Tổng giám mục Paris, Laurent Ulrich: “Tôi đã do dự rất nhiều khi giáo hoàng bổ nhiệm”
parismatch.com, Caroline Pigozzi,
Ngày thứ sáu 3 tháng 6, tổng giám mục Laurent Ulrich, tiếp nhà báo Paris Match tại tổng giáo phận, quận 7, Paris. © Virginie Clavieres / Paris Match
Tổng giám mục Laurent Ulrich, 70 tuổi, giáo phận Lille được Đức Phanxicô chọn để thay thế tổng giám mục Michel Aupetit.
Một tổng giám mục không có nhà thờ chính tòa giống như sư tử không có bờm sao?
Tổng giám mục Laurent Ulrich. (Cười.) Không hẳn vậy! Giám mục cũng có những nơi để quy tụ dân Chúa: Saint-Germain-l’Auxerrois và Saint-Sulpice. Chắc chắn nhà thờ xây lại là rất quan trọng, nhưng Giáo hội cộng đồng còn quan trọng hơn thế nữa. Cho đến nay, tôi đã mất ngôi nhà đá “của tôi”, tôi còn phải giám sát chương trình trùng tu, nhưng tôi không mất dân Chúa.
Cha đứng đầu một cơ sở có 106 giáo xứ, 477 linh mục, có tài sản bất động sản lên tới khoảng 700 triệu âu kim…
Con số giáo xứ thì giống giáo phận Lille, nhưng Lille chỉ có 250 linh mục! Sứ mệnh của tôi trước hết là sứ mệnh thiêng liêng: nghe và lời. Bây giờ tôi sẽ gặp các giáo sĩ Paris… Cũng may tôi có trí nhớ tốt về các tên!
Thông điệp đầu tiên của cha cho giáo dân Paris là gì?
Tôi đến với tư cách là linh mục và giám mục, vì thế là nhân danh Chúa Kitô. Như một người bạn của tất cả mọi người. Đó là cách sống đầu tiên của tôi. Các giám mục không có một chương trình, thái độ của họ là gặp người này người kia.
“Vai trò của giám mục cũng là vai trò tập hợp, mang lại niềm tin trong những tình huống khó khăn.”
Theo cha, việc phong hồng y cho giám mục Jean-Marc Aveline giáo phận Marseille có phải là một chiến lược của giáo hoàng, một tái cân bằng giữa Paris và Marseille không?
Tôi tin chắc ngài tin tưởng rất nhiều ở giám mục Jean-Marc Aveline, vì tất cả những gì giám mục đã làm ở Marseille, điều này rất có ý nghĩa với vùng Địa Trung Hải. Đức tin kitô đã phát triển khởi đi từ Địa Trung Hải trong một thế giới đa dạng, cả khi vùng này bị Đế chế la-mã thống trị. Ngày nay thành phố Marseille là một thành phố đa văn hóa, có nhiều việc phải làm cả trong lãnh vực đức tin và đối thoại giữa các tôn giáo. Theo tôi, dường như giáo hoàng đã chọn giám mục Aveline làm hồng y cũng vì ngài là một thần học gia giỏi.
Tổng giám mục Laurent Ulrich được bổ nhiệm làm tổng giám mục Paris
Việc bổ nhiệm cha có xuất phát từ ý tưởng không để người Paris đứng đầu giáo phận thủ đô không?
Ở Pháp có truyền thống không để người trong giáo phận đứng đầu giáo phận mình. Sau ba giám mục liên tiếp người Paris, tình trạng bình thường được áp dụng lại.
Chức vụ của cha cũng có nghĩa là quan hệ với chính quyền địa phương và quốc gia… Xin cha cho biết quan điểm của cha về tình hình chính trị trong nước?
Tôi cảm thấy ngày nay nước Pháp kỳ vọng nhiều ở sinh thái, giáo dục, các vấn đề xã hội và xã hội-nghề nghiệp, đặc biệt là giáo viên, nhân viên y tế… Tôi không biết tôi có thể giúp được gì cho họ, nhưng tôi không ngần ngại, dù sao tôi sẽ nói về những vấn đề của họ khi tôi có dịp gặp họ. Vai trò của giám mục cũng là vai trò tập hợp, mang lại niềm tin trong những tình huống khó khăn.
