Đức Phanxicô ở Châu Á và Châu Đại Dương. Hồng y Tagle: các Giáo hội nhỏ có thể dạy chúng ta nhiều điều

99

Đức Phanxicô ở Châu Á và Châu Đại Dương. Hồng y Tagle: các Giáo hội nhỏ có thể dạy chúng ta nhiều điều

fides.org, Gianni Valente và Fabio Beretta, 2024-08-27

Bốn quốc gia, hai lục địa, 40.000 cây số. Máy bay của Đức Phanxicô sẽ cất cánh ngày 2 tháng 9 tại phi trường Fiumicino, bắt đầu chuyến tông du dài nhất và gian nan nhất của ngài giữa châu Á và châu Đại Dương. Nhưng ngài không đi để phá kỷ lục, theo Hồng y Luis Antonio Gokim Tagle, đây là chuyến hành hương khiêm nhường trước Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta vâng phục vì sứ mạng.

Trong một phỏng vấn với hãng tin Agenzia Fides, Hồng y giải thích vì sao chuyến đi đến các Giáo hội của “đàn chiên nhỏ” lại quan trọng với toàn thể Giáo hội hoàn vũ và là mối quan tâm của tất cả những ai nghĩ đến hòa bình thế giới.

Sắp 88 tuổi, Đức Phanxicô chuẩn bị chuyến đi dài nhất và gian khổ nhất triều của ngài. Điều gì đã thúc đẩy ngài đi chuyến đi này?

Hồng y Luis Antonio Tagle: Theo tôi nhớ thì chuyến đi này đã lên kế hoạch từ năm 2020. Tôi vừa đến Rôma nhận chức ở bộ Truyền giáo các Dân tộc, khi đó dự án này đã lên chương trình. Nhưng đại dịch Covid-19 đã làm mọi thứ dừng lại. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ngài có kế hoạch này, chứng tỏ ngài gần gũi với “các vùng ngoại vi hiện sinh”.

Thành thật mà nói, tôi ít tuổi hơn ngài nhưng tôi thấy hành trình này quá nặng nề. Với ngài, chấp nhận cố gắng này là một hành vi khiêm nhường. Đây không phải là việc thể hiện mình có khả năng. Là nhân chứng, tôi nghĩ đây là hành vi khiêm nhường trước mặt Chúa, một hành vi khiêm nhường vâng phục sứ mạng.

Một số người nói, chuyến đi này khẳng định ngài thích phương Đông và bỏ mặc phương Tây…

Ý tưởng cho rằng đi nơi này, coi thường nơi khác là ý tưởng sai lầm. Sau chuyến đi này, cuối tháng 9, ngài sẽ đi Luxembourg và Bỉ. Ngài cũng đã đi thăm nhiều nước Âu châu. Theo tôi, với những chuyến đi này, ngài muốn khuyến khích người công giáo trong mọi bối cảnh, nhất là một phần lớn nhân loại sống ở những khu vực này. Châu Á là nơi sinh sống của 2/3 dân số thế giới. Phần lớn người dân ở đây nghèo và có nhiều người nghèo rửa tội. Ngài biết có rất nhiều người nghèo ở Á châu, họ tin Chúa Giêsu và Tin Mừng dù họ ở trong cảnh chiến tranh, bách hại và xung đột.

Có người cho rằng các quốc gia Đức Phanxicô đến thăm, số lượng giáo dân rất ít so với dân số.

Trước khi bắt đầu chuyến đi, ngài nhận lời mời không chỉ từ các Giáo hội địa phương, mà còn từ chính quyền dân sự và các nhà lãnh đạo chính trị, họ xin Ngài đến quốc gia của họ. Họ mong muốn sự hiện diện của ngài, không chỉ vì đức tin mà còn vì hữu ích cho chính quyền dân sự của họ. Với họ, ngài là biểu tượng mạnh mẽ của sự chung sống trong tinh thần huynh đệ và trong việc bảo vệ Công trình Tạo dựng.

Là mục tử của Giáo hội Phi Luật Tân, đứng đầu bộ Truyền giáo, cha có kinh nghiệm gặp gỡ nào với các quốc gia và các Giáo hội Đức Phanxicô sẽ đến thăm không?

