Hồng y Raniero Cantalamessa: “Hạnh phúc Tin Mừng ở tầm tay mọi người”

796

Hồng y Raniero Cantalamessa: “Hạnh phúc Tin Mừng ở tầm tay mọi người”

 cath.ch, Emmanuel van Lierde, 2020-12-20

Không ai thờ ơ được với đại dịch. Hồng y Raniero Cantalamessa, người giảng cho Phủ giáo hoàng cũng lo lắng về đại dịch, ngài thấy như thế nào, các ảo tưởng và sự ngông cuồng vĩ đại của chúng ta đã tan như tuyết tan dưới ánh mặt trời. Ngài nhắc lại: “Thông điệp quan trọng của Chúa Giêsu là hạnh phúc lúc nào cũng có tiếng nói cuối cùng (…) và hạnh phúc này đã bắt đầu từ bây giờ, trong cuộc sống chúng ta. Hơn nữa, hạnh phúc Tin Mừng ở tầm tay của mọi người”.

Từ 40 năm nay, tân hồng y Raniero Cantalamessa là người thường xuyên giảng cho Phủ Giáo hoàng. Hồng y thuộc Dòng Capuchin, ngài ở trong phong trào Canh tân đặc sủng, ngày  28 tháng 11 ngài được Đức Phanxicô phong hồng y cùng với 12 tân hồng y khác.

Theo hồng y Cantalamessa, Đức Phanxicô là ngọn hải đăng của ánh sáng và hy vọng trong thời kỳ tăm tối này. Ngài giải thích trong cuộc phỏng vấn với tuần báo công giáo Bỉ Tertio: “Tôi thường nghĩ đến buổi cầu nguyện Urbi et Orbi phi thường ngày 27 tháng 3. Trong khung cảnh siêu hiện thực, một mình ở Quảng trường Thánh Phêrô vắng vẻ và dưới cơn mưa, Đức Phanxicô đã nhận định tình huống: ‘Trong một thế giới bệnh tật, chúng ta nghĩ mình có thể sống khỏe mạnh’. Đại dịch đã phá vỡ ảo tưởng này”.

Vì sao cha đi tu Dòng Capuchin theo bước chân Thánh Phanxicô Assisi?

Hồng y Raniero Cantalamessa: Năm 1946 khi tôi 12 tuổi, tôi vào tiểu chủng viện của các tu sĩ Dòng Capuchin. Ở tuổi đó tôi chưa biết mình làm gì với đời mình. Sau vài tháng, chúng tôi có tuần tĩnh tâm, và tại đây, lần đầu tiên tôi nghe giải thích rõ ràng về Chúa, về Chúa Giêsu, về tình yêu của Ngài dành cho chúng ta và sự sống vĩnh cửu. Tôi khám phá Chúa hiện hữu và Ngài có thể mang lại ý nghĩa và niềm vui cho đời sống của tôi. Vào cuối tuần tĩnh tâm, tôi tuyệt đối tin chắc và vui mừng nhận ra tôi sẽ là một tu sĩ dòng Phanxicô. Đó thực sự là cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với Chúa và tôi ghi nhớ cuộc gặp gỡ này suốt đời, như ngọn hải đăng thỉnh thoảng tỏa sáng trong bóng tối.

“Tôi khám phá Chúa hiện hữu và Ngài có thể mang lại ý nghĩa và niềm vui cho đời sống của tôi.”

Mới đầu cha có sự nghiệp Đại học nhưng năm 1979 bất thình lình cha từ chức. Xin cha cho biết lý do.

Sau khi học thần học và ngữ văn cổ điển, tôi bắt đầu giảng dạy tại Đại học Công giáo Milan. Năm 1977, tôi có dịp tham dự một hội nghị đại kết ở Kansas, Hoa Kỳ. Có khoảng 40.000 người. Ở đó, tôi khám phá ra ý nghĩa của lời loan báo: “Chúa Giêsu là Chúa!” Từ thành phố Kansas, tôi đến một nhà tĩnh tâm ở New Jersey, tại đây tôi cầu nguyện để nhận phép rửa trong Thánh Linh. Là nhà thần học, tôi tự hỏi “phép rửa trong Thánh Linh” này có thể có ý nghĩa gì.

Năm 1980, hồng y Raniero Cantalamessa được Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm làm người giảng cho Phủ Giáo hoàng | © Cantalamessa.org

Một thời gian ngắn trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nói với các thánh tông đồ: “Còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1: 5). Vài ngày sau, đó là Lễ Hiện Xuống… Tại Công đồng Vatican II, Đức Gioan XXIII đã xin Chúa ban một “Lễ Hiện xuống mới cho Giáo hội” và Chúa đã nhận lời. Tôi hiểu sự kiện này như một đổi mới cho phép rửa của tôi, một phép thêm sức, một lời khấn dòng, một thụ phong chức linh mục của tôi. Đó là để cho Thần Khí thổi trên đống tro tàn, để ngọn lửa mà trước đây tôi nhận qua các phép bí tích có thể bùng cháy lên.