“Tôi là người con trung thành của Giáo hội; tôi thấy giáo hoàng đang lay chuyển mọi thứ về mặt giáo luật, luật pháp trong Giáo hội”
Khi các tổng giám mục được mời đến Điện Élysée, xe của họ có thể đậu ở sân trong. Hồng y Lustiger (cựu tổng giám mục Paris 1981-2005) thích ứng với việc này và rất thực dụng: “Chúng ta phải dùng chỗ đậu xe này, nếu không nó sẽ biến mất!”
Ồ, cha nói tôi mới biết!
Khi đi dự các sự kiện chính thức, hồng y Lustiger thú nhận: “Tôi làm công việc của tôi.”
Ngài nhân cơ hội nói chuyện với các nhà lãnh đạo chính trị, những người có quan điểm riêng của họ, đúng vậy, nhưng đó cũng là những người thường muốn lắng nghe mọi người… và tại sao không nghe tổng giám mục Paris. Tôi khẳng định, công việc của tôi, nhiệm vụ của tôi là quan hệ với tất cả mọi người, kể cả những người không có quyền lực.
Chức vụ của cha có đi đôi với cô đơn không?
Tôi không một mình! Có hai linh mục khác sống ở đây: một linh mục tổng đại diện và một linh mục thư ký. Tôi thú nhận, tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn nhiều trong sứ vụ linh mục và sau đó là giám mục, một sứ mệnh mà tôi đã thực hiện từ hai mươi hai năm nay.
Vì chúng ta đang nói về cô đơn, cha có ủng hộ việc phong chức cho các ông đã có gia đình không?
Tôi là người con trung thành của Giáo hội; tôi thấy giáo hoàng đang lay chuyển mọi thứ về mặt giáo luật, luật pháp trong Giáo hội. Ngài đưa ra các quyết định gần đây để phụ nữ có thể làm việc trong các bộ giáo dân, đó là một bước. Ngài cũng mở hồ sơ về phụ nữ phó tế. Ngài cũng làm thuận lợi cho các phó tế đã lập gia đình. Mọi thứ đang được nghiên cứu, những chuyện khác đang thay đổi… Về việc phong chức cho các ông đã lập gia đình, hiện nay giáo hoàng trả lời không.
Có sự cạnh tranh giữa tổng giám mục Paris, tổng giám mục Lyon và chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp không?
Tôi không có cảm tưởng này. Hơn nữa, cả hai đều ở nhà thờ Saint-Sulpice trong thánh lễ chào mừng tôi và tôi không thấy có một chủ đề nào làm chúng tôi đối ngược nhau. Tổng giám mục giáo phận Lyon trách nhiệm một Giáo hội cũng lâu đời như Giáo hội Paris, giữ một vị trí lịch sử trong Giáo hội Pháp. Ở Lyon cũng có một lịch sử tuyệt đẹp về sự tham gia xã hội của Giáo hội, cũng như ở Lille, có một trường đại học công giáo quan trọng. Nhưng không có sự đối kháng nào giữa Paris và Lyon trong Giáo hội.
“Tôi giữ lại ý chí đối thoại của hồng y Jean-Marie Lustiger. Thêm nữa, ngài có một ý tưởng mỗi ngày – một vấn đề tính khí!”
Cha định nghĩa thế nào về kỷ nguyên Lustiger, kỷ nguyên đánh dấu giới giáo sĩ Paris?
Như một ví dụ điển hình cho công việc đổi mới, bắt đầu từ Paris để phản ánh cho toàn thể Giáo hội Pháp. Hồng y, sẵn lòng trên mọi phương diện, nghĩ rằng Giáo hội có vị trí của mình ở đó. Bắt đầu năm 1980, trong một bối cảnh chính trị không hề đơn giản: chúng ta vẫn đang ở trong hậu quả của năm 1968, một cuộc chất vấn các thể chế trước sự thay đổi chính trị; thế giới công giáo cần phải mở lại mối quan hệ với xã hội, không để đánh mất sợi dây của đối thoại. Tôi giữ lại ý chí đối thoại của hồng y Jean-Marie Lustiger. Thêm nữa, ngài có một ý tưởng mỗi ngày – một vấn đề tính khí! Về phần tôi, tôi hy vọng sẽ không thiếu ý tưởng, từ đó tôi sẽ có mỗi ngày một ý tưởng!
