Gad Elmaleh kể lại đức tin của ông: “Tôi mơ giây phút chúng ta sẽ thực sự nói chuyện với nhau”

139

Gad Elmaleh kể lại đức tin của ông: “Tôi mơ giây phút chúng ta sẽ thực sự nói chuyện với nhau”

Nhân dịp ra mắt phim “Con ở lại một chút” (Reste un peu) ngày 16 tháng 11 năm 2022, trong đó Gad Elmaleh nói về việc đi tìm đời sống thiêng liêng của ông. Báo La Vie có bài phỏng vấn.

lavie.fr, Youna Rivallain, 2022-11-09

Một bộ phim thân mật, trong đó nam diễn viên và nhà làm phim làm chứng cho cuộc đi tìm đời sống thiêng liêng của ông, mối quan tâm của ông với đạo công giáo.  LAURA GILLI

Từ vài tháng nay, chúng ta đã thấy tên và hình ảnh của ông đều đặn trên lãnh vực công giáo. Chúng ta đã quen khi thấy nghệ sĩ Gad Elmaleh có mặt ở những nơi khác nhau dù mới đầu chúng ta thấy ngạc nhiên. Chúng ta thấy ông đi hành hương ở Lộ Đức khi ông đồng sản xuất nhạc kịch Bernadette Lộ Đức, thấy ông ở Học viện Barnardins khi ông đi học thần học. Rồi thấy ông ở trung tâm Paray-le-Monial khi ông theo các khóa Emmanuel, kể cả đi tĩnh tâm ở đan viện Sénanque. Cuối cùng là chúng ta thấy ông mùa xuân vừa qua ở Quảng trường Thánh Phêrô khi ông dự lễ phong thánh cho chân phước Charles de Foucauld.

Đầu tiên khơi dậy tò mò, nghệ sĩ hài do thái cuối cùng đi trước chúng ta khi nói lên việc đi tìm đời sống thiêng liêng, một câu chuyện của đức tin, tình yêu và nhất là câu chuyện của gia đình. Môi trường gia đình yêu thương có khi nâng đỡ, có khi ngăn chặn trong tiến trình đi tìm đức tin. Trong cuốn phim đặc sắc thân mật này, khán giả thấy nghệ sĩ hài Gad Elmaleh nghiêm túc hơn bình thường như họ từng quen thấy… nhưng vẫn giữ sự nhẹ nhàng đặc trưng của ông.

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất khi gặp ông ở một khách sạn quận 16 nơi quay những cảnh trong phim là sự chào đón thẳng thắn, bộc phát, dễ dàng bắt chuyện, xưng hô thân mật với những câu nói đùa bất tận, trái với hào quang lóng lánh của những nhân vật nổi tiếng.

Vậy thì, rửa tội rồi hay chưa? công giáo hay do thái giáo? Thực tế, không quan trọng. Con ở lại một chút nói về buông bỏ. Chấp nhận cái không biết, ở giữa biết và không biết. Và với Gad Elmaleh, điều này lại là tốt.

Cảnh xảy ra trong buổi ra mắt phim Con ở lại một chút mà báo La Vie tham dự vào giữa tháng chín. Khi rời rạp chiếu phim, chúng tôi trò chuyện với các nữ đồng nghiệp báo chí kitô giáo. Phim hư cấu… hay một chứng từ? Đột nhiên, một cô bạn của Gad Elmaleh tự giới thiệu mình là giám đốc Đài J, nói với chúng tôi: “Phim này là hư cấu. Gad là người do thái, đơn giản ông quan tâm đến đạo công giáo trên quan điểm trí thức, ông không có ý định rửa tội…”

Phỏng vấn gặp gỡ

Một vấn đề gia đình. Thật hơn là ngoài đời, Régine và David Elmaleh đóng chính vai của mình, cha mẹ của Gad Elmaleh.  LAURA GILLI

Khi nghe cô bạn của ông nói như vậy, tôi có cảm nghĩ mình ở trong tinh thần cuốn phim và sống với nó trực tiếp khi ra khỏi rạp!

