Crux | John L. Allen Jr. và Inés San Martín | 20-12-2015
Dù Kitô hữu chỉ chiếm khoảng 7% tổng dân số châu Á, nhưng vẫn là một con số lớn, khoảng 310 triệu người.
Các Kitô hữu chiếm đa số ở 2 nước là Phi Luật Tân và Đông Timor. Ở Việt Nam và Nam Hàn, Kitô giáo là quan điểm tôn giáo có tổ chức và lớn nhất, dù cho đa số người dân không nhận mình theo tôn giáo.
Kitô giáo đang phát triển nhanh ở nhiều vùng châu Á, kể cả Indonesia, Nam Hàn, Malaysia, Cambodia, Việt Nam, Lào, Bhutan, Bangladesh, Pakistan và cả Mông Cổ. Hai mươi năm trước, hầu như không có Kitô hữu ở Mông Cổ, còn ngày nay có hơn 500 nhà thờ Tin Lành và một nhà thờ Công giáo.
Theo học giả Paul Freston của Đại học Boston, thì con số người phái Ngũ tuần ở châu Á còn nhiều hơn ở Bắc Mỹ và châu Âu. Cộng đoàn Kitô giáo lớn nhất thế giới, có lẽ là Giáo hội Toàn Tin mừng Yoido, một giáo hội phái Ngũ tuần ở Seoul. Mỗi ngày chúa nhật, có khoảng 250.000 tín hữu đến trong 9 buổi phụng vụ, được chuyển dịch qua 16 thứ tiếng.
Ở Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Pew ước tính con số Kitô hữu hồi năm 2010 là 67 triệu, tăng mạnh từ lần khảo sát trước đó hồi 1949, khi tổng số Kitô hữu chưa đến 1 triệu.
Giáo sư xã hội học Fenggang Yang của Đại học Purude tin rằng Trung Quốc đang trên đường thay thế Hoa Kỳ thành nơi có dân số Kitô hữu lớn nhất thế giới.
Có lẽ một phần bởi sự tăng trưởng này, mà châu Á cũng là nhà của nạn bách hại bài Kitô giáo bao trùm nhất trên thế giới.
Sự thật này đúng với các nhà nước đùi cui kiểu cũ, như Bắc Hàn và Myanmar, những nước xem Kitô hữu là mối đe dọa với sự độc tài của mình. Và các nhà nước độc đảng khác đang cố gắng giải phóng kinh tế nhưng không cải cách chính trị, như Trung Quốc và Việt Nam, thường xem các Kitô hữu là dễ nhạy cảm hơn với các mong muốn quyền công dân và chính trị theo kiểu phương Tây.
Bắc Hàn đứng đầu trong danh sách giám sát toàn cầu như là nước nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các Kitô hữu. Các nhóm giám sát, chẳng hạn như tổ chức Mở Cửa [Open Doors] tin rằng có khoảng 200.000 đến 400.000 Kitô hữu đang phải sống trong các trại lao động vì từ chối không chịu theo thứ giáo phái thờ Kim Nhật Thành.
Thái độ bài Kitô giáo ở Bắc Hàn quá mạnh đến nỗi những người có ông bà là Kitô hữu cũng không được phép làm các công việc mang tính chất quan trọng. Mà thật mỉa mai thay, mẹ của Kim Nhật Thành, bà cố của ‘Lãnh tụ Tối cao’ hiện thời, là một trợ tế trong Giáo hội Trưởng lão.
Lục địa châu Á còn có một gương mặt toàn cầu của nạn bách hại bài Kitô giáo: Aasiya Noreen Bibi từ Pakistan, hay được biết đến là Asia Bibi, một nông dân thất học ở Punjabi và là mẹ của 5 người con.
Bibi được thế giới biết đến, khi vào tháng 6, 2009, cô bị bắt giữ và bị tuyên án ‘phạm thượng’ chiếu theo luật pháp Pakistan. Như lời cô giải thích, vụ việc này bắt đầu do một bất hòa, khi Bibi, một người Công giáo, lấy nước từ giếng trong làng, và bị những phụ nữ Hồi giáo khác xem là làm nhơ uế nguồn nước. Cô và một vài phụ nữ bắt đầu nói qua lại về Chúa Giêsu và tiên tri Mohammed. Dù Bibi nhất quyết là cô không có ý gì bất kính, nhưng các bà kia đã viện những lời của cô để cáo buộc khiến cô bị bắt.
Phiên tòa kết thúc với việc cô bị kết án tử hình treo cổ vào tháng 11, 2010. Cô còn phải nộp phạt 300.000 rupee, khoảng 3000 mỹ kim, một khoản tiền choáng váng với gia đình cô. Bibi và nhóm biện sư cho cô đã gởi đơn kháng án lên Tòa án tối cao Pakistan.
Vụ việc của cô lan rộng và trở thành vấn đề gây chú ý với các nhà hoạt động Kitô giáo khắp thế giới. Có lẽ chiến dịch này sẽ thành công, và sẽ khiến nhà chức trách Pakistan bẽ mặt khi phải thả Bibi. Đây sẽ là một bước đột phá biểu tượng quan trọng, dù cho các nạn nhân khác của thù ghét tôn giáo ở châu Á, vẫn sẽ tiếp tục chịu đựng các đau khổ khác, chỉ có điều là không được biết đến mà thôi.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch