Mười một năm làm giáo hoàng, về mặt lịch sử có phải là một thời gian dài không?
fr.aleteia.org, Ban biên tập, 2024-03-12
Ngày 13 tháng 3 năm 2024 kỷ niệm 11 năm bầu chọn Đức Phanxicô. Nhìn lại thời gian triều của ngài với các tiền nhiệm của ngài. Được bầu ở tuổi 76, ngài sẽ là “giáo hoàng chuyển tiếp”, dường như ngài không được dự trù để ở ngai Thánh Phêrô quá lâu. Vậy mà bây giờ ngài đã ở ghế Thánh Phêrô được 11 năm. Ngài còn rất xa mới bằng Đức Gioan-Phaolô II với 26 năm ở ngai Thánh Phêrô, nhưng Đức Gioan-Phaolô II được bầu năm ngài 58 tuổi! Triều Đức Gioan-Phaolô II dài thứ ba trong lịch sử, sau Thánh Phêrô khoảng 33 năm, và Đức Piô IX, 31 năm.
Nhưng Đức Phanxicô đã vượt bảy năm của người tiền nhiệm Bênêđictô XVI yêu quý. Mọi người thì thầm, triều của ngài chỉ thoáng qua; một giai đoạn chuyển tiếp… nhưng không ngờ nó lại kéo dài lâu như vậy. Chính ngài cũng tự trào về số tuổi của mình, năm 2014, trên chuyến bay từ Hàn quốc về Rôma, ngài nói: “Tôi biết, triều này sẽ không kéo dài lâu đâu. Hai hoặc ba năm. Rồi về Nhà Cha!” Thời gian sẽ ngắn sao? Đức Phanxicô đang đà vượt quá thời gian trung bình của các triều giáo hoàng tiền nhiệm của ngài. Kể từ thế kỷ trước, trung bình một giáo hoàng có nhiệm kỳ mười một năm mười tháng. Ngài sắp đến gần. Và nếu so sánh trung bình tuổi triều của 265 vị tiền nhiệm, thì ngài đã trên trung bình tuổi vài năm rồi. Kể từ thời Thánh Phêrô, một giáo hoàng trung bình trị vì bảy năm sáu tháng.
Giáo hoàng của Covid và mạng xã hội
Nhưng trên hết, ngài là giáo hoàng của một thế hệ mới, thế hệ của giới trẻ lớn lên giữa Covid và mạng xã hội. Từ tận cùng trái đất về Rôma, Đức Phanxicô gặp giới trẻ trong các Ngày Thế Giới Trẻ: Rio năm 2013, Krakow năm 2016, Panama năm 2019 và Lisbon năm 2023. Ngài cũng là người phải tái tạo lại việc chăm sóc mục vụ trong thời Covid, để triển khai một cách khác trong một thế giới hạn chế, sứ mệnh của Giáo hội với hàng triệu người công giáo không còn đến nhà thờ được.
Để phục vụ những người ngài được giao phó, ưu tiên hàng đầu của ngài là cho người nghèo, người di cư và người bị đàn áp, ngài đi tông du không mệt mỏi đến nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia đang có chiến tranh: Iraq, Nam Sudan hoặc Cộng hòa Trung Phi. Tháng 7 năm 2013, chuyến đi đầu tiên của ngài ra khỏi Rôma là đến đảo Lampedusa, một hòn đảo của Ý ở ngoài khơi Tunisia và là cửa ngõ vào châu Âu của hàng ngàn người di cư châu Phi.
Ngài cống hiến triều của ngài cho môi sinh, với Thông điệp Laudato si’ chăm sóc “ngôi nhà chung”. Ngài là giáo hoàng của các “vùng ngoại vi”, ra khỏi Rôma để mở cửa cho những người ở xa nhất, đến mức làm cho nhiều giáo dân khó hiểu, nhưng ngài không bao giờ quên nhiệm vụ của mình: nhiệt thành rao giảng Tin Mừng.
Marta An Nguyễn dịch