Gad Elmaleh. Thật buồn cười vì cô đã gọi cho tôi lúc đó và nói với tôi: “Gad, tôi muốn cám ơn anh, vì cuối phim, tôi đã có thể nói chuyện với người công giáo! Chúng tôi không bao giờ nói chuyện với nhau, thật phi thường, tôi muốn gặp lại họ, tôi muốn nói chuyện với họ trên đài…” Không gì làm tôi hạnh phúc hơn! Chính xác là như vậy, giai thoại này hoàn toàn nằm trong tinh thần bộ phim, thậm chí còn vượt xa nó. Là nghệ sĩ, diễn viên và đạo diễn, tôi thường tìm kiếm những câu chuyện để kể.

Đa số các show diễn của tôi là tự truyện, nhưng phim này thì khác. Tôi xem việc đi tìm đời sống thiêng liêng của tôi là chủ đề điện ảnh để thể hiện chính bản thân tôi, vì tôi nhìn thấy chủ đề này từ bên trong. Tôi đang trên con đường đi tìm đời sống thiêng liêng ở tuổi 50, con đường này dẫn tôi đến những con đường tôi chưa đi, những người tôi chưa hề biết. Tôi nuôi dưỡng điều này cho cuốn phim và ngược lại, tôi nuôi dưỡng cuốn phim cho chính con đường của riêng tôi. Mặt khác, có một số điều không có thật trong cuộc sống… nhưng tôi sẽ không nói cho bà biết điều nào!

Chắc ông cũng biết, ai cũng đặt câu hỏi ông là thiên chúa giáo hay do thái giáo?

Câu hỏi chính đáng! Tôi chưa rửa tội vì thế tôi không phải là người công giáo, nhưng tôi hoàn toàn hiểu rõ sự quan tâm, hiếu kỳ, tìm tòi của tôi… điều này củng cố cho tôi hiểu thêm về do thái giáo của tôi, khi còn nhỏ tôi đã và bình luận sách Torah. Vẻ đẹp, sự phong phú của những văn bản này đã chuẩn bị cho tôi rất nhiều cho việc tìm hiểu.

Gad Elmaleh: Người giáo dân vui tính

Có thật sự quan trọng để biết kết quả “trận đấu” xem tôi là người do thái hay công giáo không? Vì trận đấu vẫn đang diễn ra! Con đường vẫn đang đi. Nhưng tôi thấy mọi người, cả những người công giáo cũng quan tâm đến chuyện này. Tôi xúc động trước sự đón nhận, lắng nghe của con đường này, ngoài một hài lòng đơn sơ tức thì, một mong muốn kiểu “tôi muốn bạn ở trong nhóm của tôi” cho thấy một lắng nghe thực sự và rộng lượng với chất vấn của tôi.

Tại sao ông lại chọn người diễn là người thật ngoài đời mà không chọn diễn viên? Cha mẹ của ông, linh mục… Ai cũng đóng vai của mình!

Tôi nghĩ diễn viên và người thật sẽ không có cùng cảm xúc. Trong phim, những gì mang tính cá nhân, thân mật sẽ có nguy cơ, vì ngoài chủ đề tôn giáo, tôi thực sự có một cam kết. Sẽ không giống như vậy nếu một diễn viên đóng vai cha tôi hoặc linh mục. Buộc tôi phải thật. Tôi không thể đóng, làm giả vờ. Không được có một sai lầm nào ở đây.

