Trước khi anh trai tôi được đưa vào phòng mổ để cắt bỏ khối u não ung thư ở tuổi 28, cha mẹ tôi đã hỏi anh một câu: “Con có nợ ai tiền không?” Hỏi câu này với một người thập tử nhất sinh thì thật vô cảm, nhưng hàm ý trong câu này là lòng quan tâm thiết thực cho tâm hồn của anh tôi. Cha mẹ tôi muốn anh được bình an, muốn thấy anh làm tròn bổn phận của mình cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa. (Tôi không nói quá về chuyện phải nghiêm túc giữ bổn phận trong nhà của tôi.)
Anh trai tôi bảo, anh chỉ còn nợ tiền học. Anh đã học gần xong, còn một vài năm nữa là anh tốt nghiệp chuyên khoa trường Y, anh có thể trả nợ. Cha mẹ tôi thật gấp gáp, bảo là họ sẽ trả món nợ này giùm cho anh, anh yên tâm chữa bệnh. Bất kỳ khoản nợ nào cũng là chuyện nghiêm túc, nhưng món nợ với Canada, đất nước đã đón nhận chúng tôi, những người tị nạn, và cho chúng tôi nền giáo dục, thì sao? Đây là một bổn phận gần như là thiêng liêng. Chúng tôi sẽ trả lại gấp nhiều lần hết sức mình có thể.
Cuối tuần này, người dân Canada sẽ cùng nhau tạ ơn vì rất nhiều điều trong đời. Mà với một người lên thuyền rời khỏi nước lúc 12 tuổi, đi từ một đất nước chiến tranh đến một đất nước có cuộc sống an toàn và đầy khả dĩ, thì danh sách Tạ Ơn có lẽ sẽ dài hơn đa số các người khác.
Gia đình tôi gần như đã không thể đến được Canada. Trước khi Sàigòn mất, tôi và các anh chị em mình lên chiếc tàu Hàn Quốc đưa nhân viên và thân nhân của họ về nước. Nhưng chúng tôi bị buộc phải xuống tàu vì thuyền trưởng cho biết, họ chở chúng tôi là bất hợp pháp khi không có giấy phép của chính quyền. Tất nhiên là chúng tôi không có.
Sáng 30 tháng 4-1975, khi tàu đến Phú Quốc và khi chúng tôi đang chờ chiếc xuồng nhỏ đến đưa vào bờ, lòng chúng tôi lo lắng không biết làm cách nào để về lại Sài Gòn thì trước khi xuồng đến, thuyền trưởng có một thông báo mới. Chính phủ đã sụp đổ. Bất kỳ ai ở trên thuyền đều được hưởng quy chế tị nạn, ai muốn về thì về, ai muốn đi tiếp tục thì tàu sẽ chở đi. Chúng tôi phải quyết định. Chúng tôi khóc mà lòng không dám tin. Chúng tôi đưa tay lên. Chúng tôi là những người tị nạn.
Khi phi cơ chở chúng tôi đến phi trường Vancouver, trước khi đến Montréal, nơi có chị tôi 24 tuổi đã đi du học trước ở đây, cái nhìn đầu tiên của tôi về Canada là đất nước này quá đẹp. Anh trai tôi, 13 tuổi, nhìn những rặng núi trùng trùng điệp điệp, nhìn đại dương bao la, những hồ nước lung linh và cây cối xanh tươi ước muốn tùm, anh bảo: “Ở đây chúng ta sẽ yên ổn. Nhìn xem! Thật là một đất nước xinh đẹp!”
Nhận xét thoáng qua của anh lúc đó chỉ dựa trên một vài cảnh thấy trước mắt, nhưng nhiều thập kỷ về sau mới chứng minh cho nhận xét đầu tiên này của anh. Ở Canada, chúng tôi được sung túc, chúng tôi được đến các trường công tuyệt vời, chúng tôi có các nhóm bạn muôn màu muôn vẻ. Chúng tôi học trượt băng. Chúng tôi nghe René Levesque trên đài truyền thanh. Chúng tôi ngưỡng mộ Tổng thống Pierre Trudeau, chúng tôi xem đội hockey Canadian trên đài truyền hình.
Cả 15 anh chị em chúng tôi đều đi học đại học. (15! đúng, cha mẹ chúng tôi là người Công giáo.) Chúng tôi vay tiền học, chúng tôi đi làm thêm. Tất cả chúng tôi đều chắt chiu từng cơ hội của mình, chúng tôi tốt nghiệp đại học, chúng tôi quý các cơ hội này hơn nữa, vì biết rằng mình có thể sẽ không thực hiện hết tiềm năng khi mình ở quê nhà, cho dù mẹ tôi là người dứt khoát công bằng giới tính trong nhà, con trai con gái đều phải được đi học ngang nhau.
Thật không thể kê ra hết tất cả những giúp đỡ mà chúng tôi nhận được từ các cá nhân người Canada và từ các tổ chức do người Canada thành lập. Làm sao để đền đáp được sự chào đón và ân cần đã xây nên cuộc sống của chúng tôi? Anh trai tôi, an tâm khi biết món nợ vay sinh viên của mình đã được trả, đã sống thêm được 26 năm nữa sau lần giải phẫu đó. Chúng tôi đóng tiền thuế của mình. Nhưng tất nhiên, lòng biết ơn của chúng tôi phải đi sâu hơn tất cả những việc trên.
Năm nay, tôi và gia đình, cùng các bạn bè, đã bảo trợ cho một gia đình tị nạn người Syria. Khi xem tin tức, tôi thấy nhiều người đưa tay lên giống hệt như tôi thời đó, “Chúng tôi không an toàn. Chúng tôi cần giúp đỡ.’” Với tôi đây không chỉ là vấn đề cảm ơn bằng cách trả ơn. Nhưng, cũng giống như trong các lớp học tiếng Anh và các buổi tập trượt băng của chúng tôi, đây là một dấu chỉ thêm nữa cho sự gắn bó, một biểu hiện các giá trị của Canada. Gia đình tôi đã cảm nghiệm được giá trị của tình thương và đồng cảm nơi các giáo viên và giáo sư của mình, nơi tình bạn bè, trong những lần đến gặp bác sĩ, trong cuộc sống đầy cơ hội và không phải sợ hãi của mình.
Một vài người nói rằng người Canada ngày nay ít quảng đại hơn thời trước, vì phản ứng trước cuộc khủng hoảng tị nạn Syria thời nay quá khác so với phản ứng một thời của Canada trước làn sóng tị nạn từ đất nước tôi. Tôi tin người Canada luôn quảng đại và có lòng thương như lâu nay vẫn vậy. Thật sự, thì nhiều người đang lo sợ (thời của tôi, là sợ chúng tôi là gián điệp Cộng sản, không phải là sợ khủng bố như bây giờ.) Nhưng tôi tin rằng, hầu hết người Canada vẫn là những công dân đầy cảm thương của thế giới, những người đáp lời đau khổ bằng sự ân cần, chứ không phải bằng nghi ngờ và lãnh đạm. Tôi làm hết sức mình, vì công dân Canada là sống theo gương mẫu ân cần thiết thực mà thầm lặng tôi học được từ ba mẹ mình, và rồi một lần nữa tìm thấy điều này nơi rất nhiều người lạ ở một nơi cách xa nửa bán cầu.
Đầu năm sau, tôi và các bạn sẽ đến phi trường để chào đón một gia đình sẵn sàng dấn thân vào cuộc hành trình khó khăn mà đẹp đẽ trên đất nước này. Với tôi, ngày hôm đó cũng sẽ là ngày Lễ Tạ Ơn.
Marianne Thúy Nguyễn