Trở về lại Milan, tôi bắt đầu tham gia vào các nhóm cầu nguyện đặc sủng. Một ngày nọ, tôi thấy Chúa Giêsu trong tâm hồn tôi, Ngài nói với tôi: “Nếu con muốn giúp Ta rao truyền nước Trời thì con bỏ hết mọi sự và theo Ta.”  Tôi hiểu ngay điều Chúa muốn tôi làm: từ bỏ bục giảng trường đại học, từ bỏ mọi thứ để là người nhiệt thành rao giảng Lời Chúa như Thánh Phanxicô Assisi. Tôi không biết bắt đầu từ đâu, nhưng mọi chuyện đã sớm trở nên rõ ràng.

“Tôi rất ngạc nhiên khi các giáo hoàng bỏ thì giờ để nghe bài giảng của một linh mục bình thường”.

Cha nhận một cuộc gọi từ Rôma?

Đúng vậy, sau “ơn gọi thứ hai”, tôi rời trường đại học và đang chuẩn bị cho một chuyện gì đó mới mẻ thì đột nhiên tôi nhận một cuộc gọi từ Bề trên Tổng quyền của chúng tôi ở Rôma. Ngài báo cho tôi biết, Đức Gioan-Phaolô II chỉ định tôi là người giảng cho Phủ Giáo hoàng. Một thời gian ngắn sau tôi bắt đầu giảng Mùa Chay cho giáo hoàng, các hồng y, giám mục và giám chức của Giáo triều Rôma và cho một số bề trên của các dòng tu và tu hội. Từ năm 1980, hàng năm tôi có trách nhiệm hướng dẫn các buổi suy niệm vào các ngày thứ Sáu Mùa Vọng và Mùa Chay. Tôi rất ngạc nhiên khi các giáo hoàng bỏ thì giờ để nghe bài giảng của một linh mục bình thường.

Cha hoàn thành nhiệm vụ này cho ba triều giáo hoàng liên tiếp. Cha còn nhớ gì?

Gần gũi Đức Gioan-Phaolô II tự thân đã là một món quà tuyệt vời. Tôi có cảm giác đứng trước một người có nhân cách khổng lồ, nhưng điều tôi  ấn tượng nhất về mặt thiêng liêng và lịch sử là năm 2000, ngài cầu xin sự tha thứ cho những gì Giáo hội đã làm hại cho người Do Thái, cho khoa học và cho các người khác trong quá khứ.

Mỗi vị giáo hoàng phải phục vụ Giáo hội với đặc sủng riêng của mình, biết rằng không ai có thể hoàn thành tất cả các kỳ vọng và nghĩa vụ trong chức vụ này. Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh các khía cạnh thần học và giáo lý, dù không phải chỉ có những điều này, còn Đức Phanxicô thì nhấn mạnh đến mục vụ, và cũng không phải chỉ có việc này. Chắc chắn ngài không bỏ nhiệm vụ giảng dạy của mình, nhưng đúng hơn ngài mở rộng sứ mệnh giảng dạy. Các thông điệp về bảo tồn tạo vật, Laudato si’, và về tình huynh đệ, Fratelli Tutti, đã đến với nhiều người, ngoài cả môi trường công giáo.

Cha cũng tham gia rất nhiều vào cuộc đối thoại với các Giáo hội Ngũ tuần và trong phong trào Canh tân đặc sủng. Chúng ta có thể học được gì từ những cộng đồng và phong trào này?

Thời kỳ trước Công đồng Vatican II là thời kỳ bị đánh dấu bởi việc thù nghịch với người khác, và sau Công đồng, việc tìm kiếm sự hợp nhất đã trở thành điều tối quan trọng hàng đầu. Công đồng đã mở đầu một thái độ mới. Những tín hữu kitô khác không còn là “dị giáo” mà bỗng thành “anh chị em chia cách của chúng ta” và bây giờ đơn thuần là “anh chị em của chúng ta”. Công đồng đã đặt cơ sở thần học cho sự thay đổi này, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định, dù sao đó không phải là yếu tố quyết định của tôi. Điều thuyết phục tôi là cuộc gặp gỡ của tôi với Canh Tân Đặc sủng và phép rửa trong Thánh Linh. Nó đã thay đổi thái độ của tôi với các tín hữu kitô và với các cộng đồng tu sĩ khác. Tôi đã nhận được ân sủng của sự hiệp nhất cùng với ân sủng của Thần Khí.

Trong mười năm, tôi ở trong nhóm phái đoàn công giáo cổ động cho việc đối thoại với các Giáo hội Ngũ tuần. Tôi cũng khám phá được sức mạnh trong tư tưởng của mục sư Martin Luther, và tôi luôn có một số sách của ngài trong tay. Điều quan trọng, trong đối thoại giữa người công giáo và tin lành là phải giải thoát mình khỏi những tranh cãi trong quá khứ. Những mâu thuẫn cũ giữa đức tin và công việc hoặc giữa Kinh thánh và Truyền thống vẫn tồn tại dưới dạng khuôn mẫu, nhưng chúng đã vượt lên từ lâu.