Nói chung tôi có khuynh hướng thích phim tài liệu hơn phim hư cấu. Hiện bây giờ tôi đang xem một phim tài liệu về núi Athos. Quá hấp dẫn! Tôi thích nhìn thấy người thật, đời sống hàng ngày của các đan sĩ, nơi họ ở. Đó là cách tôi muốn học hỏi về kitô giáo: tôi thích nhìn vào các đạo, đạo tin lành, Chúa Ba Ngôi, đạo maronite, kitô giáo phương Đông, Cha xứ Ars, Thánh Piô Năm Dấu…

Nó xuất phát từ sở thích trí tuệ, say mê, hiếu kỳ … hay từ chiều sâu?

Tất cả các điều này! Tôi rất tò mò, hiếu kỳ tìm hiểu, nhưng với đạo công giáo thì còn hơn thế nữa. Tất cả bắt đầu khi tôi còn rất nhỏ, tôi 6 tuổi và tôi thấy tượng Đức Mẹ ở một nhà thờ ở Casablanca, Ma-rốc, tôi có kể trong phim. Nhưng đó là bản chất của tôi: nếu tôi quan tâm đến vấn đề gì, tôi sẽ tìm hiểu kỹ càng, tôi nghiên cứu chủ đề đó, tôi học ở Học viện Bernardins, trong các bài đọc của tôi… (Ông liếc nhìn quyển sách chúng tôi tặng ông lúc bắt đầu phỏng vấn, Thánh Charles de Foucauld, Đam mê về Chúa, Saint Charles de Foucauld, passionné de Dieu, Jacques Gauthier, nxb. Emmanuel). Quyển sách bà cho tôi, bà yên tâm, tôi sẽ đọc! (Ông xem qua các chương khác nhau.) Để noi gương Chúa Giêsu  Nadarét, trên hết là yêu thương, người anh em phổ quát…

LAURA GILLI

Chúng tôi cũng đã thấy ông ở Quảng trường Thánh Phêrô trong ngày lễ phong thánh cho chân phước Charles de Foucauld.

Tôi bị chất vấn, tò mò, say sưa bởi câu chuyện của Charles de Foucauld. Tôi đến Rôma vì ngài. Tôi rất may được đến đó với ông François Asselin, người chủ của người thợ mộc trẻ đã té từ trên cao 15 mét xuống được Thánh Charles de Foucauld cứu sống một cách kỳ diệu. Cả hai chúng tôi đều say mê câu chuyện của ngài, chúng tôi nói rất nhiều về ngài.

Tại sao phép lạ dành cho chân phước Charles de Foucauld lại đặc biệt đến như vậy

Gặp anh Charle, 26 tuổi, “phép lạ” của chân phước Charles de Foucauld

Charles de Foucauld đi từ cuộc sống ăn chơi đến đời sống quân nhân, người công giáo rồi thành tu sĩ, ẩn sĩ… Câu chuyện của ngài là cả một bộ phim tập! Tôi mơ làm một bộ phim sử thi về Thánh Charles de Foucauld, do Pierre Niney đóng!

Charles de Foucauld, từ cuộc sống bê tha đến cuộc sống ẩn tu cô tịch

Thánh Charles de Foucauld chạm đến ông điều gì nhất?

(Ông chỉ vào chương về người anh em phổ quát.) Đây! Chính qua đời sống của ngài, tôi mới thực sự hiểu thế nào là hoán cải trong đạo công giáo. Ngài tác động đến tôi nhiều điều: hiếu kỳ của một người đàn ông, là nhà địa lý học, nhà thám hiểm. Ngài làm tự điển cho người Tuareg vì ngài thương họ, ngài muốn nói chuyện với họ. Để thực hiện chuyến hành trình xuyên Ma-rốc, ngài cải trang thành người do thái, đi cùng với một giáo sĩ do thái.