Tại Papua Tân Ghinê tôi đã đến thăm các chủng viện theo lời mời của Hồng y Ivan Dias lúc đó là bộ trưởng bộ Truyền giáo. Trong hai tháng tôi đến đây hai lần, tôi thăm các chủng viện ở Papua Tân Ghinê và quần đảo Solomon. Tôi cũng đến thăm Indonesia và Singapore, tôi chưa bao giờ đến Đông Timor nhưng tôi đã nhiều lần gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân của quốc gia này. Với tôi, châu Á là “thế giới của những thế giới khác nhau”, là người châu Á, tôi thấy đến châu Á sẽ mở trí óc và trái tim cho những điều mới mẻ, một chân trời về nhân loại, một kinh nghiệm của con người. Kitô giáo ở Á châu làm tôi ngạc nhiên. Tôi học được rất nhiều điều khôn ngoan và sáng tạo của Chúa Thánh Thần. Tôi luôn ngạc nhiên trước cách Tin Mừng thể hiện và nhập thể trong những bối cảnh khác nhau của nhân loại. Tôi hy vọng Đức Phanxicô và phái đoàn của ngài, các nhà báo sẽ có trải nghiệm về sự sáng tạo của Chúa Thánh Thần.

Những ơn ích và niềm an ủi của các cộng đồng được Đức Phanxicô đến thăm sẽ mang lại gì cho toàn thể Giáo hội?

Tại các quốc gia này, các cộng đồng kitô giáo đều thiểu số, họ là “đàn chiên nhỏ”. Nhưng ở Âu châu, tuy Giáo hội có được một vị thế văn hóa, xã hội và dân sự, nhưng ở đây chúng ta cũng có kinh nghiệm Giáo hội như một đàn chiên nhỏ. Có lẽ tốt khi nhìn Giáo hội ở các nước phương Đông để thấy chúng ta nên thế nào khi ở trong tình trạng nhỏ bé. Kinh nghiệm của các tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu thường lặp lại ở các quốc gia này. Một linh mục đến từ Nepal nói với tôi, giáo xứ của linh mục có diện tích bằng một phần ba nước Ý: linh mục chỉ có năm giáo dân sống trên lãnh thổ rộng lớn này. Chúng ta đang ở năm 2024, nhưng bối cảnh và trải nghiệm giống Sách Công vụ Tông đồ. Và các Giáo hội nhỏ ở phương Đông có thể nói cho chúng ta nhiều điều bổ ích.

Đức Phanxicô dừng chân đầu tiên ở Indonesia, quốc gia có dân số theo đạo hồi lớn nhất thế giới.

Indonesia là quốc gia quần đảo đa dạng về mặt văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế và xã hội, là quốc gia có số lượng người dân theo đạo hồi lớn nhất thế giới. Ơn lớn lao của Chúa Thánh Thần cho cộng đồng công giáo Indonesia là sự chung sống trong đa dạng. Tôi hy vọng chuyến đi này của Đức Phanxicô sẽ mang lại động lực mới cho tình huynh đệ giữa các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau.

Cha cảm nhận được dấu hiệu cụ thể nào của sự chung sống này trong những chuyến đi của cha không?

Tôi được biết mảnh đất của Đại học Công giáo ở đây là quà tặng của tổng thống đầu tiên. Một thông điệp mạnh cho thấy với người dân Indonesia, mọi người đều được xem là anh em. Tôi nhớ Ngày Giới Trẻ Á Châu, vì số lượng người công giáo ít nên có nhiều thanh niên hồi giáo làm tình nguyện viên. Hội đồng Giám mục giao cho tôi hai phụ tá người hồi giáo, họ làm  nhiệm vụ với một lòng tôn trọng Giáo hội sâu sắc.

Nước thứ hai: Papua Tân Ghinê

Giáo hội Papua Tân Ghinê là Giáo hội trẻ nhưng đã có Peter To Rot, một giáo lý viên tử đạo. Đây là nước đa văn hóa, với các bộ tộc xung đột nhau, nhưng đó là đất nước mà sự đa dạng có thể là một tài sản. Nếu chúng ta bỏ qua các định kiến, ngay cả trong các nền văn hóa bộ tộc, chúng ta có thể tìm thấy các  giá trị nhân văn gần gũi với lý tưởng kitô giáo. Nước này còn có những vùng thiên nhiên còn nguyên vẹn. Hai năm trước tôi đến dự lễ thánh hiến một nhà thờ chính tòa mới. Tôi hỏi giám mục về đất nước của ngài, ngài cho biết: “Chúng tôi có thể uống nước từ sông, nước có thể uống được”. Nhờ trí tuệ của bộ tộc, họ đã cố gắng duy trì sự hòa hợp với thiên nhiên và có thể uống nước sông. Điều mà những nước gọi là phát triển của chúng ta không còn làm được.

