Gặp nhà thiên văn của Vatican

425

 

Gặp nhà thiên văn của Vatican

Ngày 18 tháng 9-2015, thầy Consolmagno được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm Giám đốc Đài Thiên văn Vatican

fr.aleteia.org, Sylvain Dorient, 2017-07-22

Thầy Dòng Tên Guy Consolmagno sống trên các ngôi sao! Thầy tin chắc: Vũ trụ thật vô biên nhưng chúng ta không nhỏ dưới mắt Chúa.

Vào một đêm trăng sao, dưới vòm đài thiên văn, bên ống kính viễn vọng, người sinh viên trẻ xuất sắc “vuốt bộ râu” chưa nhuốm muối tiêu của mình… Anh xao xuyến. Vấn đề in hằn trong tâm trí anh không phải là sự trương nở của vũ trụ, không phải là các ngôi sao khổng lồ, cũng không phải bí ẩn của các “lỗ hỗng đen” nhưng là: “Tôi phục vụ gì trên Quả đất này?” “Tại sao lại bận tâm đến các Mặt trăng trên sao Jupiter khi trên Quả đất này vẫn còn có những người chết vì đói?”.

Năm 1983, băn khoăn này đủ nghiêm trọng để nhà thiên văn trẻ quyết định gác ống kính viễn vọng, một sự nghiệp sáng chói vì anh dạy học ở Đài thiên văn của đại học Harvard và MIT, nước Mỹ. Dù rất bận, anh đến Peace Corps, một tổ chức nhân đạo Mỹ để xin làm thiện nguyện viên. Anh nói với những người tuyển mộ: “Tôi sẽ đi bất cứ đâu quý vị cần tôi đi. Tôi sẽ làm tất cả những gì quý vị nói tôi làm; tôi chỉ muốn giúp người dân”. Và thế là anh đi Kenya… để dạy môn thiên văn cho các sinh viên tốt nghiệp đại học Nairobi… Và thế là không ngại ngùng đắn đo, anh cầm ống kính thiên văn lại. Năm 1991, anh khấn thầy Dòng và trở thành nhà thiên văn của Đài thiên văn Vatican.

Ai sợ sự “thinh lặng vĩnh cửu?”

Thầy Guy Consolmagno không thấy nghịch lý giữa nghề thiên văn và chức vụ tu sĩ của mình. Thầy nghĩ hai thành phần này nuôi dưỡng lẫn nhau. Dù vậy, việc nghiền ngẫm chùm đen khổng lồ lại tạo ra một nỗi băn khoăn khác, bắt đầu là với triết gia Blaise Pascal, người hãi sợ “thinh lặng vĩnh cửu của khoảng không gian vô tận”. Thầy Consolmagno nhắc lại, nhiều người biết câu băn khoăn nổi tiếng này của triết gia nhưng ít ai biết khúc sau của câu này, Pascal bảo đảm, sự hãi sợ này lại có tính cách cứu nguy: con người, giữa hai vực thẳm của vô tận và hư không, buộc phải thay đổi óc hiếu kỳ về mặt khoa học của mình thành sự thán phục và run rẫy trước các kỳ quan mà nó quan sát, và nó “sẽ có khuynh hướng chiêm ngưỡng trong thinh lặng hơn là đi tìm tòi với một thái độ tự phụ”.

Thầy Consolmagno nhìn trong chiều kích chóng mặt của Vũ trụ là hình thức giải thích quyền năng vô cùng của Đấng Tạo hóa. Và dù cho chiều kích vô biên này lớn như thế nào thì nhân loại, dù bé tí ti cũng quý giá dưới mắt Chúa!

Thầy cho biết, chỉ cần đọc thánh vịnh số 8 để hiểu câu chuyện cổ này: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?”

Theo nhà thiên văn, công trình Sáng tạo này không những lớn lao mà còn đẹp vô cùng: “Khi nhìn các ngôi sao, chúng ta chiêm ngưỡng Chúa trong sự uy nghi cao cả của Ngài”. Khoa học giúp chúng ta thấy được sự hài hòa của các chùm sao này. Thầy cho biết: “Thiên nhiên không hề hỗn độn, dù là một hiện tượng có vẻ như không lường trước được hoặc thất thường, nhưng đối với nhà thiên văn, nó lại mang đến thích thú nhiều hơn. Đức tin không hề giảm trong bối cảnh khoa học này, thầy Consolmagno tin chắc: “Ngược lại, khoa học làm khoáng rộng bối cảnh, đưa con người vào trong một câu chuyện vượt quá chính nó và mang lại ý nghĩa cho các đau khổ của thời gian hiện tại”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Thầy Dòng Tên Guy Consolmagno sống trên các ngôi sao!

Thầy Consolmagno trình cho Đức Phanxicô xem một hòn đá lấy từ Sao Hỏa

Thầy Consolmagno với các em bé mê thiên văn!