Nơi người hồi giáo, ngài thấy lòng sốt mến trong lời cầu nguyện. Bà tưởng tượng xem? Một người công giáo cải trang thành người do thái để không bị chú ý và nói chuyện với người hồi giáo! Đó là điều làm cho tôi xúc động sâu xa về ngài, người anh em của mọi người. Và rồi tôi là người nói tiếng Ả rập, ông tôi là người dân tột béc-be châu Phi…

Ông là người hơi lãng tử: sinh ở Ma-rốc , đến sống ở Québec, Canada, sau đó về Pháp, rồi qua Mỹ, rồi về Pháp… Và về linh đạo thì ông là người do thái nghiêng về công giáo…

Ở cuối phim, bà Delphine Horvilleur, giáo sĩ do thái nói: “Bạn có bao giờ là chính mình hơn khi bạn bắt đầu hướng tới một nơi khác không? Đó có phải là nơi bạn mới thật là bạn không?” Và, đồng thời, bà chấm dứt và nó không giúp ích gì cho tôi, khi bà nói: “Con đường của bạn có thực sự dừng lại trước một nhà thờ không? (Ông lật lại quyển sách về Charles de Foucauld.) Lời cầu nguyện buông bỏ! Hay tuyệt vời!

“Lạy Cha, con xin buông bỏ con trong tay Cha;

xin Cha làm cho con những gì Cha muốn.

Dù Cha có làm gì cho con, con cũng xin tạ ơn Cha.

Con sẵn sàng tất cả, con chấp nhận tất cả.

Để ý Cha thực hiện trên con,

và nơi mọi tạo vật của Cha,

Lạy Cha, con chẳng còn ước ao điều gì hơn nữa.

Con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha.

Lạy Cha, con dâng linh hồn con cho Cha với tất cả tình yêu từ trái tim con, vì con yêu Cha, và với con, nhu cầu yêu thương là hiến mình, là đặt đời con trong tay Cha, không giữ lại gì cho con và với một lòng tin tưởng vô bờ, vì Cha là Cha của con.” Ồ!

Ông dâng lời cầu nguyện này cho ai?

Cho Chúa! Điều làm tôi ngạc nhiên nhất trong tất cả lời cầu nguyện Thánh Charles de Foucauld viết, đó là cảm xúc khi ngài thể hiện chúng. Tôi đã đọc lời cầu nguyện này nhiều lần, nhưng mỗi lần đọc là mỗi lần tôi xúc động, vì đó là lời bộc lộ trần trụi, một cái gì rất mong manh. Từ khi còn bé, mỗi buổi sáng tôi đọc một lời cầu nguyện của người do thái vào buổi sáng, nguyên văn, mỗi ngày là một sự đổi mới của tâm hồn, một tái sinh và chúng tôi tạ ơn Chúa đã ban cho chúng tôi một ngày khác, mỗi buổi sáng. (Ông đọc lời cầu nguyện bằng tiếng do thái.)

Tôi cũng thích lời cầu nguyện được cho là của Thánh Têrêxa Đavila: “Lạy Chúa, trong tĩnh lặng của bình minh, con xin Chúa bình an, khôn ngoan và sức mạnh. Con muốn nhìn thế giới hôm nay với đôi mắt tràn đầy yêu thương; kiên nhẫn, hiểu biết, nhẹ nhàng và khôn ngoan; nhìn xa hơn bề ngoài, như chính Chúa thấy con cái Chúa, và như thế chỉ nhìn thấy điều tốt nơi mọi người”, v.v. Có người nói đây là lời cầu nguyện của Thánh Têrêxa Đavila, người khác nói là của Thánh Phanxicô Assisi… Dù sao thì người công giáo quý vị chẳng bao giờ đồng ý nhau!

Trong phim, ông kể lại kỷ niệm lúc 6 tuổi, dù bị cha mẹ cấm, ông đến nhà thờ ở Casablanca và đứng trước tượng Đức Mẹ. Điều gì đến trong đầu ông lúc đó?