Đức Giám mục Ulrich cử hành thánh lễ nhậm chức ở nhà thờ Saint-Sulpice, nhà thờ lớn nhất Paris, với sự hiện diện của tất cả các giáo sĩ Paris ngày 23 tháng 5. © Virginie Clavieres / Paris Match
Giáo hội Paris dường như bị chia rẽ…
Nhiều hơn cả chia rẽ! Các giáo sĩ và giáo dân hiện đang gặp khó khăn. Vụ Nhà thờ Đức Bà cháy năm 2019 là một cú sốc, và tôi phải hết sức chăm sóc các dự án trùng tu và tái phát triển: với người công giáo, điều quan trọng là họ biết thiên chức của Nhà thờ Đức Bà là nơi cầu nguyện, nơi cử hành các lễ tôn giáo. Việc kết thúc sứ mệnh và sự ra đi của tổng giám mục Aupetit, tiền nhiệm của tôi đã tạo rắc rối và lo lắng. Đó là một sự việc. Đức Giám mục Pontier đã quản lý giáo phận trong sáu tháng, giống như tôi, ngài cảm thấy một nỗi buồn sâu sắc cần được nói lên. Và sau những sự kiện này lại xảy ra cùng một lúc báo cáo Ciase được công bố (Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội): quy mô về số vụ lạm dụng tình dục do các giáo sĩ vi phạm đã làm cho tất cả chúng ta buồn lòng. Vì thế người công giáo ở Paris đã xúc động trước những tình huống này. Mang lại cho họ sức mạnh, là người “khuyến khích” họ, nói với họ: “Anh chị em lấy lại sức mạnh, đứng vững, đừng sợ hãi”, đó là sứ mệnh của tổng giám mục.
Cha có định “bắt cầu”, một quan tâm rất thân thiết của Đức Phanxicô, giữa Paris và các vùng không?
Bà nói đúng khi nói, giữa Paris và các tỉnh luôn có một hình thức đối lập. Tôi muốn góp phần để làm cho những chia rẽ kiểu này không chiếm ưu thế trong Giáo hội. Là người ở tỉnh lẻ, có lẽ tôi sẽ có những cách sống và cách hành động khác.
Chúng ta có thể nói có một khủng hoảng ơn gọi ở thủ đô không?
Chúng tôi có 80 chủng sinh ở Paris! Cuộc cạnh tranh này đã xưa cũ giữa các giáo xứ, có nghĩa là cuộc sống của linh mục trong giáo xứ, và đời sống trong cộng đoàn. Một số không muốn sống một mình, họ thích có quan hệ với cộng động, với đồng nghiệp. Trong hàng giáo phẩm thế tục, không phải lúc nào chúng ta cũng sống chung dưới một mái nhà, nhưng cũng phải đi tìm một cuộc sống huynh đệ. Với một tín hữu kitô trẻ muốn đáp ứng ơn gọi, việc định hướng cũng khó khăn như bất kỳ người trẻ nào chọn con đường nghề nghiệp của mình. Trong độ tuổi từ 20 đến 30, họ thường chần chừ, thậm chí phải thay đổi nhiều lần.
Cha được biết đến với sự dấn thân của cha cho người di cư. Cha định tiếp tục công việc này ở Paris như thế nào?
Sứ mệnh của chúng tôi dựa trên bốn trụ: giảng dạy, cầu nguyện và cử hành, gương mẫu, dấn thân. Đời sống Giáo hội ở Paris rất phong phú về lòng quảng đại, tôi biết điều này trước khi về đây. Xung quanh họ có nhiều người biết cách vận động. Tôi đang nghĩ đến các tổ chức như Hiệp hội Bằng hữu (Apa) hoặc Nhà đón nhận Bakhita… các tổ chức có cấu trúc chặt chẽ, tìm cách sống trong tình huynh đệ, đoàn kết với những người mong manh nhất, những người sống trong hoàn cảnh bấp bênh, thiếu thốn tình cảm, tài chính… Chẳng hạn Nhà Marta và Maria đón nhận phụ nữ độc thân có con. Ngoài ra còn có cơ quan Cứu trợ Công giáo, các giáo xứ Paris dấn thân làm việc trong tổ chức Mùa đông Đoàn kết… Tất cả những cơ sở này là cả một phong phú lớn lao.
Sứ mệnh đầu tiên của cha sẽ là gì?
Từ tháng 9, tôi sẽ đi tìm hiểu từng giáo xứ một. Như thế sẽ chiếm hết thì giờ khi tôi giữ chức vụ này. Khi kết thúc chuyến thăm, tôi sẽ bắt đầu lại. Không có lý do gì để dừng lại.
Chúng tôi có thể chúc cha điều gì?
Được giáo dân nâng đỡ trong lời cầu nguyện, qua thiện cảm của những người không cầu nguyện nhưng vẫn mong cho công việc của tổng giám mục Paris thành công tốt đẹp. Cố gắng tổ chức lại Giáo hội là điều cần thiết thường xuyên. Thể chế phải thích ứng, nếu không nó không còn đáng tin nữa.