“Tình hình trong Giáo hội và trên thế giới đã thay đổi sâu đậm từ cuộc Cải cách. Cuộc chiến không còn ở giáo điều mà ở một con người: chúng ta có tin vào Đấng Kitô hay không.”

Chúng tôi chia sẻ nhiều điều hơn những gì chúng tôi nghĩ và tầm nhìn của chúng tôi gần nhau hơn là một số công thức được đề xuất. Chúng ta tránh để không bị kẹt trong quá khứ. Ngược lại, chúng ta phải dám tiến lên một bước, thậm chí phải đi nhanh hơn. Tình hình trong Giáo hội và trên thế giới đã thay đổi sâu đậm từ cuộc Cải cách. Cuộc chiến không còn ở giáo điều mà ở một con người: chúng ta có tin vào Đấng Kitô hay không. Tất cả tín hữu kitô ngày nay đều phải đối diện với những thách thức giống nhau và chúng ta có thể học hỏi từ những thành tựu của nhau để vượt lên. Chúng ta cũng có thể giúp nhau thanh luyện đức tin của mình, bỏ những thái quá, lạm dụng và trật đường. Chúng ta có thể giữ cho nhau đi đúng hướng.

Trong Tông huấn Hãy Vui mừng và Hân hoan, Gaudete et Exsultate về lời kêu gọi nên thánh, Đức Phanxicô mô tả các Mối Phúc là tấm thẻ căn cước của người tín hữu kitô. Cha đã viết một quyển sách Các Mối Phúc này như tám bước để có hạnh phúc. Cha có thể triển khai cho chúng tôi điều này?

Các Mối Phúc chỉ có thể hiểu được nếu chúng ta hiểu được tính cách mạng mà niềm vui và hạnh phúc Chúa Kitô đã mang lại cho chúng ta. Niềm vui và đau khổ xen kẽ trong cuộc sống như nước thủy triều lên xuống. Giữa các niềm vui của chúng ta là một nỗi cay đắng nào đó gợi lên, như nhà thơ Lucretia thời Cổ đại đã biết. Trong những gì tưởng chừng như dễ chịu, có hứa hẹn về sự vô cùng và vĩnh hằng, nhưng sau đó chúng ta thường ra về tay trắng. Nghiện ma túy và lạm dụng tình dục là những ví dụ hiển nhiên nhất. Sau những phút say sưa ngây ngất dẫn đến tự hủy hoại bản thân.

Chúa Kitô đã phá vỡ vòng luẩn quẩn này. Nhờ sự phục sinh, Ngài đã mở con đường của một hạnh phúc mới, hạnh phúc không đi trước đau khổ nhưng đi sau như hoa trái của nó. Niềm vui và hạnh phúc không còn dẫn đến đau khổ, nhưng chính là ơn và đau khổ dẫn đến niềm vui và hạnh phúc. Và đó không phải là một niềm vui thuần túy thiêng liêng, nhưng là niềm vui tổng thể, kể cả niềm vui của người nam và người nữ cho nhau, hay niềm vui được sáng tạo và sản xuất nghệ thuật, hoặc niềm vui chúng ta thấy trong nét đẹp, trong tình bạn hoặc khi chúng ta hoàn thành một nhiệm vụ, ngắn gọn, niềm vui chúng ta cảm nhận khi hoàn thành một sáng tạo, khi chúng ta đóng góp vào những điều tốt đẹp, chân chính và đẹp.

Hơn nữa, đây chỉ đơn thuần đảo ngược trật tự của lạc thú và đau khổ. Thông điệp quan trọng của Chúa Giêsu, hạnh phúc là lời nói sau cùng, đó là tình yêu chiến thắng đau khổ và cái chết, tình yêu dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng nó đã bắt đầu ngay bây giờ, trong cuộc sống của chúng ta. Hơn nữa, hạnh phúc Tin Mừng là điều ở trong tầm tay của mọi người.

Thời đại chúng ta cần các Mối Phúc và kinh Magnificat, cần các thánh biến cuộc cách mạng của Chúa Kitô thành hiện thực. Khi chúng ta mừng lễ Giáng sinh, lễ tiêu biểu cho niềm vui, chúng ta đừng quên đây không phải là niềm vui riêng của mình, nhưng là làm cho người khác hạnh phúc và không một ai bị bỏ rơi trong giá lạnh. Chúng ta tìm được hạnh phúc thực sự khi chúng ta cho người khác.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: “Giáo hội không ngại gởi chúng ta đến trường học của cái chết”

Đức Hồng y Cantalamessa: “Chúa Thánh Thần là cơ nghiệp vĩnh cửu của chúng ta”

Hồng y Cantalamessa: “Giáng sinh là điều mới lạ duy nhất dưới ánh mặt trời”

Hồng y Cantalamessa giảng Mùa Vọng năm nay ở Hội trường Phaolô VI