Tôi rất xúc động, tôi cảm thấy no đủ, một niềm vui, một ngọt ngào mà tôi chưa từng nếm… tôi tự hỏi vì sao tôi lại bị cấm đến đây. Khi bước vào, tôi còn không biết đó là nhà thờ! Điều duy nhất tôi biết về nơi này là: “Gad, đừng bao giờ vào đó.” Tôi đến đó vì bị cấm, tôi là đứa con nít, tôi muốn biết có gì ở đó. Chị Judith đi với tôi, chị hoàn toàn dửng dưng. Còn tôi, tôi khóc. Xúc động vì no đủ, vì niềm vui, vì hạnh phúc. Một bên là cấm đoán, một bên là Đức Mẹ, những mâu thuẫn va chạm nhau và nó bùng ra.

Trong những năm qua, ông cảm thấy thế nào khi theo Đức Mẹ?

Trong một thời gian, tôi tránh xa tất cả. Tôi tiếp tục giữ đạo do thái, tôi  đi hoc… Giây phút mà tôi sống lại kỷ niệm này là khi tôi quyết định cùng dựng vở nhạc kịch Bernadette Lộ Đức năm 2019 và tôi đến Lộ Đức. Đột nhiên, mọi thứ trồi lên. Tôi bị nắm bắt. Vào thời đó, tôi chỉ có cảm xúc, và ở Lộ Đức, tôi tìm thấy ý nghĩa trong đó. Tôi hiểu, gặp Đức Mẹ khi còn nhỏ đã là cuộc gặp quyết định.

Tượng Đức Mẹ trong vali của ông

Tôi nhận ra tôi rất nhiều nơi Bernadette Lộ Đức, cô gái nhỏ này có một bí mật, một ngọn lửa, có một cái gì đó chỉ thuộc về cô. Khi nói chuyện với Roberto, người đồng sản xuất với tôi, ông là người công giáo, tôi nhận ra Đức Trinh Nữ Casablanca là Đức Mẹ Lộ Đức. Khi tôi về Ma-rốc để quay phim, chuyện này làm tôi giao động. Tôi không muốn quay cảnh mình khóc, nhưng trước và sau khi quay, tôi đã rơi nước mắt! Trở về đó 40 năm sau là trở về sự thật.

Trong phim, Gad, một người do thái, muốn trở lại đạo công giáo vì thích linh đạo kitô. Nhà thờ Thánh Cêcilia ở Boulogne-Billancourt, với diễn viên Mehdi Djaadi (trái), sơ Catherine, và giáo dân.  LAURA GILLI

Trong những năm vừa qua ông ở Mỹ nhiều, nơi ông thoải mái hơn với đức tin vì không mặc cảm. Nó có giúp cho ông nói lên cuộc đi tìm này không?

Trong đoạn cuối, tôi nhạo người công giáo một chút, họ sợ nói lên đức tin của họ, tôi dịu dàng nói với họ: vấn đề của bạn là gì? So với các giáo phái khác, vì sao người công giáo quý vị lại mặc cảm như vậy ở Pháp? Tôi biết trên đường đi, giáo hoàng Phanxicô đang mang những điều nặng nề, đau thương của lịch sử, nhưng thật kỳ lạ, vì sao quý vị lại không muốn chia sẻ đức tin của mình trong đời sống hàng ngày.

Càng xác định được bản sắc của mình trong một cộng đồng, thì càng có nhiều người khác có thể đến với mình, vì thế mình càng cởi mở hơn với thế giới bên ngoài. Tôi mơ giây phút chúng ta thực sự có thể nói chuyện với nhau, khi chúng ta sẽ không hài lòng với các hành động đại kết. Những gì tôi muốn là bạn đến với tôi ngày xa-bát, bạn đưa tôi đến ngày chúa nhật Lễ Lá, và sau đó chúng ta nói chuyện với nhau.

Ông có được truyền cảm hứng từ hành trình của những người do thái am hiểu đức tin kitô nhưng không rửa tội như các triết gia Simone Weil hay Henri Bergson không?

