Những điều cần giữ lại trong chuyến đi Iraq của Đức Phanxicô

243

Những điều cần giữ lại trong chuyến đi Iraq của Đức Phanxicô

Đức Phanxicô đã đưa ra nhiều con đường để suy nghĩ về tương lai của Iraq, một quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng chiếm đóng. Một con đường có tầm vóc toàn cầu.

lavie.fr/une, Laurence Desjoyaux và Marie-Lucile Kubacki, 2021-03-08

Ngày chúa nhật 7 tháng 3, Đức Phanxicô cử hành thánh lễ ở sân vận động Erbil. STR / DPA / ABC / ANDIA.FR

Chúng ta đã mong chờ một chuyến đi lịch sử… và nó đã xảy ra. Trong ba ngày, Đức Phanxicô, vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Iraq, đến đất nước tử đạo, người hành hương vì hòa bình và đền tội cho những điều khủng khiếp đã phạm nhân danh Chúa. Ngài để lại con đường chữa lành cho vết thương của quá khứ vẫn còn, và để suy nghĩ, thậm chí còn để mơ cho một tương lai.

Tha thứ ngược với tất cả mong chờ

Làm sao có thể tha thứ cho điều không thể tha thứ? Câu hỏi đi qua mọi thời, và ở Qaraqosh, một phụ nữ, một người mẹ đau buồn vì con trai mình đã chết, nói lên lời chứng mạnh mẽ nhất.

Năm 2014, con trai bà đã chết, cùng với người anh họ mà hai anh em cùng chơi với nhau, và cô láng giềng sắp cưới, thì một quả rốc-kết pháo kích vào thành phố, ngay trước khi ISIS đến. Giống như nhiều người khác, bà đã phải bỏ nhà cửa, bỏ ngôi làng của mình. Bà thừa nhận: “Thật không dễ dàng để đối diện với thực tế này, nhưng tôi đã tìm sức mạnh để tha thứ trong niềm tin vào Phục Sinh, là nguồn hy vọng.”

Bà nói: “Đức tin của tôi nói với tôi, các con tôi đang ở trong vòng tay của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Và chúng ta, những người sống sót, phải cố gắng tha thứ cho kẻ sát hại, vì Thầy Giêsu của chúng ta đã tha thứ cho những người đã hành hạ Ngài. Bằng cách noi gương Ngài trong đau khổ của mình, chúng ta làm chứng, tình yêu mạnh hơn bất cứ điều gì.”

Sự tha thứ của người mẹ ở Qaraqosh: lời chứng làm Đức Phanxicô xúc động

“Tha thứ là điều cần thiết để ở trong tình yêu

Lời nói của người phụ nữ đã mất tất cả này cho chúng ta một bài học chung, gởi đến toàn nhân loại thông điệp cự lại với vòng xoáy của hận thù, của báo thù. Sau đó trong bài phát biểu của mình, ngài trả lời trực tiếp: “Điều bà Doha nói làm tôi giao động: bà nói tha thứ cần thiết cho những người sống sót sau các vụ khủng bố. Xin lỗi: đây là từ khóa. Sự tha thứ là cần thiết để duy trì tình yêu, để tiếp tục là tín hữu kitô.”

Dù tha thứ là một “cuộc chiến đấu” (Đức Phanxicô đã dùng từ này), nội tâm và tinh thần, không có một thay thế nào. Điều này phải được đi kèm với một đường lối chính trị có chiều sâu về công lý và sửa chữa. Và Đức Phanxicô đã không quên nhấn mạnh, đó là điều đặc biệt kêu gọi một quyền công dân chung: “Rằng không ai bị cho là công dân hạng hai!”, ngài muốn nhắm đến các nhà lãnh đạo chính trị Iraq.

Một tiến trình tâm linh

Nhưng tha thứ là một tiến trình tâm linh, chính vì thế mà ngài có chuyến đi như một “sự đền tội, cho tất cả những điều kinh khủng đã phạm nhân danh Chúa.” Tự nhận tội về phía mình, một cách nào đó, tội ác do những kẻ khủng bố gây ra, ngài đã hoàn thành trên đất của Áp-ra-ham, tổ phụ của ba tôn giáo đơn thần, một tiến trình mạnh mẽ, thiêng liêng mang đến cho các tín hữu bị tổn thương trong đức tin của họ, và một cách rộng hơn là với nhân loại đã ghi dấu ấn trong da thịt của mình.

Chặng đàng thánh giá từ Bagdad đến Erbil, đi qua Ur, Mosul và Qaraqosh, hiệp thông với những người tử đạo của Iraq, “những  vì sao trên cùng một bầu trời”, theo chữ của giáo hoàng để ngăn chặn chu kỳ bạo lực. Và ngài kết thúc với lời của tiên trí Êdêkien trong thánh lễ ngày chúa nhật: “Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết, vậy hãy trở lại và hãy sống.”

Đối thoại với thế giới Hồi giáo

Bức hình mang tính lịch sử. Trong căn nhà đơn sơ nằm cuối con hẻm ở thành phố Najaf, hai người đại diện cho hàng tỷ tín hữu trên thế giới, một người mặc áo trắng, người kia đội khăn xếp đen của con cháu Tiên tri, đã nói chuyện với nhau trong 45 phút, nhiều hơn cả dự định trong chương trình.

Khi đến gặp Đại Giáo Trưởng Al-Sistani, nhà lãnh đạo tín hữu shi’a có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới Iraq, Đức Phanxicô không ngừng theo đuổi cuộc đối thoại mà ngài đã bắt đầu vào đầu triều giáo hoàng của mình.

