Reuters – Gavin Jones và James Mackenzie – 18-5-2015
Những chỉ trích mạnh mẽ lâu nay của Giáo hoàng Phanxicô về tính địa phương cục bộ và sự bất bình đẳng, đã làm cho ngài trở thành một lãnh đạo không ngại ngần kết hợp thần học và chính trị. Bây giờ ngài cũng đang uốn nắn bộ máy ngoại giao Vatican nữa.
Năm ngoái, ngài đã giúp tan băng giữa Cuba và Hoa Kỳ sau nửa thế kỷ thù địch.
Và tuần trước, văn phòng Tòa Thánh tuyên bố đồng thuận chính thức đầu tiên giữa Vatican và Nhà nước Palestine – một hiệp ước có sức nặng pháp lý đối với việc Tòa Thánh từ lâu đã thừa nhận dù không chính thức nhà nước Palestine bất chấp sự phản đối khó chịu của Israel.
Tháng trước, giáo hoàng còn khiến Thổ Nhĩ Kỳ xù lông hơn nữa, khi xem vụ tàn sát 1.5triệu người Armenia hồi đầu thế kỷ XX là ‘cuộc diệt chủng,’ một điều mà Ankara luôn chối bỏ.
Sau triều giáo hoàng hướng nội của bậc tiền nhiệm học giả Bênêđictô, Đức Phanxicô giờ đây có vẻ như đang trở lại đường lối ngoại giao tích cực như dưới thời thánh Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng công du, có ảnh hưởng lớn trong việc chấm dứt Chiến tranh lạnh.
Nhiều nỗ lực của Đức Phanxicô tập trung vào việc cải thiện quan hệ giữa các đức tin khác nhau, và bảo vệ các Kitô hữu ở vùng Trung Đông chiến sự, một ưu tiên rõ ràng là hàng đầu của Giáo hội Công giáo.
Tuy nhiên, trong một thế giới ngày càng phân mảnh về địa chính trị, thì đường lối ngoại giao của ngài không đứng hẳn rõ ràng về một bên nào.
Điều này càng được củng cố thêm bởi việc ngài là giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ La tinh, một vùng với lịch sử hỗn loạn, nạn nghèo lan tràn, và mối quan hệ yêu-ghét với Hoa Kỳ, đã cho ngài có một nền tảng chính trị hoàn toàn khác với các bậc tiền nhiệm gốc Âu châu.
Massimo Franco, một nhà bình luận chính trị nổi bật ở Ý, và là tác giả một vài sách về Vatican cho biết, ‘Dưới thời giáo hoàng này, chính sách đối ngoại của Vatican, hướng về phía Nam.’
Ông Franco cũng nói rằng giáo hoàng cẩn trọng tránh đứng hẳn về một phe, như trong vấn đề Ukraine chẳng hạn, ngài chưa bao giờ lên án Nga là kẻ xâm lược, nhưng luôn luôn xem cuộc chiến giữa chính quyền Ukraine và quân phiến loạn được Matxcơva chống lưng, là một cuộc nội chiến.
Cách tiếp cận này là để bảo đảm ngài vẫn có tầm khả tín với các quốc gia như Syria, Nga, hay Cuba, tất cả những quốc gia mà Đức Phanxicô cảm thấy rằng với một lập trường trung lập, ngài có thể giúp cho các Kitô hữu địa phương ở đây.
Đức Phanxicô đã ra tay kiểm soát hệ thống quan liêu phức tạp nội bộ của Vatican, vốn từng khủng hoảng sau các tai tiếng tài chính và xâm hại tình dục trẻ em.
Nhưng với sự chú tâm sâu sắc và rõ ràng với thế giới bên ngoài các bức tường Vatican, giáo hoàng có vẻ quyết tâm dùng vị thế và tầm đại chúng toàn cầu của mình để thách thức những lập trường ngoại giao cố hữu.
Cựu quốc vụ khanh, hồng y Tarcisio Bertone, một người kỳ cựu, từng kiểm soát cả quan hệ với các cường quốc bên ngoài, lẫn các nội vụ của Vatican, đã bị thay thế. Vị trí quốc vụ khanh, giờ được giảm bớt, trở thành một sở ngoại giao thuần chất. Và Đức Phanxicô đã đóng một dấu ấn đậm nét, và mang tính cá nhân của ngài lên chính sách ngoại giao Vatican.
Cựu thủ tướng Ý, Franco Frattini nói rằng, ‘Ngài là người có thể cầu nguyện ở Đại đền thờ Hồi giáo Istanbul, và rồi lên tiếng về vụ diệt chủng Armenia. Ngài không phải là người bị ràng buộc bởi kiểu quan hệ phải phép trong chính trị.
Đây chính là ngoại giao của một lãnh đạo đích thực.’
Để hợp với 1.2 tỷ người Công giáo, hay để hợp với các chính trị gia thế giới với những ưu tiên hàng đầu riêng của họ, hay ngay cả để vừa lòng nhiều lớp lang điều hành trong giáo hội, thì đều là những chuyện khác nhau.
Với nhiều người Công giáo bảo vốn không vừa lòng với việc giáo hoàng tập trung vào các vấn đề như bất công kinh tế, và cung giọng khá khoan dung của ngài về các chủ đề xã hội nhạy cảm như đồng tính luyến ái và tình trạng của những người li dị, thì những quan điểm của ngài về các vấn đề ngoại giao khó xử có thể gây chia rẽ thêm trong giáo hội.
Chẳng hạn như, sau khi giúp phục hồi bang giao giữa Havana và Washington, Đức Phanxicô đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ những người bảo thủ Hoa Kỳ, trong đó có cả Marco Rubio, một ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa.
Rubio, là con trai của một người nhập cư Cuba, và là người Công giáo giữ đạo, đã tránh không trách cứ thẳng giáo hoàng, nhưng nói rằng Đức Phanxicô nên ‘xem lại tự do và dân chủ’ ở Cuba.
Dạng chỉ trích này từ một chính trị gia, người được xem là một đồng minh vững chãi của giáo hội, cho thấy một số người Công giáo ngày càng cảm thấy khó chịu với thay đổi mà Đức Phanxicô đã đưa vào thể chế bảo thủ nhất trên thế giới này.
Cựu thủ tướng Franco Frattini nhận định rằng, ‘Các giám mục phàn nàn rằng ngài được lòng đại chúng bằng cách công kích Giáo hội. Ngài nói thẳng với người dân, chứ không giữ các cơ chế lệnh truyền thông thường. Ngài tự mình quyết định, hay bàn thảo với những người mà trước đây không có vai trò chủ chốt gì.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch