Hiển Linh theo thầy Guy Consolmagno, giám đốc Đài Thiên văn Vatican
Thầy Guy Consolmagno, tu sĩ Dòng Tên người Mỹ, giám đốc Đài quan sát Thiên văn Vatican (Specola) nói nhân dịp lễ Hiển linh chúa nhật 6 tháng 1-2024: “Một vũ trụ đầy sao đủ lớn để chứa những thứ vô hình như Chân lý và Cái đẹp.”
Vũ trụ có hàng tỷ thiên hà. | © Pixabay.
cath.ch, Anna Kurian, I.Media, 2024-01-05
Theo thầy Guy Consolmagno, việc chiêm ngưỡng các vì sao “dẫn đến một cách tự nhiên nhận thức về sự hiện hữu của Chúa”. Phỏng vấn thầy Guy Consolmagno, tu sĩ Dòng Tên, giám đốc Đài thiên văn Vatican từ năm 2015 | © catt.ch
Trong trí tưởng tượng chung, ngành thiên văn vẫn còn bí ẩn và hấp dẫn. Công việc của nhà thiên văn học ở Vatican là gì?
Thầy Guy Consolmagno. Thực sự, cuộc sống hàng ngày của tôi có vẻ khá tầm thường và nhàm chán. Tôi dành rất ít giờ để ngắm các vì sao, đa số thời gian tôi nhìn vào màn hình máy tính. Quả thực, một nửa số người làm việc tại Specola là những lý thuyết gia, những người tìm cách hiểu những gì người quan sát báo cáo cho chúng tôi bằng cách sử dụng các chương trình máy tính chi tiết.
Ngay cả những người trong chúng tôi cũng chỉ có cơ hội dùng kính thiên văn ở trên núi vài tuần một năm. Và họ không nhìn qua kính viễn vọng mà nhìn vào những hình ảnh do máy tính tạo ra từ camera của kính thiên văn. Thời gian còn lại của chúng tôi dành cho việc “đúc kết” dữ liệu, có nghĩa loại bỏ các khiếm khuyết và tạo tác cũng như trích xuất hình ảnh để có được các đối tượng đo kích thước hoặc độ sáng chính xác mà chúng tôi quan sát được.
“Niềm vui thực sự trong công việc của chúng tôi đến từ việc chia sẻ những gì chúng tôi tìm thấy với phần còn lại của cộng đồng khoa học”
Tuy nhiên, điểm chung của tất cả chúng tôi là sau đó chúng tôi viết những phát hiện của mình thành các bài báo để có thể trình bày tại các cuộc họp và đăng trên các tạp chí. Và chúng tôi cũng phải theo dõi công việc của các đồng nghiệp. Công việc thực sự – và niềm vui thực sự trong công việc của chúng tôi – đến từ việc chia sẻ những gì chúng tôi tìm thấy với phần còn lại của cộng đồng khoa học. Hơn nữa, một số người trong chúng tôi có năng khiếu làm việc này cũng rất quan tâm đến việc truyền đạt những kết quả này đến các sinh viên hoặc công chúng dưới hình thức bài giảng và sách.
Có bài học cuộc sống nào thầy học được từ việc quan sát các vì sao không?
Hầu hết chúng ta – bao gồm cả tôi – có xu hướng sống trong một thế giới rất nhỏ và phẳng, tôi ở giữa, những nơi quan trọng khác xung quanh tôi là tủ lạnh và chiếc giường của tôi! Nhưng việc nghiên cứu vũ trụ – bao gồm hành động đơn giản là đi ra ngoài vào ban đêm và nhìn lên các vì sao, với cùng những điều ngạc nhiên như khi chúng ta còn nhỏ – nhắc nhở chúng ta vũ trụ thực sự lớn hơn thế nhiều.
“Nhìn ra bên ngoài, cuối cùng bạn tự hỏi, ‘vì sao lại có thứ gì đó thay vì không có gì?’”
Một vũ trụ đầy sao đủ lớn để chứa đựng những thứ vô hình như Chân lý và Cái đẹp. Nhìn ra ngoài, hết lần này đến lần khác, cuối cùng chúng ta tự hỏi vì sao tất cả những điều này lại tồn tại, theo cách nói của Leibniz, “vì sao lại có thứ gì đó thay vì không có gì?” Việc chiêm niệm như vậy đương nhiên sẽ đưa đến một nhận thức về sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Kỷ niệm đáng quý nhất của thầy kể từ khi thầy bắt đầu là nhà thiên văn là kỷ niệm nào?
Có rất nhiều khoảnh khắc… tìm kiếm thiên thạch ở Nam Cực, nhìn thấy tác phẩm sinh viên đầu tiên của tôi được trích dẫn trên tạp chí thiên văn học nổi tiếng Sky and Telescope, lần đầu tiên nhìn thấy tinh vân Eta Carina của một đài thiên văn ở New Zealand… Nhưng có lẽ là một khoảnh khắc đặc biệt, khi tôi chợt nhận ra một trong những lý thuyết yêu thích của tôi, một ý tưởng mà tôi đã đưa ra trong một bài báo năm 1978 và được trích dẫn trong các tài liệu khoa học trong nhiều thập kỷ, thực sự (có thể) sai! Tôi cảm thấy mình như Thánh Phaolô trên đường đi Đamát.
“Điều thú vị nhất được nghe trong phòng thí nghiệm không phải là “Hoan hô, tôi đã tìm thấy nó!” mà đúng hơn là “hmm… lạ thật…”
Nhà văn Isaac Asimov, bản thân là khoa học gia đã từng nhận xét điều thú vị nhất được nghe trong phòng thí nghiệm không phải là “Hoan hô, tôi đã tìm thấy nó!” mà đúng hơn là “hmm… lạ thật…”. Nhận ra vũ trụ kỳ lạ hơn chúng ta nghĩ – không chỉ nói chung, mà còn trong trường hợp cụ thể, khi tôi có thể khám phá sâu hơn bằng quan sát hoặc tính toán – chính là mở ra cánh cửa dẫn đến một thế giới hoàn toàn mới đầy những khả năng. Không có gì thú vị hơn!
Thầy là nhà thiên văn học và là tu sĩ Dòng Tên. Đức tin và thiên văn học của thầy có tác động lẫn nhau không?
Là tu sĩ Dòng Tên chắc chắn đã thay đổi cách tôi làm khoa học. Nó nhắc nhở tôi, mục đích công việc của tôi không chỉ đơn giản là kiếm tiền hay danh vọng, hay để “khoe khoang” với các đối thủ trong lãnh vực. Đúng hơn, tôi làm điều vì niềm vui mà thiên văn học mang lại cho tôi, một niềm vui tôi nhận ra được bằng chứng về sự hiện diện của Chúa.
“Việc chiêm ngưỡng vũ trụ cho phép tôi hiểu tại sao tôi cần đức tin”
Tương tự như vậy, thiên văn học đã làm phong phú đức tin của tôi; thay vì khoa học mang lại cho tôi đức tin – thực ra, tôi đã có đức tin trước khi là khoa học gia – khoa học và chiêm nghiệm về vũ trụ cho phép tôi hiểu vì sao tôi cần đức tin. Chỉ có đức tin mới có thể mang lại ý nghĩa cho niềm vui và vẻ đẹp mà tôi trải nghiệm khi tôi hiểu được vũ trụ và cách thức hoạt động của nó.
Đài thiên văn Vatican trên núi Graham | © Jjstott / Wikimedia / CC BY-SA 3.0
Vị trí của Đài thiên văn Vatican trên trường quốc tế là gì?
Các thành viên của Đài thiên văn Vatican đóng một vai trò rất quan trọng trong thế giới thiên văn quốc tế. Tất nhiên, chúng tôi là những nhà thiên văn giỏi, học cùng trường và tham dự các cuộc họp quốc tế giống như các đồng nghiệp của chúng tôi. Trong báo cáo hàng năm, quý vị sẽ thấy hàng trăm bài báo nghiên cứu mà các thành viên của chúng tôi xuất bản hàng năm trên các tạp chí khoa học. Trong hầu hết các bài viết này, chúng tôi cộng tác với các nhà khoa học thế tục trong các viện thiên văn trên thế giới.
“Bằng cách ở Vatican, chúng tôi không cạnh tranh với các đồng nghiệp của mình”
Nhưng khi ở Vatican, chúng tôi không cạnh tranh với các đồng nghiệp để có được nguồn tài trợ hạn chế của chính phủ, và chúng tôi được Vatican khuyến khích giúp tổ chức và điều hành các cuộc họp mà các nhà khoa học khác thường không có thời gian để làm.
Vatican là thành viên của Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) và các nhà thiên văn của chúng tôi đã được bầu vào một số vị trí, gồm chủ tịch, phó chủ tịch và thư ký của nhiều bộ phận và ủy ban khác nhau. Tôi xin trích dẫn, linh mục Chris Corbally là thành viên của ủy ban thảo định nghĩa của một hành tinh mang lại cho Sao Pluton trạng thái mới, và tôi là thành viên của nhóm làm việc đặt tên cho các đặc điểm như miệng núi lửa và thung lũng trên bề mặt các hành tinh. Ngoài IAU, tôi còn được bầu làm chủ tịch bộ phận khoa học hành tinh của Hiệp hội Thiên văn Hoa Kỳ năm 2006 và chủ tịch Hiệp hội Khí tượng (nhiệm kỳ bắt đầu vào năm 2025).
“Chúng tôi thường được yêu cầu đánh giá các đề xuất của các đồng nghiệp khoa học của mình”
Chúng tôi cũng thường được mời tham gia hội đồng hoặc giữ nhiệm vụ trọng tài để đánh giá các đề xuất của các đồng nghiệp khoa học yêu cầu tài trợ nghiên cứu từ NASA, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và các cơ quan tài trợ không gian của các quốc gia khác.
Một trong những cách độc đáo mà chúng tôi đã tác động đến ngành thiên văn quốc tế là thông qua việc tổ chức các khóa học hè hai năm một lần. Kể từ năm 1986, chúng tôi đã tài trợ cho các cuộc họp mặt kéo dài bốn tuần quy tụ 25 sinh viên từ khắp nơi trên thế giới để nghiên cứu chuyên sâu về một khía cạnh của vật lý thiên văn hiện đại với một số nhà thiên văn giỏi nhất thế giới, gồm cả những nhân vật đoạt giải Nobel. Các sinh viên của các trường trước đây hiện đóng một vai trò quan trọng trong thiên văn học đương đại.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Thầy Guy Consolmagno: Làm thế nào khoa học đã mang Chúa đến gần hơn