Sau tuyên bố của Viện Abu Dhabi về “tình huynh đệ giữa con người”, được ký kết với nhà lãnh đạo Giáo hội hồi giáo Ahmed al-Tayeb của Viện Al-Azhar, Ai Cập, người có quyền lực với người sunni, bây giờ ngài hướng về thế giới của người shi’a.

Với Đại Giáo Trưởng Al-Sistani, Đức Phanxicô chia sẻ ba xác tín mạnh mẽ: tính thiêng liêng của sự sống con người, tình huynh đệ là chân trời duy nhất có thể có và lên án những kẻ giết người nhân danh Chúa. Vào cuối cuộc nói chuyện, Đại Giáo Trưởng, người đã bảo vệ tín hữu kitô ở Iraq, nhắc lại, “sự quan tâm của ngài với tín hữu kitô phải được sống như tất cả người dân Iraq, sống trong hòa bình và an ninh, có quyền hợp hiến của mình”.

Vượt lên chia rẽ

Trong quá trình này, cuộc họp liên tôn giáo ở vùng Ur giữa sa mạc, nơi có sự hiện diện của các giáo sĩ shi’a và sunni cũng như các đại diện của tất cả các Giáo hội hồi giáo thiểu số ở Iraq, được xem như một bước bổ sung để vượt lên chia rẽ trong một đất nước bị nạn bè phái chi phối. Lời cầu nguyện các nhà lãnh đạo tôn giáo khẳng định không thể sử dụng tôn giáo như một  bảo đảm cho bạo lực, việc đã tràn qua Trung Đông trong nhiều năm.


“Chúng tôi khẳng định, Thiên Chúa nhân từ và hành vi phạm tội báng bổ nhất là xúc phạm danh Ngài qua việc hận thù anh em. Sự thù nghịch, chủ nghĩa cực đoan và bạo lực không phát sinh từ tâm hồn tôn giáo: đó là phản bội tôn giáo. Và chúng ta, những người tin Chúa không thể im lặng khi chủ nghĩa khủng bố lạm dụng tôn giáo”.

Sự sống mạnh hơn cái chết, tha thứ mạnh hơn trả thù, tình huynh đệ hơn huynh đệ tương tàn, Đức Phanxicô để lại nhiều chìa khóa hy vọng. Sau khi xem các tàn tích do tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng để lại ở Mosul, Iraq cho thấy sự chiến thắng của sự sống trước sự hủy diệt, khi kết thúc thánh lễ ở Qaraqosh, thành phố kitô giáo lớn ở đồng bằng Ninivê, nơi người dân can đảm trở về sinh sống để bắt đầu lại từ đầu, sau khi bị quân khủng bố đánh đuổi. ngài mời dân tộc tử đạo Iraq – cùng với ngài và toàn thế giới – đứng lên. 

Cuộc họp liên tôn này cho thấy hình ảnh sâu đậm về sự sống lại và ra khỏi mồ. Ngài khuyến khích họ: “Anh chị em không đơn độc!” Toàn Giáo hội gần gũi với anh chị em, qua lời cầu nguyện và lòng bác ái cụ thể. Và, trong vùng này, rất nhiều người đã mở cửa cho anh chị em khi anh chị em cần.”

Thay đổi hình ảnh của Iraq

Bằng cách nói với tất cả mọi người, không chỉ cho người theo Thiên Chúa giáo, Đức Phanxicô cho thấy đất nước hướng tới toàn cầu và có thể thay đổi hình ảnh của Iraq trên thế giới. Trong những năm gần đây, không có nhà lãnh đạo nào tầm mức như Đức Phanxicô dám đến đây vài giờ và mạo hiểm để thực sự gặp người Iraq.

Ông Omar Mohammed, nhà sử học ở Mosul, người đã ghi lại cuộc sống dưới thời ISIS đầy rủi ro cho chính ông, đã nói: “Qua ngài, đôi mắt của cả thế giới đang hướng về Mosul và họ thấy tình trạng hủy diệt của thành phố. Ngài sẽ gởi thông điệp, rằng chúng ta không thể tiếp tục nếu chúng ta không ngồi xuống và thảo luận với nhau”.

Đức Phanxicô không ngây thơ về tình trạng tham nhũng và xã hội rối loạn: lời đầu tiên khi ngài đến Iraq là nhắc các nhà lãnh đạo ở Iraq cũng như các nơi khác trên thế giới về trách nhiệm của họ. Chuyến thăm của ngài không đưa đến các thay đổi căn bản ngắn hạn trong lĩnh vực này. Đó là lý do vì sao ngài đề xuất một loại thống nhất từ bên dưới.

Ông Jawad al-Khoei, một chức sắc cao cấp của người shi’a nhận xét về cuộc đối thoại liên tôn giáo sau chiến thắng của Đức Phanxicô: “Ba điều hiện đang đoàn kết người Iraq: đội tuyển bóng đá quốc gia, cuộc chiến chống lại ISIS và chuyến đi của giáo hoàng” đã nói lên tâm tư được chia sẻ rộng rãi trong lòng người dân.

Thông điệp sẽ được nghe đến đâu? Còn quá sớm để nói, nhưng chúng ta đã thấy ở những nơi khác, như ở Cộng hòa Trung Phi chẳng hạn, một quốc gia cũng bị ảnh hưởng chiến tranh nặng nề, chiến thắng của giáo hoàng đã mang lại những thay đổi thực sự. Trong khi chờ đợi, ngài mang đến một luồng gió mới và một không gian để mơ về tương lai.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô ở Iraq, sức mạnh của sự yếu đuối

Trên thế giới, Đức Phanxicô là tiếng nói của người không có tiếng nói