ, và nhớ lại giai đoạn ở cùng với Đức Giáo hoàng thời ngài là hiệu trưởng và cha linh hướng Bergoglio ở trường Colegio Maximo, một thời mà ngài vừa dạy linh đạo vừa nuôi heo. Cha Ortiz kể cho Vatican Insider về những cảm nghiệm trải qua với cha hiệu trưởng Bergoglio, và giải thích lòng mộ đạo bình dân của ngài.

 Cha Guillermo Ortiz - Bergolio

Cha Ortiz, đâu là thời khắc quan trọng nhất trong chuyến tông du Mễ Tây Cơ cho đến nay?

Theo tôi, là thời khắc ngài cầu nguyện trước Đức Mẹ Guadalupe. Đức Giáo hoàng có lòng sùng kính rất mạnh với Đức Mẹ. Nếu anh có đọc các bài diễn văn của ngài trong hai ngày đầu, một nói về tầm quan trọng của đức tin bình dân, tầm quan trọng của người dân. Giáo lý nói về sự bất khả ngộ của giáo hoàng về các vấn đề liên quan đến đức tin và luân lý, nhưng chúng ta thường quên mất rằng giáo lý cũng nói về sự bất khả ngộ của dân Chúa khi biểu lộ đức tin. Nói với các giám mục Mễ Tây Cơ hôm 13-02, Đức Giáo hoàng đã nói về Đức Mẹ rồi nói về người dân, với liên kết như một sợi dây rốn của lòng mộ đạo bình dân. Ngài mời gọi các giám mục hãy theo cung lòng của đức tin dân Chúa. Cung lòng Đức Mẹ mang Con Thiên Chúa và dân thánh của Chúa.

Đức Giáo hoàng có học lấy từ đức tin của dân?

Trước khi lên đường, ngài nói rằng ngài đến Mễ Tây Cơ để học. Đức Giáo hoàng là người con của Đức Mẹ, nhưng ngài cũng là con của dân Chúa. Ngài biết rằng Thiên Chúa hành động giữa dân Người, Đức Phanxicô biết cảm thức đức tin của dân, những người nghèo tay trắng.

Trong bài giảng tại vương cung Thánh đường Guadalupe, Đức Phanxicô trích lại câu kinh phụng vụ: ‘Nhìn lên Mẹ, ôi Mẹ yêu dấu, đơn giản là chiêm ngắm Mẹ với một tâm hồn lặng đi vì sự dịu dàng của Mẹ …’

Đây là câu mà Đức Giáo hoàng thấm đẫm trong lòng. Câu này từ sách Phụng vụ giờ kinh. Ngài copy, cắt xén lại, rồi tặng cho tôi làm quà, làm hướng dẫn thiêng liêng, làm lời cầu nguyện để lặp đi lặp lại: đơn giản là ở bên Mẹ, chiêm ngắm cái nhìn của Mẹ, đặt hết trái tim mình trước Mẹ.’

Cha biết cha Bergoglio, và bây giờ là Đức Giáo hoàng, đã bao lâu?

Tôi là người Argentina, xuất thân từ Cordoba, tôi gặp ngài ở thành phố quê tôi hồi tháng bảy 1977, lúc đó tôi 17 tuổi và muốn vào dòng Tên. Tôi đến nói chuyện với ngài, bởi ngài lúc đó là giám tỉnh, bề trên của dòng Tên toàn Argentina. Tôi nói với ngài, ‘Con muốn làm tu sỹ dòng Tên.’ Ngài lắng nghe tôi. Lắng nghe là một điều quan trọng với ngài. Rồi ngài nói với tôi. ‘Được, chúng ta sẽ xem qua sáu tháng con còn cảm xúc này không.’ Tôi đến Colegio Maximo vào năm 1981. Lúc đó, ngài là hiệu trưởng sau khi hết nhiệm kỳ giám tỉnh. Ngay ngày đầu tiên trong tập viện, tôi đã bắt tay làm việc để biến một căn nhà trước đây dùng làm chuồng ngựa, thành nhà thờ. Chúng tôi biến nó thành nhà thờ cho giáo xứ. Ngài sai tôi đi ra đường phố để giảng dạy, và ngài huấn luyện cho tôi rất chặt chẽ.’

Cha Bergoglio làm hiệu trưởng như thế nào? Có thật là ngài tập cho cha quen làm những việc thấp bé nhất?