Cha có tham khảo ý kiến của người tiền nhiệm cha không?
Chắc chắn. Thường xuyên nói chuyện với những người đã giữ trách vụ này là chuyện bình thường. Nhưng tôi vẫn chưa gặp giám mục Michel Aupetit, vì ngài không ở Paris lúc này.
Cha có biết rõ về Giáo hoàng không?
Tôi gặp ngài thường xuyên. Tuy ngắn nhưng luôn nồng hậu. Tôi gặp ngài lâu hơn với các bạn đồng nghiệp khi chúng tôi có chuyến đi ngũ niên ad limina vào tháng 10. Khi ra về, tôi vừa được an ủi vừa được học hỏi thêm. Một khoảnh khắc rất mạnh mẽ.
Cha nói với ngài trong ngôn ngữ nào?
Mỗi người nói ngôn ngữ riêng của mình: đã có người thông dịch. Ngài nói tiếng Ý, chúng tôi nói tiếng Pháp. Ngài hiểu tiếng Pháp, nhưng không phải lúc nào ngài cũng… dám nói. Cũng như tôi với tiếng Ý…
“Tôi đi tu năm 25 tuổi, sau khi học xong triết học”
Xin cha cho biết, cha có ơn gọi khi nào?
Phải nói, sau khi học xong tú tài, tôi đã nghiêm túc nghĩ đến việc này. Đầu tiên tôi học triết học đến bằng thạc sĩ, sau đó tôi đi dạy một vài năm. Tôi vẫn còn do dự. Tôi nghĩ tôi cam kết mạnh lúc tôi 25 tuổi. Giám mục của tôi nói với tôi: “Tôi biết anh và tôi nghe nói về anh, tôi nghĩ anh có thể trả lời.” Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ: “Tôi không còn ở trong tình trạng chất vấn nội tâm nữa. Tôi có được một khẳng định từ bên ngoài, tôi có thể đi tới phía trước”. Và tôi vào chủng viện.
Cha ở trong một gia đình đông con.
Mẹ tôi chăm sóc sáu đứa con. Cha tôi là thanh tra bảo hiểm ở Dijon. Một gia đình đông con vui vẻ, với khoảng 80 con cháu, rất nhiều con cháu đến tham dự thánh lễ nhậm chức của tôi tại nhà thờ Saint-Sulpice.
“Tôi thích đi bộ, đi xe đạp. Họ nói ở Paris rất nguy hiểm, nhưng tôi sẽ cẩn thận!”
Cha có sở thích nào không?
Tôi thích đi bộ, đi xe đạp. Họ nói ở Paris rất nguy hiểm, nhưng tôi sẽ cẩn thận! Tôi cũng thích đọc sách, nghe nhạc. Tất cả âm nhạc. Barốc, lãng mạn… Rất nhiều dương cầm. Tôi không chơi nhạc cụ. Tôi học hát khi còn nhỏ nên tôi rất thích hát. Tôi thích viết; một giám mục là khi nào cũng viết. (Cười.) Đó là công việc tôi thích. Tôi cũng có xuất bản vài quyển sách…
“Một khi tôi nói vâng, tôi cảm thấy rất bình yên”
Khi cha biết giáo hoàng chọn cha làm tổng giám mục thứ 142 của Paris, phản ứng đầu tiên của cha là gì? Niềm vui, lo lắng?
Lúc đầu, cảm giác vinh dự vượt quá tôi. Vì vậy, tôi để cho tự do nội tâm làm việc, tôi bình tĩnh suy nghĩ trước khi trả lời cho sứ thần. Tôi mất vài ngày để cầu nguyện và suy nghĩ. Khi suy nghĩ của tôi đến gần với “vâng”, tôi càng lúc càng cảm thấy bình an nhiều hơn. Khi đó, tôi tự nhủ: “Đây là dấu hiệu cho thấy tôi có thể đi tới. Một khi tôi nói vâng, tôi cảm thấy rất bình yên. Hướng nội và rất sâu đậm. Niềm vui là một phần trong cách tôi là người tín hữu. Phương châm của tôi là: “Niềm vui của đức tin”. Vì vậy, ngay cả đôi khi tôi lo lắng, tôi vẫn có thể đón nhận những biến cố khó khăn trong bình an nội tâm và vui vẻ.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Lời tâm sự của tổng giám mục Ulrich được bổ nhiệm làm tân tổng giám mục giáo phận Paris