Nước thứ ba: Đông Timor.

Người dân Đông Timor nói đức tin vào Chúa Kitô đã nâng đỡ họ trong suốt những năm đấu tranh giành độc lập.

Điều quan trọng là Đức Phanxicô đến với Indonesia và sau đó là Đông Timor. Hai quốc gia có lịch sử được đánh dấu bằng đấu tranh và ngày nay họ có hòa bình. Một hòa bình mong manh nhưng nhờ có hai nước mà hòa bình dường như bền vững. Ở đất nước này, mối quan hệ giữa Giáo hội địa phương và chính phủ rất tốt. Chính quyền địa phương hỗ trợ các công việc giáo dục liên quan đến Giáo hội. Với tôi, Giáo hội là một trong những điểm tham chiếu của người dân trong cuộc chiến giành độc lập. Người dân ở đây cho biết, đức tin vào Chúa Kitô đã nâng đỡ họ trong suốt những năm đấu tranh giành độc lập.

Nước thứ tư: Singapore

Đây là một trong các quốc gia giàu nhất thế giới và thật đáng kinh ngạc, một dân tộc có được trình độ chuyên nghiệp và tiến bộ công nghệ chỉ trong vài năm, với nguồn lực hạn chế nhưng họ lớn mạnh nhờ vào tinh thần kỷ luật của họ. Chính phủ Singapore bảo đảm tự do tôn giáo cho các cộng đồng, không để họ bị tấn công và thiếu tôn trọng. Những hành vi xúc phạm tôn giáo sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Người dân và khách du lịch sống an toàn. Nhưng sự cân bằng là cần thiết. Lịch sử dạy chúng ta, chúng ta phải bảo đảm, áp dụng luật không được mâu thuẫn với chính những giá trị mà luật pháp bảo vệ.

Ngay cả ở những quốc gia này – đặc biệt ở Papua Tân Ghinê – công việc tông đồ được nhấn mạnh với những câu chuyện tử đạo của các nhà truyền giáo. Nhưng đôi khi công việc của các nhà truyền giáo vẫn bị xem là biểu hiện của chủ nghĩa thực dân về văn hóa và chính trị.

Ngày nay có một xu hướng và cám dỗ muốn đọc lại lịch sử, đặc biệt là lịch sử truyền giáo với khuôn mẫu văn hóa ngày nay và áp đặt quan điểm riêng của mình lên các nhà truyền giáo đã sống ở đó từ nhiều thế kỷ trước. Chúng ta nên nhìn lại bối cảnh. Các nhà truyền giáo là ơn cho Giáo hội. Họ vâng phục Chúa Kitô, Đấng đã bảo dân Ngài đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng, hứa rằng Ngài sẽ luôn ở bên họ. Đôi khi một số các nhà lãnh đạo quốc gia đưa các nhà truyền giáo đến những nơi trong quá trình thuộc địa hóa. Nhưng các nhà truyền giáo này đi truyền giáo chứ không đi để bị thực dân thao túng và lợi dụng. Nhiều linh mục, nhiều tu sĩ và giáo dân chống lại chiến lược của chính phủ và họ đã tử vì đạo.

Xin cha cho biết mối liên hệ huyền ẩn luôn kết hợp tử đạo và sứ mạng là gì?

Hai năm trước, một nghiên cứu về tự do tôn giáo đã được xuất bản. Có một sự thật hiển nhiên: ở những quốc gia bị đe dọa và bách hại, số người được rửa tội gia tăng. Ở đâu có khả năng tử đạo thực sự, đức tin sẽ lan rộng. Và ngay cả những người không phải là tín hữu, họ cũng tự hỏi: tất cả sức mạnh thúc đẩy những người này hiến mạng sống đến từ đâu? Đó là Tin Mừng đang hoạt động. Và mục tiêu của chúng tôi, cũng như của Bộ Truyền giáo, là giúp đỡ các Giáo hội địa phương, chứ không áp đặt một não trạng hay một nền văn hóa khác với văn hóa của họ.

Marta An Nguyễn dịch

Đức Phanxicô tìm gặp Linh mục Martin Prado, nhà truyền giáo Papua Tân Ghinê ở tận cùng thế giới

Vì sao Đức Phanxicô đi Châu Á và Châu Đại Dương?