Đúng là thế. Nhưng ngài không có chọn lựa nào khác. Ngài đã làm rất nhiều cho các ơn gọi, có quá nhiều học viên, mà lại không có gì để hỗ trợ, không có học bổng. Chúng tôi không có tiền mua thức ăn nữa. Vậy nên cha Bergoglio mua một cặp bò, mấy con heo, con cừu, và trong vài năm đầu tiên, chúng tôi phải chăn nuôi gia súc. Trong đầu chúng tôi lúc nào cũng nghĩ đến chuyện thịt. Chúng tôi phải chăm sóc gia súc, và có vài người hơi ‘chải chuốt’ không thích chuyện này cho lắm. Tôi tắm cho heo, cũng như người con hoang đàng trước khi trở về với cha anh vậy. Cha Bergoglio làm gương cho chúng tôi. Chúng tôi trò chuyện, kiểm tra đường thiêng liêng thế nào, rồi đến giờ chạy máy giặt, chúng tôi bỏ toàn bộ cần giặt vào cái máy bự chảng đó. Việc của cha Bergolio là bỏ tất cả đồ vào máy, còn chúng tôi thì đem đi phơi. Cha cũng tự mình cho heo ăn. Có lúc cha vừa cho heo ăn vừa nói chuyện về linh đạo. Cha không có sự tách rời giữa lý thuyết và thực hành. Cha thúc giục chúng tôi. Chúng tôi cần phải học qua sự hi sinh. Đây là một phần trong đào tạo.

Đó có phải là cách để có thể hiểu được tâm tư của người thường hay không?

Tôi nhớ trong các bài huấn đức, một phần đào tạo, ngài lặp đi lặp lại với chúng tôi rằng, lời khấn khó nghèo cũng đồng nghĩa với làm việc. Khó nghèo là làm việc, ngài nói thế. Một người nghèo cần phải làm việc và đổ mồ hôi. Colegio Maximo cách Buenos Aires 60km, mất tổng cộng 4 tiếng, và như thế thời giờ người ta đi làm việc từ 8 tiếng, thành 10, 14 tiếng. Làm việc cật lực giúp giữ thực tế luôn trước mắt chúng ta và đưa bạn vào mối liên hệ trực tiếp với các vết thương tích của mọi người. Ý thức thực tế là ơn Chúa ban. Đây không phải kiểu những lời nói suông. Một ngày nọ, một bà đến Colegio Maximo để xin một cái chăn, bà bị lạnh. Chúng tôi bảo bà là chúng tôi không còn cái chăn nào dư cả. Vậy nên bà nói với cha Bergoglio, ‘Vậy cho tôi chăn của cha.’ Và cha đi lấy chăn cho bà ấy. Ngài bảo với chúng tôi rằng, người phụ nữ này nói rằng chúng ta phải chia sẻ những gì chúng ta có chứ không phải những gì dư thừa.

Cha có nhớ kỷ niệm nào khác nữa không?

Tôi ở cùng với ngài đến tháng mười hai 1984, sau đó tôi đến Colegio del Salvador ở Buenos Aires. Khi ngài hết nhiệm kỳ hiệu trưởng vào tháng mười hai 1985, ngài cũng đến Colegio del Salvador, nhưng lúc đó ngài không giữ vị trí nào, không phải là giáo sư cũng không phải bề trên của tôi. Chúng tôi sống cùng tầng, chỉ cách nhau vài phòng, và có một phòng tắm chung ở giữa. Hằng ngày, tôi đi dạy, từ sớm và về trễ. Một ngày nọ tôi quên một tập giấy trong phòng và về lại nhà bằng cửa sau. Giờ đó, không có ai cả. Tôi thấy cha Bergoglio đang quỳ gối chùi bồn cầu. Chưa bao giờ tôi thấy ai chùi lau chùi chăm chú như thế. Tôi không nghĩ là ngài thấy tôi. Ngài để tâm đến những gì người khác cần, ý tôi là những nhu cầu của tất cả mọi người. Ví dụ như, tôi nhớ sự quan tâm của ngài đối với các cha già, cách ngài lắng nghe họ … Ngài là người sống vì người khác, chứ không tự quy. 80% những gì Đức Giáo hoàng nói là dựa trên các kinh nghiệm cuộc sống thực. Khi nghe ngài nói, tôi thường nghĩ đến các tình huống thực sự đã xảy ra. Ngài không phải là người theo lý thuyết, nhưng là người xắn tay mà làm.

J.B Thái Hòa chuyển dịch