Một người truyền cảm hứng sâu đậm cho tôi dù tôi hoàn toàn không muốn đi theo con đường của họ, đó là hồng y Lustiger. Tôi mơ được nói chuyện với hai người, hồng y Lustiger và ca sĩ Michael Jackson! Tôi thích nghe hồng y kể hành trình của ngài… Cuốn phim của tôi kết thúc với lời của ngài: “Tôi cảm thấy rằng tôi đang trở thành người do thái vì tôi nhận kitô giáo, cuối cùng tôi đã khám phá ra các giá trị của do thái giáo, tôi không phủ nhận chúng.” Đó là thông điệp tôi muốn gởi đến tất cả mọi người, người công giáo, người do thái giáo… Chúng ta đừng sợ nhau, chúng ta nhẹ nhàng nói chuyện với nhau.. Tôi tin, chỉ có một Chúa.

Gần đây, ông bị rắc rối trong vụ đạo văn. Ông có cảm thấy bị mọi người quay lưng và việc đi tìm đời sống thiêng liêng có giúp ông trong thời điểm đó không?

Những lời cáo buộc này chỉ là một trong nhiều nỗi đau trong những năm gần đây. Nhưng, khi chúng ta bị sai lầm, chúng ta không nhìn lại mình sao? Tôi có kiêu ngạo quá trong công việc để tôi làm cho những cáo buộc này thành khó khăn với tôi không?” Như người Mỹ thường hay nói “Vào cuối ngày” tôi còn lại gì?

Cuối cùng tôi biết ơn tất cả những điều này, nó làm cho tôi nhiều điều tốt đẹp: tôi tự vấn mình, tôi đến với những người tốt trong nghề của tôi nhiều hơn, trong tình bạn của tôi… Về mặt sáng tạo, nó làm cho tôi muốn đi tìm những điều độc đáo, kỳ lạ, để không bị kết vào những gì người khác đã làm trước tôi. Sau đó, sẽ có người nói tôi đạo văn cuộc đời của cố hồng y Lustiger!

Đột ngột cắt đứt giấc mơ Mỹ, Gad Elmaleh về lại Paris. Vì sao?

Không ai hiểu rõ. Gad về vì cha mẹ ông yêu mến ông cho đến ngày khi dọn dẹp phòng của con, bà Régine Elmaleh thấy tượng Đức Trinh Nữ trong vali của Gad. Sốc, sỉ nhục, phản bội cả gia đình safarade của mình, khi bà hiểu lý do thực sự của đứa con hoang đàng trở về: rửa tội. Người  tân tòng ở một giáo xứ phía tây Paris, từ nhỏ đã xúc động trước tượng Đức Mẹ, diễn viên người sắp bước vào Giáo hội công giáo. Liệu ông có đi đến cùng con đường của mình, bất chấp những bất đồng sâu đậm với người thân của ông không? Giống như Áp-ra-ham và Môi-se trước ông, Gad theo đuổi cuộc lưu vong đến một nơi khác. Tất cả được những người thân bao bọc chung quanh, họ đóng chính vai của họ.

Một số người sẽ đánh giá, đây là cuốn phim cho mình là trọng tâm vũ trụ: Gad, cuộc hành trình, những nghi ngờ, những người thân của ông. Nhưng chúng ta có thể nói, vậy mà tốt. Người công giáo, trong một Giáo hội chia rẽ ở Pháp, bị dày vò bởi những tranh cãi, cái nhìn về chức linh mục, cách thức cử hành thánh lễ… đôi khi quên cả những điều chính yếu. Khi kể con đường đức tin của mình, Gad Elmaleh có một cái nhìn mới mẻ về Giáo hội… do đó đổi mới chúng ta. Xem xong phim, còn câu hỏi trên đầu môi: hư cấu hay chứng từ? Có lẽ những gì cuốn phim gợi ý, chính là, chấp nhận không phải chúng ta là người trả lời cho câu hỏi. Chỉ có Chúa biết.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Gad Elmaleh: “Trinh Nữ Maria là cú sét tình yêu đẹp nhất của tôi”