Các chứng nhân hôm qua và ngày nay về các phép lạ Lộ Đức

951

Các chứng nhân hôm qua và ngày nay về các phép lạ Lộ Đức

la-croix.com, Dominique Greiner, 2015-08-13

Từ ngày Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, đã có rất nhiều sách viết về Lộ Đức đã thay đổi cuộc đời của họ. Hai quyển sách cách nhau một thế kỷ đã nói lên điều này.

Các lần hiện ra ở Lộ Đức

Các lần hiện ra ở Lộ Đức

Câu chuyện chứng nhân của các sự kiện năm 1858

Tác giả: Jean-Baptiste Estrade, Nhà xuất bản Salvator

Tại Lộ Đức, Thiên Chúa chạm đến quả đất

Tại Lộ Đức, Thiên Chúa chạm đến quả đất

Tác giả: François Bernard Michel, Nhà xuất bản Bayard

Quyển sách “Các lần hiện ra ở Lộ Đức” của tác giả Jean-Baptiste Estrade được xuất bản lần đầu tiên năm 1899 và được nhà xuất bản Salvator tái xuất bản năm nay, chắc chắn đây là một trong những quyển sách có nhiều tài liệu về các lần Đức Mẹ hiện ra nhất. Tác giả là người gián tiếp gom các thu thập ở Lộ Đức khi năm 1858, cô thôn nữ trẻ Bernadette Soubirous kể cuộc gặp gỡ huyền bí của mình ở Hang đá Massabielle.

Dửng dưng và chế nhạo

Vào thời gian đầu, tác giả, một công chức dửng dưng và chế giễu trước lòng nhiệt thành của đám đông. “Đức tin ngây ngô và sự vui mừng của những người trung hậu chỉ làm cho tôi tội nghiệp, tôi cười họ, tôi chế nhạo họ”, ông xác nhận như trên trong quyển sách ông bắt đầu viết năm 1884, ghi lại rất nhiều ghi chú ông đã thu nhặt được.

Ông ở chung căn hộ với nhân viên cảnh sát khi mà ngày 21 tháng 2, sau sáu lần Đức Mẹ hiện ra, ông này mời Bernadette đến văn phòng mình. Sau buổi hội kiến này, ông ghi cảm nhận của mình: “Nhân viên cảnh sát nghi ngờ Bernadette giả bộ sốt sắng; tôi, tôi chỉ thấy đó là những quyến rũ giả tạo của một ảo giác xuất chúng. Đối với cả hai, không có tầm mức siêu nhiên ở đây. Có thể nào việc này xảy ra trong thế kỷ của ánh sáng?”

“Sững sờ trước chuyện hiển nhiên”

Ngày 23 tháng 2, dù rất ngập ngừng, ông Jean-Baptiste Estrade cũng đi theo em gái mình là bạn của Bernadette để dự một trong các buổi xuất thần của cô. Một người tự tin ở mình bị chấn động vì lần hiện ra thứ bảy. “Ở đó tôi đã chứng kiến Bernadette trong trạng thái xuất thần!… Đó là tiên cảnh, không tả được, không kể được… Tôi sững sờ vì chuyện hiển nhiên trước mặt, trở thành quy phục, tôi quỳ gối xuống và hướng về Bà huyền nhiệm trên trời mà tôi cảm nhận sự hiện diện của Bà, lần đầu tiên tôi tuyên xưng đức tin của mình.”

Từ đó, người thu thập dữ kiện viết lại tất cả các sự kiện xảy ra ở Massabielle dựa trên nguồn đầu tiên: “Bernadette, sau các lần xuất thần cô thường đến gặp em tôi; Bernadette là bạn thân của chúng tôi, một trong những người thân thuộc của gia đình và tôi có dịp hỏi cô, ông giải thích trong phần nói đầu. Chúng tôi hỏi cô tất cả các chi tiết nhiều nhất có thể, chính xác nhất, kỹ lưỡng nhất, và cô gái thân yêu đã đơn sơ và tự nguyện trả lời. Vì thế tôi mới có thể thu thập giữa muôn vàn chuyện, các chi tiết cảm động của những lần đầu tiên cô gặp Đức Mẹ.”

Qua chữ dùng và qua cách viết, đương nhiên quyển sách này mang nét mộ đạo đặc biệt của thế kỷ 19. Nhưng không vì thế mà không thấy sự gần gũi của tác giả với các nhân vật chính thời đó.

Đỉnh cao y khoa và thành viên Hội đồng Y khoa Lộ Đức

Thời khác, cách viết khác, nhưng cùng một đức tin, quyển sách nhỏ Tại Lộ Đức, Thiên Chúa chạm đến quả đất của tác giả François-Bernard Michel, một đỉnh cao trong lãnh vực y khoa: Giáo sư y khoa, thành viên viện Hàn Lâm Quốc gia Y khoa, năm 2004, cùng với giám mục Nicolas Brouwet, giám mục địa phận Tarbes và Lộ Đức, ông đồng Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc tế Lộ Đức, xem xét các hồ sơ lành bệnh do Văn phòng xác nhận y khoa của đền thánh chuyển đến.

Khoa học và đức tin, “không xung khắc cũng không đồng hóa”

Sau khi ông tuyên bố sự gắn kết của mình với thành phố của Đức Mẹ (ông cho biết, vì ở gần người bệnh mà ông quyết định học bác sĩ), ông tiếp cận với vấn đề lành bệnh và phép lạ ở Lộ Đức, khẳng định tính nghiêm túc của khoa học và tính đòi hỏi của hàn lâm không xung khắc với đức tin. “Tôi luôn thấy ‘khoa học và đức tin’ là hai lãnh vực không xung khắc cũng không đồng hóa, khoa học không lập luận cũng không nói ngược với đức tin. Như thế các cuộc nghiên cứu và thảo luận đều đáng được tìm tòi và quan tâm, Chúa không phải là không chứng minh được,” ông khẳng định. Một xác quyết đã làm cho ông có những đề nghị mới trong tiến trình nghiên cứu các hồ sơ y khoa được chuyển đến cho Hội đồng giám định y khoa: “Qua việc thảo luận một trường hợp lành bệnh, không giải thích được trong tình trạng hiểu biết hiện nay của khoa học và theo dữ liệu thống kê của căn bệnh, kết quả trị liệu chứng minh cho thấy không lành được VÀ kết quả của một can thiệp siêu nhiên liên hệ đến đức tin của đương sự”.

Nhưng ông nêu rõ, các thảo luận không bao giờ chấm dứt về có sự huyền bí hay không huyền bí trong trường hợp lành bệnh cuối cùng chẳng mang đến lợi ích gì. Điều thiết yếu là đương sự đã lành bệnh và thoát khỏi sự dữ, không có gì phải can thiệp thêm trong quan hệ “mà kết cuộc là rất mật thiết giữa đương sự với sự lành bệnh, đức tin và Thiên Chúa của họ”.

Lộ Đức hang đáỞ Lộ Đức, “thỉnh thoảng được chữa lành, nhưng luôn luôn được chăm sóc”

Tác giả từ chối phương trình ngắn gọn: “Lộ Đức = phép lạ”, ông không ngần ngại viết: “Nếu bây giờ ít thấy phép lạ ở Lộ Đức, thậm chí không còn phép lạ thì điều này không ảnh hưởng gì đến đức tin của tôi, cũng không ảnh hưởng gì xác quyết của tôi là Đức Mẹ đã hiện ra với Bernadette.” Điều thiết yếu ở nơi khác: “Là nhớ lại khi đi theo Chúa Kitô, theo truyền thống Kitô, là nối kết tình trạng sức khỏe con người (bệnh hay lành) một cách đúng đắn và chính đáng theo lịch sử cứu rỗi của Ngài”. Con đường của mọi cuộc hiện sinh của con người và con đường của chữa lành. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói ở Lộ Đức, “thỉnh thoảng được chữa lành, nhưng luôn luôn được chăm sóc”.

“Thịt da đau khổ của Chúa”

Như thế tác giả François-Bernard Michel mới có thể xem Lộ Đức như “nơi của tình yêu”, “đức tin và hy vọng”, nơi “thịt da đau khổ của Chúa” được săn sóc, chữ Thịt da được chọn để nói lên thay cho chữ thân thể của tôi, “thân thể này khổ thay bị vật thể hóa, bị mua bán hóa mà than ôi, thời buổi này người ta thường đồng hóa với thịt thà”. Dưới mắt bác sĩ Michel, linh đạo của Lộ Đức đưa ra một cái nhìn đặc biệt trên mọi khía cạnh của cuộc sống, có thể làm sáng tỏ các “thảo luận về các vấn đề luân lý-xã hội”. Tác giả cũng mong muốn: “Hội đồng Y khoa Lộ Đức phát triển được tính cách “phổ quát quốc tế nhằm nghiên cứu các vấn đề lớn của luân lý y khoa cho ngày mai trong linh đạo Lộ Đức”. Để tính thời sự và phổ quát của thông điệp Đức Mẹ Maria được thể hiện.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch